/ Nghiên cứu - Trao đổi
/ Nguồn kinh phí và vấn đề thu phí xuất bản của các tạp chí luật học Việt Nam: Thực trạng và những vấn đề đặt ra

Nguồn kinh phí và vấn đề thu phí xuất bản của các tạp chí luật học Việt Nam: Thực trạng và những vấn đề đặt ra

17/01/2025 06:53 |4 tháng trước

(LSVN) - Nguồn kinh phí luôn là mối quan tâm hàng đầu và là yếu tố quan trọng để duy trì bộ máy tổ chức, hoạt động đối với bất kỳ cơ quan báo chí nào. Khoản kinh phí này được hình thành từ nhiều nguồn khác nhau, như: đầu tư từ phía cơ quan chủ quản, tài trợ, phát hành, quảng cáo và hoạt động do cơ quan báo chí tạo ra. Với các tạp chí khoa học, trong đó có các tạp chí luật học, bên cạnh những nguồn kinh phí trên, còn có thể được hình thành từ việc thu phí xuất bản của tác giả. Bài viết sẽ tập trung phân tích, làm rõ về thực trạng, những vấn đề đặt ra và nêu lên một số đề xuất, kiến nghị về nguồn kinh phí và việc thu phí xuất bản của các tạp chí luật học Việt Nam hiện nay.

Thực trạng nguồn kinh phí hoạt động của các tạp chí luật học ở Việt Nam

Đôi nét về tạp chí nghiên cứu thuộc ngành luật hiện nay

Theo Quyết định số 25/QĐ- HĐGSNN ngày 05/7/2024 của Hội đồng Giáo sư nhà nước thì có đến 50 tạp chí thuộc ngành luật ở Việt Nam được xếp tính điểm công trình nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên, trên thực tế số tạp chí thuộc ngành luật ở nước ta hiện nay không chỉ có vậy. Trong đó, có cơ quan chỉ xuất bản tạp chí in, có nơi bao gồm cả in và điện tử, thậm chí có cơ quan hoạt động đa phương tiện với nhiều loại hình báo chí khác nhau. Tuy nhiên, để dễ hình dung và phân biệt, về cơ bản có thể phân chia thành các nhóm theo các tiêu chí như sau:

- Xuất xứ, chủ quản quản lý: tạp chí thuộc bộ, ngành (đoàn thể); tạp chí thuộc tổ chức, hiệp hội; tạp chí thuộc các trường học, viện nghiên cứu…

- Nội dung thể hiện: tạp chí đa ngành, tạp chí chuyên ngành.

- Loại hình hoạt động: tạp chí in; tạp chí điện tử; tạp chí in và điện tử.

- Theo chất lượng tạp chí khoa học: tạp chí có chỉ số ISSN (International Standard Serial Number) được tính điểm; tạp chí quốc tế (với sự xét chọn và phân loại theo chất lượng tạp chí khoa học của Viện Thông tin khoa học (Institute for Scientific Information, ISI, Hoa Kỳ) hoặc Scopus của Nhà xuất bản Elsevier (Hà Lan)); tạp chí chưa/không được tính điểm.

- Đầu tư, hỗ trợ tài chính: tạp chí được bao cấp; tạp chí được hỗ trợ một phần kinh phí; tạp chí hoạt động tự chủ về tài chính.

Do ở đây chỉ đề cập đến tạp chí luật học hoặc có lĩnh vực luật thuộc nội dung thể hiện nghiên cứu khoa học và tập trung về vấn đề nguồn kinh phí, phí xuất bản nên sẽ không nhắc đến những vấn đề không trực tiếp liên quan. Đối với việc sử dụng nguồn kinh phí, các tạp chí dù có thể khác nhau về xuất xứ, cơ quan chủ quản, loại hình hoạt động, nhưng đều để phục vụ cho việc duy trì và phát triển tạp chí. Song, điều khác biệt đối với các tạp chí khoa học nói chung và tạp chí khoa học luật nói riêng là, ngoài những khoản chi, như: đầu tư cơ sở vật chất (văn phòng, trang thiết bị,…); lương và các chế độ của cán bộ nhân viên; thuế, phí; nhuận bút, nhuận ảnh; tiền in ấn, tiền duy trì tên miền, quản trị mạng (nếu có); hành chính, điện, nước, điện thoại, internet,… còn có những khoản chi khác liên quan đến hoạt động của Hội đồng biên tập, bình duyệt và những vấn đề khác (kiểm tra, thẩm định, đánh giá nội dung bài báo,…). Nói cách khác, chi phí đối với mỗi cơ quan báo chí bao gồm nhiều khoản, nhất là đối với các tạp chí khoa học là khá lớn và mang tính thường xuyên.

Ảnh minh hoạ.

Ảnh minh hoạ. 

Trong khi đó, các tạp chí luật học nói chung đang hoạt động hiện nay ở Việt Nam có xuất xứ, thuộc các cơ quan chủ quản khác nhau. Trong đó, trừ một số tạp chí trực thuộc các bộ, ngành, như: Tạp chí Cộng sản, Tạp chí Nội chính, Tạp chí Lập pháp, Tạp chí Tòa án, Tạp chí Kiểm sát, Tạp chí Dân chủ và Pháp luật,… còn lại hầu hết đều thuộc các viện nghiên cứu, nhà trường, hiệp hội. Đối với các tạp chí thuộc các bộ, ngành nếu trước đây luôn được nhận đầu tư, hỗ trợ một khoản kinh phí lớn từ ngân sách cũng như được tạo điều kiện thuận lợi khi phát hành thì hiện tại nguồn kinh phí dành cho các tạp chí này đang dần bị thu hẹp. Đối với các tạp chí thuộc các viện nghiên cứu, nhà trường, hiệp hội, đoàn thể, tùy theo điều kiện khả năng của cơ quan chủ quản có thể được hỗ trợ một phần kinh phí, còn lại đều phải tự cân đối thu - chi và tự chủ về tài chính.

Nguồn kinh phí hoạt động của các tạp chí luật học Việt Nam

Để duy trì hoạt động, về cơ bản các tạp chí luật học Việt Nam đang hoạt động dựa vào những nguồn tài chính chủ yếu sau: nguồn đầu tư, hỗ trợ từ cơ quan chủ quản; thu từ phát hành tạp chí; thu từ quảng cáo, tài trợ; thu từ các hoạt động do đơn vị thực hiện; thu từ phí xuất bản.

Như trên đã nêu, số lượng các tạp chí được cơ quan chủ quản đầu tư, hỗ trợ kinh phí hoạt động ở nước ta hiện nay là không nhiều, thậm chí đang tiếp tục bị thu hẹp cả về số lượng cũng như mức kinh phí tại mỗi cơ quan báo chí. Đơn cử, theo thống kê của Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, hiện nay, báo chí trong hệ thống Liên hiệp hội Việt Nam trực thuộc trực tiếp là 1, trực thuộc các Viện là 21, trực thuộc các hội ngành là 47, tổng cộng là 69 cơ quan báo chí. Còn tính đến số tạp chí chuyên ngành trực thuộc các chi hội của ngành toàn quốc thì tổng số là gần 90 cơ quan báo chí. Trong đó, hầu hết là tự chủ tài chính(1). Để duy trì hoạt động, phần lớn các tạp chí đã và đang phải tự bươn trải, lo tìm kiếm các nguồn tài chính từ phát hành, quảng cáo, tài trợ và tham gia các hoạt động khác. Tuy nhiên, điều đó cũng không dễ dàng khi xem xét một số yếu tố sau:

Thứ nhất, về phát hành. Các tạp chí khoa học nói chung không giống như báo hoặc các tạp chí thông tin - truyền thông hay tạp chí kết hợp nghiên cứu - thông tin và truyền thông là có nội dung phong phú, hình thức hấp dẫn, trình bày linh hoạt, kỳ xuất bản thường ngắn, đối tượng bạn đọc rộng. Chưa kể, do hoạt động đa dạng, tính lan tỏa, ảnh hưởng cao, nhiều mối quan hệ nên số lượng ấn phẩm phát hành lớn. Đồng thời, ở các cơ quan báo chí điện tử hoặc tòa soạn đa phương tiện, cùng với ưu việt do tương tác trực tuyến và có sự hỗ trợ lẫn nhau giữa các sản phẩm báo chí sẽ lợi thế phát hành hoặc có thêm nguồn thu từ phía người đọc, thông qua các nhà cung cấp dịch vụ mạng. Đối với các tạp chí nghiên cứu, do tôn chỉ mục đích hoạt động có phần hạn chế, nội dung mang tính chuyên sâu, đối tượng bạn đọc không lớn, kỳ xuất bản thường kéo dài (phổ biến mỗi tháng 1 kỳ, thậm chí có tạp chí 3 tháng 1 kỳ hoặc 6 tháng 1 kỳ), khả năng lan tỏa, ảnh hưởng tới cộng đồng chậm. Ngoài ra, do tạp chí luật học chủ yếu thuộc các nhà trường, viện nghiên cứu, hiệp hội, nội dung mang tính chuyên ngành, công tác phát hành ít được các cơ sở phát hành quan tâm, chú trọng nên số lượng tạp chí bán ra thị trường không nhiều. Do số lượng phát hành khiêm tốn, lượng tạp chí in ấn mỗi kỳ thấp nên giá thành tạp chí cao, phí phát hành cũng cao hơn so với báo, tạp chí thông tin - truyền thông. Giả sử giá bìa tạp chí có tăng cao cũng chưa chắc đã mang lại hiệu quả tích cực, có khi còn khiến khách hàng đánh giá, không mặn mà đặt mua. Thực tế cho thấy, hiện nay các tạp chí luật học ở mỗi cơ quan báo chí có số lượng in không lớn, số tạp chí in trên 1.000 bản mỗi kỳ không nhiều, trong đó tập trung ở các tạp chí thuộc bộ ngành vốn có lợi thế do hệ thống phát hành nội bộ, còn phổ biến là khoảng 1.000 bản, thậm chí có tạp chí chỉ in 200 - 300 bản mỗi kỳ. Từ đó cho thấy, nguồn thu từ phát hành của tạp chí luật học hiện tại ở nước ta là không lớn.

