Bình đẳng giới đã trở thành một trong những mục tiêu phát triển quan trọng của các quốc gia trên thế giới, nhằm hướng tới một xã hội tiến bộ, dân chủ và văn minh. Mặc dù vậy, thực tế trong cộng đồng, xã hội vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức về bình đẳng giới khi định kiến về giới, phân biệt giới vẫn còn tồn tại trong một số lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình, vấn đề bạo lực trên cơ sở giới vẫn đang diễn ra với nhiều hình thức khác nhau.
Để góp phần giải quyết những thách thức đó, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Nghệ An cùng Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ tỉnh đã ứng dụng công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo trong tuyên truyền, phổ biến, giáo dục Luật Bình đẳng giới, nhằm tạo ra sự thay đổi tích cực và toàn diện trong nhận thức của cộng đồng.

Ông Đoàn Hồng Vũ, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Nghệ An, Phó Ban Thường trực Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ tỉnh phát biểu tham luận tại Hội nghị chuyên đề: “Thúc đẩy bình đẳng giới tăng quyền và tạo cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái”.
Đổi mới hình thức tuyên truyền
Trong thời đại 4.0, việc áp dụng công nghệ thông tin (CNTT) và trí tuệ nhân tạo đang trở thành xu hướng tất yếu trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Đặc biệt, trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, sự kết hợp giữa công nghệ hiện đại và các chương trình giáo dục truyền thống không chỉ giúp cải thiện hiệu quả mà còn mở rộng đối tượng tiếp cận một cách linh hoạt. Nghệ An, với những chính sách tiên phong, đã áp dụng CNTT và và trí tuệ nhân tạo vào công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật, đặc biệt là Luật Bình đẳng giới, Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021 - 2030, nổi bật là các chương trình đào tạo trực tuyến và hệ thống thông tin pháp luật số hóa. Các nền tảng học tập trực tuyến, được tích hợp cùng trí tuệ nhân tạo, giúp cá nhân hóa quá trình học tập, đưa ra những nội dung phù hợp với từng đối tượng. Thông qua các ứng dụng trên thiết bị di động và trang web, người dân có thể dễ dàng truy cập vào các tài liệu giáo dục về Luật Bình đẳng giới.
Ngoài ra, các chương trình mô phỏng tình huống dựa trên trí tuệ nhân tạo cũng được phát triển, giúp người dùng hiểu rõ hơn về các quy định pháp luật thông qua việc tương tác với các tình huống thực tế ảo. Các trò chơi giáo dục pháp luật về bình đẳng giới được thiết kế trên các ứng dụng công nghệ giúp thanh thiếu niên dễ dàng tiếp thu kiến thức thông qua các trải nghiệm tương tác. Điều này không chỉ khuyến khích học tập, làm cho việc học luật trở nên thú vị hơn mà còn tăng cường nhận thức xã hội về bình đẳng giới.

Ông Nguyễn Văn Nam, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Nghệ An, Phó Thường trực Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ tỉnh phát biểu tham luận tại hội nghị.
Tiêu biểu là tỉnh Nghệ An đã tổ chức thành công hội thi “tìm hiểu kiến thức pháp luật về bình đẳng giới, phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới, vì sự tiến bộ phụ nữ trong các trường đại học, cao đẳng giới, trung cấp tỉnh Nghệ An năm 2023”. Vòng thi bằng hình thức trực tuyến có trên 10.600 lượt dự thi; tại vòng thi sân khấu hoá, 10 đội tuyển cùng nhau đua tài qua 04 phần thi: Chào hỏi, Kiến thức pháp luật, Hùng biện và Tiểu phẩm trong đó, đã ứng dụng phần mềm kahood vào phần trắc nghiệm kiến thức pháp luật; qua đó đã thể hiện được sự am hiểu về Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình và kiến thức phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới… Đây là hội thi lần đầu tiên được tổ chức trên cả nước, đã tạo hiệu ứng lan toả tích cực; trong năm 2024, Sở GD&ĐT đã nhân rộng hội thi này trong các trường THPT, Trung tâm giáo dục thường xuyên trên địa bàn toàn tỉnh, thu hút 141.902 lượt học sinh tham gia, với 109/112 đơn vị tham gia Hội thi cho thấy hiệu ứng tích cực, đông đảo của giới trẻ....

