Ảnh minh họa.
Đặt vấn đề
Pháp luật Việt Nam hiện hành quy định theo hướng tiếp tục cởi mở và công nhận nhiều phương thức giải quyết tranh chấp kinh doanh thương mại. Sự đa dạng này tuy mở ra nhiều cơ chế pháp lý cho các bên thoải mái lựa chọn nhưng cũng chính vì thế mà tạo ra những lòng vòng, bối rối cho các bên tranh chấp và ngay cả chủ thể có thẩm quyền giải quyết tranh chấp.
Luật sư luôn có một vai trò quan trọng trong giải quyết tranh chấp kinh doanh thương mại thông qua dự phần bằng các kỹ năng tác nghiệp với tư cách cố vấn pháp lý, đại diện theo ủy quyền, tham gia tranh tụng …. giúp hóa giải vụ tranh chấp, bảo vệ quyền lợi của các bên theo đúng chuẩn mực pháp lý và đạo đức.
Về phát huy vị trí, vai trò của Luật sư
Dù là tác nghiệp với tư cách cố vấn pháp lý, đại diện theo ủy quyền, hay tham gia tranh tụng hoặc với các vai trò khác, thì để bảo vệ quyền lợi cho thương nhân(khách hàng) là một bên trong quan hệ xung đột, tranh chấp về kinh doanh thương mại, Luật sư cần phải tự mình có các hành động trọng tâm để chứng minh giá trị và vai trò quan trọng của mình trên các phương diện sau đây:
Nhận thức đúng về hoạt động kinh doanh thương mại và Tranh chấp kinh doanh thương mại
Trên cơ sở quy định của pháp luật thực định(Hiến pháp, Bộ luật dân sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Doanh nghiệp, Luật Thương mại và các văn bản hướng dẫn thi hành) kết hợp với lý luận để đi đến sự nhận thức đầy đủ thế nào là “kinh doanh”, “thương mại”, “tranh chấp kinh doanh, thương mại” và cốt lõi thực sự của chúng là gì.
Pháp luật thực định hiện hành vẫn còn có những quy định chưa thống nhất với nhau cả về câu chữ và nội dung, vì thế lý luận nhận thức chung về các khái niệm này vẫn còn có nhiều cách hiểu và diễn giải khác nhau. Cho nên, Luật sư phải thật sự cầu tiến, nắm chắc lý luận và quy định của pháp luật vẫn là chưa đủ, mà phải nắm được bản chất cốt lõi thật sự của sự kiện pháp lý có phải là “kinh doanh”, “thương mại” và “tranh chấp kinh doanh, thương mại” mà mình đang tiếp cận trải nghiệm, nếu không đi sâu đánh giá xem xét thì không thể nắm bắt được vấn đề. Lý do là vì những thứ này vẫn có thể được hiểu sai, sử dụng sai tình huống hoặc đang được khéo léo che đậy phần chìm sâu của một sự thật khác. Trong chuỗi giao dịch và hành vi kinh doanh thương mại, các thương nhân thường che giấu những khiếm khuyết bằng sự đúng đắn với hình thức bên ngoài nhưng bên trong là nhiều thứ phi đạo đức. Và những câu chuyện loại này không phải là hiếm.
Vì vậy, chỉ khi Luật sư định hình đúng thứ mình đang xem xét để xướng lên các tên gọi “kinh doanh”, “thương mại”, “tranh chấp kinh doanh, thương mại” và bằng trực giác nhạy bén nắm được bản chất đích thực của chúng là gì, thì đường ra mới sáng tỏ thay vì nghe theo một chiều sự diễn giải chủ quan của đối tác. Và theo đó, đặc điểm của “kinh doanh”, “thương mại” và “tranh chấp kinh doanh, thương mại” trong một vụ việc cụ thể đã rõ ràng và sáng tỏ, không còn điều gì phải nghi ngờ nữa.
Như vậy, Luật sư phải tiếp cận, nắm bắt và tự mình chứng minh, phân tích thông tin, dữ liệu của vụ việc. Dựa trên cơ sở này để đánh giá đúng bản chất các sự kiện pháp lý và quan hệ pháp luật về “kinh doanh”, “thương mại” và “tranh chấp kinh doanh, thương mại”.
Vì để dự phần vào việc tháo gỡ vụ tranh chấp, cho nên cốt lõi là xác định đúng quan hệ tranh chấp, mức độ, tính chất và nội dung của tranh chấp kinh doanh thương mại. Trên cơ sở này mà phân loại(nếu có nhiều nội dung) và gọi tên vụ việc cho đúng để tiến tới các bước tiếp theo để giải quyết vụ việc.