Thứ hai, thu từ tài trợ, quảng cáo. Trong bối cảnh kinh tế tiếp tục gặp khó khăn, sự phát triển như vũ bão của công nghệ viễn thông như hiện nay đã ảnh hưởng lớn đến báo chí, nhất là báo chí truyền thống từ nguồn tài trợ, quảng cáo. Đối với các tạp chí khoa học ở Việt Nam, trừ một số cơ quan xuất bản song song hai loại hình in và điện tử hay chỉ xuất bản loại hình điện tử, còn đa số vẫn hoạt động theo hình thức in ấn truyền thống. Với số lượng phát hành không lớn, ít chú trọng đến đổi mới, nâng cao hình thức trình bày nên có ảnh hưởng đến việc thu hút quảng cáo, tài trợ từ phía doanh nghiệp, cộng đồng. Do định kỳ xuất bản tạp chí phổ biến là hàng tháng, vài tháng một kỳ nên số tạp chí mỗi năm ít; các tạp chí thuộc viện nghiên cứu, nhà trường gần như không có người chuyên trách thực hiện công tác truyền thông - quảng cáo và quan hệ công chúng nên việc kêu gọi quảng cáo, tài trợ rất khó khăn. Thực tế cho thấy, có nhiều tạp chí hầu như không có quảng cáo, một số tạp chí chỉ thưa thớt xuất hiện ở các số đặc biệt. Những tạp chí có quảng cáo trên ấn phẩm in, tạp chí điện tử tương đối thường xuyên là tạp chí thuộc tổ chức, hiệp hội. Tuy vậy, số lượng và giá trị kinh tế thu được từ quảng cáo ở các tạp chí này cũng không nhiều, đồng thời do tần suất xuất bản dài, doanh thu thu được từ quảng cáo phải chi nhiều khoản (thuế, hoa hồng, lương, chi phí khác). Do đó, nguồn kinh phí của các tạp chí luật học từ quảng cáo, tài trợ từ bên ngoài nhìn chung thấp, thậm chí với nhiều nơi hầu như không có.

Thứ ba, nguồn thu từ hoạt động khác do tạp chí thực hiện. Những nội dung mà các tạp chí có thể chủ động hoặc phối hợp với các đơn vị, tổ chức khác thực hiện để có thêm nguồn thu, như: hội thảo, hội nghị, sự kiện, đầu tư, liên kết kinh doanh,… Thông qua các hoạt động này sẽ góp phần giúp cho mỗi tạp chí có điều kiện mở rộng quan hệ hợp tác cũng như có thêm nguồn thu. Nhưng để có thể thực hiện được điều đó cần phải có nhân sự, cũng như năng lực, điều kiện thực hiện của đơn vị, trong khi phần lớn tạp chí luật ở Việt Nam không có bộ phận làm truyền thông, sự kiện; số lượng cán bộ, nhân viên tạp chí không nhiều (chủ yếu chỉ gồm lãnh đạo, nhân viên hành chính, biên tập viên), các mối quan hệ để kêu gọi tài trợ hạn chế nên không phải tạp chí nào cũng có điều kiện đầu tư, liên kết kinh doanh, mà có chăng chỉ tham gia tổ chức được các sự kiện, hội thảo, hội nghị nhỏ lẻ với phạm vi hẹp. Điều này cho thấy, kinh tế báo chí hay việc tạo ra nguồn kinh phí từ các hoạt động của tạp chí luật học là rất khó khăn, không lớn.

Thứ tư, thu từ phí xuất bản. Đây được coi là một trong những nguồn tài chính của các tạp chí khoa học, tuy nhiên thực tế cho thấy điều này lâu nay chưa thực sự được quan tâm và sẽ được phân tích kỹ hơn dưới đây.

Thu phí xuất bản của tạp chí luật học và một số vấn đề đặt ra hiện nay

Phí xuất bản và thực tiễn thu phí xuất bản hiện nay

Phí xuất bản là khoản phí mà tác giả phải nộp cho cơ quan báo chí (ở đây là tạp chí luật học) khi có nhu cầu đăng bài. Khoản phí này được xác định là một trong những nguồn thu của tạp chí để chi phí trước hết cho việc bình duyệt, xử lý và in ấn cho chính bài viết đó và có thể góp phần hỗ trợ cho việc duy trì hoạt động của tạp chí.

Kinh phí thu được từ phí xuất bản phục vụ các khoản chi bao gồm các nội dung như: chi cho công tác biên tập; trả thù lao các nhà khoa học phản biện; bồi dưỡng cho việc xử lý bài viết (thiết kế, trình bày, xử lý kỹ thuật, kiểm tra, thẩm định, quản lý, lưu trữ, xuất bản bài viết trên mạng); chi phí in ấn tạp chí; chi trả nhuận bút, nhuận ảnh; chi phí khác (bù đắp, hỗ trợ cho công tác hành chính, thông tin liên lạc, hoạt động của hội đồng biên tập; lưu chiểu…).

Như vậy, có thể khẳng định chi phí của tạp chí liên quan trực tiếp đến quá trình xuất bản bài báo gồm khá nhiều khoản. Đối với tạp chí điện tử, có thể rút ngắn được quy trình xuất bản, chi phí thấp hơn do không phải in ấn, vận chuyển,… nhưng điều này đến nay hầu như vẫn chưa được thực hiện ở Việt Nam và nếu có chỉ thuộc về các tạp chí hợp tác, liên kết với nước ngoài. Trong khi, như trên đã phân tích, các nguồn thu để duy trì hoạt động đối với các tạp chí, nhất là các tạp chí luật học hiện nay là khá khó khăn. Do đó, việc quy định và áp dụng thu phí xuất bản là hết sức cần thiết, nó góp phần bù đắp cho hoạt động của các tạp chí luật học.

