Bị cáo Nguyễn Xuân Đường tại phiên xét xử.
Cùng áp dụng theo khung hình phạt này, Hội đồng xét xử tuyên phạt Ninh Đức Lợi (SN 1974, trú tại tổ 8 phường Bồ Xuyên, TP. Thái Bình); Phạm Văn Úy (tên gọi khác là Trường, SN 1989, trú tại tổ 36 phường Quang Trung, TP. Thái Bình) cùng mức án 13 năm tù giam. Cùng với hình phạt về tội “Giết người” và “Cố ý gây thương tích” trong các bản án trước, tổng hợp hình phạt chung bị cáo Phạm Văn Úy phải chấp hành là 30 năm tù giam.
Bị cáo Nguyễn Khắc Nin (SN 1979, trú tại xã Nam Cao, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình); Bùi Mạnh Tiến (SN 1995, còn gọi là Tiến “trắng”, con nuôi Nguyễn Xuân Đường, trú tại xã Nguyên Xá, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình) cùng mức án 12 năm tù giam.
Bị cáo Quách Việt Cường (SN 1974, trú tại tổ 10 phường Trần Hưng Đạo, TP. Thái Bình) 8 năm tù giam theo quy định tại Điểm a khoản 3 Điều 170; Nguyễn Thị Dương (SN 1980, vợ của Nguyễn Xuân Đường, trú tại tổ 11, phường Kỳ Bá, TP. Thái Bình) 8 năm tù giam theo quy định tại Điểm d Khoản 2 Điều 170 Bộ luật Hình sự năm 2015. Tổng hợp hình phạt bị cáo Dương phải chấp hành là 12 năm 6 tháng tù (bao gồm hình phạt 4 năm 6 tháng tù về tội “Cố ý gây thương tích” và tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” do Tòa án nhân dân tỉnh Thái Bình đã tuyên trong các vụ án trước đó).
Ngoài ra, 2 vợ chồng bị cáo Nguyễn Xuân Đường có trách nhiệm bồi thường thiệt hại số tiền đã chiếm đoạt trên 2,469 tỉ đồng cho 25 bị hại.
Trong phần luận tội diễn ra chiều ngày 18/11, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình thực hành quyền công tố tại phiên tòa cho rằng, trong vụ án này bị cáo Nguyễn Xuân Đường đóng vai trò là người khởi xướng, chủ mưu, cầm đầu. Đường đã lợi dụng danh nghĩa và núp bóng Công ty Đường Dương do vợ mình làm Giám đốc, tự xưng là Chủ tịch Hiệp hội tang lễ Thái Bình. Đường đã dùng nhiều thủ đoạn đe dọa, ép buộc 25 chủ cơ sở dịch vụ tang lễ trên địa bàn tỉnh Thái Bình, muốn kinh doanh trong lĩnh vực hỏa táng phải tham gia Hiệp hội tang lễ Thái Bình và thực hiện các quy định của Hiệp hội do Đường đặt ra, đồng thời phải đóng cho Đường 500.000 đồng/ca hỏa táng. Tổng số tiền Đường chiếm đoạt của những bị hại là 2,469 tỉ đồng, sử dụng vào việc chi tiêu cá nhân.
Bản luận tội của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình cũng chỉ rõ vai trò đồng phạm của 6 bị cáo còn lại trong việc giúp sức cho Nguyễn Xuân Đường thực hiện hành vi phạm tội.
Tại phiên tòa, ba bị cáo Nguyễn Xuân Đường, Nguyễn Thị Dương, Bùi Mạnh Tiến không thành khẩn khai báo, trong đó Nguyễn Xuân Đường không thừa nhận hành vi phạm tội; Nguyễn Thị Dương không nhận thức được hành vi giúp sức cho chồng mình là Nguyễn Xuân Đường thực hiện hành vi phạm tội; Bùi Mạnh Tiến giữ quyền im lặng. Các bị cáo còn lại đã thành khẩn khai báo nên được hưởng tình tiết giảm nhẹ theo quy định.
Trong phần nói lời sau cùng, các bị cáo Ninh Đức Lợi, Phạm Văn Úy, Nguyễn Khắc Nin, Quách Việt Cường, Nguyễn Thị Dương đã nhận thức được hành vi sai trái của mình và mong nhận được sự khoan hồng của pháp luật. Riêng bị cáo Nguyễn Xuân Đường vẫn tiếp tục cho rằng bản án đối với mình là không thuyết phục và không thừa nhận hành vi phạm tội. Do vụ án liên quan đến nhiều bị cáo, bị hại, nhiều diễn biến, tình tiết và 8 Luật sư bào chữa cho các bị cáo có nhiều ý kiến tranh luận nên đến 20 giờ 30 phút ngày 18/11 Hội đồng xét xử mới tuyên án.
Đây là vụ án cuối cùng mà Đường “Nhuệ” bị cơ quan tố tụng đưa ra truy tố, xét xử, trong đó vụ án “Cưỡng đoạt tài sản” đối với các chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ tang lễ được dư luận đặc biệt quan tâm. Trước đó, vào tháng 8/2020, và tháng 10/2021 Nguyễn Xuân Đường đã 3 lần bị xét xử trong 2 vụ án “Cố ý gây thương tích” và “Xâm phạm chỗ ở của công dân” với tổng hình phạt là 7 năm tù.
PV
Xét xử vợ chồng Đường 'Nhuệ' liên quan đến hoạt động dịch vụ hỏa táng