(LSVN) - Trong thời gian qua, vấn nạn “tín dụng đen” đã gây nhiều hệ lụy xấu cho xã hội. Nhiều người dân do nhu cầu cần thiết của cuộc sống đã không chủ động tiếp cận các nguồn vốn vay từ các tổ chức tín dụng mà lại nhẹ dạ cả tin, nghe theo lời dụ dỗ của các đối tượng cho vay theo kiểu “tín dụng đen”. Nhiều trường hợp ban đầu chỉ vay vài triệu hoặc chục triệu đồng nhưng đến khi số tiền đã trả lên đến hàng trăm triệu đồng mà “nợ vẫn hoàn nợ”.
Ảnh minh họa.
Thực trạng vi phạm, tội phạm liên quan đến tín dụng đen
Thời gian qua, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” xảy ra tại nhiều địa phương, gây ảnh hưởng đến an ninh, trật tự với thủ đoạn rất tinh vi, phức tạp. Các đối tượng lợi dụng mạng viễn thông, internet, núp bóng các doanh nghiệp có chức năng cho vay tài chính, dịch vụ đòi nợ, kinh doanh cầm đồ, tạo vỏ bọc, đối phó với cơ quan chức năng để tổ chức các hoạt động cho vay không thế chấp, huy động vốn, kinh doanh tài chính, góp vốn, góp tài sản kinh doanh với lãi suất rất cao (từ 100% đến 300%, thậm chí lên đến 700%/năm đối với khoản tiền ở thời điểm vay) nhằm thu lợi bất chính.
Thực tế cho thấy, “tín dụng đen” là hình thức cho vay, đi vay hoặc huy động vốn với lãi suất vượt quá mức lãi suất pháp luật quy định, được thực hiện bởi các cá nhân, nhóm người hoặc tổ chức kinh doanh dịch vụ tài chính, thường gắn với các hành vi đòi nợ, chiếm đoạt tài sản trái pháp luật. Nguyên nhân của tình trạng trên xuất phát từ một bộ phận người dân có nhu cầu vay vốn không cần thế chấp tài sản, không đáp ứng được điều kiện vay vốn tại các kênh cung cấp tín dụng chính thức đã tìm đến các cá nhân, cơ sở hoạt động “tín dụng đen” để vay tiền.
Bên cạnh đó, một bộ phận không nhỏ thanh, thiếu niên xuống cấp về đạo đức, tham gia các hoạt động tệ nạn (cờ bạc, cá độ, ma túy...) hoặc do nhu cầu bất hợp pháp nên tìm đến các cá nhân, cơ sở hoạt động “tín dụng đen”. Nhiều người đã sử dụng tiền nhàn rỗi để trực tiếp cho vay dưới dạng “tín dụng đen” hoặc tham gia với vai trò trung gian, huy động vốn, gây rủi ro rất lớn cho cả người cho vay và đi vay, dẫn đến tình trạng vỡ nợ, hụi, họ xảy ra ở nhiều địa phương.
Chính phủ, Bộ Công an đã chỉ đạo quyết liệt trong việc xử lý những vấn đề liên quan đến “tín dụng đen”. Nhiều tổ chức hoạt động theo kiểu “tín dụng đen” đã bị công an các địa phương ngăn chặn, xử lý. Tuy nhiên, trong thực tế vẫn còn nhiều tổ chức, cá nhân núp bóng hoạt động. Nhiều doanh nghiệp, người dân vẫn phải đối mặt với những nguy cơ từ vấn nạn “tín dụng đen”, gây nhiều bất ổn cho gia đình, xã hội... Tình trạng này gây hậu quả nặng nề, ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, đẩy không ít gia đình vào tình trạng “khuynh gia bại sản”, sống cùng quẫn trong nợ nần chồng chất, kéo theo hàng loạt các tội phạm và tệ nạn xã hội như giết người, cố ý gây thương tích, lừa đảo, cưỡng đoạt tài sản, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, các hiện tượng đòi nợ thuê, đâm thuê, chém mướn…
Nhận diện vi phạm, tội phạm liên quan đến tín dụng đen
“Tín dụng đen” theo nghĩa hẹp là cho vay lãi nặng, còn theo nghĩa rộng là các dạng huy động và cho vay tín dụng dân sự bất hợp pháp không qua hệ thống ngân hàng, không đăng ký kinh doanh, cũng như không chịu sự quản lý chính thức bởi bất cứ cơ quan quản lý nhà nước nào. “Tín dụng đen” là hình thức cho vay, đi vay hoặc huy động vốn với lãi suất vượt mức lãi suất cho vay mà Nhà nước hay pháp luật quy định, được thực hiện bởi các cá nhân, nhóm người hoặc tổ chức kinh doanh dịch vụ tài chính, thường gắn với hành vi đòi nợ, chiếm đoạt tài sản trái pháp luật.
