Chính phủ ban hành Nghị định 156/2024/NĐ-CP quy định về đấu giá biển số xe. Nghị định 156/2024/NĐ-CP quy định biển số xe đưa ra đấu giá là biển số xe ô tô, xe mô tô, xe gắn máy được quy định tại điểm c và điểm d khoản 2 Điều 36 của Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ năm 2024.
Theo đó, Bộ trưởng Bộ Công an quyết định số lượng biển số xe đưa ra đấu giá tại mỗi phiên đấu giá, bao gồm biển số xe của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đang trong Hệ thống đăng ký, quản lý xe của Bộ Công an và bổ sung số lượng biển số xe cho Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong trường hợp hết biển số xe để đăng ký khi chưa đến phiên đấu giá tiếp theo.

Ảnh minh họa.
Nghị định số 156/2024/NĐ-CP quy định hình thức đấu giá biển số xe là đấu giá trực tuyến. Phương thức đấu giá là phương thức trả giá lên. Giá khởi điểm của một biển số xe ô tô đưa ra đấu giá là 40 triệu đồng, 03 năm tăng một lần tính từ ngày 01/01/2025, mỗi lần tăng 05 triệu đồng.
Giá khởi điểm của một biển số xe mô tô, xe gắn máy đưa ra đấu giá là 05 triệu đồng, 03 năm tăng một lần tính từ ngày 01/01/2025, mỗi lần tăng 01 triệu đồng.
Giá khởi điểm của biển số xe có định dạng AAAAA (A>4), ABCDE ( A < B < C < D < E, A>4) đưa ra đấu giá lại sau lần thứ hai là 500 triệu đồng đối với biển số xe ô tô và 50 triệu đồng đối với biển số xe mô tô, xe gắn máy.
Nghị định 156/2024/NĐ-CP quy định, tiền đặt trước bằng giá khởi điểm của một biển số xe đưa ra đấu giá. Tiền đặt trước được gửi vào một tài khoản thanh toán riêng của tổ chức hành nghề đấu giá tài sản mở tại ngân hàng kể từ ngày niêm yết việc đấu giá tài sản đến trước ngày mở cuộc đấu giá 02 ngày. Trường hợp trúng đấu giá, tiền đặt trước được chuyển vào tài khoản chuyên thu của Bộ Công an để nộp vào ngân sách nhà nước theo quy định.
Bước giá đối với đấu giá biển số xe ô tô là 05 triệu đồng; đối với đấu giá biển số xe mô tô, xe gắn máy là 500 nghìn đồng.
Ngoài ra, cũng theo Điều 15 Nghị định 156/2024/NĐ-CP, tổ chức hành nghề đấu giá tài sản, đấu giá viên buộc phải dừng cuộc đấu giá trong các trường hợp:
- Bộ Công an yêu cầu tổ chức hành nghề đấu giá tài sản dừng việc tổ chức đấu giá khi có căn cứ cho rằng tổ chức hành nghề đấu giá tài sản hoặc đấu giá viên có hành vi vi phạm chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp đấu giá viên và các quy định khác trong Quy chế đấu giá;
- Sự kiện bất khả kháng.
Bộ Công an quyết định việc thực hiện tổ chức đấu giá lại sau khi đáp ứng đủ điều kiện tổ chức đấu giá theo quy định tại khoản 2 Điều 9 Nghị định này và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Các trường hợp bị truất quyền tham gia đấu giá gồm:
- Cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật; sử dụng giấy tờ giả mạo để đăng ký tham gia đấu giá, tham gia cuộc đấu giá;
- Thông đồng, móc nối với đấu giá viên, tổ chức hành nghề đấu giá tài sản, người có tài sản đấu giá, người tham gia đấu giá khác, cá nhân, tổ chức khác để dìm giá, làm sai lệch kết quả đấu giá tài sản;
- Cản trở hoạt động đấu giá tài sản, có hành vi sử dụng phần mềm tác động đến quá trình đấu giá hoặc kết quả cuộc đấu giá; gây nhiễu loạn cuộc đấu giá;
- Đe dọa, cưỡng ép đấu giá viên, người tham gia đấu giá khác nhằm làm sai lệch kết quả đấu giá tài sản;
- Các hành vi bị nghiêm cấm khác theo quy định của pháp luật.
Nghị định 156/2024/NĐ-CP nêu rõ, trường hợp vi phạm quy định trên, tổ chức hành nghề đấu giá tài sản báo cáo Bộ Công an dừng công nhận hoặc hủy kết quả đấu giá, chuyển cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định.
Trong thời hạn 01 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc đấu giá, tổ chức hành nghề đấu giá tài sản phải công khai niêm yết trên Trang thông tin đấu giá trực tuyến kết quả đấu giá biển số xe.
Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc đấu giá, tổ chức hành nghề đấu giá tài sản phải chuyển kết quả đấu giá, biên bản đấu giá, danh sách người trúng đấu giá bằng văn bản điện tử đồng thời chuyển tiền đặt trước cho Bộ Công an để phê duyệt kết quả trúng đấu giá và hoàn thiện các thủ tục liên quan.