(LSO) - Khi không đủ và không thể làm sáng tỏ căn cứ để buộc tội, kết tội theo trình tự, thủ tục do Bộ luật Tố tụng hình sự quy định thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải kết luận người bị buộc tội không có tội.
Nguyên tắc suy đoán vô tội được quy định tại Điều 13 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015. Thực ra, Điều 13 này được sửa đổi, bổ sung mở rộng nội hàm của Điều 9 Bộ luật Tố tụng hình sự 2003.
Đây là một trong những nguyên tắc tiến bộ, quan trọng được ghi nhận tại khoản 1 Điều 31 Hiến pháp 2013, có nội dung: “Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự luật định và có bản án kết tội của tòa án có hiệu lực pháp luật”.
Căn cứ nguyên tắc Hiến định này, Điều 13 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 cụ thể hóa “nguyên tắc suy đoán vô tội”, đòi hỏi hoạt động tố tụng hình sự phải bảo đảm:
Thứ nhất, bị can, bị cáo phải được coi là không có tội cho đến khi các cơ quan tiến hành tố tụng hình sự chứng minh được lỗi của bị can, bị cáo. Yêu cầu này đặt ra sự an toàn pháp lý cho người bị buộc tội trong quá trình tố tụng hình sự, ngoài ra cũng phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về quyền dân sự và chính trị.
Theo nội dung Điều 14.2 Công ước quốc tế về quyền dân sự và chính trị, ghi nhận mọi người có quyền hưởng tự do và an ninh cá nhân, không ai bị bắt hoặc giam giữ vô cớ; người bị buộc tội là phạm một tội hình sự có quyền được coi là vô tội cho tới khi tội của người đó được chứng minh theo pháp luật.
Thứ hai, việc truy tố và xét xử phải được tiến hành theo một trình tự, thủ tục do pháp luật quy định. Nội dung này bảo đảm nguyên tắc pháp chế, là dấu hiệu quan trọng của chế độ pháp quyền XHCN. Theo đó, thủ tục công khai, minh bạch là đòi hỏi cao nhất cho việc bảo vệ quyền con người chống lại sự truy bức tùy tiện và phù hợp với Điều 9.1 Công ước của Liên hợp quốc về quyền dân sự và chính trị, đó là:
“Mọi người đều có quyền hưởng tự do và an toàn cá nhân. Khôngai bị bắt hoặc bị giam giữ vô cớ. Không ai bị tước quyền tự do trừ trường hợpviệc tước quyền đó là có lý do và theo đúng những thủ tục mà luật pháp đã quy định”.
Thứ ba, phải bảo đảm xác định và xem xét các tình tiết của vụ án một cách khách quan, toàn diện, làm rõ các căn cứ xác định có tội và những căn cứ xác định vô tội, các tình tiết tặng nặng và những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo. Trách nhiệm chứng minh này thuộc về cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Người bị buộc tội có quyền nhưng không phải chứng minh là mình vô tội.
Thứ tư, khoản 2 Điều 98 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, ghi nhận: "Lời nhận tội của bị can, bị cáo chỉ có thể được coi là chứng cứ nếu phù hợp với những lời khai và chứng cứ khác của vụ án. Không được dùng lời nhận tội của bị can, bị cáo làm chứng cứ duy nhất để buộc tội, kết tội".
Thứ năm, khi có hoài nghi về trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo mà Cơ quan tiến hành tố tụng hình sự không thể làm rõ được thì những hoài nghi đó phải được giải quyết theo hướng có lợi cho bị can, bị cáo.
Như vậy, bất kỳ tội phạm nào cũng phải được chứng minh theotrình tự, thủ tục do Bộ luật Tố tụng hình sự quy định. Quá trình chứng minh tộiphạm được thực hiện từ khi có tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tốvà thông qua các thủ tục khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử.
Nếu có căn cứ để kết tội thì tòa án sẽ ra bản án kết tội. Trường hợp bản án kết tội không bị kháng cáo, kháng nghị thì bản án đó có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
Trong trường hợp bản án kết tội có kháng cáo hoặc kháng nghị thì bản án đó chưa có hiệu lực pháp luật và vụ án được xét xử lại theo thủ tục phúc thẩm. Khi chưa có bản án kết tội đã có hiệu lực pháp luật thì người bị kết án và cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng phải quan tâm, tạo điều kiện cho họ đưa ra chứng cứ, yêu cầu và tranh luận công khai, dân chủ trước tòa án để chứng minh họ không có tội hoặc giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho họ.
Khi không đủ và không thể làm sáng tỏ căn cứ để buộc tội, kếttội theo trình tự, thủ tục do Bộ luật Tố tụng hình sự quy định thì cơ quan, ngườicó thẩm quyền tiến hành tố tụng phải kết luận người bị buộc tội không có tội.
Ngược lại, mọi sự nghi ngờ đối với người bị buộc tội đều phảiđược kiểm tra, chứng minh làm rõ. Nếu không chứng minh làm sáng tỏ căn cứ để buộctội, kết tội thì phải kết luận họ không có tội.
So sánh với Điều 9 Bộ luật Tố tụng hình sự 2003 “Không ai bị coi là có tội khi chưa có bản án kết tội của tòa án đã có kiệu lực pháp luật. Không ai bị coi là có tội và phải chịu hình phạt khi chưa có bản án kết tội của tòa án đã có hiệu lực pháp luật”, Điều 13 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định rõ tên của nguyên tắc là “Suy đoán vô tội” để phù hợp với yêu cầu của Hiến pháp 2013 về bảo đảm quyền được suy đoán vô tội của người bị buộc tội và bổ sung đầy đủ nội dung của nguyên tắc này.
Điều 13. Suy đoán vô tội Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định và có bản án kết tội của tòa án có hiệu lực pháp luật. Khi không đủ và không thể làm sáng tỏ căn cứ để buộc tội, kết tội theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy đình thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải kết luận người bị buộc tội không có tội. |
Luật sư LÊ TRỌNG HÙNG