Ảnh minh họa.
Theo Thạc sĩ, Luật sư Nguyễn Đức Hùng, Công ty Luật TNHH TGS, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho hay, tại khoản 1, Điều 20, Hiến pháp 2013 đã nêu rõ, mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm.
Theo đó, mọi cá nhân đều được pháp luật bảo vệ về danh dự, nhân phẩm. Người thực hiện hành vi làm nhục người khác có thể phải chịu các trách nhiệm sau:
- Bị phạt tiền từ 02 - 03 triệu đồng (khoản 3, Điều 7, Nghị định 144/2021);
- Bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Làm nhục người khác" quy định tại Điều 155, Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi 2017 (mức phạt thấp nhất là phạt tiền từ 10 - 30 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm, mức phạt cao nhất là từ 02 - 05 năm tù).
- Bồi thường thiệt hại cho người bị làm nhục (Điều 584, Bộ luật Dân sự 2015)
Trong đó, theo quy định tại Điều 592, Bộ luật Dân sự năm 2015, thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm bao gồm:
- Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại;
- Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút;
- Thiệt hại khác do luật quy định.
Ngoài ra, người chịu trách nhiệm bồi thường còn phải bồi thường thêm một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người bị xúc phạm danh dự, nhân phẩm phải gánh chịu.
Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần sẽ do các bên thỏa thuận, trường hợp không thỏa thuận được thì mức bồi thường tối đa là không quá 10 lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.
Về thẩm quyền giải quyết yêu cầu bồi thường thiệt hại sẽ do TAND cấp huyện nơi người có hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm cư trú (theo khoản 1, Điều 35, Bộ luật Tố tụng dân sự 2015).
Như vậy, căn cứ theo các quy định nêu trên, người bị xúc phạm danh dự, nhân phẩm có quyền tố cáo đến Cơ quan Công an để điều tra và xử phạt hành chính. Trường hợp bị xúc phạm danh dự, nhân phẩm nghiêm trọng, có thể truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Làm nhục người khác".
Mặt khác, nếu không muốn người có hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm bị truy cứu trách nhiệm hình sự có thể làm đơn khởi kiện đến TAND có thẩm quyền để được giải quyết yêu cầu bồi thường.
Về thủ tục khởi kiện yêu cầu bồi thường do hành vi làm nhục người khác gây ra, căn cứ khoản 1, Điều 189, Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện phải làm Đơn khởi kiện, trong đó thể hiện các nội dung:
- Ngày, tháng, năm làm đơn khởi kiện.
- Tên Tòa án nhận đơn khởi kiện.
- Tên, nơi cư trú/trụ sở của bên khởi kiện; người bị kiện; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
- Danh mục tài liệu, chứng cứ kèm theo đơn khởi kiện.
Đơn khởi kiện được gửi tới Tòa án nhân dân cấp huyện nơi người có hành vi xúc phạm danh dự thường trú hoặc tạm trú.
Theo đó, thời gian giải quyết thường kéo dài từ 06 - 08 tháng tùy theo tính chất phức tạp của vụ việc.
Bên cạnh đó, về thủ tục tố cáo hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm thì người bị xúc phạm danh dự, nhân phẩm làm đơn tố cáo gửi đến cơ quan có thẩm quyền kèm theo các tài liệu, chứng cứ có liên quan đến hành vi vi phạm.
Theo đó, các cơ quan tiếp nhận đơn tố cáo gồm:
- Cơ quan điều tra;
- Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra;
- Công an xã, phường, thị trấn, Đồn Công an, Trạm Công an…
Thời gian giải quyết đối với các tin báo tội phạm thông thường là 20 ngày, với các vụ việc phức tạp có thể kéo dài thời gian nhưng không quá 02 tháng.
VŨ QUÝ