Nghi phạm Yang Zhong Wu bị bắt khi đang lẩn trốn tại Gia Lai. Ảnh: VOV.
Sáng 31/3, Công an tỉnh Bình Dương đang làm thủ tục để di lý đối tượng Yang Zhong Wu (Sinh năm 1976, quốc tịch Trung Quốc, nghi phạm trong vụ sát hại nữ kế toán đang mang bầu) từ TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai về tỉnh Bình Dương để phục vụ công tác điều tra.
Trước đó, vào tối 30/3, Công an phường Phù Đổng, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai, đã phát hiện và bắt giữ Yang Zhong Wu khi đối tượng đang ở một cửa hàng quần áo thuộc địa bàn phường Phù Đổng. Lúc này, đối tượng mặc quần sọc, áo khoác đen, đầu đội mũ lưỡi trai màu đen.
Được biết, Yang Zhong Wu là Giám đốc Công ty Vinh Nhuận và nạn nhân là chị L.T.M. (sinh năm 1993, ngụ tại thị xã Tân Uyên, Bình Dương), Kế toán của Công ty.
Vậy, đối với việc người nước ngoài phạm tội trên lãnh thổ Việt Nam, hoặc sau khi phạm tội bỏ trốn ra nước ngoài thì việc tuy tố, xét xử được thực hiện như thế nào?
Theo Luật sư Nguyễn Thị Thu, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, tại Điều 5, Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định, Bộ luật Hình sự được áp dụng đối với mọi hành vi phạm tội thực hiện trên lãnh thổ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
Quy định này cũng được áp dụng đối với hành vi phạm tội hoặc hậu quả của hành vi phạm tội xảy ra trên tàu bay, tàu biển mang quốc tịch Việt Nam hoặc tại vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam.
Theo đó, người nước ngoài phạm tội tại Việt Nam thuộc đối tượng được hưởng quyền miễn trừ ngoại giao hoặc lãnh sự theo pháp luật Việt Nam, theo điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc theo tập quán quốc tế, thì vấn đề trách nhiệm hình sự của họ được giải quyết theo quy định của điều ước quốc tế hoặc theo tập quán quốc tế đó.
Trường hợp điều ước quốc tế đó không quy định hoặc không có tập quán quốc tế thì trách nhiệm hình sự của họ được giải quyết bằng con đường ngoại giao.
Do đó, Luật sư cho biết, nếu người nước ngoài phạm tội tại Việt Nam nhưng không thuộc trường hợp được miễn trừ ngoại giao hoặc lãnh sự thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật Việt Nam. Trong đó, hành vi giết người tại Việt Nam sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Giết người" tại Điều 123, Bộ luật Hình sự 2015.
Mặt khác, với người nước ngoài phạm tội, Bộ luật Hình sự 2015 còn quy định một hình phạt riêng là trục xuất. Đây có thể là hình phạt chính hoặc hình phạt bổ sung áp dụng đối với người nước ngoài phạm tội tại Việt Nam, buộc người phạm tội phải rời khỏi Việt Nam trong thời hạn nhất định (theo Điều 37).
Trường hợp quốc gia có công dân phạm tội trên lãnh thổ Việt Nam có văn bản yêu cầu dẫn độ người nước ngoài về nước để xử lý thì tùy từng tình huống cụ thể mà cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền tại Việt Nam đồng ý hoặc không đồng ý dẫn độ.
Đồng quan điểm, Luật sư Hoàng Trọng Giáp, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cũng cho biết, trường hợp đối tượng gây án bỏ trốn ra nước ngoài, có thể là trốn về nước, cơ quan chức năng Việt Nam có thẩm quyền ra quyết định truy nã, hoặc phối hợp với cơ quan thẩm quyền quốc gia người đó đang hiện diện, để truy bắt hoặc xử lý; thậm chí có thể đề nghị Tổ chức Cảnh sát Hình sự Quốc tế Interpol bắt giữ, giao nộp đối tượng theo quy định của Luật Tương trợ tư pháp.
Sau khi bị bắt giữ, đối tượng có thể được dẫn độ về Việt Nam để điều tra, xét xử và chấp hành hình phạt.
TRẦN VŨ