Từ lâu, nhiều tạp chí khoa học trên thế giới đã áp dụng thu phí từ tác giả. Nhằm mục đích bù đắp chi phí, không ít tạp chí thu phí nộp bài (submission fees) và buộc các tác giả phải cân nhắc khi nộp bài ở tạp chí của họ. Phí nộp bài thường dao động vào khoảng 50-200 USD/bài và không được hoàn lại nếu như bài báo bị từ chối đăng(2). Tất nhiên, mức phí này chưa phải là khoản phí cuối cùng mà tác giả phải nộp khi bài báo được đăng. Các tạp chí càng uy tín, quy trình bình duyệt chặt chẽ, tính liêm chính, minh bạch càng cao thì phí xuất bản theo đó cũng cao lên. Những năm gần đây, bên cạnh các tạp chí vẫn duy trì in ấn truyền thống thì nhiều nơi đã thực hiện xuất bản tạp chí điện tử. Cùng với các lợi thế, tiện ích do ứng dụng khoa học công nghệ, tạp chí điện tử đã giúp cho quy trình xuất bản nhanh, tính công khai, phổ biến rộng hơn và giảm đáng kể về chi phí xuất bản. Dẫu vậy, nhưng khoản phí mà tác giả phải nộp cho tạp chí không vì vậy mà bị kéo xuống thấp. Gần đây một số tạp chí xuất bản dưới dạng open access, tức là dưới dạng online cho người đọc không mất phí. Loại tạp chí này thu tiền của tác giả khá cao, thường khoảng 500-2.000 USD/bài. Khoản phí này tác giả chỉ phải nộp khi bài báo được chấp nhận xuất bản. Các tạp chí open access thường là tạp chí đa ngành và mới xuất hiện(3). Bên cạnh đó, Nhóm nghiên cứu do Burna dẫn dắt đã tiến hành khảo sát hơn 37.000 bài báo khoa học được xuất bản trên 38 cặp tạp chí đối ứng và tạp chí “mẹ” (vốn chủ yếu chỉ xuất bản các bài báo trả phí). Kết quả cho thấy, chi phí đăng bài trên các tạp chí đối ứng trung vị là 2.600 USD và đa số các tạp chí “lai” (xuất bản cả hai loại bài báo truy cập mở và trả phí) cũng có chi phí đăng bài tương tự(4).

Tại Việt Nam, vấn đề thu phí xuất bản của các tạp chí được xem là khá mới mẻ. Hiện nay, chỉ một số ít tạp chí quy định về điều này, trong đó chủ yếu là các tạp chí uy tín, đã có thời gian hoạt động lâu với quy trình bình duyệt chặt chẽ và được Hội đồng Giáo sư nhà nước đưa vào danh mục xếp tính điểm công trình nghiên cứu khoa học từ 0,5 điểm trở lên hoặc có sự liên kết xuất bản, được các tổ chức quốc tế công nhận. Các tạp chí có thu phí hiện nay thường là tạp chí của các trường đại học, học viện, viện nghiên cứu, còn các tạp chí thuộc bộ ngành, hiệp hội, đoàn thể hầu như đều chưa áp dụng.

Bên cạnh đó, mặt bằng kinh phí mà các tạp chí ở Việt Nam quy định thu hiện nay đối với mỗi bài viết là khá thấp. Theo quy định của Trường Đại học Hòa Bình, áp dụng từ tháng 9/2024 thì tác giả có bài viết được duyệt đăng trên Tạp chí Khoa học và Công nghệ của trường này, nếu tác giả là người trong Trường, bài viết thuộc ngành kinh tế và giáo dục học thu 600.000 đồng/bài tiếng Việt, 700.000 đồng/bài tiếng Anh; tác giả là người ngoài Trường, bài viết thuộc ngành kinh tế và giáo dục học thu 1.000.000 đồng/bài tiếng Việt, 1.200.000 đồng/bài tiếng Anh; bài viết thuộc các ngành khác thu 800.000 đồng/bài tiếng Việt, 1.000.000  đồng/bài  tiếng  Anh(5).

Tương tự như vậy, theo Quyết định số 129/QĐ-ĐHCT ngày 22/01/2021 của Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ, Trường này quy định, lệ phí nộp bài viết tiếng Việt là 1.000.000 đồng/bài; bài viết tiếng Anh là 1.500.000 đồng/bài hoặc 65 USD/bài; lệ phí phải nộp khi gửi bài và không được hoàn trả lại, kể cả khi bài viết bị từ chối hoặc tác giả xin rút bài viết(6).

Qua đó có thể thấy, việc thu phí xuất bản bài viết của tác giả ở các tạp chí ở Việt Nam nói chung và tạp chí luật học ở Việt Nam đến nay vẫn chưa thực sự được quan tâm. Mức thu phí xuất bản của các tạp chí ở trong nước thấp, thậm chí quá thấp so với mặt bằng chi phí và các tạp chí quốc tế. Hầu hết các tạp chí vẫn chưa xác định phí xuất bản là một trong các nguồn thu quan trọng để bù đắp cho các khoản chi phí.