Ví dụ: Cùng là tranh chấp kinh doanh thương mại, nhưng căn cứ vào chủ thể(tranh chấp giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp và giữa doanh nghiệp với hộ gia đình); căn cứ vào nội dung(tranh chấp chuyển nhượng vốn giữa các thành viên công ty và tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ có mục đích lợi nhuận) thì sẽ có các hướng điều tra thu thập chứng cứ, viện dẫn và áp dụng pháp luật khác nhau.
Lựa chọn kịp thời và phù hợp phương thức giải quyết tranh chấp kinh doanh thương mại
Pháp luật cho phép các bên tranh chấp quyền lựa chọn nhiều cấp độ và cơ chế pháp lý khác nhau để giải quyết tranh chấp(Thương lượng, Hòa giải, Trọng tài và Tòa án). Mỗi phương thức giải quyết đều có những ích lợi nhưng cũng bao gồm cả sự bất cập, vì chỉ có phương tiện tối ưu và không có phương tiện hoàn hảo cho nên việc lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp kinh doanh thương mại nên được đi theo hướng mở để đảm bảo tính linh hoạt, chủ động và thích ứng kịp với sự thay đổi của các tình huống pháp lý.
Khi điều kiện cho phép, việc vận dụng và lồng ghép cùng lúc các ưu điểm của nhiều phương thức vào trong một vụ việc cũng là điều đáng được cân nhắc. Ví dụ: trong gia đoạn tố tụng Trọng tài hoặc Tòa án thì vẫn cởi mở với các cơ hội Thương lượng và Hòa giải.
Phương thức Trọng tài tuy là một cơ chế pháp lý rất tích cực, uyển chuyển. Tuy nhiên, việc lựa chọn phương thức này vẫn cần nên hết sức thận trọng bởi vì cần phải đảm bảo đủ các điều kiện ràng buộc cần và đủ. Sự thận trọng đầu tiên là cần xem xét trên các phương diện xã hội và pháp lý. Thực tiễn cho thấy, do nhận thức pháp luật, thói quen và niềm tin pháp lý đã ăn sâu trong tâm thức người Việt nên phương thức trọng tài vẫn còn điều gì đó mới mẻ, xa lạ. Và điều đặc biệt là, người ta vẫn có thể tận dụng những kẽ hở, độ vênh giữa tố tụng tòa án và tố tụng trọng tài để gây khó dễ nhằm kéo dài thời gian giải quyết. Đó là chưa kể giai đoạn thì hành Quyết định của Trọng tài thương mại các bên vẫn có thể kiếm cớ trì hoãn thông qua các biện pháp thi hành án. Nghĩa là vẫn phải dùng bàn tay của cơ quan thi hành án để áp dụng các biện pháp cưỡng chế, như thế thì vẫn còn đó sự dây dưa, rắc rối của vụ tranh chấp mà tố tụng trọng tài không thể khắc phục nổi.
Lựa chọn pháp luật áp dụng vào giải quyết tranh chấp kinh doanh thương mại
Tranh chấp kinh doanh thương mại xuất phát từ các sự kiện pháp lý phát sinh dẫn đến sự phát sinh, thay đổi hay chấm dứt các quyền và nghĩa vụ pháp lý giữa các bên trong quan hệ kinh doanh thương mại.
Lựa chọn pháp luật áp dụng giải quyết tranh chấp kinh doanh thương mại là một vấn đề rất quan trọng để đảm bảo căn cứ pháp lý chuẩn xác đề nghị cơ quan có thẩm quyền áp dụng(đối với các trường hợp lựa chọn tố tụng Trọng tài và tố tụng Tòa án), hoặc cam kết tự nguyện thực thi(đối với các trường hợp Thương lượng và Hòa giải). Sự sai sót, sơ hở trong nhận thức, tra cứu và viện dẫn, phân tích và lựa chọn pháp luật áp dụng giải quyết tranh chấp kinh doanh thương mại luôn là nguyên nhân đầu tiên sinh ra nhiều hệ quả tệ hại về sau.
Pháp luật nội dung và pháp luật tố tụng áp dụng giải quyết tranh chấp kinh doanh thương mại phải được viện dẫn song hành, đầy đủ và cẩn trọng giống như khi giải quyết sự kiện phạm tội thì phải áp dụng đồng thời cả pháp luật hình sự và pháp luật tố tụng hình sự vậy.
Điểm đặc trưng cần lưu ý là pháp luật về kinh doanh thương mại luôn có xu hướng vận động, biến chuyển, thay đổi nhiều hơn và nhanh hơn chứ không ổn định như pháp luật hình sự và tố tụng hình sự. Thực tiễn công tác lập quy của Chính phủ(ban hành văn bản hướng dẫn Hiến pháp, Luật, Nghị quyết của Quốc hội; Nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội) về lĩnh vực kinh doanh thương mại với hàng trăm Nghị định, Nghị quyết, Quyết định, Chỉ thị, Thông tư mà sự sửa đổi chúng diễn ra rất thường xuyên, đủ cho sự đau não của bất cứ ai muốn cập nhật để kịp thời nắm bắt.
