/ Luật sư - Bạn đọc
/ Thiệt mạng do lưới điện - Trách nhiệm thuộc về ai?

Thiệt mạng do lưới điện - Trách nhiệm thuộc về ai?

05/10/2021 07:21 |

(LSVN) - Người nào lắp các thiết bị điện hoặc thi công đường điện không bảo đảm an toàn hoặc các hành vi khác gây mất an toàn vận hành công trình điện lực dẫn đến hậu quả chết 02 người thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Vi phạm quy định về an toàn vận hành công trình điện lực” được quy định tại Điều 314 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 với mức phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 07 năm.

Mới đây, trên cánh đồng thôn Nghĩa ở tỉnh Hải Dương, người dân phát hiện 2 người đàn ông chết bất thường cạnh máy gặt lúa đang nổ máy. Ngay khi nhận tin báo, lực lượng chức năng đã có mặt phong tỏa hiện trường, xác định ở phía trên của máy gặt có đường dây cáp viễn thông và đường dây điện thuộc đường điện 35 kV bị chùng xuống. Quá trình khám nghiệm tử thi cho thấy trên cơ thể các nạn nhân có vết cháy than hóa ở tay, tuột da tay.

Trước sự việc trên, nhiều người dân trong khu vực rất lo lắng, đồng thời cũng đặt ra câu hỏi ai sẽ là người chịu trách nhiệm cho cái chết của hai người đàn ông này.

Trách nhiệm thuộc về ai?

Về vấn đề này, Chuyên gia pháp lý Nguyễn Đức Hùng, Công ty Luật TNHH TGS cho biết, theo quy định thì người nào lắp các thiết bị điện hoặc thi công đường điện không bảo đảm an toàn hoặc các hành vi khác gây mất an toàn vận hành công trình điện lực dẫn đến hậu quả chết 02 người thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Vi phạm quy định về an toàn vận hành công trình điện lực” được quy định tại Điều 314 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 với mức phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 07 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Do đó, cần xác định rõ người nào lắp đặt, thi công đường dây gây hậu quả chết người thì người đó phải chịu trách nhiệm, không thể đổ lỗi cho người dân vì cơ quan điện lực là đơn vị/người bán điện, có đội ngũ, có kiến thức, có điều kiện năng lực, hằng năm kiểm tra công tác an toàn lưới điện sẽ biết được khu vực nào an toàn hay không để cảnh báo hoặc thông báo chính quyền địa phương. Còn chính quyền địa phương quản lý hành chính chung, không thể thấy những việc không an toàn cho dân mà không xử lý, khi hậu quả xảy ra lại nói không quản lý hết được.

Vì vậy, trong vụ việc nên trên cần xem xét đến trách nhiệm của cơ quan điện lực về công tác quản lý vận hành điện. Cá nhân nhân viên, cán bộ được phân công phụ trách, quản lý dây cáp trên tuyến đường truyền điện hoặc thi công tuyến đường này là những người phải bị khởi tố vì đã có dấu hiệu thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Ngoài ra, pháp nhân (công ty điện lực) cũng phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại về dân sự (tính mạng, sức khỏe) cho gia đình nạn nhân theo quy định tại Điều 591 và Điều 601 Bộ luật Dân sự 2015. Tùy vào kết quả điều tra, những cá nhân được giao phụ trách bảo quản, quan sát, sửa chữa, kiểm soát tuyến đường truyền này có thể chịu thêm trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Bồi thường như thế nào?

Ông Nguyễn Đức Hùng cho biết, theo quy định tại khoản 3 Điều 584 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về căn cứ xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại: “Trường hợp tài sản gây thiệt hại thì chủ sở hữu, người chiếm hữu tài sản phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp thiệt hại phát sinh theo quy định tại khoản 2 Điều này”.

Theo đó, trong trường hợp này nếu xác minh được lỗi là của cơ quan điện lực thì cơ quan này phải có trách nhiệm bồi thường dựa trên nguyên tắc: “Thiệt hại thực tế phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Các bên có thể thỏa thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Người chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại có thể được giảm mức bồi thường nếu không có lỗi hoặc có lỗi vô ý và thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế của mình”.

Tuy nhiên, không phải trong trường hợp nào cũng được bồi thường. Nếu khi bên bị thiệt hại có lỗi trong việc gây thiệt hại thì không được bồi thường phần thiệt hại do lỗi của mình gây ra. Bên có quyền, lợi ích bị xâm phạm không được bồi thường nếu thiệt hại xảy ra do không áp dụng các biện pháp cần thiết, hợp lý để ngăn chặn, hạn chế thiệt hại cho chính mình.

Như vậy, người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp tính mạng của người khác bị xâm phạm phải bồi thường “thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm theo quy định tại Điều 590 của Bộ luật Dân sự năm 2015; Chi phí hợp lý cho việc mai táng; Tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng; Thiệt hại khác do luật quy định” và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại, nếu không có những người này thì người mà người bị thiệt hại đã trực tiếp nuôi dưỡng, người đã trực tiếp nuôi dưỡng người bị thiệt hại được hưởng khoản tiền này.

Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có tính mạng bị xâm phạm không quá một trăm lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định. Do đó, khi người đàn ông gạt lúa bị điện giật chết thì cơ quan điện lực vấn phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra, kể cả khi không có lỗi, trừ trường thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại và thiệt hại xảy ra trong trường hợp bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Qua sự việc nêu trên, để giảm thiểu các trường hợp người dân bị điện giật, ông Hùng cho rằng các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Uỷ ban nhân dân các cấp, đơn vị điện lực trong phạm vi trách nhiệm của mình phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng và trường học tổ chức phổ biến, giáo dục và hướng dẫn nhân dân sử dụng điện an toàn, tiết kiệm, hiệu quả và chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật về điện lực. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên trong phạm vi trách nhiệm của mình phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động điện lực và sử dụng điện tuyên truyền, vận động nhân dân sử dụng điện an toàn, tiết kiệm, hiệu quả và chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật về điện lực.

Việc thiết kế, chế tạo thiết bị, xây dựng công trình điện lực phải thực hiện theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật hoặc tiêu chuẩn nước ngoài, quốc tế được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép áp dụng tại Việt Nam và phải đảm bảo các yêu cầu: “An toàn về điện; An toàn về xây dựng; An toàn về công nghệ sử dụng nguồn năng lượng sơ cấp (thủy năng, than, dầu mỏ, khí đốt thiên nhiên và các dạng năng lượng khác); An toàn về phòng, chống cháy nổ; Các quy định về bảo vệ môi trường”. Các thiết bị điện, dụng cụ điện mới sản xuất trong nước hoặc nhập khẩu phải có chứng chỉ chất lượng hoặc có nhãn hiệu hàng hóa, đăng ký chất lượng phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và các quy định khác có liên quan của pháp luật; phải có bản hướng dẫn sử dụng kèm theo về các thông số kỹ thuật, tính năng, tác dụng cũng như các điều khác cần lưu ý để hướng dẫn người sử dụng phòng tránh sự cố và tai nạn điện theo quy định tại Điều 3 Nghị định 14/2014/NĐ-CP hướng dẫn Luật Điện lực về an toàn điện. 

Đặc biệt, pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, vi phạm hình sự trong lĩnh vực này cần được sửa đổi theo hướng tăng nặng trách nhiệm hành chính, trách nhiệm hình sự đối với cá nhân, cơ quan tổ chức vi phạm theo quy định của pháp luật.

PHƯƠNG THẢO

Lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong đại dịch Covid-19

Nguyễn Mỹ Linh