Ông Phạm Hồng Hà - nguyên Trưởng Ban Quản lý vịnh Hạ Long, nguyên Chủ tịch UBND TP. Hạ Long.
Công an tỉnh Quảng Ninh đang chỉ đạo Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Quảng Ninh điều tra vụ án "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ" xảy ra tại Công ty Cổ phần quản lý đường sông số 3 và Ban Quản lý vịnh Hạ Long.
Căn cứ kết quả điều tra, đến nay Cơ quan điều tra đã khởi tố 6 bị can thuộc Công ty Cổ phần Quản lý đường sông 3 về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” quy định tại khoản 4, Điều 174, Bộ luật Hình sự.
Quá trình điều tra mở rộng vụ án, ngày 10 và 14/5/2022, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Quảng Ninh đã khởi tố, bắt tạm giam đối với các bị can nguyên là lãnh đạo và nhân viên Ban Quản lý vịnh Hạ Long.
Các bị can gồm: Bùi Sĩ Giáp - nguyên Trưởng phòng Kỹ thuật và tu bổ, tôn tạo cảnh quan Ban Quản lý vịnh Hạ Long; Phạm Thái Dương - nhân viên Ban Quản lý vịnh Hạ Long, về hành vi “Nhận hối lộ” quy định tại khoản 2, Điều 354 Bộ luật Hình sự và Phạm Hồng Hà - nguyên Trưởng Ban Quản lý vịnh Hạ Long, nguyên Chủ tịch UBND TP. Hạ Long về hành vi “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, quy định tại khoản 2, Điều 356 Bộ luật Hình sự.
Vậy, với tội danh bị khởi tố, nguyên Chủ tịch UBND TP. Hạ Long có thể đối mặt với khung hình phạt như thế nào?
Dưới góc độ pháp lý, Tiến sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính pháp đánh giá, đây là một vụ án đặc biệt nghiêm trọng gây thiệt hại tài sản nhà nước, vi phạm về quản lý kinh tế và lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Vụ án có liên quan đến nhiều tổ chức, cá nhân và nhiều người đã bị khởi tố, điều tra về các tội danh khác nhau.
Theo đó, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Quảng Ninh khởi tố, bắt tạm giam đối với ông Phạm Hồng Hà - nguyên Trưởng Ban Quản lý vịnh Hạ Long, nguyên Chủ tịch UBND TP. Hạ Long về hành vi “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, quy định tại khoản 2, Điều 356 Bộ luật Hình sự. Đây là hành vi của người có chức vụ quyền hạn nhưng vì vụ lợi hoặc vì động cơ cá nhân mà thực hiện sai công vụ dẫn đến thiệt hại tài sản của nhà nước.
Điều 356. Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ 1. Người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái công vụ gây thiệt hại về tài sản từ 10.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại khác đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm: a) Có tổ chức; b) Phạm tội 02 lần trở lên; c) Gây thiệt hại về tài sản từ 200.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng. 3. Phạm tội gây thiệt hại về tài sản 1.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm. 4. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng. |
"Như vậy, với tội danh và khung hình phạt bị khởi tố thì ông Hà có thể đối mặt với mức hình phạt cao nhất tới 10 năm tù. Cơ quan điều tra sẽ tiếp tục làm rõ hành vi của các bị can, vai trò của các bị can và xác định hậu quả mà các bị can đã gây ra đối với xã hội để có hình thức xử lý phù hợp với quy định của pháp luật", Luật sư Cường nói.
Nguyên tắc xử lý vật chứng vụ án
Theo Luật sư Cường, trong quá trình điều tra vụ án hình sự, cơ quan điều tra cũng sẽ làm rõ các tài sản do phạm tội mà có, những vật chứng của vụ án để tiến hành niêm phong, kê biên xử lý theo quy định của pháp luật.
Theo thông tin, trong quá trình đọc lệnh bắt giữ và khám xét tại nhà riêng của ông Phạm Hồng Hà thì cơ quan điều tra đã thu giữ nhiều tài liệu đồ vật, trong đó có 4 chiếc xe ô tô đắt tiền.
"Có thể cơ quan điều tra xác định những chiếc xe này là vật chứng của vụ án, có liên quan đến tội phạm nên tạm thời thu giữ để xem xét xử lý theo quy định của pháp luật", Luật sư nói.
Điều 89 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định “vật chứng” là vật được dùng làm công cụ, phương tiện phạm tội, vật mang dấu vết tội phạm, vật là đối tượng của tội phạm, tiền hoặc vật khác có giá trị chứng minh tội phạm và người phạm tội hoặc có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án.
Việc thu thập vật chứng phải đảm bảo được quy định tại Điều 105 Bộ luật Tố tụng hình sự. Cụ thể, vật chứng phải được thu thập kịp thời, đầy đủ, mô tả đúng thực trạng vào biên bản và đưa vào hồ sơ vụ án. Trường hợp vật chứng không thể đưa vào hồ sơ vụ án thì phải chụp ảnh, có thể ghi hình để đưa vào hồ sơ vụ án. Vật chứng phải được niêm phong, bảo quản theo quy định của pháp luật.
Vật chứng thu thập được phải được cơ quan tố tụng bảo quản theo quy định tại Điều 90 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, phải bảo quản nguyên vẹn, không để mất mát, lẫn lộn, hư hỏng. Bộ luật Tố tụng hình sự cũng quy định trường hợp người có trách nhiệm bảo quản vật chứng mà để mất mát, hư hỏng, phá hủy niêm phong, tiêu dùng, sử dụng trái phép, chuyển nhượng, đánh tráo, cất giấu, hủy hoại vật chứng của vụ án thì tuỳ tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của luật.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 106 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, vật chứng được xử lý như sau: Vật chứng là công cụ, phương tiện phạm tội, vật cấm tàng trữ, lưu hành thì bị tịch thu, nộp ngân sách nhà nước hoặc tiêu hủy; vật chứng là tiền bạc hoặc tài sản do phạm tội mà có thì bị tịch thu, nộp ngân sách nhà nước; vật chứng không có giá trị hoặc không sử dụng được thì bị tịch thu và tiêu hủy.
Theo Luật sư Cường, trường hợp những chiếc xe này không có liên quan đến tội phạm, không phải nguồn gốc do phạm tội mà có cũng không sử dụng để thực hiện hành vi phạm tội và không phải tài sản thuộc sở hữu của bị can mà là tài sản của người khác thì sẽ trả lại cho chủ sở hữu tài sản theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự hiện hành.
TIẾN HƯNG
Khởi tố nguyên Chủ tịch UBND TP. Hạ Long: Căn cứ nào để tạm giữ 4 xe ô tô?
Công an tỉnh Quảng Ninh khởi tố, bắt tạm giam nguyên Chủ tịch UBND TP. Hạ Long