Những ngày qua, người dân xã Tiên Minh (huyện Tiên Lãng, TP. Hải Phòng) bức xúc về việc phải đóng lệ phí 100.000 đồng khi đổi chứng minh nhân dân (CMND) 09 số, căn cước công dân 12 số sang thẻ căn cước gắn chip.
Được biết, ngay khi nhận được thông tin báo chí phản ánh trên, Công an TP. Hải Phòng đã vào cuộc xác minh.
Kết quả ban đầu cho thấy, vào sáng 04/4, tại trụ sở UBND xã Tiên Minh, huyện Tiên Lãng, Công an huyện Tiên Lãng làm thủ tục cấp CCCD gắn chip điện tử lưu động cho công dân. Sau đó, một người dân đã đưa cho một cán bộ Công an xã bán chuyên trách số tiền 200.000 đồng tiền lệ phí của 02 người làm và không nhận được biên lai.
Ngay sau khi phát hiện vụ việc thu lệ phí không đúng quy định trên, Công an huyện Tiên Lãng đã yêu cầu đồng chí Công an xã bán chuyên trách trả lại tiền thừa.
Hiện, Công an TP. Hải Phòng đang tiếp tục chỉ đạo các phòng nghiệp vụ xác minh, làm rõ và sẽ xử lý nghiêm các trường hợp sai phạm.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí Luật sư Việt Nam, Đại úy Nguyễn Duy Lộc, Trưởng Công an xã Tiên Minh đã bác bỏ chuyện thu của mỗi người dân 100.000 đồng nhưng khi được phóng viên hỏi về thông tin nhận được phản ánh và clip thể hiện việc Công an xã lấy phí của người dân làm CCCD là 100.000 đồng và không nhận được biên lai như thông tin đã đưa ở trên thì ông Lộc im lặng.
Theo đó, ông Lộc cho rằng thông tin phản ánh có cái thật, cái không. Việc cung cấp thông tin cụ thể cần liên hệ Đội Quản lý hành chính Công an huyện, còn xã chỉ là cơ quan phối hợp.
Đại tá Phạm Công Nguyên, Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06) của Bộ Công an cho biết, ông đã lập tức trao đổi qua điện thoại với Giám đốc Công an TP. Hải Phòng ngay sau khi nhận được thông tin báo chí phản ánh trên.
Theo đó, Lãnh đạo Công an địa phương khẳng định mức thu lệ phí cấp CCCD gắn chip đã được thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng theo đúng quy định của Nhà nước.
Đại tá Nguyên cho hay Giám đốc Công an Hải Phòng khẳng định sẽ cho kiểm tra và xử lý nghiêm nếu cán bộ làm sai.
Theo Đại tá Nguyên, các nội dung liên quan đến việc cấp CCCD gắn chip, trong đó có mức lệ phí, đều phải tuân thủ theo quy định của Chính phủ và thông tư của Bộ Tài chính.
Ngoài ra, các cơ quan báo chí cũng đã đăng tải rất nhiều quy định về mức thu đối với từng trường hợp cấp mới hay đổi giấy tờ tùy thân cũ sang thẻ căn cước gắn chip.
Cục trưởng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội nhấn mạnh sau phản ánh của người dân ở Hải Phòng về việc nộp 100.000 đồng để làm CCCD gắn chip, ông đã trao đổi để Công an địa phương xác minh, làm rõ.
"Bất kỳ cá nhân nào làm sai đều phải bị xử lý theo mức độ sai phạm và phải chịu trách nhiệm về việc đó", Cục trưởng C06 khẳng định.
Theo Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng VPLS Chính Pháp, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội, nếu ở địa phương nào mà cán bộ thu phí làm thẻ CCCD vượt quá mức phí Nhà nước quy định thì đó là hành vi lạm quyền trong khi thi hành công vụ, gây thiệt hại đến tài sản của công dân. Hành vi này cần phải bị xem xét xử lý theo quy định pháp luật.