Thế nên, giữa một rừng quy phạm pháp luật phải đào bới để chọn ra thứ cần dùng luôn không phải là một công việc dễ dàng đối với người làm công tác pháp luật nói chung và Luật sư nói riêng. Ngoài ra, hệ thống pháp luật của Việt Nam đang trên hành trình đổi thay để hoàn thiện cho nên sự chồng chéo, thiếu tính nhất quán, vừa thừa vừa thiếu trong các quy định pháp luật cũng trở thành một trong những tác nghiệp khó khăn cho nghề nghiệp Luật sư. Thực tiễn cho thấy rằng nghiên cứu và vận dụng pháp luật vào giải quyết tranh chấp kinh doanh thương mại chưa bao giờ là công việc dễ dàng của Luật sư và thậm chí có không ít Luật sư ngán ngại với lĩnh vực phức tạp, rộng mở và đa chiều này.
Tham gia có hiệu quả, đầy đủ, đúng thời cơ hoạt động điều tra thu thập chứng cứ, tài liệu làm cơ sở cho việc giải quyết tranh chấp kinh doanh thương mại
Lựa chọn đúng phương thức giải quyết tranh chấp và pháp luật luật áp dụng mới chỉ đi được một nửa đoạn đường. Nửa còn lại, không thể không có là toàn bộ hoạt động thu thập chứng cứ, tài liệu làm cơ sở cho việc đánh giá, phân xử vụ tranh chấp.
Trong giải quyết tranh chấp kinh doanh thương mại, dù là tham gia với vai trò nào, thì trách nhiệm của Luật sư là phải ưu tiên hàng đầu cho công tác thu thập, phân tích, đánh giá chứng cứ. Chứng cứ luôn là nền tảng của việc xác định đúng và chưa đúng, sự thật và không phải sự thật. Cho nên, khi không đủ chứng cứ thì không thể nói đến chiến thuật và lựa chọn pháp luật, các kiểu cách và phương thức giải quyết tranh chấp.
Thu thập chứng cứ, tài liệu phục vụ cho giải quyết tranh chấp kinh doanh thương mại luôn là việc khó, đòi hỏi phải có phương pháp, chiến thuật bài bản, nhạy bén về tình huống để tránh tình trạng “trâu chậm uống nước đục” rồi mãi loay hoay trong ngõ cụt. Hoạt động này khi được thực hiện trong phạm vi quyền chủ động tự quyết và quyền yêu cầu kịp thời sẽ mang lại nhiều ích lợi cho công việc của Luật sư. Có thể gọi sự chủ quan, chậm trễ và thái độ khoán trắng cho chủ thể có thẩm quyền giải quyết tranh chấp (Trọng tài viên, Thẩm phán) thực hiện việc xác minh thu thập chứng cứ, là một thiếu sót trầm trọng trong tác nghiệp hành nghề Luật sư.
Tóm kết
Như đã đề cập vài nét phác thảo trên đây, cho thấy có một địa hạt công việc mênh mông cho đội ngũ Luật sư trong lĩnh vực giải quyết tranh chấp kinh doanh thương mại. Trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN của Việt Nam, đã đang và sẽ có hàng triệu thương nhân tham gia kinh doanh thương mại. Giao dịch và hoạt động kinh doanh thương mại vì thế mà diễn ra hàng trăm triệu thương vụ mỗi năm với tốc độ chóng mặt. Mỗi một thương vụ kinh doanh thương mại luôn có tiềm ẩn ít nhất một vấn đề tranh chấp cần hoặc sẽ phải giải quyết đến một lúc nào đó.
Nhận diện trên các góc nhìn này có thể giúp ích cho việc đánh giá, phân tích về vai trò và các kỹ năng cần thiết của Luật sư không chỉ về tầm nhìn thực tiễn, mà quan trọng hơn hết là thông qua đó Luật sư tự nhìn lại mình để luôn gia tăng sự đổi mới sáng tạo, nỗ lực điều chỉnh và hoàn thiện các kỹ năng tự thân để hoàn thành trách nhiệm, củng cố uy tín nghề nghiệp của Luật sư với các thân chủ quý mến của mình khi tham gia hóa giải nỗi buồn mang tên “tranh chấp kinh doanh thương mại”.
Luật sư NGUYỄN PHÚC LƯU
Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai
Trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong hợp đồng kinh doanh thương mại