Việc cho vay và vay tiền ngoài các tổ chức tín dụng là quan hệ dân sự và không bị cấm, hoạt động này chỉ vi phạm pháp luật khi việc cho vay được xác định là có lãi suất vượt quy định và người cho vay tiền có tính chất “chuyên bóc lột”; hoặc có những hành vi bất hợp pháp khác, như đe dọa, cưỡng bức, lừa dối trong giao dịch cho vay và đòi nợ vay... “Tín dụng đen” phổ biến và đa dạng về hình thức, không khó nhận diện, nhưng không dễ bắt quả tang, do có nhiều chiêu thức qua mặt cơ quan chức năng. Các chủ “tín dụng đen” thường không thể hiện hoặc che giấu mức lãi suất thực trong “hợp đồng dân sự”, mà thường khấu trừ luôn tiền lãi vào số tiền gốc ngay khi giao tiền hoặc lấy lãi theo ngày. Hơn nữa, các chủ này thường chia nhỏ số tiền cho vay để lách quy định thu lợi trên 30 triệu đồng; hoặc thậm chí giấu mặt, chỉ đạo ngầm người khác thực hiện… Bởi vậy, việc xử lý hình sự đối với các đối tượng cho vay lãi nặng thường chỉ quy thành xử lý các hành vi như “bắt giữ người trái pháp luật”, “cưỡng đoạt tài sản”, “cố ý gây thương tích”… mà các chủ nợ thực hiện để thu hồi nợ đã cho vay.
Đặc trưng cơ bản của “tín dụng đen” là giao dịch vay, mượn tiền ngầm (người vay và người cho vay đều không muốn tiết lộ cho nhiều người biết); có lãi suất cho vay cao hơn nhiều lần lãi suất ngân hàng, trong khi thủ tục thực hiện thì vô cùng đơn giản, đôi khi không cần bất cứ điều kiện bảo đảm nào so với các hoạt động tín dụng chính thức ngân hàng hiện hành, không tuân thủ những quy tắc tín dụng và sự kiểm soát của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Khách hàng của các hoạt động “tín dụng đen” cũng đa dạng, từ những chủ cửa hàng vàng lớn, đến người “cùng quá hóa quẫn”, sẵn sàng chấp nhận mọi điều kiện, miễn có tiền giải quyết nhu cầu nóng, bất chấp hệ quả và thường tự ám thị mình về khả năng trả nợ “trong tầm tay”, trong khi ngại các thủ tục và điều kiện vay chặt chẽ của ngân hàng.
Hệ quả của “tín dụng đen” về phía người đi vay là sự gia tăng chóng mặt đến kinh hoàng của món nợ phải trả tích cóp theo thời gian, do “lãi mẹ đẻ lãi con” và viễn cảnh bị phá sản, bị xiết nợ đầy bạo lực luôn treo lơ lửng trên đầu…
Thủ tục cho vay “tín dụng đen”
Thủ tục vay và cho vay rất đơn giản, có thể có tài sản thế chấp, có thể không cần tài sản thế chấp; việc vay và cho vay dựa trên sự tin tưởng nhau hoặc ràng buộc bằng các “quy tắc ngầm” của các đối tượng giang hồ ngoài xã hội. Thực tế xét xử cho thấy, đối tượng đi vay tiền thường sử dụng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chứng minh nhân dân, căn cước công dân, giấy phép lái xe và các loại giấy tờ, bằng cấp của cá nhân… để cầm cố, thế chấp vay tiền.
Cá biệt có trường hợp còn câu kết với các đối tượng ngoài xã hội hoặc trên mạng internet dùng công nghệ in màu để làm giả thẻ đảng, chứng minh nhân dân, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, các giấy tờ bổ nhiệm chức vụ; làm giả các hợp đồng hoặc trộm cắp tài sản của người khác… để cầm cố, thế chấp nhằm vay tiền tín dụng đen. Về hoạt động thì không phải người đi vay chỉ vay tiền các đối tượng ngoài xã hội mà cá biệt hoạt động tín dụng đen lại được thực hiện ở ngay trong nội bộ một số cơ quan, đơn vị, nhà trường [1]...