“Không thể lấy lý do là thu thêm tiền để “bồi dưỡng” cho cán bộ hoặc để mua sắm vật dụng, thiết bị, cũng không thể cho rằng đây là làm “dịch vụ”. Vấn đề này chính quyền địa phương, cơ quan Thanh tra, Công an cần vào cuộc xác minh làm rõ thông tin mà báo chí phản ánh, làm rõ những chứng cứ mà người dân cung cấp để xác định có sai phạm hay không, ai là người sai phạm, mức độ đến đâu để có hình thức xử lý phù hợp với quy định của pháp luật. Trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì cần đình chỉ công tác để phục vụ công tác điều tra, xác minh”, Luật sư Cường nhận định.
Luật sư Cường cho hay, trong khi rất nhiều địa phương cán bộ Công an làm việc thâu đêm để hoàn thành nhiệm vụ, người dân cũng tích cực tham gia cấp thẻ căn cước để hoàn thiện dữ liệu dân cư cá nhân vào thời điểm Luật cư trú 2020 có hiệu lực là 01/7/2021 thì vẫn còn một số trường hợp cán bộ thiếu trách nhiệm, lợi dụng chức vụ quyền hạn để thu mức phí vượt quá mức nhà nước quy định. Nếu có yêu tố vụ lợi thì cần phải xem xét xử lý hình sự theo quy định của bộ luật hình sự về tội phạm về chức vụ.
Ngoài ra, mức phí, lệ phí cấp thẻ CCCD được các cơ quan truyền thông, báo chí, truyền hình đăng tin công khai, liên tục thời gian gần đây. Bởi vậy, rất nhiều người dân nắm được mức phí này.
Do đó, ở địa phương nào mà cán bộ lạm quyền, thu trái quy định mức phí vượt quá mức phí Bộ tài chính đã đưa ra thì người dân cần lưu lại chứng cứ và khiếu nại hoặc tố cáo cán bộ đã Lạm quyền để cơ quan chức năng xem xét xử lý theo quy định của pháp luật. Mọi hành vi vi phạm pháp luật đều phải bị xử lý nghiêm minh.
Khi phát hiện hành vi vi phạm của cán bộ, công chức, viên chức, người thi hành công vụ thì công dân có thể làm đơn thư tố cáo, khiếu nại gửi đến Trưởng Công an cấp quận huyện hoặc Viện trưởng VKSND cấp quận, huyện hoặc cơ quan điều tra Công an tỉnh để được xem xét giải quyết theo quy định pháp luật.
Theo Thông tư 112/2020/TT-BTC, kể từ ngày 01/01/2021 đến hết ngày 30/6/2021, lệ phí cấp Căn cước công dân bằng 50% mức thu lệ phí quy định tại Điều 4 Thông tư 59/2019/TT-BTC ngày 30/8/2019 quy định mức thu, chế độ thu, nộp và quản lý lệ phí cấp CCCD. Kể từ ngày 01/7/2021 trở đi, mức thu lệ phí nêu trên thực hiện theo Thông tư 59/2019/TT-BTC. Cụ thể, Điều 4, Thông tư 59/2019/TT-BTC quy định về "Mức thu lệ phí" cấp thẻ căn cước công dân như sau: 1. Công dân chuyển từ Chứng minh nhân dân 09 số, Chứng minh nhân dân 12 số sang cấp thẻ CCCD: 30.000 đồng/thẻ CCCD. 2. Đổi thẻ CCCD khi bị hư hỏng không sử dụng được; thay đổi thông tin về họ, chữ đệm, tên; đặc điểm nhân dạng; xác định lại giới tính, quê quán; có sai sót về thông tin trên thẻ; khi công dân có yêu cầu: 50.000 đồng/thẻ Căn cước công dân. 3. Cấp lại thẻ CCCD khi bị mất thẻ CCCD, được trở lại quốc tịch Việt Nam theo quy định của Luật quốc tịch Việt Nam: 70.000 đồng/thẻ CCCD.” Như vậy, lệ phí cấp CCCD gắn chip từ ngày 01/01/2021 đến hết ngày 30/6/2021 là 15.000 đồng/thẻ CCCD, từ ngày 01/7/2021 trở đi là 30.000 đồng/thẻ CCCD. |
Ngoài ra, Thông tư 59/2019/TT-BTC cũng quy định các trường hợp miễn, không phải nộp lệ phí thực hiện theo Điều 5 Thông tư 59/2019/TT-BTC.
