/ Góc nhìn
/ Nghiêm cấm việc dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường của giáo viên

Nghiêm cấm việc dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường của giáo viên

31/10/2024 14:29 |

(LSVN) - Để chấn chỉnh tình trạng dạy thêm, học thêm trái quy định, có dấu hiệu biến tướng và tiêu cực như hiện nay, tác giả cho rằng cần nghiêm cấm việc dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường của giáo viên.

Mới đây, nhằm chấn chỉnh tình trạng dạy thêm, học thêm trái quy định ở các trường học trên địa bàn, Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Ba Đình (Hà Nội) đã yêu cầu các trường rà soát, xử lý, kiểm điểm những trường hợp giáo viên tổ chức dạy thêm trái quy định. Hiệu trưởng nhà trường sẽ phải chịu trách nhiệm trước Phòng Giáo dục và Đào tạo về các trường hợp vi phạm.

Bên cạnh đó, nhà trường có cán bộ, giáo viên vi phạm quy định về dạy thêm, học thêm sẽ không xét danh hiệu thi đua trong năm học. Chỉ đạo này của Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Ba Đình nhận được sự đồng tình của đa số dư luận.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Đây chỉ là chỉ đạo của Phòng Giáo dục và Đào tạo của một quận, còn các địa phương trên cả nước liệu có thực hiện theo cách này hay không? Bản thân giáo viên, phụ huynh và học sinh có đồng tình về việc này hay không?

Chúng ta không thể phủ nhận vai trò của việc dạy thêm, học thêm mang lại, đó là giúp học sinh củng cố, nâng cao kiến thức. Bên cạnh đó, việc dạy thêm, học thêm đã góp phần nâng cao chất lượng giáo dục,... và ở góc độ nào đó thì việc dạy thêm, học thêm là sự tự nguyện và là nhu cầu của học sinh, phụ huynh và giáo viên theo đúng quy luật cung – cầu.

Tuy nhiên trên thực tế, việc dạy thêm, học thêm đã phát sinh những vấn đề bất cập, tiêu cực cần có biện pháp chấn chỉnh, đó là sự không trung thực của giáo viên trong việc dạy học ở nhà trường và dạy thêm ở nhà như: Dạy trên lớp thì theo giáo trình, dạy ở nhà thì nâng cao hoặc học sinh bắt buộc đi học thêm mới đủ kiến thức để làm bài kiểm tra, bài thi; học sinh sẽ bị làm khó nếu không học thêm môn học mà giáo viên đứng lớp, nên nhiều học sinh phải thay đổi giáo viên dạy thêm thường xuyên.

Đồng thời, việc dạy thêm, học thêm ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe học sinh do phải "nhồi nhét" quá nhiều kiến thức, không có thời gian vui chơi, giải trí, ảnh hưởng đến tâm sinh lý các em...; nguồn thu nhập của giáo viên từ việc dạy thêm không được kiểm soát, chất lượng dạy thêm, học thêm chưa được đánh giá đầy đủ,...

Công tác quản lý dạy thêm, học thêm chưa chặt chẽ như chưa quản lý đầy đủ chương trình dạy học và mức thu học phí của việc dạy thêm, học thêm; việc dạy thêm, học thêm dẫn đến không công bằng đối với các học sinh không có điều kiện đi học và sẽ tạo gánh nặng về chi phí cho phụ huynh. Đồng thời, tạo ra sự bất bình đẳng về mức thu nhập giữa các giáo viên dạy các môn học mà học sinh có nhu cầu học thêm và các môn học học sinh không có nhu cầu học thêm.

Để khắc phục bất cập trên, theo tác giả cần nghiêm cấm việc dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường của giáo viên, nếu thật sự cần thiết thì tổ chức dạy thêm, học thêm trong nhà trường. Mặt khác, giáo trình, bài giảng của giáo viên phải được kiểm tra và phê duyệt của Hiệu trưởng nhà trường thì mới tổ chức dạy thêm nhằm ngăn chặn việc lôi kéo học sinh với những bài dạy thêm mà chỉ có học thêm mới làm được bài kiểm tra, bài thi. Bên cạnh đó, cần tăng cường quản lý, kiểm soát giờ giấc học tập của học sinh, tạo điều kiện cho học sinh có quỹ thời gian vui chơi, giải trí để có thể tiếp thu các kỹ năng sống khác ngoài việc học văn hóa.

Ngoài ra, cần xem xét quy định hoạt động dạy thêm, học thêm là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Khi dạy thêm, học thêm được quy định là ngành nghề kinh doanh có điều kiện thì cá nhân, tổ chức khi muốn đầu tư kinh doanh hay tham gia thị trường dạy thêm, học thêm phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện kinh doanh trước khi tiến hành kinh doanh.

Các điều kiện kinh doanh như yêu cầu về người dạy học thêm, yêu cầu đối với cá nhân, tổ chức tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm; yêu cầu cơ sở vật chất, thiết bị, mức thu học phí; đóng thuế; tài liệu, chương trình dạy thêm... sẽ được quy định cụ thể để quản lý chặt chẽ, công khai và minh bạch hơn. Khi có quy định hoạt động dạy thêm, học thêm là ngành nghề kinh doanh có điều kiện thì phải có các chế tài xử lý vi phạm đủ mạnh kèm theo để xử lý; đồng thời, hoạt động này phải chịu sự kiểm tra, thanh tra, giám sát thường xuyên của lực lượng chức năng nhằm góp phần ngăn chặn sự lạm dụng, biến tướng, tiêu cực của hoạt động dạy thêm, học thêm.

Hiện nay, dự thảo Luật Nhà giáo đang được Quốc hội tham gia ý kiến, do đó, cần phải xem xét, bổ sung hoạt động dạy thêm, học thêm là ngành nghề kinh doanh có điều kiện để tăng cường các biện pháp quản lý; đồng thời, chấn chỉnh tình trạng dạy thêm, học thêm trái quy định, có dấu hiệu biến tướng và tiêu cực như hiện nay.

Luật gia ĐỖ VĂN NHÂN
Sở Tư pháp Kon Tum

Các tin khác