/ Luật sư - Bạn đọc
/ Người dân đóng phạt vi phạm giao thông thế nào thì đúng quy định pháp luật qua góc nhìn Luật sư?

Người dân đóng phạt vi phạm giao thông thế nào thì đúng quy định pháp luật qua góc nhìn Luật sư?

01/09/2024 17:30 |

(LSVN) - Những trường hợp bị ra quyết định xử phạt vi phạm giao thông ngoài nộp tiền qua ngân hàng thương mại nơi Kho bạc Nhà nước mở tài khoản hay dịch vụ bưu chính công ích, nộp trực tiếp cho người có thẩm quyền xử phạt theo quy định thì còn được khuyến khích nộp phạt qua Cổng dịch vụ công quốc gia để thuận tiện hơn.

Có thể thấy, việc nộp phạt theo cách truyền thống gặp nhiều khó khăn và bất tiện cho người dân, do phải đi lại nhiều lần, chờ đợi, mất thời gian và chi phí.

Thời gian qua, nhằm giúp người dân có thể tra cứu, thanh toán vi phạm giao thông một cách nhanh chóng, tiện lợi và an toàn, Bộ Công an cũng đã áp dụng luật vào thực tiễn, nhằm giúp người dân có thể tra cứu, thanh toán vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ qua Cổng dịch vụ công quốc gia (dichvucong.gov.vn) và của Bộ Công an (dichvucong.bocongan.gov.vn).

Có thể thấy việc nộp phạt online này đã giảm áp lực công việc cho cán bộ xử lý vi phạm cũng như thuận tiện hơn cho người dân, đặc biệt những người ở xa. Tuy nhiên, đâu đó vẫn có một số người dân chưa nắm rõ hết quy định, kèm theo sự “tắc trách” của một số cán bộ CSGT khiến họ phải chạy ngược, chạy xuôi đi nộp phạt để được nhận lại giấy tờ.

Đơn cử mới đây, anh V.T.N (trú huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh), đến Đội xử lý vi phạm do Trung tá Nguyễn Xuân Mạnh làm đội trưởng, thuộc Phòng CSGT Công an tỉnh Hà Tĩnh để nộp phạt hành vi điều khiển phương tiện nhưng làm rơi vãi vật liệu xuống đường với mức phạt 3 triệu đồng. Tuy nhiên, Trung tá Võ Thị Thanh Trà (cán bộ đội xử lý) yêu cầu anh N. phải mang theo quyết định xử phạt ra trụ sở ngân hàng để đóng phạt và nộp tiền lãi nộp chậm (0.05% trên 1 ngày) theo quy định.

Trung tá Võ Thị Thanh Trà (cán bộ đội xử lý) yêu cầu anh N. phải mang theo quyết định xử phạt ra trụ sở ngân hàng để đóng phạt và nộp tiền lãi nộp chậm thay vì hướng dẫn nộp qua Cổng dịch vụ công quốc gia. 

Lúc này, anh N. cho hay do ở xa nên việc đi lại khó khăn, xin được nộp phạt qua Cổng dịch vụ công quốc gia để thuận tiện hơn thì cán bộ Trà vẫn yêu cầu ra ngân hàng để đóng lãi nộp chậm. Anh N. tiếp tục chạy qua ngân hàng thì được biết đã đóng phạt trên Cổng dịch vụ công quốc gia, tức đã hoàn thành nghĩa vụ đóng phạt về tài khoản của Kho bạc nhà nước. Lúc này, anh N. lại quay về Phòng CSGT gặp cán bộ Trà.

Tại đây, anh N. và anh Đ. (người đi cùng), đã cung cấp biên lai giao dịch đóng phạt 3 triệu đồng qua tài khoản trên Cổng dịch vụ công quốc gia và yêu cầu Trung tá Trà thực hiện đúng chức năng nhiệm vụ, làm thủ tục trả lại giấy phép lái xe cho người vi phạm. Ngay sau đó, anh N. được nhận lại giấy tờ mà không phải đóng phí nộp chậm tương ứng khoảng 1 triệu đồng.

Có thể thấy, việc người dân cần nắm rõ các quy định về việc thực hiện nghĩa vụ nộp phạt hành chính rất quan trọng, nhằm giúp cho chính bản thân họ cũng như giảm bớt chi phí, công sức đi lại. Ngoài ra, các cán bộ phụ trách xử lý vi phạm cũng cần hướng dẫn người dân theo hướng có lợi cho người dân, theo chỉ đạo của Bộ công an về việc rút ngắn các thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho nhân dân, giảm tải áp lực cho chính cán bộ, chiến sĩ thực hiện nhiệm vụ tại chỗ.

Người vi phạm sau khi nộp tiền phạt qua Cổng dịch vụ công quốc gia liền được nhận lại giấy tờ theo quy định mà không cần đóng lãi nộp chậm. 

Từ các quy định của pháp luật, Phóng viên Tạp chí Luật sư Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật để có góc nhìn, thực tiễn đa chiều dựa trên quy định của pháp luật.