+ Đổi thẻ CCCD khi Nhà nước quy định thay đổi địa giới hành chính;
+ Đổi, cấp lại thẻ CCCD cho công dân là bố, mẹ, vợ, chồng, con dưới 18 tuổi của liệt sỹ; thương binh, người hưởng chính sách như thương binh; con dưới 18 tuổi của thương binh và người hưởng chính sách như thương binh; bệnh binh; công dân thường trú tại các xã biên giới; công dân thường trú tại các huyện đảo; đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; công dân thuộc hộ nghèo theo quy định của pháp luật;
+ Đổi, cấp lại thẻ CCCD cho công dân dưới 18 tuổi, mồ côi cả cha lẫn mẹ, không nơi nương tựa.
- Các trường hợp không phải nộp lệ phí:
+ Công dân từ đủ 14 tuổi trở lên làm thủ tục cấp thẻ CCCD lần đầu theo quy định tại khoản 1 Điều 19, khoản 2 Điều 32 Luật Căn cước công dân;
+ Đổi thẻ CCCD khi đến tuổi đổi thẻ CCCD theo quy định tại Điều 21 và điểm a khoản 3 Điều 32 Luật Căn cước công dân;
+ Đổi thẻ CCCD khi có sai sót về thông tin trên thẻ CCCD do lỗi của cơ quan quản lý CCCD.
Còn về việc thu phí, lệ phí, Luật sư Cường cho biết việc này đã được thực hiện rõ ràng theo quy định của pháp luật.
Cụ thể, theo Luật phí và lệ phí năm 2015 thì Phí là khoản tiền mà tổ chức, cá nhân phải trả nhằm cơ bản bù đắp chi phí và mang tính phục vụ khi được cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và tổ chức được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao cung cấp dịch vụ công được quy định trong Danh mục phí ban hành kèm theo Luật này.
Còn Lệ phí là khoản tiền được ấn định mà tổ chức, cá nhân phải nộp khi được cơ quan nhà nước cung cấp dịch vụ công, phục vụ công việc quản lý nhà nước được quy định trong Danh mục lệ phí ban hành kèm theo Luật này.
Điều 14, Luật phí, lệ phí quy định trách nhiệm của tổ chức thu phí, lệ phí như sau: 1. Niêm yết công khai tại địa điểm thu và công khai trên Trang thông tin điện tử của tổ chức thu phí, lệ phí về tên phí, lệ phí, mức thu, phương thức thu, đối tượng nộp, miễn, giảm và văn bản quy định thu phí, lệ phí. 2. Lập và cấp chứng từ thu cho người nộp phí, lệ phí theo quy định của pháp luật. 3. Thực hiện chế độ kế toán; định kỳ báo cáo quyết toán thu, nộp, sử dụng phí, lệ phí; thực hiện chế độ công khai tài chính theo quy định của pháp luật. 4. Hạch toán riêng từng loại phí, lệ phí. 5. Báo cáo tình hình thu, nộp, quản lý, sử dụng phí, lệ phí. Điều 16, Luật phí và lệ phí quy định các hành vi nghiêm cấm bao gồm: - Cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức, cá nhân tự đặt và thu các loại phí, lệ phí; - Thu, nộp, quản lý và sử dụng khoản thu phí, lệ phí trái với quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, Điều 16, Luật phí và lệ phí cũng quy định “trường hợp vi phạm các quy định của pháp luật về phí, lệ phí thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm Hình sự theo quy định của pháp luật”. |
Như vậy, pháp luật nghiêm cấm cơ quan, tổ chức có trách nhiệm thu phí, lệ phí thu vượt quá mức phí lệ phí nhà nước quy định.
Bởi vậy hành vi thu phí vượt quá mức phí theo Thông tư số 59/2019/TT-BTC nêu trên là vi phạm pháp luật. Cơ quan chức năng sẽ vào cuộc xác minh làm rõ số tiền thu phí trái quy định, buộc cơ quan tổ chức cá nhân này phải trả lại số tiền đã thu trái phép cho công dân đồng thời xem xét trách nhiệm pháp lý của các cán bộ có liên quan.
Trong trường hợp có căn cứ cho thấy có cán bộ đã “Lợi dụng chức vụ quyền hạn” để “Chiếm đoạt tài sản” hoặc “Lạm quyền trong thi hành công vụ” đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì sẽ xem xét xử lý hình sự theo quy định pháp luật.