Bà Lê Thị Nguyệt, Trưởng phòng Trẻ em và bình đẳng giới phát biểu tham luận tại hội nghị.
Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ tỉnh, đã tổ chức thành công 05 hội thi rung chương vàng “tìm hiểu kiến thức pháp luật về bình đẳng giới” tại 03 trường THPT và 02 trường trung cấp nghề, đã tạo được sân chơi bổ ích, góp phần tăng cường kiến thức, kỹ năng về bình đẳng giới, phòng chống bạo lực giới cho học sinh, sinh viên trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, Hội thi chính là dịp để các trường THCS, THPT, Trung cấp nghề được giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ kỹ năng nghiệp vụ trong hoạt động vì sự tiến bộ của phụ nữ, công tác bình đẳng giới tại đơn vị, trường học.
Trong lĩnh vực trẻ em, tổ chức cuộc thi tìm hiểu Luật Trẻ em bằng việc sáng tác các tác phẩm dự thi bằng hình thức làm video nhằm đổi mới, đa dạng phương pháp, cách thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; tạo sân chơi cho thế hệ trẻ thể hiện sự sáng tạo và đề xuất ý tưởng về tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trẻ em, góp phần tạo nguồn dữ liệu dồi dào, phong phú phục vụ cho công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật bằng hình thức trực quan sinh động. Từ đó, góp phần nâng cao hiểu biết, ý thức tìm hiểu, tôn trọng pháp luật, thói quen sống và làm việc theo pháp luật; tạo hiệu ứng lan tỏa, khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về trẻ em...
Sở LĐ-TB&XH tỉnh Nghệ An, Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ tỉnh đã tổ chức 08 lần tập huấn “ứng dụng công nghệ AI trong công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ cho 750 cán bộ cốt cán làm công tác bình đẳng giới của các sở, ngành, cấp huyện, xã. Ngoài ra, việc sử dụng mạng xã hội: Các nền tảng như Facebook, Zalo, Instagram, Website đã trở thành công cụ hiệu quả để phát động các chiến dịch truyền thông vào các dịp Tháng hành động vì trẻ em, tháng hành động vì bình đẳng giới, Ngày Quốc tế thiếu nhi 01/6; Ngày Gia đình Việt Nam, Tết Trung thu, Ngày thế giới phòng chống bạo lực đối với Phụ nữ và trẻ em gái... Hình thức tuyên truyền ngày càng đa dạng, phong phú, nội dung sinh động, dễ hiểu, được thiết kế phù hợp với từng nhóm đối tượng sẽ thu hút sự chú ý và tạo hiệu ứng lan tỏa trong cộng đồng, xã hội... Các nền tảng trực tuyến đã giúp cho người dân, đặc biệt là vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa có cơ hội và dễ dàng tiếp cận với thông tin pháp luật hơn.
Ông Nguyễn Văn Nam, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Nghệ An khẳng định, đối với lĩnh vực công tác bình đẳng giới và hoạt động vì sự tiến bộ phụ nữ và trí tuệ nhân tạo có khả năng đo lường ảnh hưởng của truyền thông tới nhận thức của người dân về bình đẳng giới. Đồng thời, trí tuệ nhân tạo cũng là một công cụ đắc lực trong việc nghiên cứu bối cảnh, xây dựng chiến lược, đánh giá tác động truyền thông về bình đẳng giới; sự kết hợp giữa công nghệ trí tuệ nhân tạo và các phương pháp giảng dạy truyền thống còn tạo ra một môi trường học tập năng động, nơi người học có thể tham gia tương tác với nội dung qua các hình thức mới mẻ như chatbot pháp luật, các buổi hỏi đáp trực tuyến với sự hỗ trợ từ trí tuệ nhân tạo giúp giải đáp thắc mắc một cách nhanh chóng và hiệu quả.
Có thể khẳng định, với những đổi mới, tiên phong trong công tác tuyên truyền, Luật Bình đẳng giới, Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021 - 2030 bước đầu đạt kết quả tốt, có sức lan toả mạnh mẽ trong cộng đồng và toàn xã hội, cần tiếp tục duy trì và phát huy trong thời gian tới.