Ngày 08/11, thảo luận tổ tại Quốc hội, nhiều Đại biểu Quốc hội quan tâm về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo.
Phát biểu góp ý, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Đức (Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh) cho biết, vì nội dung quảng cáo bị chèn quá nhiều khi tiếp cận thông tin trên mạng. Theo Đại biểu, quảng cáo kiểu cưỡng bức này không chỉ gây bực bội cho người xem mà còn ảnh hưởng tới dung lượng mạng của người sử dụng điện thoại.
Đại biểu Quốc hội Minh Đức đồng tình vẫn cho quảng cáo nhưng hình ảnh, clip quảng cáo phải nằm cố định ở giữa trang, không được trượt, chạy theo màn hình. Chỉ khi người xem có nhu cầu bấm vào xem, quảng cáo này mới được phát. Đại biểu cho rằng, cách làm như vậy sẽ không làm rối trang, khiến người đọc phải tiếp nhận quảng cáo không mong đợi.
Một nội dung cũng có nhiều ý kiến trái chiều tại dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo là dự thảo Luật bổ sung quy định mới về người đăng tải ý kiến, cảm nhận về sản phẩm mỹ phẩm, thực phẩm bảo vệ sức khỏe phải là người trực tiếp sử dụng sản phẩm.
Cùng thảo luận tại tổ Đại biểu Quốc hội Phan Thị Thanh Phương (Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh) cho rằng, quy định này là cần thiết để bảo vệ người tiêu dùng, những người nổi tiếng khi quảng cáo sản phẩm phải có trách nhiệm với lời giới thiệu, quảng cáo của mình. Tuy nhiên, Đại biểu băn khoăn là dự thảo Luật lại chưa làm rõ trách nhiệm của các chủ thể trong hoạt động quảng cáo.
Thực tế, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh phải chịu trách nhiệm chất lượng, sản phẩm của mình mang quảng cáo. Còn người quảng cáo, thường là những người nổi tiếng, thực hiện chuyển tải thông điệp của nhãn hàng dựa trên tài liệu, thông tin được cung cấp. Họ khó có khả năng kiểm chứng những thông tin được cung cấp đúng hay không.
Do đó, nếu quy trách nhiệm liên đới của người truyền tải quảng cáo, đối chiếu với Luật Dân sự năm 2015 sẽ thấy hậu quả pháp lý khá nặng, đồng thời đề nghị phải quy định cụ thể trách nhiệm của nhãn hàng, doanh nghiệp khi đưa sản phẩm ra quảng cáo.
Đồng quan điểm, Đại biểu Quốc hội Trần Kim Yến (Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh) nhắc lại quy định ghi trong dự thảo luật là: người đăng tải ý kiến, cảm nhận về sản phẩm mỹ phẩm, thực phẩm bảo vệ sức khỏe phải là người trực tiếp sử dụng sản phẩm. Bà cho rằng quy định như vậy thì sẽ khó khả thi khi thực hiện.
Theo Đại biểu, một sản phẩm không vi diệu tới mức dùng xong có kết quả ngay. Ví dụ một mỹ phẩm sử dụng trong một tuần, một tháng không có kết quả ngay được. Để người đứng ra quảng cáo phải sử dụng sản phẩm xem tốt hay không rồi mới quảng cáo, đó là mong muốn của chúng ta, nhưng làm được cực khó.
Phát biểu thảo luận tại tổ, Đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan (Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh) cũng cho rằng, bắt người nổi tiếng phải dùng rồi mới quảng cáo e rằng hơi khó, trên thế giới cũng không có quốc gia nào yêu cầu tương tự. Từ đó, Đại biểu đề nghị cần phải xem lại quy định này.