Ảnh minh họa.
Trả lời về vấn đề trên, Luật sư Lê Ngọc Khánh, Công ty Luật TNHH TGS, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho hay, căn cứ khoản 1 và khoản 2, Điều 2, Nghị định 143/2018/NĐ-CP, người nước ngoài làm việc tại Việt Nam phải tham gia BHXH bắt buộc nếu có đủ các điều kiện sau:
- Có giấy phép lao động hoặc chứng chỉ hành nghề hoặc giấy phép hành nghề do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp.
- Làm việc theo hợp đồng lao động được giao kết với người sử dụng lao động tại Việt Nam có thời hạn từ đủ 01 năm trở lên.
- Không thuộc một trong 02 trường hợp: Di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp; Đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định.
Khi có đủ các dấu hiệu trên, cả người lao động nước ngoài và doanh nghiệp sử dụng những người lao động này hàng tháng đều phải trích đóng BHXH theo quy định.
Lao động nước ngoài đóng BHXH bắt buộc có được hưởng lương hưu?
Khoản 1, Điều 9, Nghị định 143/2018/NĐ-CP quy định, người lao động quy định tại khoản 1, Điều 2 của Nghị định này được hưởng lương hưu khi đáp ứng điều kiện hưởng lương hưu theo quy định tại khoản 1, Điều 54 của Luật bảo hiểm xã hội và Điều 6 của Nghị định số 115/2015/NĐ-CP.
Theo đó, người lao động nước ngoài thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc hoàn toàn có thể hưởng lương hưu nếu đáp ứng đồng thời các điều kiện sau: Đóng BHXH bắt buộc từ đủ 20 năm trở lên; Đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định của Bộ luật Lao động.
Theo Điều 169, Bộ luật Lao động năm 2019, tuổi nghỉ hưu của lao động nước ngoài cũng tính như với lao động Việt Nam. Cụ thể:
- Trường hợp làm việc trong điều kiện bình thường:
+ Nghỉ hưu năm 2022: Lao động nam phải từ đủ 60 tuổi 06 tháng; lao động nữ phải từ đủ 55 tuổi 08 tháng.
+ Nghỉ hưu những năm sau đó: Tuổi nghỉ hưu của nam tăng 03 tháng/năm, tuổi nghỉ hưu của nữ tăng 04 tháng/năm.
- Trường hợp có đủ 15 năm làm công việc có yếu tố nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc có đủ 15 năm làm việc ở vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn: Được nghỉ hưu sớm hơn tối đa 05 năm so với trường hợp làm việc trong điều kiện bình thường.
- Trường hợp có đủ 15 năm làm công việc khai thác than trong hầm lò: Được nghỉ hưu sớm hơn tối đa 10 năm so với trường hợp làm việc trong điều kiện bình thường.
- Trường hợp bị nhiễm HIV do tai nạn rủi ro nghề nghiệp trong khi thực hiện nhiệm vụ được giao: Không xét đến tuổi nghỉ hưu.
Về mức hưởng lương hưu của người nước ngoài, điểm a, khoản 2, Điều 9, Nghị định 143/2018/NĐ-CP quy định về mức hưởng lương hưu đối với người lao động nước ngoài như sau:
Mức lương hưu hàng tháng thực hiện theo quy định tại khoản 2, Điều 56 của Luật bảo hiểm xã hội và khoản 1 và khoản 2, Điều 7 của Nghị định số 115/2015/NĐ-CP;
Theo quy định này, mức hưởng lương hưu của người lao động nước ngoài sẽ được tính theo công thức sau:
Lương hưu = Tỉ lệ hưởng x Mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH
Trong đó:
- Tỉ lệ hưởng lương hưu của lao động nước ngoài được xác định theo thời gian tham gia BHXH như sau:
+ Lao động nam đóng BHXH 20 năm được tính hưởng tỉ lệ 45%, sau đó cứ thêm mỗi năm được tính thêm 02% nhưng tối đa không quá 75%.
+ Lao động nữ đóng BHXH 15 năm được tính hưởng tỉ lệ 45%, sau đó cứ thêm mỗi năm được tính thêm 02% nhưng tối đa không quá 75%.
- Mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH = Tổng tiền lương tháng đã đóng BHXH: Tổng số tháng đã đóng BHXH.
Tiền lương đã đóng BHXH sẽ được nhân với hệ số trượt giá trước khi tính mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH.
Ví dụ, ông Smith có quốc tịch Pháp, làm việc tại Việt Nam với 22 năm đóng BHXH bắt buộc. Mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của ông này là 15 triệu đồng/tháng.
Khi nghỉ hưu, ông Smith sẽ nhận được mức lương hưu hằng tháng như sau:
- Về tỉ lệ hưởng:
20 năm đóng BHXH = 45%
02 năm đóng BHXH còn lại = 02 x 02% = 04%
Theo đó, ông Smith được hưởng tỉ lệ hưu = 45% + 04% = 49%.
- Mức hưởng lương hưu = 49% x 15 triệu đồng = 7,35 triệu đồng.
VŨ TRẦN