Những vấn đề đặt ra

Việc quy định và áp dụng thu phí xuất bản tại các tạp chí nói chung và tạp chí luật học nói riêng ở nước ta đến nay vẫn chưa được quan tâm và coi trọng xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Có thể thấy rõ điều đó khi xem xét một số vấn đề sau:

Thứ nhất, việc quy định và áp dụng thu phí chỉ có thể thực hiện khi tác giả bài viết thực sự có nhu cầu cần đăng bài viết và tạp chí đăng bài đó mang lại tác dụng đối với họ. Nói một cách cụ thể hơn là tác giả trước khi gửi bài sẽ tìm hiểu tạp chí nào uy tín, được Hội đồng Giáo sư nhà nước đưa vào danh mục xếp tính điểm công trình nghiên cứu khoa học từ 0,75 điểm trở lên sẽ ưu tiên lựa chọn. Điều này hoàn toàn dễ hiểu, vì theo quy định hiện nay thì yêu cầu để nghiên cứu sinh đủ điều kiện bảo vệ luận án phải có ít nhất hai bài báo khoa học được đăng ở tạp chí có điểm khoa học 0,75 trở lên hoặc đăng ở tạp chí nước ngoài có uy tín. Điều kiện về bài báo khoa học đối với người muốn được phong hàm giáo sư, phó giáo sư cũng tương tự như vậy. Với các đối tượng là học viên cao học, giảng viên đang giảng dạy ở các cơ sở đào tạo luật, theo quy định thì họ cũng đều phải có các bài báo được đăng trên tạp chí nghiên cứu khoa học hay các luật sư, người làm công tác nghiên cứu cũng có nhu cầu đăng bài,… nhưng lựa chọn ban đầu đối với họ sẽ là các tạp chí được tính điểm công trình khoa học cao, sau đó mới đến các tạp chí được tính điểm công trình khoa học thấp. Đối với các chuyên gia, nhà khoa học uy tín, có học vị học hàm sẽ luôn chọn những tạp chí danh tiếng hoặc có điểm công trình, có mối quan hệ, sự trân trọng đối với tác giả để gửi bài.

Thứ hai, những tạp chí khoa học nói chung và tạp chí luật học nói riêng ở Việt Nam hiện nay được xếp tính điểm công trình nghiên cứu khoa học cao phần lớn đang thuộc các bộ ngành ở trung ương, trừ một số ít tạp chí thực sự uy tín, có bề dày truyền thống, quy trình bình duyệt chặt chẽ hoặc được quan tâm đầu tư ứng dụng thực hiện theo quy chuẩn mới. Trong khi những tạp chí này về cơ bản vẫn đang nhận được sự đầu tư, hỗ trợ khá lớn từ ngân sách hoặc các nguồn kinh phí khác và có hệ thống phát hành mạnh. Nói cách khác, các tạp chí đó thường có những nguồn thu tương đối ổn định nên sức ép tài chính không quá lớn. Chưa kể, khoản thu từ phí xuất bản nếu thực hiện cũng không lớn và nếu quy định thu sẽ phải tiến hành nhiều thủ tục hành chính nên chắc chắn không đặt nặng vấn đề này.

Thứ ba, đối với các tạp chí thuộc các tổ chức nghề nghiệp, hiệp hội, các trường đại học, viện nghiên cứu hiện nay hầu hết đang tự chủ về kinh tế. Để tồn tại, phần lớn đều phải lo tìm kiếm các nguồn thu, trong đó có hoạt động quảng cáo, kêu tài trợ và tham gia vào các hoạt động khác. Phí xuất bản được xem là một trong những nguồn thu để bù đắp cho các khoản chi nhằm nâng cao chất lượng của tạp chí, nhưng do những tạp chí này thường không có điểm công trình nghiên cứu khoa học cao nên để thu hút các bài báo khoa học chất lượng từ những chuyên gia, người có học vị học hàm cao là không dễ, thậm chí ngay những người học cao học hay các giảng viên ngành luật cần có bài viết đăng trên tạp chí khoa học cũng chưa chắc đã mặn mà để gửi bài. Ở đó, để có các bài báo chất lượng, bài viết từ những chuyên gia, nhà khoa học uy tín đã khó, nói gì đến việc quy định thu phí xuất bản của tác giả. Do đó, việc quy định và áp dụng thu phí xuất bản ở các tạp chí này là rất hãn hữu hoặc nếu có thì cũng rất thấp.

Thứ tư, một trong những thực tế khác đang diễn ra hiện nay, đó là việc đánh giá, xét tính điểm công trình khoa học. Đành rằng, những tiêu chí đầu tiên để xét tính điểm khoa học là chất lượng các bài báo, quy trình bình duyệt của tạp chí đối với các bài báo khoa học, nhưng nhiều vấn đề khác lại bị xem nhẹ. Thực tế cho thấy, có tạp chí dù đã ra đời hàng chục năm, lợi thế nhiều mặt (cơ quan chủ quản, nguồn kinh phí hỗ trợ, hệ thống phát hành…) nhưng nội dung, hình thức thể hiện đơn điệu, số lượng trang in của mỗi kỳ ít, kỳ xuất bản xa (2 tháng, 3 tháng, 6 tháng một kỳ), số lượng phát hành hạn chế hoặc chỉ thuộc phạm vi nội bộ, không phổ biến rộng rãi ra cộng đồng, nhưng có bài viết của các chuyên gia tên tuổi hoặc chất lượng sẽ được đánh giá cao. Trong khi, không ít tạp chí phải tự chủ về tài chính, thường xuyên có sự cải tiến đổi mới để hấp dẫn bạn đọc, kỳ xuất bản ngắn (nửa tháng, 1 tháng một kỳ), có tia- ra phát hành lớn, được cộng đồng đón nhận, đánh giá cao, nhưng lại không được quan tâm nhiều khi xem xét về các tiêu chí đánh giá. Ngoài ra, trong khi mặt bằng dân trí ngày càng cao, việc tạp chí có được quảng cáo (trong phạm vi pháp luật cho phép), thông tin truyền thông là điều đáng mừng, thậm chí ở đó phần nào còn cho thấy sự năng động, khả năng lan tỏa của các bài báo, công trình nghiên cứu, nhưng có khi lại bị định kiến, coi nhẹ.