Lãi suất cho vay “tín dụng đen”
Lãi suất cho vay vượt mức lãi suất theo quy định của pháp luật. Theo quy định tại Điều 201 Bộ luật Hình sự 2015 về tội "Cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự", người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 05 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật Dân sự, thu lợi bất chính từ 30 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 200 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm. Phạm tội mà thu lợi bất chính 100 triệu đồng trở lên thì bị phạt tiền 200 triệu đồng đến 01 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm....
Theo quy định tại Điều 468 Bộ luật Dân sự 2015 thì lãi suất vay do các bên thỏa thuận. Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận nhưng không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay (tức là 1,66%/tháng), trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác... Nếu lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn 20%/năm thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực. Trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp về lãi suất thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất nêu trên (tức là 10%/năm; tương đương 0,83%/tháng) tại thời điểm trả nợ.
Với thực tế hiện nay, các chủ nợ nhỏ thường cho vay lãi 2.000 đồng/triệu đồng/ngày, tức là lãi suất 60.000 đồng/triệu đồng/tháng (lãi suất 6%/tháng); nếu lãi 3.000 đồng/triệu đồng/ngày thì lãi suất 9%/tháng); nếu lãi 4.000 đồng/triệu đồng/ngà thì lãi suất 12%/tháng. Đặc biệt, hoạt động cho vay trực tuyến (vay online) trên một số website, ứng dụng di động (app) có thể lên đến hàng trăm phần trăm trên một năm.
Như vậy, đối chiếu các quy định của pháp luật thì người nào cho vay với lãi suất 05 lần x 1,66% tháng = 8,3%/tháng trở lên và có thu lợi bất chính là có thể bị xử lý hình sự về tội cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự theo Điều 201 Bộ luật Hình sự 2015.
Đối tượng của hoạt động “tín dụng đen”
Các đối tượng hoạt động “tín dụng đen” thường núp dưới vỏ bọc là các cơ sở kinh doanh, hội nhóm như: các cơ sở cầm đồ, cơ sở kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê, công ty tài chính…; các tổ chức tín dụng hoạt động biến tướng dưới mọi hình thức (khuyến mãi, hoa hồng, huy động vốn để đầu tư, ủy thác đầu tư trái phiếu… với lãi suất cao); các cá nhân có biểu hiện hoạt động cho vay tài chính bất hợp pháp; các cơ sở, cá nhân có biểu hiện huy động vốn với lãi suất cao bất thường (chơi hụi, họ, phường…) hoặc góp vốn dưới hình thức kinh doanh đa cấp, công ty cổ phần đầu tư, đăng ký kinh doanh các lĩnh vực xuất bản phần mềm, lập trình máy vi tính, nhưng thực chất là tổ chức núp bóng doanh nghiệp để cho vay lãi nặng. Một số đối tượng, cơ sở lợi dụng hình thức cho vay trực tuyến (vay online) thông qua các trang, mạng xã hội, ứng dụng di động để quảng cáo, tiếp cận, mời chào người có nhu cầu vay để cho vay với lãi suất rất cao.
Nhiều người tuy không phải các đối tượng cho vay chuyên nghiệp nhưng do hám lợi của lãi suất huy động nên đã đi vay của người thân và của các đối tượng cho vay “tín dụng đen” rồi cho vay lại để hưởng lãi suất chênh lệch, đến khi con nợ bị vỡ nợ hoặc bỏ trốn thì những người trung gian trở thành con nợ bị các đối tượng cho vay “tín dụng đen” siết nợ.
Đối tượng vay tín dụng đen nói chung thường là những người làm nghề tự do, không có tài sản thế chấp, có nhu cầu cấp bách về chi tiêu nhưng nhu cầu vay vốn chưa hợp lý như: vay không dùng vào mục đích sản xuất, kinh doanh hoặc tiêu dùng chính đáng, không chứng minh được mục đích sử dụng vốn hợp pháp,… hoặc do sống ở nông thôn, ít giao tiếp nên ngại tiếp xúc với nhân viên ngân hàng. Đặc biệt là người dân vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số, thiếu hiểu biết về pháp luật nên bị các đối tượng cho vay lãi nặng lợi dụng để cho vay với lãi suất cao nhằm chiếm đoạt tài sản.
