Ảnh minh họa.
Bộ GTVT vừa ban hành Thông tư 23/2023/TT-BGTVT quy định về chế độ lao động, kỷ luật lao động đặc thù đối với nhân viên hàng không. Thông tư có hiệu lực từ ngày 01/9.
Theo đó, nhân viên hàng không nếu vi phạm kỷ luật lao động, như sử dụng ma túy, trộm cắp, chiếm đoạt tài sản, buôn lậu, vi phạm nội quy làm uy hiếp an toàn bay… sẽ bị cấm hoạt động trong ngành hàng không 05 năm, thay vì cấm suốt đời như quy định hiện hành. Thời gian cấm làm việc đối với nhân viên hàng không được tính từ khi quyết định kỷ luật có hiệu lực. Đối với nhân viên hàng không bị đi tù, thời gian được tính kể từ khi được xóa án tích trong vụ án hình sự.
Thông tư 23/2023/TT-BGTVT cũng quy định các hãng bay phải báo cáo Cục Hàng không bằng văn bản giấy hoặc văn bản điện tử khi có nhân viên hàng không vi phạm kỷ luật lao động đặc thù. Đồng thời thông báo cho Cảng vụ hàng không trong trường hợp hành vi vi phạm xảy ra tại cảng hàng không, sân bay thuộc phạm vi quản lý của cảng vụ hàng không.
Ngoài ra, các hãng cũng phải tổng hợp, báo cáo Cục Hàng không Việt Nam tình hình thực hiện chế độ lao động, kỷ luật lao động đặc thù đối với nhân viên hàng không một năm hai lần.
Đây là điểm mới so với Thông tư hiện hành (Thông tư 46/2013/TT-BGTVT). Cụ thể, theo quy định hiện hành, không sử dụng làm việc tại vị trí nhân viên hàng không ở bất kỳ doanh nghiệp nào hoạt động trong lĩnh vực hàng không dân dụng với các trường hợp: Cố ý vi phạm các quy định, nội quy trực tiếp gây tai nạn hàng không hoặc sự cố hàng không nghiêm trọng; Bị kết án trong các vụ án hình sự; Trộm cắp, chiếm đoạt trái phép tài sản của tổ chức, cá nhân.
Ngoài ra, không sử dụng người lao động làm việc tại vị trí nhân viên hàng không với trường hợp những người lợi dụng vị trí làm việc để buôn lậu, vận chuyển trái phép người, tài sản, hàng hóa, cũng như sử dụng hoặc có kết quả dương tính đối với các chất ma túy hoặc chất kích thích không được phép sử dụng khác trong quy định.
Cũng tại Thông tư 23/2023/TT-BGTVT, nhân viên hàng không bị tạm đình chỉ ngay công việc trong 08 trường hợp sau:
- Vi phạm các quy định, nội quy lao động gây sự cố, tai nạn, uy hiếp an toàn, an ninh hàng không;
- Bị điều tra, khởi tố trong các vụ án hình sự;
- Tự ý bỏ vị trí làm việc;
- Uống rượu, bia trong giờ làm việc hoặc có nồng độ cồn trong máu, hơi thở trong khi thực hiện nhiệm vụ;
- Trộm cắp, chiếm đoạt trái phép tài sản của tổ chức, cá nhân;
- Lợi dụng vị trí làm việc để buôn lậu, vận chuyển trái phép người, tài sản, hàng hóa;
- Sử dụng hoặc có kết quả dương tính đối với các chất ma túy hoặc chất kích thích không được phép sử dụng khác theo quy định;
- Đánh bạc, gây rối, làm mất an ninh, trật tự tại nơi làm việc.
Việc tạm đình chỉ ngay được người sử dụng lao động hoặc người được ủy quyền thực hiện bằng lời nói tại thời điểm phát hiện hành vi vi phạm.
Trong thời hạn 48 giờ kể từ khi tạm đình chỉ bằng lời nói, người sử dụng lao động hoặc người được ủy quyền phải ban hành quyết định tạm đình chỉ, trong đó xác định rõ thời hạn tạm đình chỉ. Thời hạn tạm đình chỉ theo quy định tại Bộ luật Lao động và được tính kể từ thời điểm thực hiện bằng lời nói.
QUÝ NGUYÊN
Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát về đổi mới sách giáo khoa phổ thông