Bên cạnh đó, Luật sư Cường cũng cho biết, với hành vi thu phí, lệ phí trái quy định pháp luật thì cơ quan, tổ chức, cá nhân thu phí vượt quá hoặc thu sai quy định phải hoàn trả số tiền đó cho công dân đồng thời sẽ bị xem xét xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Cụ thể, nếu hành vi thu phí trái quy định (thu phí vượt quá mức phí nhà nước quy định hoặc thu phí đối với trường hợp được miễn phí) không có mục đích vụ lợi thì hành vi sẽ bị xử phạt hành chính theo Thông tư số 186/2013/TT-BTC ngày 05/12/2013 của Bộ tài chính, mức phạt cao nhất có thể lên đến 50.000.000 đồng, cụ thể mức xử phạt hành chính như sau:
Điều 7, Thông tư số 186/2013/TT-BTC quy định về hành vi vi phạm quy định về mức phí, lệ phí như sau: 1. Đối với hành vi thu phí, lệ phí không đúng mức phí, lệ phí theo quy định của pháp luật: a) Phạt tiền từ 500.000 đồng đến dưới 1.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm có số tiền vi phạm đến dưới 10.000.000 đồng; b) Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến dưới 3.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm có số tiền vi phạm từ 10.000.000 đồng đến dưới 30.000.000 đồng; c) Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến dưới 5.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm có số tiền vi phạm từ 30.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng; d) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến dưới 10.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm có số tiền vi phạm từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng; đ) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến dưới 30.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm có số tiền vi phạm từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng; e) Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm có số tiền vi phạm từ 300.000.000 đồng trở lên. 2. Biện pháp khắc phục hậu quả: a) Buộc hoàn trả toàn bộ tiền phí, lệ phí do thực hiện sai pháp luật về phí, lệ phí cho người nộp phí, lệ phí. Trong trường hợp không xác định được người để hoàn trả thì nộp vào ngân sách nhà nước; b) Buộc nộp vào ngân sách nhà nước toàn bộ số tiền có được do vi phạm quy định về mức thu phí, lệ phí.” |
Ngoài ra, trường hợp hành vi có dấu hiệu vụ lợi, lợi dụng chức vụ quyền hạn để chiếm đoạt tài sản của công dân mà số tiền từ 2.000.000 đồng trở lên thì hành vi này sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 355, Bộ luật Hình sự năm 2015.
Điều 355, Bộ luật Hình sự 2015 quy định về tội "Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản" như sau: 1. Người nào lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 06 năm: a) Đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm; b) Đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục 1 Chương này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 06 năm đến 13 năm: a) Có tổ chức; b) Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm; c) Phạm tội 02 lần trở lên; d) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; đ) Gây thiệt hại về tài sản từ 1.000.000.000 đồng359 đến dưới 3.000.000.000 đồng; e) Chiếm đoạt tiền, tài sản dùng vào mục đích xóa đói, giảm nghèo; tiền, phụ cấp, trợ cấp, ưu đãi đối với người có công với cách mạng; các loại quỹ dự phòng hoặc các loại tiền, tài sản trợ cấp, quyên góp cho những vùng bị thiên tai, dịch bệnh hoặc các vùng kinh tế đặc biệt khó khăn. 3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 13 năm đến 20 năm: a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng; b) Gây thiệt hại về tài sản từ 3.000.000.000 đồng đến dưới 5.000.000.000 đồng; c) Dẫn đến doanh nghiệp hoặc tổ chức khác bị phá sản hoặc ngừng hoạt động; d) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội. 4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm hoặc tù chung thân: a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên; b) Gây thiệt hại về tài sản 5.000.000.000 đồng trở lên. 5. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.” |
“Bởi vậy, nếu kết quả điều tra xác minh của cơ quan chức năng cho thấy có cán bộ đã lợi dụng, chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt tiền của công dân từ 2.000.000 đồng trở lên thì người này sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 355 Bộ luật Hình sự năm 2015 nêu trên và với mức hình phạt sẽ rất nghiêm khắc, phụ thuộc vào số tiền và số lần chiếm vào tài sản của công dân”, Luật sư Đặng Văn Cường đánh giá.
NGUYÊN TRUNG - TRẦN MINH
Một số vấn đề pháp lý vụ nhân viên tử vong sau khi bị nhốt trong quán Internet