/ Nghiên cứu - Trao đổi
/ Nguyên tắc tranh tụng trong xét xử

Nguyên tắc tranh tụng trong xét xử

01/12/2023 06:32 |

(LSVN) - Nguyên tắc tranh tụng được quy định cụ thể tại Điều 26 Bộ luật Tố tụng hình sự. Theo đó, các chủ thể tham gia tố tụng bình đẳng trong việc đưa ra chứng cứ, đánh giá chứng cứ, đưa ra các yêu cầu để làm rõ sự thật của vụ án.

Ảnh minh họa.

Tranh tụng trong tố tụng hình sự là một khái niệm không mới và là một trong những nguyên tắc cơ bản đã được áp dụng phổ biến ở các nước thuộc hệ thống pháp luật Anh - Mỹ cũng như châu Âu lục địa. Ở nước ta, nguyên tắc tranh tụng lần đầu tiên được ghi nhận tại Hiến pháp 2013 và quy định cụ thể hóa tại Điều 26 Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) trên cơ sở chủ trương của Đảng qua Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 02/01/2002, Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24/5/2005 và Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị, nội dung của các Nghị quyết nhằm xây dựng, định hướng nền tư pháp dân chủ, bảo đảm cho mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật, thực sự dân chủ, khách quan; thẩm phán và hội thẩm độc lập và chỉ tuân theo pháp luật; phán quyết của Tòa án phải căn cứ chủ yếu vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa, xét xử phải có tranh tụng và xem đây là một bước đột phá trong hoạt động tư pháp, hoạt động xét xử của Tòa án.

Hiện nay, theo quan điểm của nhiều nhà nghiên cứu thì mô hình tố tụng ở nước ta là mô hình tố tụng hỗn hợp, có nghĩa là có sự đan xen giữa mô hình tố tụng thẩm vấn và mô hình tố tụng tranh tụng. Do đó, trong thực tiễn xét xử thì phán quyết của Tòa án cần phải dựa trên cả hai yếu tố đó là kết quả kiểm tra, đánh giá chứng cứ và kết quả tranh tụng tại phiên tòa, chứ không hoàn toàn dựa vào kết quả tranh tụng như mô hình tố tụng tranh tụng ở các nước Châu Âu như Anh, Mỹ.

Về nội dung của nguyên tắc tranh tụng được quy định cụ thể tại Điều 26 BLTTHS, đó là các chủ thể tham gia tố tụng bình đẳng trong việc đưa ra chứng cứ, đánh giá chứng cứ, đưa ra các yêu cầu để làm rõ sự thật của vụ án. Tòa án thực hiện chức năng xét xử giữ vai trò là trọng tài bảo đảm cho tranh tụng được bình đẳng. Nghĩa vụ chứng minh thuộc về bên buộc tội, bên gỡ tội có quyền, nhưng không buộc phải chứng minh mình vô tội; các điều kiện tiến hành hoạt động tranh tụng trong xét xử phải đầy đủ, hợp pháp (đảm bảo sự tham gia đầy đủ của các thành phần trừ các trường hợp khác theo quy định của pháp luật).

Toà án có trách nhiệm tạo điều kiện cho quá trình tranh tụng diễn ra dân chủ công bằng và bình đẳng; Các chứng cứ, điều, khoản áp dụng để giải quyết vụ án hình sự phải được đưa ra xem xét, công khai, minh bạch và làm rõ tại phiên toà. Thông qua việc tranh luận, công khai kiểm tra đánh giá chứng cứ, Tòa án sẽ áp dụng đúng, phù hợp các điều, khoản để xác định tội phạm, đúng người, đúng tội và không bỏ lọt tội phạm và cuối cùng là kết quả tranh tụng là cơ sở và căn cứ để Tòa án đưa ra bản án, quyết định. Có thể nói nguyên tắc “tranh tụng trong xét xử được đảm bảo”, lần đầu tiên đã khẳng định tranh tụng là một phương thức quan trọng trong việc xác định sự thật khách quan của quá trình xét xử một vụ án hình sự, thể hiện tính dân chủ, công bằng, tôn trọng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của con người. 

Về thực tiễn áp dụng nguyên tắc tranh tụng trong hoạt động xét xử và nguyên nhân

Thực tiễn cho thấy, việc thực hiện nguyên tắc tranh tụng đã đạt được những kết quả tích cực trong các phiên tòa hình sự. Tòa án quan tâm tạo điều kiện thuận lợi cho người bào chữa trong việc cấp giấy chứng nhận người bào chữa; sao chụp hồ sơ vụ án; tiếp nhận chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan đến vụ án và có đánh giá về giá trị của chứng cứ ngay tại phiên tòa.

