/ Luật sư - Bạn đọc
/ Nhận tội thay cho người khác phạm tội gì?

Nhận tội thay cho người khác phạm tội gì?

23/12/2024 23:06 |

(LSVN) - Theo Luật sư, hành vi nhận tội thay cho người khác có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về tội "Che giấu tội phạm", tội "Cung cấp tài liệu sai sự thật hoặc khai báo gian dối" hoặc tội "Không tố giác tội phạm" nếu thỏa mãn các yếu tố cấu thành các tội phạm này.

Khoảng 17h ngày 21/12, ô tô BKS 22A-186.xx, do một người điều khiển di chuyển trên đường thuộc tổ 10 phường Nông Tiến, TP. Tuyên Quang bất ngờ gặp xe máy do một người đàn ông đi chiều ngược lại đang sang đường. Tài xế ô tô đánh lái tránh xe máy, lao thẳng vào ngôi nhà thuộc

tổ 10 phường Nông Tiến. Thời điểm đó, trong nhà có một phụ nữ và một bé gái 17 tháng tuổi. Chiếc xe tông cháu bé tử vong.

Qua điều tra, Công an TP. Tuyên Quang xác định, người điều khiển ô tô gây ra vụ tai nạn khiến bé gái 17 tháng tuổi tử vong là một nam cán bộ công an thuộc Công an huyện Yên Sơn (tỉnh Tuyên Quang). Trước đó, thời điểm xảy ra vụ tai nạn, trên xe có một người phụ nữ và một người đàn ông. Lúc này người phụ nữ đã bước xuống xe và thừa nhận mình là người cầm lái.

Vậy, trong trường hợp có dấu hiệu nhận tội hộ, người này sẽ bị xử lý thế nào? 

Hiện trường vụ tai nạn ô tô tránh xe máy, đâm bé gái tử vong ở Tuyên Quang. Ảnh: XĐ.

Hiện trường vụ tai nạn ô tô tránh xe máy, đâm bé gái tử vong ở Tuyên Quang. Ảnh: XĐ.

Liên quan đến vấn đề này, Luật sư Diệp Năng Bình, Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật nhận định, nhận tội thay người khác là việc một người không thực hiện hành vi phạm tội hoặc tuy có thực hiện hành vi nhưng không đủ yếu tố cấu thành tội phạm, nhưng lại nhận mình là người thực hiện hành vi phạm tội nhằm giúp cho người phạm tội thật sự không phải chịu trách nhiệm hình sự.  Đây là một trong những hành vi gây khó khăn cho hoạt động giải quyết đúng đắn vụ án hình sự, gây ra sự rắc rối trong quá trình điều tra và việc thực hiện các hoạt động tố tụng. Bên cạnh đó, nhận tội thay cho người khác còn dẫn đến việc bỏ lọt người phạm tội, ảnh hưởng nghiêm trọng hiệu quả hoạt động phòng chống tội phạm.

Hành vi nhận tội thay cho người khác có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về tội "Che giấu tội phạm", tội "Cung cấp tài liệu sai sự thật hoặc khai báo gian dối" hoặc tội "Không tố giác tội phạm" nếu thỏa mãn các yếu tố cấu thành các tội phạm này.

Đối với tội "Che giấu tội phạm"

Căn cứ tại khoản 1 Điều 18 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 quy định về tội "Che giấu tội phạm" như sau: “Người nào không hứa hẹn trước, nhưng sau khi biết tội phạm được thực hiện đã che giấu người phạm tội, dấu vết, tang vật của tội phạm hoặc có hành vi khác cản trở việc phát hiện, điều tra, xử lý người phạm tội, thì phải chịu trách nhiệm hình sự về tội "Che giấu tội phạm" trong những trường hợp mà Bộ luật này quy định.”

Đồng thời, tại khoản 2 Điều 18 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 thì ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng của người phạm tội không phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 1 Điều này, trừ trường hợp che giấu các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng khác quy định tại Điều 389 của Bộ luật này.

Điều 389 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 quy định hai khung hình phạt đối với tội danh này như sau: Người nào không hứa hẹn trước mà che giấu một trong các tội phạm quy định tại một số điều quy định tại Bộ luât Hình sự thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 05 năm; Phạm tội trong trường hợp lợi dụng chức vụ, quyền hạn cản trở việc phát hiện tội phạm hoặc có những hành vi khác bao che người phạm tội, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.

Đối với tội "Cung cấp tài liệu sai sự thật hoặc khai báo gian dối"

Căn cứ tại Điều 382 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 thì tài liệu sai sự thật là những tài liệu giả mạo hoặc có nội dung sai lệch với sự thật nhằm đánh lừa người đọc. Khai báo gian dối là hành vi trình bày vụ việc, ý kiến không trung thực, khách quan về vụ việc. Người có hành vi cung cấp tài liệu sai sự thật hoặc khai báo gian dối biết rõ thông tin sai sự thật nhưng vẫn cố gắng thực hiện.

Tội danh này có ba khung hình phạt chính với mức phạt tù cao nhất lên đến 07 năm tù giam, ngoài ra người phạm tội còn có thể phải chịu hình phạt bổ sung là bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định lên đến 5 năm.

Đối với tội "Không tố giác tội phạm"

Không tố giác tội phạm được hiểu là hành vi của người biết rõ tội phạm đang được chuẩn bị, đang được thực hiện hoặc đã được thực hiện mà không tố giác. Tội danh này được quy định tại Điều 390 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017, với khung hình phạt lên đến 03 năm tù giam. Trong trường hợp người không tố giác nếu đã có hành động can ngăn người phạm tội hoặc hạn chế tác hại của tội phạm, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự hoặc miễn hình phạt.

MINH ANH

Các tin khác