/ Luật sư trực ban
/ Nghỉ làm do bị tai nạn lao động được trả lương như thế nào?

Nghỉ làm do bị tai nạn lao động được trả lương như thế nào?

02/06/2022 08:07 |

(LSVN) - Tôi không may bị tai nạn lao động và phải nghỉ làm một thời gian để điều trị, phục hồi sức khỏe. Vậy, theo quy định hiện này, trong thời gian nghỉ làm điều trị, tôi có được trả lương không và mức chi trả như thế nào? Bạn đọc M.K. có hỏi.

Chương trình quốc gia về an toàn và vệ sinh lao động đến năm 2025

Ảnh minh họa. 

Về vấn đề này, Tiến sĩ, Luật Sư Lê Ngọc Khánh, Công ty Luật TGS cho biết, đối với vấn đề tiền lương được trả cho người lao động nghỉ làm để điều trị, phục hồi sức khỏe do tai nạn lao động, khoản 3 Điều 38 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015 đã nêu rõ:

Điều 38. Trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp

Người sử dụng lao động có trách nhiệm đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp như sau:

...

3. Trả đủ tiền lương cho người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp phải nghỉ việc trong thời gian điều trị, phục hồi chức năng lao động;

Theo quy định này, người lao động bị tai nạn lao động sẽ được trả đủ tiền lương trong thời gian nghỉ điều trị, phục hồi sức khỏe. Bên cạnh đó, căn cứ hướng dẫn tại Điều 5 Thông tư 28/2021/TT-BLĐTBXH, tiền lương trả cho người lao động sẽ được xác định như sau:

Trường hợp thông thường: Tính theo mức lương bình quân của 06 tháng liền kề trước khi xảy ra tai nạn lao động.

 Thời gian làm việc, học nghề, tập nghề, thử việc, tập sự không đủ 06 tháng: Tính theo mức lương bình quân của các tháng trước liền kề thời điểm xảy ra tai nạn lao động.

Trong đó, mức lương tháng của từng đối tượng được xác định như sau:

(i) Cán bộ, công chức, viên chức, công an, bộ đội: Tiền lương tháng = Tiền lương cấp bậc, chức vụ + Các khoản phụ cấp (nếu có) liên quan đến tiền lương;

(ii) Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động: Tiền lương tháng = Mức lương + Phụ cấp lương + Các khoản bổ sung khác đã xác định trong hợp đồng lao động;

(iii) Người học nghề, tập nghề: Tiền lương tháng = Tiền lương học nghề, tập nghề đã thỏa thuận;

(iv) Công chức, viên chức trong thời gian tập sự: Tiền lương tháng = Tiền lương tập sự;

(v) Người lao động đang thử việc: Tiền lương tháng = Tiền lương thử việc.

Ngoài ra, theo khoản 2 Điều 38 Luật An toàn, vệ sinh lao động năm 2015, người sử dụng lao động có trách nhiệm thanh toán các chi phí y tế từ khi sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị ổn định cho người bị tai nạn lao động.

PV

Nghỉ việc trong thời gian thử việc có phải báo trước?

Lê Minh Hoàng