Tòa án xét xử kín trong trường hợp nào?

27/06/2022 23:01 | 1 năm trước

(LSVN) - Tòa án xét xử công khai, mọi người đều có quyền tham dự phiên tòa, trừ trường hợp do Bộ luật này quy định. Trường hợp đặc biệt cần giữ bí mật nhà nước, thuần phong, mỹ tục của dân tộc, bảo vệ người dưới 18 tuổi hoặc để giữ bí mật đời tư theo yêu cầu chính đáng của đương sự thì Tòa án có thể xét xử kín nhưng phải tuyên án công khai.

Sẽ xét xử kín vụ án bạo hành bé gái dẫn đến tử vong ở Bình Thạnh

Theo Tòa án nhân dân TP. Hồ Chí Minh cho biết, Tòa án dự kiến sẽ đưa vụ án bé gái 8 tuổi bị bạo hành đến tử vong tại căn hộ chung cư ở quận Bình Thạnh ra xét xử vào ngày 21/7 tới.

Phiên tòa sẽ xét xử kín và tuyên án công khai, do Thẩm phán Nguyễn Văn Tuấn, Phó Chánh Tòa gia đình và người chưa thành niên làm chủ toạ.

Đại diện Viện Kiểm sát giữ quyền công tố tại tòa là 2 Kiểm sát viên Lê Thị Yến Như và Phan Trung Hải.

Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, Chi hội trưởng Chi hội Luật sư Hội bảo vệ quyền lợi trẻ em TP. Hồ Chí Minh và 3 Luật sư sẽ bảo vệ quyền và lợi ích cho bên bị hại.

3 Luật sư bào chữa cho hai bị cáo Nguyễn Kim Trung Thái và Nguyễn Võ Quỳnh Trang.

Ngoài ra, Tòa triệu tập 5 người làm chứng và 2 giám định viên tư pháp pháp y là thuộc Phòng Kỹ thuật Hình sự Công an TP. Hồ Chí Minh. 

Tòa án xét xử kín trong trường hợp nào?

Theo Tiến sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính pháp cho biết tại Điều 103 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Tòa án nhân dân xét xử công khai. Trong trường hợp đặc biệt cần giữ bí mật nhà nước, thuần phong, mỹ tục của dân tộc, bảo vệ người chưa thành niên hoặc giữ bí mật đời tư theo yêu cầu chính đáng của đương sự, Tòa án nhân dân có thể xét xử kín”.

Căn cứ vào quy định của Hiến pháp năm 2013, Điều 25 Bộ luật Tố tụng hình sự cũng quy định rõ: "Tòa án xét xử kịp thời trong thời hạn luật định, bảo đảm công bằng. Tòa án xét xử công khai, mọi người đều có quyền tham dự phiên tòa, trừ trường hợp do Bộ luật này quy định. Trường hợp đặc biệt cần giữ bí mật nhà nước, thuần phong, mỹ tục của dân tộc, bảo vệ người dưới 18 tuổi hoặc để giữ bí mật đời tư theo yêu cầu chính đáng của đương sự thì Tòa án có thể xét xử kín nhưng phải tuyên án công khai”.

Như vậy, theo quy định của Hiến pháp và Bộ luật Tố tụng hình sự hiện hành thì có một số trường hợp sẽ xét xử kín như sau: 

Thứ nhất, trong một số vụ án hình sự nếu tòa xét thấy cần giữ bí mật nhà nước, thuần phong mỹ tục. Những vụ án có những tội danh liên quan đến bí mật nhà nước như làm lộ bí mật nhà nước, đánh tráo, chiếm đoạt bí mật nhà nước,... Bí mật nhà nước là một phạm vi bao trùm lên nhiều lĩnh vực, có những thông tin, tài liệu, những chính sách, thủ tục để đảm bảo an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội mà nhà nước quy định hạn chế thông tin, những thông tin tài liệu đó thuộc danh mục tài liệu bí mật nhà nước và được quy định cụ thể trong Luật Bảo vệ bí mật nhà nước và các văn bản dưới luật. Ngoài ra những vụ án có những hành vi dâm ô, trái với thuần phong mỹ tục, nếu xét xử công khai sẽ có thể gây ra những tác động tiêu cực trong xã hội cũng là những vụ án mà Tòa án có thể quyết định xét xử kín. Với những vụ án loại này thì Tòa án có thẩm quyền sẽ quyết định xét xử kín để tránh những hiệu ứng tiêu cực đến xã hội, bảo vệ bí mật nhà nước, giữ gìn thuần phong mỹ tục, đạo đức xã hội. 