Thủ đoạn
Đối tượng hoạt động “tín dụng đen” sử dụng các hình thức quảng cáo trái phép như quét sơn tại các khu vực công cộng; dán, phát tờ rơi; quảng cáo trên mạng xã hội… với nội dụng như “Cho vay không cần thế chấp, nhận tiền ngay trong ngày”, “Alo là có tiền”, “Cho vay uy tín, thủ tục đơn giản”… kèm theo số điện thoại liên lạc với thủ tục nhanh gọn, không cần thế chấp tài sản, chỉ cần bản photo một số giấy tờ tùy thân như CMND, hộ khẩu, giấy phép lái xe, đăng ký xe máy… là nhận tiền ngay. Nhưng thực chất đó là cái “bẫy” vay tiền với lãi suất rất cao. Đối tượng vay thường là những người có kinh tế khó khăn, trình độ thấp, thiếu hiểu biết hoặc là những con bạc, đôi khi là những người có khó khăn đột xuất... Việc không hiểu về cách tính lãi suất lập lờ khiến cho con nợ rơi vào vòng xoáy “lãi mẹ đẻ lãi con”, tiền lãi thậm chí gấp hàng trăm lần tiền vay gốc. Thậm chí, tinh vi hơn, một số đối tượng lợi dụng kẽ hở của pháp luật để cho vay lãi nặng thông qua hợp đồng giả cách mua bán tài sản, cho thuê tài sản nhằm tránh bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu người đi vay không trả được nợ có thể dùng hợp đồng giả cách đó để tố cáo ngược lại với cơ quan điều tra.
Sau các đợt cao điểm, tấn công trấn áp tội phạm của lực lượng công an, các băng nhóm, đối tượng hình sự hiện nay không còn hoạt động công khai, mà chuyển sang hoạt động kín đáo, thủ đoạn che giấu hành vi phạm tội tinh vi hơn. Các đối tượng cho vay lãi nặng thành lập các cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ (tiệm cầm đồ), các công ty cho vay tài chính.
Khi bị công an các địa phương tập trung tấn công, trấn áp, các băng nhóm, đối tượng hoạt động “tín dụng đen”, đòi nợ thuê dạt ra các vùng ven, chuyển sang hoạt động không có cơ sở, địa điểm cụ thể mà biến tướng theo dạng câu kết với nhau hoạt động lưu động ở nhiều địa bàn, tỉnh thành khác nhau gây khó khăn cho cơ quan công an trong việc điều tra, xác minh và xử lý.
Ngoài ra, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, các hoạt động cho vay trực tuyến (vay online) đang phát triển rầm rộ qua các ứng dụng di động (app) hay các website[2] với nhiều quảng cáo về thủ tục vay đơn giản, lãi suất vay luôn dưới 20%/năm, tức là dưới mức bị liệt là cho vay nặng lãi. Đến khi vay rồi thì hàng loạt các chi phí phát sinh đổ lên người vay dẫn tới mức lãi suất khủng khiếp. Đã có trường hợp, tin vào lời quảng cáo vay tiền 0% lãi suất, 0% phí tư vấn, giải ngân nhanh dưới 30 phút... nên người vay đã truy cập và điền đầy đủ các thông tin vào một website vay trực tuyến để vay 02 triệu đồng trong vòng 20 ngày. Hồ sơ vay nhanh chóng được duyệt qua ít phút. Sau khi người vay cung cấp ảnh chụp thẻ căn cước công dân và truy cập đường link dẫn đến trang facebook cá nhân thì tài khoản báo có 1.400.000 đồng; số tiền 600.000 đồng còn lại được bên cho vay giải thích là phí quản lý vay, phí hồ sơ, tiền lãi và nhiều khoản chi phí khác. Như vậy, với mỗi ngày vay tiền qua website này, người vay đã mất phí 30.000 đồng/ngày; so với mức thực vay được là 1.400.000 đồng thì người vay đang phải chịu lãi suất lên đến 64%/tháng.
Qua một số vụ án vừa bị lực lượng công an triệt phá gần đây cho thấy lãi suất vay có trường hợp còn lên đến cả nghìn % như qua ứng dụng “Vaytocdo”, người vay lần đầu chỉ được vay 1.700.000 đồng, nhưng thực tế nhận về chỉ là 1.428.000 đồng, công ty sẽ thu 272.000 đồng tiền phí dịch vụ. Trong 08 ngày, người vay phải trả 2.040.000 đồng (trong đó 1.700.000 đồng tiền gốc và 340.000 đồng tiền lãi trong 08 ngày), nếu khách vay trả chậm sẽ bị phạt 102.000 đồng/ngày.
