/ Tư vấn
/ Nghĩa vụ của doanh nghiệp khi hết hạn hợp đồng lao động

Nghĩa vụ của doanh nghiệp khi hết hạn hợp đồng lao động

01/07/2021 04:07 |

(LSVN) - Tôi có 05 năm làm việc ở Công ty A nhưng hiện nay đã nghỉ. Tuy nhiên, Công ty A vẫn không ra quyết định chấm dứt hay thanh lý hợp đồng lao động với tôi vì cho rằng tôi còn công nợ với họ. Công ty A đã ra thông báo ngừng đóng BHXH nhưng lại không chịu trả sổ BHXH cho tôi. Vậy, trong trường hợp này Công ty A giữ sổ BHXH của tôi có đúng không và làm cách nào để tôi lấy lại sổ? Bạn đọc H.H.N hỏi.

Ảnh minh họa.

Tại khoản 1 Điều 48 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định: "Trong thời hạn 14 ngày làm việc kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, hai bên có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản tiền có liên quan đến quyền lợi của mỗi bên, trừ trường hợp sau đây có thể kéo dài nhưng không được quá 30 ngày: a) Người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động; b) Người sử dụng lao động thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế; c) Chia, tách, hợp nhất, sáp nhập; bán, cho thuê, chuyển đổi loại hình doanh nghiệp; chuyển nhượng quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã; d) Do thiên tai, hỏa hoạn, địch họa hoặc dịch bệnh nguy hiểm".

Trong trường hợp của bạn, mặc dù công ty chưa có quyết định cho bạn thôi việc, chưa thanh lý hợp đồng lao động nhưng thực tế bạn đã nghỉ việc (không tiếp tục làm việc cho công ty). Công ty cũng đã tạm dừng đóng BHXH cho bạn. Do đó, thực tế các bên đã chấm dứt thực hiện hợp đồng lao động. Theo quy định tại khoản 1 Điều 48 Bộ luật Lao động năm 2019 thì trong thời hạn 14 ngày làm việc (và tối đa là 30 ngày), kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, bạn và công ty có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản tiền có liên quan đến quyền lợi của mỗi bên.

Tại khoản 3 Điều 48 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định khi chấm dứt hợp đồng lao động thì người sử dụng lao động có trách nhiệm sau đây: "a) Hoàn thành thủ tục xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và trả lại cùng với bản chính giấy tờ khác nếu người sử dụng lao động đã giữ của người lao động; b) Cung cấp bản sao các tài liệu liên quan đến quá trình làm việc của người lao động nếu người lao động có yêu cầu. Chi phí sao, gửi tài liệu do người sử dụng lao động trả".

Tại khoản 5 Điều 21 Luật Bảo hiểm Xã hội năm 2014 cũng quy định người sử dụng lao động có trách nhiệm: "Phối hợp với cơ quan bảo hiểm xã hội trả sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động, xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội khi người lao động chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc theo quy định của pháp luật".

Mặt khác, khoản 2 Điều 18 và khoản 3 Điều 19 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định người lao động có quyền và trách nhiệm: “Được cấp và quản lý sổ bảo hiểm xã hội” và “Bảo quản sổ bảo hiểm xã hội.” Đồng thời, tại khoản 1 Điều 50 Quy trình thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; cấp sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế (ban hành kèm theo Quyết định số 595/QĐ-BHXH ngày 14/4/2017 của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam) cũng quy định người tham gia BHXH có trách nhiệm “tự bảo quản sổ BHXH, thẻ BHYT”. Theo các quy định này thì người sử dụng lao động không được quyền giữ Sổ BHXH của người lao động.

Theo các quy định nêu trên, việc công ty lấy lý do bạn còn công nợ với công ty để không trả Sổ BHXH cho bạn là không đúng quy định của pháp luật. Do đó, bạn có quyền làm đơn khiếu nại đến công ty, Chánh Thanh tra Sở LĐ-TB&XH nơi doanh nghiệp có trụ sở hoặc khởi kiện tại Toà án, để yêu cầu giải quyết vụ việc, bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp cho bạn theo quy định của pháp luật.

Thạc sĩ, Luật sư NGUYỄN ĐỨC HÙNG

Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH TGS, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội. 

Đủ điều kiện nghỉ hưu có được nhận trợ cấp thất nghiệp không?

Lê Minh Hoàng