Người dân mua sắm tại một siêu thị ở Tokyo, Nhật Bản. Ảnh minh họa: Kyodo/TTXVN.
Trong bài phát biểu tại Hội nghị Hội đồng phụ nữ thế giới ở thủ đô Tokyo, ông Kishida đã dẫn chứng các biện pháp mà chính phủ của ông đang thực hiện, trong đó có kêu gọi các công ty lớn ở Nhật Bản giải quyết vấn đề chênh lệch lương chi trả cho nam giới và nữ giới, thiết lập một hệ thống khuyến khích nam giới nghỉ chế độ thai sản.
Cam kết được Thủ tướng Nhật Bản đưa ra trong bối cảnh Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) công bố báo cáo cho thấy Nhật Bản đứng thứ 116 trong 146 quốc gia được đánh giá xếp hạng về khoảng cách giới trong năm nay và cũng là vị trí thấp nhất trong nhóm G7. Hội nghị Hội đồng phụ nữ thế giới được Chính phủ Nhật Bản bảo trợ, có sự tham dự của các nhà lãnh đạo và các đoàn đại biểu từ nhiều nước trên thế giới, trong đó có Tổng thống Iceland Gudni Johannesson - quốc gia đứng đầu trong đánh giá xếp hạng mới của WEF, Tổng thống Moldova Maia Sandu và Giám đốc điều hành cơ quan Phụ nữ Liên hợp quốc Sima Bahous.
Phát biểu tại hội nghị, bà Bahous cho rằng vấn đề bất bình đẳng giới đặt ra thách thức kinh tế nghiêm trọng đối với thế giới, đồng thời kêu gọi các nước áp dụng chỉ tiêu để tăng tính đại diện của nữ giới trong xã hội. Theo bà Bahous, cần phải có sẵn mọi chiến thuật, trong đó có cả những biện pháp đặc biệt như áp chỉ tiêu, để đảm bảo phụ nữ tham gia quá trình đưa ra quyết định và trong các vị trí lãnh đạo.
Chính phủ Nhật Bản bắt đầu tổ chức Hội nghị Hội đồng phụ nữ thế giới thường niên từ năm 2014. Năm nay là lần đầu tiên sự kiện được tổ chức trở lại kể từ năm 2019 do ảnh hưởng của đại dịch. Ngoài những đại diện tham dự trực tiếp, hội nghị còn có những đại diện tham dự và phát biểu trực tuyến như Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern, cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton, nữ diễn viên người Mỹ Anne Hathaway hiện đang đảm nhận vai trò đại sứ thiện chí của cơ quan Phụ nữ LHQ.
LÊ ÁNH/TTXVN
Một số bất cập và kiến nghị hoàn thiện về hình phạt tử hình theo pháp luật Việt Nam