/ Luật sư - Bạn đọc
/ Nhà báo livestream tại phiên tòa có thể bị phạt: Cần cân nhắc làm rõ một số nội dung

Nhà báo livestream tại phiên tòa có thể bị phạt: Cần cân nhắc làm rõ một số nội dung

17/08/2022 10:35 |

(LSVN) – Để đảm bảo tính thống nhất giữa diễn biến phiên tòa và nội dung của bản án, đồng thời tạo điều kiện để giám sát hoạt động của hội đồng xét xử, đảm bảo tính công khai, minh bạch, nên tiến tới tạo ra cơ chế mọi phiên xét xử đều phải được Tòa án tự tổ chức ghi âm, ghi hình và lưu trữ, cập nhật lên hệ thống theo quy định. Các file này phải được thống nhất quản lý và sẵn sàng sử dụng khi cần thiết, vừa đảm bảo tính công khai, minh bạch trong xét xử mà vẫn bảo vệ được sự tôn nghiêm của hoạt động tố tụng.

  ​Luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng văn phòng Luật sư Đồng Đội, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội.

Mới đây, tại phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng.

Liên quan đến hành vi vi phạm nội quy phiên tòa, phiên họp, hành vi khác cản trở hoạt động tố tụng, dự thảo quy định phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng với hành vi nhà báo không thực hiện yêu cầu của tòa án về việc xuất trình thẻ nhà báo và giấy giới thiệu công tác khi tham dự phiên tòa để đưa tin về diễn biến phiên tòa; không chấp hành sự điều khiển của chủ tọa phiên tòa về khu vực tác nghiệp. Nhà báo có thể bị phạt tiền 7 triệu đồng đến 15 triệu đồng nếu ghi âm, ghi hình hoặc ghi hình có âm thanh hội đồng xét xử mà không được sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa; ghi âm, ghi hình người tham gia tố tụng mà không được sự đồng ý của họ; ghi âm, ghi hình hoặc ghi hình có âm thanh phiên tòa và phát trực tiếp trên không gian mạng.

Đặc biệt, mức phạt từ 15 triệu đồng đến 30 triệu đồng sẽ được áp dụng nếu nhà báo ghi âm, ghi hình hoặc ghi hình có âm thanh hội đồng xét xử mà không được sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa và phát trực tiếp trên không gian mạng.

Theo quan điểm của Luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng văn phòng Luật sư Đồng Đội, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội, dự thảo Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng được xây dựng nhằm tạo hành lang pháp lý đầy đủ cho việc xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng. Việc ban hành và thực thi quy định nêu trên sẽ góp phần tăng tính kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động tố tụng, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân, phòng ngừa những vi phạm có thể xảy ra, tạo điều kiện cho các vụ việc giải quyết một cách nhanh chóng, hiệu quả, đúng pháp luật.

Đối chiếu với quy định tại khoản 3 Điều 4 Luật Xử lý vi phạm hành chính: “Căn cứ quy định của Luật này, Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động kiểm toán nhà nước và đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng”, việc ban hành Pháp lệnh trên là phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành, cơ bản thống nhất với các luật, pháp lệnh có liên quan.

Hiện nay, xuất phát từ thực tiễn cho thấy, các hành vi cản trở hoạt động tố tụng có xu hướng gia tăng cả về số lượng và mức độ phức tạp, gây khó khăn và ảnh hưởng đến chất lượng giải quyết vụ việc của cơ quan, người có thẩm quyền, xâm phạm đến tính tôn nghiêm của hoạt động  tư pháp. Trong khi đó, pháp luật hiện hành vẫn chưa có quy định cụ thể về việc xử phạt các hành vi cản trở hoạt động tố tụng mà chỉ có một số quy định chung nằm rải rác trong Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính. Do đó, việc xử phạt hành vi vi phạm gặp nhiều khó khăn, vướng mắc do không có quy định cụ thể về hành vi vi phạm, hình thức xử phạt, thẩm quyền, trình tự, thủ tục xử phạt,…

Với những lý do này, xét cả trên phương diện lý luận và thực tiễn, việc ban hành Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng là cần thiết, đáp ứng đúng với đòi hỏi mà thực tiễn đặt ra.