Thứ năm, hiện vẫn còn có những bất cập trong quy định và đánh giá đối với tạp chí khoa học luật học. Thực tiễn cho thấy có những tạp chí đa ngành được xếp vào ngành luật học có tỷ lệ nội dung bài viết về luật học trong mỗi số tạp chí ít, thậm chí chất lượng bài viết chưa chắc đã cao nhưng đang được tính điểm công trình cao; trong khi có những tạp chí chuyên ngành luật, tỷ lệ nội dung bài viết chủ yếu tập trung về luật học với chất lượng tốt, nhưng có khi lại có điểm công trình thấp. Sở dĩ như vậy, theo chúng tôi có nhiều nguyên nhân, ở đó có thể vì đã có các tạp chí sau quá trình sáp nhập nên đã được kế thừa tính điểm từ tạp chí trước đó, nhưng cũng có thể chỉ vì việc xem xét đánh giá để tính điểm tập trung theo một số tiêu chí chung. Bên cạnh đó, do quy định hiện nay về điều kiện được công nhận khi bảo vệ luận án, xét phong học hàm yêu cầu bài báo khoa học phải đăng ở tạp chí có điểm nghiên cứu công trình từ 0,75 trở lên (kể cả tạp chí đa ngành) hoặc tạp chí quốc tế, nên những người có nhu cầu cần đăng bài viết thường tập trung lựa chọn các tạp chí này. Chính vậy nên dù phải chờ đợi, xếp hàng, thậm chí phải nộp tiền phí xuất bản cao họ cũng không ngại. Và thực trạng hiện nay là những tạp chí có điểm công trình cao hoặc tạp chí nước ngoài nhiều khi không kịp sử dụng bài, trong khi các tạp chí khác dù đã được các hội đồng khoa học công nhận xếp tính điểm công trình nhưng vì có điểm thấp hoặc do chưa được công nhận xếp tính điểm công trình có rất ít tác giả gửi bài và có thể cũng không có nhiều bài báo chất lượng.

Thứ sáu, vấn đề quy định và áp dụng thu phí xuất bản ở các tạp chí nói chung và tạp chí luật học ở Việt Nam hiện nay quá thấp. Không kể phần lớn các tạp chí chưa thực hiện, thì những tạp chí áp dụng thu cũng chỉ ở mức 1.000.000 đồng - 1.500.000 đồng/bài. Phí xuất bản thấp không những không trở thành một trong những nguồn thu được chú trọng ở các tạp chí mà việc sử dụng nguồn thu này để chi phí cho quá trình biên tập, trình xử lý đăng bài, lưu trữ, trả thù lao cho nhà khoa học phản biện bài báo cũng khá thấp (thông thường là 500.000 đồng/lượt phản biện hoặc không được trả trực tiếp). Điều này ít nhiều ảnh hưởng đến việc đầu tư, nâng cao hoạt động chuyên môn, thời gian biên tập cũng như quá trình bình duyệt có thể bị kéo dài, ảnh hưởng đến chất lượng các bài báo.

Thứ bảy, trong khi các tạp chí ở nước ta được tính điểm khoa học cao thường là những tạp chí thuộc các bộ, ngành quản lý hay của trường học được hưởng ngân sách nhà nước, ngân sách đầu tư cho nghiên cứu khoa học hoặc được hỗ trợ từ các nguồn thu khác, không quan tâm nhiều đến nguồn thu từ phí xuất bản, thì các tạp chí của các tổ chức, hiệp hội chủ yếu tự hạch toán tài chính lại rất cần nguồn kinh phí từ quảng cáo, tài trợ, phí xuất bản. Chưa kể, các tạp chí của các tổ chức, hiệp hội bên cạnh việc nâng cao chất lượng hình thức, nội dung, còn phải thực hiện nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền về hoạt động của cơ quan chủ quản, công tác chuyên môn. Nhất là từ khi chúng ta thực hiện Quyết định số 362/QĐ-TTg ngày 03/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025, các tổ chức, hiệp hội không phải tổ chức chính trị - xã hội chỉ còn một tạp chí thì nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền hoạt động của cơ quan chủ quản, công tác chuyên môn đặt ra cho các tạp chí càng nặng nề hơn. Để đáp ứng các yêu cầu từ phía cơ quan chủ quản và duy trì hoạt động, các tạp chí phải cân nhắc để thiết kế nội dung cho phù hợp, đồng thời phải đổi mới về hình thức để hấp dẫn bạn đọc nhằm tăng phát hành, tìm kiếm thêm nguồn thu từ quảng cáo, tài trợ. Tất nhiên, để có được các hợp đồng quảng cáo, nhận được tài trợ của các tạp chí hiện nay là không dễ. Nhưng việc trình bày để tạp chí sang trọng, hấp dẫn người đọc hơn và nhất là nếu xuất hiện các trang quảng cáo trên tạp chí khoa học dường như lại không nhận được “thiện cảm” khi xem xét, đánh giá.