Thứ hai, đối với những vụ án có đương sự là người dưới 18 tuổi mà Tòa án xét thấy phải bảo vệ lợi ích của người dưới 18 tuổi. Người dưới 18 tuổi trong vụ án có thể là người bị hại hoặc bị cáo, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan. Những vụ án hiếp dâm, cưỡng dâm, dâm ô, hành hạ, làm nhục, giết người,... mà bị cáo hoặc bị hại là người dưới 18 tuổi. 

Thứ ba, với một số vụ án không có trẻ em nhưng có phụ nữ bị xâm hại tình dục, bị hành hạ, làm nhục hoặc những vụ án xâm phạm đến danh dự nhân phẩm của công dân, xuất phát từ quyền giữ kín bí mật đời tư của chính đương sự trong vụ án. Vì vậy, đối với những vụ án thuộc nhóm tội phạm xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự nhân phẩm của công dân hoặc một số tội danh khác mà việc xét xử công khai có thể ảnh hưởng đến bí mật đời tư cá nhân của đương sự trong vụ án thì đương sự có thể làm đơn đề nghị xét xử kín để Tòa án xem xét giải quyết theo quy định pháp luật.

Khi Tòa án quyết định xét xử kín thì chỉ có những người có giấy triệu tập mới được tham dự phiên tòa. Các cơ quan báo chí không được phép đưa tin về diễn biến phiên tòa tuy nhiên có thể đưa tin về phần thủ tục và kết quả phiên tòa.

Pháp luật quy định, khi Tòa án quyết định xét xử kín thì các tình tiết, diễn biến của phiên tòa không được phép công khai, những người không được triệu tập thì sẽ không được chứng kiến diễn biến phiên tòa. Tuy nhiên khi Tòa án tuyên án thì nội dung bản án sẽ phải công khai và tất cả các đương sự, những người dân và các cơ quan truyền thông đều có quyền được biết kết quả của vụ án thông qua hoạt động tuyên án công khai theo quy định pháp luật.

Chia sẻ thêm, Luật sư Cường cho biết: "Đối với vụ án cháu bé 8 tuổi bị dì ghẻ bảo hành đến tử vong có thể Tòa án chủ động xét xử kín vụ án để đảm bảo bí mật đời tư cá nhân cho cháu bé và gia đình, có những tình tiết của vụ án có thể gây đau lòng cho người thân của cháu bé và có thể gây ra những tác động tâm lý tiêu cực đối với những đứa trẻ khác. Ngoài ra, trước khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử có thể đại diện người bị hại có đơn đề nghị Tòa án xét xử kín để bảo vệ người dưới 18 tuổi, giữ bí mật đời tư của cháu bé và những người thân trong gia đình cháu bé theo quy định của pháp luật. Theo quan điểm cá nhân tôi thì đối với vụ án này, việc xét xử khiến là hợp lý. Đại diện gia đình người bị hại, Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị hại có mặt tại phiên tòa phải cùng với sự giám sát của đại diện Viện Kiểm sát là những yếu tố để đảm bảo vụ án được giải quyết khách quan, công bằng, đúng pháp luật. Ngoài ra quy định về tuyên án công khai, kết quả giải quyết vụ án về tội danh, về mức hình phạt đối với các bị cáo sẽ được công chúng tiếp cận, đánh giá, giám sát hoạt động tố tụng của Tòa án.

Hình thức xét xử kín hay công khai đối với phiên tòa hình sự sẽ có tác động tích cực hoặc tiêu cực đối với hoạt động tư pháp nói riêng, đối với cộng đồng xã hội nói chung. Mục đích cuối cùng của hoạt động xét xử là để xác định sự thật, xử lý đối với người phạm tội, phục hồi các quan hệ pháp luật bị tội phạm xâm phạm, bảo vệ quyền lợi cho người bị hại, tuyên truyền giáo dục pháp luật, duy trì ổn định, trật tự xã hội, cho thấy sự nghiêm minh của pháp luật để thực hiện các giải pháp đấu tranh phòng và chống tội phạm".

VĂN QUANG

Xem xét tính mức lương tối thiểu giờ có cộng thêm hệ số bổ sung