(LSVN) - Theo quy định tại khoản 1 Điều 218 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, nếu trường hợp người khởi kiện rút toàn bộ đơn khởi kiện thì tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án và hậu quả pháp lý là người khởi kiện được quyền khởi kiện để yêu cầu tòa án giải quyết lại vụ án.
Thực tiễn cho thấy việc người khởi kiện rút toàn bộ đơn khởi kiện có thể vì nhiều lý do khác nhau, trong đó có lý do là do bị đơn đã thực hiện xong nghĩa vụ đối với nguyên đơn. Vậy trong trường hợp này, tòa án có bắt buộc phải ghi hậu quả pháp lý của việc đình chỉ giải quyết vụ án là nguyên đơn được quyền khởi kiện lại vụ án không thì hiện còn quan điểm khác nhau. Một ví dụ cụ thể như sau:
Bà A khởi kiện yêu cầu ông B trả số tiền vay còn nợ là 50 triệu đồng. Sau khi tòa án thụ lý vụ án và trước khi tòa án mở phiên họp hòa giải thì bị đơn là ông B đã trả hết số tiền còn nợ nguyên đơn nên nguyên đơn gửi tòa án đơn yêu cầu rút lại toàn bộ đơn khởi kiện. Căn cứ đơn yêu cầu này của nguyên đơn, thẩm phán được phân công giải quyết vụ án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự nhưng phần hậu quả pháp lý trong quyết định này có phải ghi nguyên đơn được quyền khởi kiện để yêu cầu tòa án giải quyết lại vụ án không thì hiện vẫn còn quan điểm khác nhau.
Quan điểm thứ nhất, cho rằng theo Mẫu số 45-DS (ban hành kèm theo Nghị quyết số 01/2017/NQ-HĐTP ngày 13/01/2017 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao) và tại mục (9) của “Hướng dẫn sử dụng mẫu quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự” có hướng dẫn như sau: Tùy vào từng trường hợp đình chỉ vụ án cụ thể mà ghi hậu quả của việc đình chỉ giải quyết vụ án quy định tại Điều 218 của Bộ luật Tố tụng dân sự, (kể cả về tiền tạm ứng án phí).
Từ hướng dẫn này, thẩm phán căn cứ vào khoản 1 Điều 218 của Bộ luật Tố tụng dân sự bắt buộc phải ghi vào phần hậu quả pháp lý của việc đình chỉ giải quyết vụ án trong quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự là nguyên đơn được quyền khởi kiện để yêu cầu tòa án giải quyết lại vụ án. Còn nếu sau đó, người khởi kiện có khởi kiện lại vụ án thì tòa án xem xét giải quyết theo thủ tục chung là thông báo trả lại đơn khởi kiện (nếu chưa thụ lý vụ án) hoặc đình chỉ giải quyết vụ án (nếu đã thụ lý vụ án) do người khởi kiện không có quyền khởi kiện hoặc đưa vụ án ra xét xử và xử không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, đồng thời buộc nguyên đơn chịu toàn bộ án phí, chi phí tố tụng khác (nếu có) theo quy định của pháp luật.
Quan điểm thứ hai, cũng là quan điểm của tác giả cho rằng mặc dù tại khoản 1 Điều 218 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 có quy định về hậu quả pháp lý của việc đình chỉ giải quyết vụ án là nếu người khởi kiện rút lại toàn bộ đơn khởi kiện thuộc trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều 217 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 thì người khởi kiện có quyền khởi kiện để yêu cầu tòa án giải quyết lại vụ án. Tuy nhiên, cần phải hiểu rằng đây là quy định pháp luật chung. Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án cần linh hoạt vận dụng quy định của pháp luật vào từng trường hợp cụ thể trong thực tiễn.
Cụ thể là khi nguyên đơn gửi cho tòa án đơn yêu cầu rút lại đơn khởi kiện, nếu trong đơn họ không nêu rõ lý do rút lại đơn khởi kiện thì thẩm phán cần tiến hành lấy lời khai làm rõ việc họ rút đơn khởi kiện có tự nguyện không và làm rõ lý do rút lại đơn khởi kiện. Nếu họ trình bày hoặc cung cấp cho tòa án chứng cứ thể hiện rõ nguyên đơn rút lại đơn khởi kiện là do bị đơn đã thực hiện xong nghĩa vụ đối với nguyên đơn thì trong trường hợp này, thẩm phán khi ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án không phải ghi hậu quả của việc đình chỉ giải quyết vụ án là người khởi kiện được quyền khởi kiện để yêu cầu tòa án giải quyết lại vụ án. Bởi vì việc không ghi hậu quả pháp lý như trên là phù hợp với bản chất của vụ án và tránh được sự phản ứng của phía bị đơn (có thể là kháng cáo quyết định đình chỉ giải quyết vụ án), khi họ cho rằng họ đã thực hiện xong nghĩa vụ với nguyên đơn, tại sao tòa án vẫn cho nguyên đơn quyền khởi kiện để yêu cầu tòa án giải quyết lại vụ án. Điều này cũng thể hiện sự vận dụng linh hoạt quy định của pháp luật vào trong thực tiễn của thẩm phán.
Qua bài viết này để thấy rằng, mặc dù pháp luật đã có quy định cụ thể nhưng thực tiễn đôi khi còn có cách hiểu và vận dụng khác nhau, dẫn đến sự không thống nhất trong áp dụng pháp luật đối với cùng một vấn đề phải giải quyết. Tác giả rất mong đồng nghiệp và bạn đọc cùng nghiên cứu và trao đổi thêm về vấn đề nêu trên.
DƯƠNG TẤN THANH Thẩm phán TAND thị xã Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh |