/ Luật sư - Bạn đọc
/ Nhập khẩu test xét nghiệm từ Trung Quốc: Công ty Việt Á có hay không dấu hiệu buôn lậu?

Nhập khẩu test xét nghiệm từ Trung Quốc: Công ty Việt Á có hay không dấu hiệu buôn lậu?

27/01/2022 10:38 |

(LSVN) - Căn cứ Điều 188 Bộ luật Hình sự năm 2015, người nào buôn bán qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa hoặc ngược lại trái pháp luật hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp như đã bị xử lý vi phạm hành chính hoặc bị kết án với tội này hay các tội tương tự... thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến tối đa 10 năm.

Chuyên gia pháp lý Nguyễn Đức Hùng, Phó Trưởng Phòng Tranh tụng, Công ty Luật TNHH TGS. 

Mới đây, cùng với việc cung cấp số liệu nhập khẩu của Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á (Công ty Việt Á) trong 5 năm từ 2017-2021, Tổng cục Hải quan cũng đã bóc tách riêng số liệu nhập khẩu mặt hàng thành phẩm là que thử test nhanh xét nghiệm định tính kháng nguyên virus SARS-CoV-2 chủng loại Novel Coronavirus 2019-nCoV, Antigen Test (Colloidal Gold) trong thời gian từ tháng 9 đến tháng 12/2021 của Công ty Việt Á.

Thông tin đáng lưu ý là Công ty Việt Á đã nhập khẩu tới 3 triệu test mới 100% từ Trung Quốc với giá khai báo chỉ là 0,955 USD/test (khoảng 21,56 nghìn đồng/test), với tổng trị giá là 64,68 tỉ đồng. 

Trước sự việc này, nhiều người đã đặt ra câu hỏi liệu đây có phải hành vi buôn lậu của Công ty Việt Á? 

Về vấn đề này, Chuyên gia pháp lý Nguyễn Đức Hùng, Phó Trưởng Phòng Tranh tụng, Công ty Luật TNHH TGS cho rằng, theo thông tin từ Tổng cục Hải quan về số lượng test và đơn giá của một test mà Việt Á nhập từ Trung Quốc chứ không nêu về việc công ty này có dấu hiệu của tội "Buôn lậu" hay không.

Căn cứ Điều 188 Bộ luật Hình sự năm 2015, người nào buôn bán qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa hoặc ngược lại trái pháp luật hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp như đã bị xử lý vi phạm hành chính hoặc bị kết án với tội này hay các tội tương tự... thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến tối đa 10 năm.

Như vậy, nếu có dấu hiệu cho rằng công ty Việt Á thực hiện các hoạt động buốn bán hàng hoá nêu trên qua biên giới mà không khai báo, khai báo gian dối, dùng giấy tờ giả mạo, giấu giếm, hàng hoá không có giấy tờ hợp lệ, trốn tránh sự kiểm soát của cơ quan hải quan, bộ đội biên phòng... thì mới bị coi là buôn lậu và xử lý theo quy định pháp luật.

Trong thời điểm dịch bệnh đang hoành hành phức tạp như hiện nay, cả nước đang chung sức để đẩy lùi dịch bệnh nhưng các đối tượng tội phạm đã bất chấp mạng sống, chủ trương, chính sách của Nhà nước nhằm chuộc lợi cho mình, đây là hành vi không thể chấp nhận được. Các cơ quan tiến hành tố tụng có thể xem xét các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự như: Phạm tội có tổ chức; Phạm tội có tính chất chuyên nghiệp; Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp, thiên tai, dịch bệnh hoặc những khó khăn đặc biệt khác của xã hội để phạm tội theo quy định tại các điểm a, b, l Khoản 1 Điều 52 Bộ luật Hình sự năm 2015 để đưa ra mức hình phạt hợp lý, hợp pháp nhằm tạo tính răn đe và lấy lại niềm tin nơi nhân dân cả nước.

Có phải bồi thường? 

Trong trường hợp này, trong phạm vi thẩm quyền của mình cơ quan điều tra có thể thực hiện các biện pháp cưỡng chế nằm đảm bảo hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, các biện pháp cưỡng chế có thể bao gồm kê biên tài sản, phong toả tài khoản. Tuy nhiên đối với bản thân những người phạm tội nếu thành khẩn khai báo cùng với việc nộp lại số lợi bất chính, đền bù khắc phục những thiệt hại gây ra cho nhà nước cũng như người dân thì sẽ được xem xét giảm nhẹ hình phạt.

Việc bồi thường thiệt hại được quy định tại Điều 584 Bộ luật Dân sự năm 2015, cụ thể như sau: “Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác".

Ở đây, các cơ quan, tổ chức, đơn vị, người tiêu dùng mua test của Việt Á với giá cao thì đều được coi là người bị hại, có quyền lợi nghĩa vụ bị xâm phạm do đó họ hoàn toàn có quyền đề nghị phía những người phạm tội phải bồi thường các thiệt hại, tổn thất đó.

Về nguyên tắc bồi thường áp dụng theo Điều 585 Bộ luật Dân sự 2015, cụ thể như sau:

“1. Thiệt hại thực tế phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Các bên có thể thỏa thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

2. Người chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại có thể được giảm mức bồi thường nếu không có lỗi hoặc có lỗi vô ý và thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế của mình.

3. Khi mức bồi thường không còn phù hợp với thực tế thì bên bị thiệt hại hoặc bên gây thiệt hại có quyền yêu cầu Tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác thay đổi mức bồi thường.

4. Khi bên bị thiệt hại có lỗi trong việc gây thiệt hại thì không được bồi thường phần thiệt hại do lỗi của mình gây ra.

5. Bên có quyền, lợi ích bị xâm phạm không được bồi thường nếu thiệt hại xảy ra do không áp dụng các biện pháp cần thiết, hợp lý để ngăn chặn, hạn chế thiệt hại cho chính mình".

PHƯƠNG CHI

Vụ Công ty Việt Á: Khởi tố thêm nhiều cán bộ thuộc Bộ Y tế, Bộ KH&CN và Giám đốc CDC 2 tỉnh

Bùi Thị Thanh Loan