/ Phân tích - Nghiên cứu
/ Nhận diện phương thức, thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua việc nâng cấp sim 4G, 5G

Nhận diện phương thức, thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua việc nâng cấp sim 4G, 5G

09/01/2023 08:58 |

(LSVN) - Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là sự kết hợp của công nghệ trong các lĩnh vực vật lý, công nghệ số và sinh học, tạo ra những khả năng sản xuất hoàn toàn mới và có tác động sâu sắc đến đời sống kinh tế, chính trị, xã hội của thế giới. Bên cạnh những ưu điểm nổi trội, thì xuất hiện tình trạng có nhiều đối tượng lợi dụng những thành tựu khoa học này để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, trong đó có chiêu trò nâng cấp sim 4G, 5G nhằm đánh cắp thông tin cá nhân để chiếm đoạt tài sản. Bài viết nêu một số phương thức, thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua việc nâng cấp sim 4G, 5G và đưa ra một số cảnh báo để mỗi người dân không mắc vào “cái bẫy” của các đối tượng phạm tội.

Ảnh minh họa.

Thời gian gần đây, công an các đơn vị địa phương trên cả nước nhận được nhiều đơn trình báo của người dân về việc bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản khi tham gia nâng cấp sim 4G, 5G. Thực chất, đây là thủ đoạn không mới, đã xảy ra nhiều năm trước nhưng thời gian gần đây xảy ra nhiều hơn do nhiều người dân có nhu cầu nâng cấp sim 4G, 5G. Những người mà các đối tượng phạm tội hướng đến thường là những người dân nhẹ dạ, cả tin, thiếu hiểu biết về khoa học công nghệ. Thực tế cho thấy, các đối tượng thực hiện hành vi phạm tội thông qua những phương thức, thủ đoạn sau:

- Đầu tiên, các đối tượng phạm tội sẽ mạo danh là nhân viên của các nhà mạng Viettel, Vinaphone, MobiFone, Itel, Vietnamobile... gọi điện đến số thuê bao của bị hại nhằm hướng dẫn bị hại cách để nâng cấp sim 3G lên 4G hoặc 4G lên 5G. Trước đó, các đối tượng đã tìm hiểu rõ thông tin cá nhân của bị hại bao gồm: họ tên, số chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân của bị hại nhằm tạo lòng tin với bị hại.

- Khi lấy được lòng tin của bị hại và bị hại làm theo hướng dẫn của đối tượng, lúc đó, nhà mạng sẽ gửi một tin nhắn là dãy số (mã OTP) đến máy của bị hại. Đối tượng yêu cầu bị hại đọc dãy số này cho chúng kiểm tra để hoàn tất thủ tục nâng cấp sim 4G hoặc 5G. Nếu như bị hại có thắc mắc, đối tượng thường đưa ra những lý lẽ rằng mã OTP này không liên quan gì đến liên kết với tài khoản ngân hàng, chỉ là nâng cấp sim điện thoại (thực chất, đây là thủ đoạn đối tượng sử dụng nhằm kích hoạt ESIM trên thiết bị mới của đối tượng phạm tội và thay thế cho sim hiện tại của bị hại).

- Khi có được mã OTP, đối tượng phạm tội chuyển SIM thành ESIM, chiếm đoạt và toàn quyền sử dụng số điện thoại của bị hại. Thông qua số điện thoại chiếm đoạt được, các đối tượng liên hệ với nhà mạng viễn thông để truy vấn ngược lại số chứng minh nhân dân hay căn cước công dân của bị hại. Khi có đủ các thông tin cần thiết này, các đối tượng tiếp tục gọi lên tổng đài của ngân hàng nơi bị hại mở tài khoản để cấp lại tài khoản đăng nhập internet banking qua tin nhắn điện thoại.

- Khi có quyền kiểm soát toàn bộ thông tin đó, đối tượng phạm tội đăng nhập vào tài khoản ngân hàng điện tử của bị hại, thực hiện đổi mật khẩu tài khoản ngân hàng điện tử, chuyển hết tiền trong tài khoản đó sang nhiều tài khoản của chúng nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản. 

Qua nghiên cứu từ thực tiễn, có thể kể đến một số vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua việc nâng cấp sim 4G, 5G xảy ra trong thời gian qua được các bị hại chia sẻ lại như sau:

Vụ việc thứ nhất, chị Đào Thị Hồng Nga ở quận Đống Đa, thành phố Hà Nội cho biết ngày 10/12/2021 chị nhận được điện thoại từ số lạ giới thiệu gói chuyển mạng sim 5G. Chị Nga nghĩ nếu chuyển lên sim 5G sẽ giúp mình truy cập mạng nhanh hơn nên đồng ý ngay. Đối tượng ở đầu dây bên kia hướng dẫn chị Nga thực hiện cú pháp đổi sim, chị Nga làm theo hướng dẫn, soạn tin nhắn gửi đến đầu số của mạng MobiFone. Sau đó số máy lạ tiếp tục gọi hướng dẫn chuyển sim cũ sang sim 5G. 