Về mức xử phạt, Luật sư cũng nêu quan điểm, hành vi cản trở hoạt động tố tụng là hành vi xâm phạm đến trật tự quản lý nhà nước, mà theo Điều 24 Luật Xử lý vi phạm hành chính, mức phạt tiền tối đa đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực này là đến 40 triệu đồng đối với cá nhân và gấp đôi đối với tổ chức. Do đó, mức xử phạt đối với nhóm hành vi trên là phù hợp, tương xứng với mức độ, tính chất của từng hành vi vi phạm.

Ba khung phạt mà dự thảo đưa ra như: Hành vi nhà báo không thực hiện yêu cầu của Tòa án về việc xuất trình thẻ nhà báo và giấy giới thiệu công tác khi tham dự phiên tòa để đưa tin về diễn biến phiên tòa sẽ bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng; nếu có hành vi ghi âm, ghi hình hoặc ghi hình có âm thanh Hội đồng xét xử không được sự đồng ý của Chủ tọa phiên tòa sẽ bị phạt tiền từ 7 triệu đồng đến 15 triệu đồng; nếu nhà báo ghi âm, ghi hình hoặc ghi hình có âm thanh Hội đồng xét xử không được sự đồng ý của Chủ tọa phiên tòa và phát trực tiếp trên không gian mạng, mức phạt sẽ tăng lên từ 15 triệu đồng đến 30 triệu đồng là đúng quy định, không vượt quá thẩm quyền mà luật đặt ra.

Tuy nhiên, ngược lại, quy định trên nếu đưa vào thực thi có thể phát sinh một số bất cập nhất định. Trong đó, việc ghi âm, ghi hình của nhà báo hay của những cá nhân khác tại phiên toà có thể ảnh hưởng đến tính công bằng, công khai, vi phạm nguyên tắc xét xử công khai theo quy định của pháp luật tố tụng. Mặt khác, ghi âm, ghi hình là hoạt động nghiệp vụ đặc thù của báo chí, cho nên quy định trên có thể trở thành rào cản khiến cho các nhà báo mất đi tính chủ động trong khi tác nghiệp. Ngoài ra, thực tiễn xét xử cho thấy, trong nhiều trường hợp, nội dung bản án chưa thực sự chính xác với quá trình tranh luận tại phiên tòa, dẫn tới khó khăn cho đương sự/bị cáo khi thực hiện các quyền pháp định của mình.

Do đó, để đảm bảo tính thống nhất giữa diễn biến phiên tòa và nội dung của bản án, đồng thời tạo điều kiện để giám sát hoạt động của hội đồng xét xử, đảm bảo tính công khai, minh bạch, nên tiến tới tạo ra cơ chế mọi phiên xét xử đều phải được Tòa án tự tổ chức ghi âm, ghi hình và lưu trữ, cập nhật lên hệ thống theo quy định. Các file này phải được thống nhất quản lý và sẵn sàng sử dụng khi cần thiết, vừa đảm bảo tính công khai, minh bạch trong xét xử mà vẫn bảo vệ được sự tôn nghiêm của hoạt động tố tụng.

Luật sư Trần Xuân Tiền chia sẻ thêm, để các quy định trong dự thảo Pháp lệnh nêu trên hoàn thiện, đầy đủ và có tính khả thi khi đi vào thực hiện, cần chú ý đến một số nội dung. Trong đó, trước hết, cần cân nhắc làm rõ một số nội dung cụ thể liên quan đến phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng; sau đó là rà soát các hành vi cản trở tố tụng hình sự, các yếu tố cấu thành hành vi này, mức xử phạt bảo đảm phù hợp với tính chất và mức độ của hành vi vi phạm, phù hợp với các bộ luật liên quan, không bỏ sót đối tượng vi phạm. Đồng thời cần tham khảo thêm các Nghị định của Chính phủ đối với một số hành vi tương đồng để có thiết kế khung pháp lý đồng bộ, thống nhất.

 LINH NHI

Nhà báo livestream tại phiên tòa có thể bị phạt đến 30 triệu

Lê Minh Hoàng