Một số đề xuất, kiến nghị

Nhằm góp phần khắc phục những khó khăn, hạn chế về vấn đề kinh phí và thu phí xuất bản đối với tạp chí luật học hiện nay ở nước ta, chúng tôi xin đề xuất một số nội dung sau:

Một là, cần nâng cao quan điểm, nhận thức về vấn đề kinh tế báo chí nói chung và đối với các tạp chí khoa học, trong đó có tạp chí luật học. Cần thấy rõ thực trạng, những khó khăn, hạn chế về các nguồn thu của tạp chí khoa học, tạp chí luật học hiện nay và xác định việc thu phí xuất bản của tạp chí là một trong những nguồn thu quan trọng của tạp chí. Điều này không chỉ cần thiết đối với các tạp chí, mà còn đối với các cơ quan chủ quản, cơ quan quản lý nhà nước về báo chí và cộng đồng, nhất là những tác giả có bài báo muốn xuất bản trên tạp chí. Mặc dù nguồn kinh phí thu từ phí xuất bản hiện nay chưa lớn đối với những tạp chí đang có lợi thế do còn nhận được kinh phí hỗ trợ từ các nguồn kinh phí của ngân sách nhà nước, cơ quan chủ quản, hoạt động nghiên cứu khoa học, nhưng cũng cần thực hiện. Bởi đây không chỉ là nguồn thu chính đáng, góp phần bù đắp, bổ sung nâng cao hoạt động của tạp chí, mà còn tạo nên sự công bằng, đồng thời qua đó cũng cho thấy uy tín, giá trị của tạp chí. Mặt khác, việc này còn tạo nên sự đồng thuận chung trong xã hội và sự chia sẻ, tạo điều kiện để các tạp chí luật học phát triển từ phía các cơ quan chủ quản, cơ quan quản lý nhà nước.

Hai là, cần xem xét để sửa đổi những bất cập trong quy định và quan điểm đánh giá về tạp chí khoa học luật học. Cụ thể, cần sớm sửa đổi, bổ sung quy định về việc tính điểm đối với tạp chí khoa học điện tử; về cách tính điểm quy đổi bài báo khoa học để phù hợp với thực tế; cách tính điểm giữa tạp chí quốc tế và tạp chí trong nước; cách tính điểm cho ngành luật giữa tạp chí đa ngành và tạp chí chuyên ngành luật; việc tính điểm đối với tạp chí không xuất bản trực tuyến, tạp chí có xuất bản trực tuyến và tạp chí xuất bản trực tuyến. Chẳng hạn, trong khi tạp chí xuất bản trực tuyến có nhiều lợi thế (quy trình xuất bản nhanh, hạn chế chi phí so với tạp chí in, tính phổ biến, công khai cao và là xu hướng phát triển) và trên thế giới đã có nhiều tạp chí khoa học xuất bản trực tuyến được công nhận xếp tính điểm nghiên cứu, nhưng tại Việt Nam vẫn chưa được quan tâm và quy định cụ thể. Hay, một tạp chí đa ngành nhưng vì có trong danh mục ngành luật được tính điểm cao nên nếu có đăng bài báo liên quan đến luật cũng sẽ được tính điểm cao, trong khi tạp chí chuyên ngành luật nhưng do xếp tính điểm thấp nên có khi bài báo chất lượng vẫn bị xếp tính điểm thấp… Mặt khác, cần cụ thể hóa và công khai rộng rãi về bộ tiêu chí chuẩn đánh giá đối với tạp chí khoa học, loại hình tạp chí để các tạp chí chủ động xây dựng kế hoạch, thực hiện một cách hiệu quả.

Ba là, cần xem xét để thay đổi một số vấn đề liên quan đến quan điểm, tiêu chí khi xem xét, tính điểm khoa học đối với tạp chí luật học. Theo đó, cùng với các tiêu chí về chất lượng các bài báo, quy trình biên tập, bình duyệt…, cần xem xét đến các yếu tố khác, như: tính chuyên sâu của tạp chí (chuyên ngành hay đa ngành; tỷ lệ bài báo chuyên ngành luật trong mỗi số tạp chí); khả năng phổ biến của tạp chí đến cộng đồng (số lượng tạp chí xuất bản, phát hành mỗi kỳ; khoảng cách các kỳ xuất bản); việc cải tiến đổi mới hấp dẫn của tạp chí; quá trình ứng dụng công nghệ và không nên đặt nặng định kiến về vấn đề quảng cáo trên tạp chí khi đã tuân thủ các quy định và yêu cầu.

Bốn là, để các tạp chí luật học Việt Nam thực sự đáp ứng các yêu cầu đặt ra, không ngừng nâng cao chất lượng nội dung và hình thức, các cơ quan chủ quản cần xem xét để thấy được đặc thù, những khó khăn của tạp chí khoa học so với các loại hình báo chí khác, từ đó có sự quan tâm và tạo điều kiện để các tạp chí có bộ máy tổ chức, hoạt động hợp lý, hiệu quả. Trong đó, cần có sự đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị, có hình thức hỗ trợ về kinh phí hoạt động và không quá đặt nặng yêu cầu truyền thông, thông tin hoạt động không phù hợp với tiêu chí của tạp chí khoa học.

