(LSVN) - Luật sư cho biết, hiện nay, theo quy định tại Điều 6, Bộ luật Hình sự 2015 quy định, công dân Việt Nam phạm tội ở ngoài lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự tại Việt Nam theo Bộ luật này. Như vậy, hành vi phạm tội ở nước ngoài của công dân Việt Nam vẫn có thể bị xử lý theo pháp luật hình sự của Việt Nam.
Thị trấn du lịch nổi tiếng Sant Elm ở Andratx - nơi xảy ra vụ việc. Ảnh: VNN.
Mới đây, Bộ VH-TT&DL đang xác minh vụ việc 02 nghệ sĩ Việt bị bắt ở Tây Ban Nha vừa qua.
Trưa 1/7, trao đổi với báo chí, ông Phạm Cao Thái, Chánh thanh tra Bộ VH-TT&DL cho biết đang xác minh, làm rõ vụ việc liên quan đến hai nghệ sĩ Việt Nam bị bắt ở Tây Ban Nha vì cáo buộc hiếp dâm. Khi có kết quả xác minh, Thanh tra Bộ sẽ phát thông báo.
"Hiện tại, chúng tôi vẫn xác minh thông tin nên không thể chia sẻ thêm", ông Phạm Cao Thái cho hay.
Trước đó, nhiều tờ báo của Anh và Tây Ban Nha đưa tin một cô gái 17 tuổi người Anh đã bị hai người đàn ông được giới thiệu là “một diễn viên và nhạc sĩ nổi tiếng của Việt Nam” cưỡng hiếp tại khách sạn trên đảo Majorca. Cô gái 17 tuổi nói với cảnh sát rằng mình bị tấn công tại khách sạn ở Andratx, phía tây nam hòn đảo. Trước đó, cô gặp các nghệ sĩ ở một nhà hàng gần đó và giao lưu, uống rượu với họ.
Người thân đã báo cảnh sát sau khi nhận được thông tin từ cô gái. Tờ báo địa phương Ultima Hora đưa tin cô gái 17 tuổi nói với các cảnh sát rằng hai người đàn ông 37 và 42 tuổi đã bắt cô tắm sau khi hiếp dâm để loại bỏ bằng chứng trong trường hợp họ bị buộc tội.
Ultima Hora cho biết những người đàn ông và cô gái ở trong các khách sạn khác nhau ở khu đô thị Andratx. Họ trò chuyện tại một nhà hàng gần đó trước khi cô đồng ý đến nơi mà hai người Việt ở.
Theo Mirror, hai người đàn ông là "diễn viên và nhạc sĩ nổi tiếng ở quốc gia Đông Nam Á". Họ đã bị bắt tại khách sạn giấu tên vào đầu giờ sáng ngày 25/6. Họ hiện được tại ngoại nhưng bị cấm rời khỏi Tây Ban Nha. Cô gái người Anh được cho là đã rời hòn đảo cùng gia đình sau khi được Thẩm phán phê chuẩn.
Cô đã được các bác sĩ tại Bệnh viện Son Espases ở thủ đô Palma của Majorcan kiểm tra sức khỏe trước khi đưa ra thông tin cho cảnh sát.
Vậy, tình huống công dân Việt Nam vi phạm pháp luật ở nước ngoài thì xử lý thế nào, pháp luật quy định thế nào về việc này?
Tiến sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính pháp, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội.
Theo Tiến sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính pháp, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, hiện nay, theo quy định tại Điều 6, Bộ luật Hình sự 2015 quy định, công dân Việt Nam phạm tội ở ngoài lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự tại Việt Nam theo Bộ luật này.
Như vậy, hành vi phạm tội ở nước ngoài của công dân Việt Nam vẫn có thể bị xử lý theo pháp luật hình sự của Việt Nam.
Tuy nhiên, Luật sư cho biết, việc xử lý tội phạm diễn ra tại ngoài lãnh thổ Việt Nam còn cần đến sự hỗ trợ của nước sở tại thông qua các Hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự giữa Việt Nam và nước sở tại về việc dẫn độ tội phạm.
Cụ thể, dẫn độ là việc một nước chuyển giao cho nước khác người có hành vi phạm tội hoặc người bị kết án hình sự đang có mặt trên lãnh thổ nước mình để nước được chuyển giao truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc thi hành án đối với người đó.
Theo đó, việc dẫn độ tội phạm giữa hai nước phải bảo đảm phù hợp với những quy định đã ghi trong Hiệp định tương trợ tư pháp mà hai nước đã ký kết. Đặc biệt, việc dẫn độ phải đáp ứng điều kiện dẫn độ và không thuộc các trường hợp từ chối dẫn độ theo quy định trong Hiệp định tương trợ tư pháp hoặc theo quy định của nước sở tại.
Trong trường hợp, không có Hiệp định tương trợ tư pháp việc tương trợ trong việc dẫn độ, hỗ trợ điều tra … sẽ phụ thuộc vào sự hợp tác của các quốc gia trên nguyên tắc có đi có lại trong từng trường hợp cụ thể. Nếu nước sở tại không dẫn độ người phạm tội, thì người này có thể bị xử lý theo quy định và trình tự tố tụng tại nước sở tại.
Liên quan thông tin vụ việc về hai nghệ sĩ bị tố có hành vi vi phạm pháp luật ở nước ngoài thì đây mới chỉ là những thông tin ban đầu, do đó cần phải có thông tin, cụ thể chính xác từ các cơ quan chức năng của nước sở tại.
Theo đó, nếu có dấu hiệu tội phạm, các cơ quan chức năng sẽ cần tiến hành các cuộc điều tra, xác minh làm rõ hành vi của các cá nhân có liên quan để có căn cứ xử lý theo quy định pháp luật.
"Tôi cho rằng vụ việc này cần phải chờ kết luận chính thức từ phía cơ quan tố tụng trên cơ sở các căn cứ pháp lý và tiến trình thực hiện thủ tục tố tụng", Luật sư Đặng Văn Cường cho hay.
Bên cạnh đó, Luật sư cũng cho biết, về quy định về việc tước danh hiệu đối với nghệ sĩ vi phạm thì căn cứ vào Điều 97, Luật thi đua khen thưởng năm 2003, sửa đổi bổ sung năm 2013 và căn cứ khoản 1, Điều 79, Nghị định 91/2017/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật thi đua, khen thưởng đã quy định rõ cá nhân được tặng thưởng danh hiệu vinh dự nhà nước mà vi phạm pháp luật hình sự, bị Tòa án xét xử bằng bản án đã có hiệu lực pháp luật và bị tuyên án từ hình phạt tù có thời hạn trở lên thì sẽ bị tước danh hiệu vinh dự nhà nước.
VŨ TRẦN