Trong quá trình xét hỏi, nhiều Hội đồng xét xử tôn trọng và bảo đảm quyền được hỏi của người bào chữa và đương sự; bảo đảm quyền bình đẳng trong việc đưa ra chứng cứ, đánh giá chứng cứ, đưa ra yêu cầu để làm rõ sự thật khách quan của vụ án, các vật chứng, tài liệu được đưa ra xem xét, đánh giá công khai tại phiên tòa. 

Trong giai đoạn tranh luận, Hội đồng xét xử đã tạo điều kiện cho người bào chữa, bị cáo, người tham gia tố tụng khác tranh luận, trình bày hết ý kiến của mình mà không hạn chế thời gian tranh luận; yêu cầu Kiểm sát viên phải đưa ra chứng cứ tài liệu, lập luận từng ý kiến của bị cáo, người bào chữa, người tham gia tố tụng khác tại phiên tòa để làm sáng tỏ tình tiết vụ án. Nhiều hội đồng xét xử đã quan tâm đến việc phản ánh trung thực diễn biến tranh tụng thông qua ghi nhận tại biên bản phiên tòa. bản án, quyết định của Tòa án đã căn cứ vào kết quả kiểm tra, đánh giá chứng cứ và kết quả tranh tụng tại phiên tòa, bảo đảm tính khách quan, công bằng, đúng pháp luật, bảo đảm các quyền của bị cáo… Điều này chính là biểu hiện của nền tư pháp dân chủ, công bằng, minh bạch, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

Tuy nhiên, một số phiên tòa, kiểm sát viên tranh luận còn hình thức, né tránh những vấn đề mà người bào chữa nêu ra trái với quan điểm của kiểm sát viên hoặc trả lời không đi thẳng vào trọng tâm của vấn đề đang tranh luận hoặc không đưa quan điểm đối đáp bằng cách bảo lưu quan điểm luận tội. Do đó, chất lượng và kết quả tranh tụng còn bị hạn chế. Bên cạnh đó, chủ tọa chưa điều hành tốt quá trình tranh tụng; còn hạn chế quyền hỏi của người bào chữa; chưa thực sự chú ý đến những tình tiết, chứng cứ mới của vụ án; cắt ngang hoặc hạn chế quyền tranh luận, đối đáp của người bào chữa; chưa xem xét, đánh giá, những chứng cứ gỡ tội mà người bào chữa đưa ra; một số bản án, quyết định của Tòa án chưa xuất phát từ kết quả tranh tụng tại phiên tòa.

Một số Luật sư còn thiếu kỹ năng và kinh nghiệm đối đáp, tranh luận trực tiếp, dẫn đến sự tẻ nhạt và không đi vào trọng tâm của vấn đề, cho nên chưa tạo ra được bầu không khí đối tụng. Trong các phiên tòa có Luật sư chỉ định thì nhiều trường hợp bào chữa mang tính hình thức nên chất lượng tham gia tranh tụng còn thấp.

Giải pháp hoàn thiện, nâng cao chất lượng tranh tụng 

Để góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động tranh tụng tại phiên tòa, chúng tôi đề xuất, kiến nghị một số giải pháp như sau:

Một là, tiếp tục sửa đổi, bổ sung hoàn thiện hệ thống pháp luật để làm rõ chức năng nhiệm vụ của Tòa án chỉ là chức năng xét xử; bỏ quy định về quyền kiểm sát xét xử tại phiên tòa của kiểm sát viên, quy định Viện Kiểm sát là bên tham gia tố tụng chứ không phải là bên tiến hành tố tụng như hiện nay;

Hai là, tăng cường, tổ chức tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho thẩm phán, kiểm sát viên, Luật sư về kỹ năng tranh tụng tại phiên tòa; 

Ba là, nghiên cứu đổi mới hệ thống tổ chức và hoạt động, quy định để Tòa án có thể độc lập trong việc đưa ra phán quyết mà không bị phụ thuộc vào các chủ thể khác và các cấp hành chính. Bên cạnh đó cần nghiên cứu đi đến chấm dứt việc họp liên ngành 3 cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án, đảm bảo cơ sở vật chất, trang thiết bị, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ cho hoạt động xét xử…

Quá trình xét xử vụ án hình sự tranh tụng có vai trò quan trọng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị cáo, bị hại, các chủ thể khác tham gia tố tụng. Bản án, quyết định của Tòa án phải căn cứ vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa, có như vậy mới đảm bảo khách quan, minh bạch, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không bỏ lọt tội phạm và không làm án oan người vô tội, đáp ứng được yêu cầu của công cuộc cải cách tư pháp đặt ra hiện nay.

HỒ QUÂN

 Tòa án Quân sự Khu vực Quân khu 4

Một số quy định cần hoàn thiện nhằm thúc đẩy thị trường quyền sử dụng đất

Nguyễn Mỹ Linh