Năm là, các tạp chí khoa học nói chung và tạp chí luật học nói riêng cần nghiên cứu, thống nhất về việc quy định và áp dụng thu phí xuất bản đối với tác giả. Mức phí thu cần được cân đối để bảo đảm cho việc hỗ trợ cho quá trình biên tập, xử lý bài báo, trả thù lao cho các nhà khoa học phản biện, chi phí in ấn, xuất bản. Đặc biệt, mức thu phí xuất bản không nhất thiết phải áp dụng theo quan niệm tạp chí có điểm quy đổi cao thu cao, tạp chí có điểm quy đổi thấp thu thấp hoặc các tạp chí có lợi thế được ngân sách hay nguồn hỗ trợ tài chính tốt không thu hoặc thu thấp. Sáu là, tác giả khi gửi bài đăng trên tạp chí khoa học cần xác định việc nộp phí là việc làm cần thiết và là nghĩa vụ tài chính để chia sẻ kinh phí đối với tạp chí, nhưng đồng thời cũng giúp cho bài báo của mình được bình duyệt, biên tập, lưu trữ, phổ biến với chất lượng cao và mang hiệu quả tích cực. Ngoài ra, các tác giả cũng nên nghiên cứu để có kế hoạch thực hiện bài viết chất lượng, bảo đảm đúng quy định về thể thức bài báo khoa học cũng như thấy được những lợi thế, khó khăn của tạp chí trong nước để cân nhắc trong việc lựa chọn gửi bài viết đến tạp chí trong nước hoặc quốc tế.

Tóm lại, nguồn kinh phí nói chung và việc quy định, áp dụng thu phí xuất bản hiện nay đang là một trong những vấn đề cần được quan tâm đối với các tạp chí khoa học, nhất là các tạp chí luật học hiện nay ở nước ta. Điều này liên quan trực tiếp đến sự tồn tại, phát triển của mỗi tạp chí. Riêng đối với thu phí xuất bản, đến nay vẫn chưa có nhiều tạp chí luật học quy định và thực hiện do nhiều nguyên nhân. Dẫu vậy, đây được coi là xu hướng tất yếu và cần xác định là một trong những nguồn thu quan trọng đối với bất cứ tạp chí khoa học nào. Để việc thu phí xuất bản được áp dụng một cách hợp lý, đồng bộ, không chỉ cần có sự nhận thức nghiêm túc và quyết tâm thực hiện của các tạp chí luật học mà còn cần nhận được sự quan tâm, ủng hộ của các cơ quan chủ quản, các cơ quan quản lý nhà nước về báo chí cũng như từ Hội đồng Giáo sư nhà nước, Hội đồng Giáo sư ngành luật.

(1)     https://vietnamhoinhap.vn/vi/quan-ly-kinh-te-bao-chi-cua-cac-tap-chi-thuoc-lien-hiep-cac-hoi-khoa-hoc-ky-thuat-viet- nam-48304.htm

(2)     https://ddphuongphap.wordpress.com/2020/08/04/phi-nop-bai-va-xuat-ban-tai-cac-tap-chi-khoa-hoc

(3)     https://ddphuongphap.wordpress.com/2020/08/04/phi-nop-bai-va-xuat-ban-tai-cac-tap-chi-khoa-hoc/

(4)     https://tapchigiaoduc.edu.vn/article/87296/221/phi-xuat-ban-tren-cac-tap-chi-truy-cap-mo-rao-can-doi-voi-nha-nghien- cuu-den-tu-cac-quoc-gia-thu-nhap-thap/

(5)     https://daihochoabinh.edu.vn/thong-bao-ve-chinh-sach-thu-phi-va-chi-tra-nhuan-but-phi-phan-bien-doi-voi-cac-bai-viet- dang-tren-tap-chi-khoa-hoc-va-cong-nghe-truong-dhhb

(6)     https://sj.ctu.edu.vn/ql/docgia/article-quidinhvexuatbantapchikhoahoc.html

 

Tài liệu tham khảo

1.      Quyết định số 37/2018/QĐ-TTg ngày 31 tháng 8 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ ban hành quy định tiêu chuẩn bổ nhiệm, xét công nhận đạt tiêu chuẩn và bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư; thủ túc xét hủy bỏ công nhận chức danh và miễn nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư.

2.      Quyết định số 25/2020/QĐ-TTg ngày 31/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 37/2018/QĐ-TTg ngày 31/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ ban hành quy định tiêu chuẩn bổ nhiệm, xét công nhận đạt tiêu chuẩn và bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư; thủ túc xét hủy bỏ công nhận chức danh và miễn nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư.

3.      Quyết định số 25/QĐ-HĐGSNN ngày 05/7/2024 Phê duyệt danh mục tạp chí khoa học được tính điểm năm 2024.

4.      https://vietnamhoinhap.vn/vi/quan-ly-kinh-te-bao-chi-cua-cac-tap-chi-thuoc-lien-hiep-cac-hoi- khoa-hoc-ky-thuat-viet-nam-48304.htm

5.      https://ddphuongphap.wordpress.com/2020/08/04/phi-nop-bai-va-xuat-ban-tai-cac-tap-chi-khoa- hoc/

6.      https://tapchigiaoduc.edu.vn/article/87296/221/phi-xuat-ban-tren-cac-tap-chi-truy-cap-mo-rao-can- doi-voi-nha-nghien-cuu-den-tu-cac-quoc-gia-thu-nhap-thap/

7.      https://daihochoabinh.edu.vn/thong-bao-ve-chinh-sach-thu-phi-va-chi-tra-nhuan-but-phi-phan- bien-doi-voi-cac-bai-viet-dang-tren-tap-chi-khoa-hoc-va-cong-nghe-truong-dhhb

8.      https://sj.ctu.edu.vn/ql/docgia/article-quidinhvexuatbantapchikhoahoc.html

Tiến sĩ, Luật sư LIÊU CHÍ TRUNG

Phó Tổng biên tập Tạp chí Luật sư Việt Nam

(Bài viết tại Chuyên đề tham luận tại Hội thảo khoa học quốc gia “Đổi mới, nâng cao chất lượng các tạp chí luật học”)