Theo Luật sư Bình, tại Nghị định số 118/2021/NĐ-CP ngày 23 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ, quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định, người dân sau khi bị ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông có thể thực hiện nộp phạt qua các hình thức sau:

- Nộp tiền mặt trực tiếp tại Kho bạc Nhà nước hoặc tại ngân hàng thương mại nơi Kho bạc nhà nước mở tài khoản được ghi trong quyết định xử phạt;

- Chuyển khoản vào tài khoản của Kho bạc nhà nước được ghi trong quyết định xử phạt thông qua Cổng Dịch vụ công Quốc gia hoặc dịch vụ thanh toán điện tử của ngân hàng hoặc tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán;

- Nộp phạt trực tiếp cho người có thẩm quyền xử phạt nếu rơi vào các trường hợp tại mục (1) hoặc nộp trực tiếp cho cảng vụ hoặc đại diện cảng vụ hàng không đối với trường hợp người bị xử phạt là hành khách quá cảnh qua lãnh thổ Việt Nam để thực hiện chuyến bay quốc tế xuất phát từ lãnh thổ Việt Nam; thành viên tổ bay làm nhiệm vụ trên chuyến bay quá cảnh qua lãnh thổ Việt Nam; thành viên tổ bay của hãng hàng không nước ngoài thực hiện chuyến bay quốc tế xuất phát từ lãnh thổ Việt Nam;

- Nộp vào Kho bạc nhà nước thông qua dịch vụ bưu chính công ích (Bưu điện,…).

Những hình thức trên giúp đảm bảo tính tiện lợi và hiệu quả trong việc thực hiện nghĩa vụ nộp phạt của người dân.

Đối với việc người vi phạm đóng phạt bằng các hình thức, cụ thể tại ngân hàng nơi Kho bạc mở tài khoản thì sẽ tính phí nộp chậm theo quy định 0,05%. Song, việc thực hiện nộp phạt trên Cổng dịch vụ công quốc gia lại không tính khoản phí này? Theo Luật sư, việc người vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông phải nộp phạt tại ngân hàng nơi Kho bạc Nhà nước mở tài khoản có thể phát sinh phí nộp chậm (lãi suất chậm nộp) 0,05%/ngày đối với số tiền chậm nộp theo quy định. Điều này được quy định tại Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn. Tuy nhiên, khi người vi phạm lựa chọn nộp phạt qua Cổng dịch vụ công quốc gia, họ thường không phải chịu các khoản phí như phí nộp chậm này. Lý do cho sự khác biệt này có thể được giải thích như sau:

Tính chất của khoản phí nộp chậm:

Phí nộp chậm 0,05%/ngày là một hình thức "lãi" áp dụng đối với trường hợp người vi phạm không nộp phạt đúng hạn. Đây là mức phí phạt được quy định nhằm đảm bảo người vi phạm thực hiện nghĩa vụ tài chính đúng thời hạn.

Khi nộp phạt trực tiếp tại ngân hàng (nơi Kho bạc mở tài khoản), có những trường hợp người dân không nộp ngay trong ngày được yêu cầu, dẫn đến phát sinh khoản phí này nếu thời gian nộp chậm.

Cổng dịch vụ công quốc gia là một kênh nộp phạt tiện lợi:

Nộp phạt qua Cổng dịch vụ công quốc gia là một kênh giao dịch trực tuyến do nhà nước vận hành, được tích hợp với hệ thống thu thuế và xử phạt. Do hệ thống này được xây dựng với mục đích tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân và giảm thiểu việc chậm trễ trong quá trình xử lý giao dịch, việc nộp phạt qua đây thường không phát sinh phí nộp chậm, nếu được thực hiện đúng thời gian yêu cầu.

Thực tế, khi sử dụng Cổng dịch vụ công quốc gia, người vi phạm có thể thực hiện nộp phạt nhanh chóng và tránh được rủi ro phát sinh các chi phí chậm trễ vì hệ thống này liên kết trực tiếp với các cơ quan thu nhận, giúp quá trình thanh toán được xử lý ngay lập tức.

Cơ chế thu phí khác biệt giữa các hình thức nộp phạt:

Khi nộp phạt tại ngân hàng hoặc Kho bạc, thời gian xử lý giao dịch có thể bị kéo dài, và nếu có sự chậm trễ trong quá trình nộp tiền (dù do người nộp hay hệ thống), khoản phí chậm nộp sẽ phát sinh.

Trong khi đó, hệ thống của Cổng dịch vụ công quốc gia được thiết kế để xử lý giao dịch tức thời, giảm thiểu các rủi ro về thời gian xử lý, do đó không tính phí nộp chậm.

Tại một trụ sở khác, Công an thành phố Hà Tĩnh treo paner hướng dẫn người dân tra cứu, nộp phạt qua Cổng dịch vụ công quốc gia. 

Tóm lại, sự khác biệt về việc tính phí nộp chậm giữa nộp phạt qua ngân hàng và qua Cổng dịch vụ công quốc gia nằm ở quy trình xử lý và thời gian thanh toán, nhằm khuyến khích người dân sử dụng các dịch vụ công trực tuyến để thực hiện nghĩa vụ tài chính một cách nhanh chóng và hiệu quả hơn.

Song, Luật sư Bình cho hay, dù nộp qua ngân hàng, kho bạc hay qua Cổng dịch vụ công quốc gia, chỉ cần người vi phạm hoàn thành nghĩa vụ nộp phạt theo quy định thì cơ quan chức năng nơi ra quyết định phải thực hiện tiếp nhận thông tin và làm thủ tục trao trả lại giấy tờ, phương tiện tạm giữ (nếu có) đúng thời hạn.

TIẾN ĐẠT

Tiến Đạt