Hơn 01 giờ sau, khi cần chuyển khoản, chị Nga không truy cập được vào tài khoản của mình, ngân hàng báo mật khẩu đã thay đổi. Sim sử dụng đăng ký với ngân hàng cũng bị mất sóng. Tá hỏa không hiểu lý do vì sao, chị Nga kiểm tra lại điện thoại thì thấy nhiều biến động số dư từ phần mềm truy cập tài khoản ngân hàng (app banking) trên điện thoại gửi về. Kết quả, chị Nga bị chiếm đoạt sim và bị đối tượng rút hết số tiền hơn 200 triệu đồng trong tài khoản ngân hàng(1).

Vụ việc thứ hai, chị D.T.H. ở Hà Nội chia sẻ, chị nhận được một cuộc gọi điện thoại từ số lạ tự xưng là nhân viên MobiFone gọi tới tư vấn chuyển sim từ 3G lên 4G. Người này đọc số chứng minh nhân dân và ngày tháng năm sinh của chị H. để xác minh và giúp chuyển sim trên hệ thống. Sau đó, người này yêu cầu chị H. đọc mã OTP mà Mymobifone gửi về. Vì là người lạ nên chị H. đã cảnh giác và đã không tiết lộ mã OTP cho đối tượng.

Tuy nhiên, đối tượng tự xưng là nhân viên MobiFone có giải thích tin nhắn có chứa mã OTP được nhắn từ Mymobifone không liên quan gì tới tài khoản ngân hàng, chỉ là phục vụ cho việc nâng cấp sim điện thoại. Lúc này chị H. chủ quan, nghĩ họ có thông tin cá nhân của mình, tin nhắn thì từ Mymobifone, nên chắc không phải lừa đảo. Và nếu lừa thì chắc cùng lắm mất hết tiền trong điện thoại, rủi ro thấp, nên chị H. không ngần ngại đã đọc mã OTP cho đối tượng ở đầu dây bên kia. Ngay sau đó, sim điện thoại của chị H. bị khóa, chị H. không gọi điện và không nhắn tin được. Khi chị H. kiểm tra tài khoản ngân hàng, toàn bộ số tiền trong tài khoản ngân hàng đã biến mất(2).

Hai vụ việc nêu trên là hai trong số rất nhiều vụ việc có dấu hiệu của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua việc nâng cấp sim 4G, 5G xảy ra trong thời gian qua. Để tránh trở thành người bị hại trong các vụ việc lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng dưới hình thức nâng cấp sim 4G, 5G, mỗi người dân cần:

Thứ nhất, tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng, mã PIN, mã OTP cho bất kỳ ai. Không cung cấp ảnh chân dung, chứng minh nhân dân, căn cước công dân cho người lạ. Nếu có nhu cầu nâng cấp sim điện thoại thực sự thì không nên làm qua mạng mà nên đến trực tiếp điểm giao dịch chính thức của từng nhà mạng. Bên cạnh đó, hệ thống các ngân hàng hiện nay đã dần nâng cấp công tác bảo mật của ngân hàng, cụ thể thông qua sinh trắc hay smart OTP. Do đó, để tránh việc bị chiếm đoạt tài sản, người dân cần tìm hiểu thông tin một cách cẩn thận và nâng cấp việc bảo mật cho tài khoản ngân hàng của mình.

Thứ hai, khi có người lạ liên hệ yêu cầu nâng cấp sim 4G, 5G, người dân có thể liên hệ trực tiếp tới số điện thoại đường dây nóng của các nhà mạng để xác minh thông tin đối tượng liên lạc có thực sự là nhân viên của nhà mạng đang sử dụng hay không. Tuyệt đối không truy cập vào đường link lạ để nhập mật khẩu và mã xác thực (OTP); đồng thời luôn tra cứu, tìm hiểu thông tin để nắm chắc mục đích, ý nghĩa của các cú pháp tin nhắn trước khi thực hiện. Thường xuyên chia sẻ, cảnh báo với người thân, bạn bè và mọi người xung quanh về những phương thức, thủ đoạn của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng dưới hình thức nâng cấp sim 4G, 5G. 

Thứ ba, khi phát hiện các trường hợp có dấu hiệu lừa đảo, người dân cần bình tĩnh, nhanh chóng thông báo kịp thời cho cơ quan Công an gần nhất; đường dây nóng của lực lượng an ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao; lực lượng cảnh sát hình sự của công an các đơn vị địa phương để có những hướng dẫn phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý có hiệu quả các hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

(1) Xem: https://tuoitre.vn/nang-cap-sim-co-gai-lap-tuc-mat-200-trieu-trong-tai-khoan-ngan-hang-20220110155310132.htm

(2)Xem:https://tuoitre.vn/nang-cap-sim-co-gai-lap-tuc-mat-200-trieu-trong-tai-khoan-ngan-hang-20220110155310132.htm

Thạc sĩ LẠI SƠN TÙNG

Khoa Cảnh sát kinh tế, Học viện Cảnh sát nhân dân

Thạc sĩ LÊ TRUNG DŨNG

Phòng Quản lý Học viên, Học viện Cảnh sát nhân dân

Những quy định mới về học và thi sát hạch bằng lái xe ôtô năm 2023

Bùi Thị Thanh Loan