Đáng chú ý là trên thực tế, nhiều website hay app cho vay trực tuyến đang hoạt động dựa trên mô hình cho vay ngang hàng (P2P Lending). Theo Ngân hàng Nhà nước, “bản chất của vay ngang hàng, vay online là dựa trên nền tảng công nghệ số kết nối trực tiếp người đi vay với người cho vay (nhà đầu tư) mà không thông qua trung gian tài chính. Toàn bộ hoạt động vay, trả nợ (gốc, lãi) giữa người đi vay và người cho vay được nền tảng giao dịch trực tuyến ghi nhận và lưu trữ bằng các bảng điện tử, số hóa. Mục đích loại hình cho vay này thường tập trung vào cho vay mua nhà, ô tô; tái cho vay thẻ tín dụng, cho vay tiêu dùng, cho vay doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, cho vay khởi nghiệp... Tuy nhiên, tại Việt Nam, hệ thống pháp luật chưa có quy định quản lý đối với mô hình này; do đó không ít cá nhân, tổ chức cho vay nặng lãi đang núp bóng P2P Lending để cho vay với lãi suất cắt cổ, kéo theo cách thức đòi nợ cũng mang đậm tính chất xã hội đen”[3].
Việc thu hồi nợ, lãi
Thường gắn với các hành vi đòi nợ, chiếm đoạt tài sản trái pháp luật. Hoạt động thu hồi nợ gắn với “tín dụng đen” thường đi cùng với các hành vi như: bắt giữ người trái pháp luật, cố ý gây thương tích, hủy hoại tài sản, gọi điện, nhắn tin đe dọa, chửi bới, đổ chất bẩn, chất thải, bom xăng, đổ bê tông trước cửa nhà, đặt vòng hoa tang, treo đầu động vật, phun sơn, máu tươi, kéo đông người đến nhà riêng, nơi làm việc để gây áp lực với người vay tiền và thân nhân của họ. Các đối tượng còn sử dụng mạng xã hội (facebook, zalo) để đăng các thông tin không có lợi cho người vay, nhiều thông tin xuyên tạc, bịa đặt nhằm bôi nhọ danh dự, nhân phẩm, từ đó tạo áp lực để đòi nợ.
Bên cạnh đó là việc sử dụng người tàn tật (thương binh giả) tham gia đòi nợ thuê. Hoạt động “tín dụng đen” thường gắn với tội phạm có tổ chức. Lợi dụng chính sách của Đảng và Nhà nước đối với người có công với cách mạng, nhiều người giả danh thương binh tham gia nhiều hoạt động trong đó có hoạt động đòi nợ thuê, số người này thường tụ tập theo nhóm theo yêu cầu của người thuê, đến nhà người nợ tiền để gây sức ép dưới nhiều hình thức khác nhau gây dư luận phức tạp, ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự. Để siết nợ, các chủ nợ thường thuê các đối tượng xăm trổ, có tiền án tiền sự hoặc các công ty đòi nợ theo kiểu “xã hội đen”. Nhiều công ty hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ mặc dù bên ngoài hoạt động hợp pháp, số ít nhân viên có hợp đồng đáp ứng tiêu chuẩn theo quy định nhưng số nhân viên không chính thức, không ký hợp đồng hoặc liên kết, thuê hoặc đứng đằng sau là các băng nhóm tội phạm có tổ chức, các đối tượng có tiền án tiền sự để thực hiện các hành vi đòi nợ.
Do đó, để phòng ngừa và đấu tranh quyết liệt với những hoạt động của “tín dụng đen” trong đời sống và xã hội; cùng với việc các cơ quan tiến hành tố tụng cần làm tốt công tác tiếp nhận, giải quyết tin báo tố giác tội phạm có liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” như cưỡng đoạt tài sản, cố ý gây thương tích, bắt giữ người trái pháp luật, gây rối trật tự công cộng…, đồng thời cần xây dựng hành lang pháp lý chặt chẽ cho các hoạt động cho vay, thế chấp, cầm cố tài sản… thì mỗi người dân cũng cần phải tỉnh táo trước khi quyết định tham gia vào các dịch vụ vay, mượn, huy động tiền trái quy định của pháp luật để tránh những hệ lụy tiêu cực xảy ra.
[1] http:tapchitoaan.vn/bai-viet/nghien-cuu/nhan-dien-nhung-bieu-hien-va-hinh-thuc-cua-tin-dung-den [2] “Vayvay”, “Samsetvay”, “IDong”; “VDong; “One Click Money”; “DoctorDong”; “Scash”; “ATM Online”; “Online VĐồng”… [3] https://dientungaynay.vn/tai-chinh-fintech/vay-online-hinh-thuc-tin-dung-den-tra-hinh-va-nhung-hau-qua-kho-luong |
Thạc sĩ TRẦN THÚY VÂN
Trường Đại học Tân Trào
Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hiểu theo cách nào mới đúng?