/ Thư viện pháp luật
/ Nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch UBND huyện theo quy định mới

Nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch UBND huyện theo quy định mới

22/02/2025 18:50 |1 tháng trước

(LSVN) - Tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9 đã quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch UBND cấp huyện tại Điều 20.

Chịu trách nhiệm về hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước trên địa bàn

Theo đó, Chủ tịch UBND cấp huyện có nhiệm vụ, quyền hạn: Lãnh đạo và điều hành công việc của UBND; triệu tập và chủ tọa các phiên họp của UBND; Lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện các nhiệm vụ thi hành Hiến pháp, pháp luật, các văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên và của HĐND, UBND cấp mình; kiểm tra và xử lý các vi phạm trong quá trình triển khai thực hiện Hiến pháp và pháp luật trên địa bàn huyện.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND còn lãnh đạo và chịu trách nhiệm về hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước, bảo đảm tính thống nhất, thông suốt của nền hành chính; về phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; về thực hiện cải cách hành chính và cải cách công vụ, công chức trong hệ thống hành chính nhà nước trên địa bàn huyện; Lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra công tác của các cơ quan chuyên môn, cơ quan hành chính thuộc UBND cấp mình, UBND, Chủ tịch UBND cấp dưới trong việc thực hiện Hiến pháp, luật, các văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên, nghị quyết của HĐND và quyết định, chỉ thị của UBND cấp mình;

Chủ tịch UBND cấp huyện còn có nhiệm vụ chỉ đạo và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ phát triển KT-XH, phát triển các ngành, lĩnh vực trên địa bàn; chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện quản lý nhà nước tại địa phương trong các lĩnh vực tài chính, đầu tư, đất đai, tài nguyên, môi trường, thương mại, dịch vụ, công nghiệp, xây dựng, GTVT, giáo dục, y tế, hành chính tư pháp, nội vụ, lao động, văn hoá, thông tin, du lịch, thể dục thể thao, xã hội, dân tộc, tôn giáo, quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội…

Một trong những nhiệm vụ, quyền hạn mà Chủ tịch UBND cấp huyện đó là chỉ đạo và chịu trách nhiệm trong công tác tuyển dụng, sử dụng công chức, viên chức trên địa bàn theo quy định của pháp luật và phân cấp của cơ quan nhà nước cấp trên; quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm, điều động, cách chức người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND cấp mình.

Chỉ đạo, xử lý kịp thời các tình huống khẩn cấp

Chỉ đạo, xử lý kịp thời các tình huống khẩn cấp liên quan đến thiên tai, bão lụt, dịch bệnh trên địa bàn huyện; Chỉ đạo và chịu trách nhiệm thực hiện công tác kiểm tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống quan liêu, tham nhũng, tiêu cực, lãng phí trong hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước và trong các hoạt động KT-XH trên địa bàn huyện.

Chủ tịch UBND cấp huyện còn có nhiệm vụ: Phê chuẩn kết quả bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm và quyết định điều động, cách chức Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND cấp xã; giao quyền Chủ tịch UBND cấp xã; quyết định tạm đình chỉ công tác đối với Phó Chủ tịch UBND huyện, Chủ tịch UBND xã, cán bộ lãnh đạo, quản lý do mình quản lý, điều hành trong cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện, người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND cấp huyện…

Luật cũng quy định, Chủ tịch UBND thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại khoản 1 Điều này và các nhiệm vụ, quyền hạn sau:

Chỉ đạo và tổ chức thực hiện quy hoạch, chương trình, kế hoạch phát triển đô thị, hạ tầng đô thị trên địa bàn theo quy định của pháp luật; Chỉ đạo và tổ chức thực hiện việc sử dụng quỹ đất đô thị phục vụ cho việc xây dựng công trình hạ tầng đô thị theo quy định của pháp luật.

Chỉ đạo kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong việc xây dựng nhà ở, công trình xây dựng tại đô thị; Thực hiện nhiệm vụ quản lý dân cư đô thị; phòng, chống các tệ nạn xã hội ở đô thị; Thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ không gian, kiến trúc và cảnh quan đô thị; tổ chức, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ bảo đảm trật tự công cộng, an toàn giao thông, chống ùn tắc giao thông.

Còn theo Điều 29 Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015 thì quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện như sau:

Lãnh đạo và điều hành công việc của Ủy ban nhân dân, các thành viên Ủy ban nhân dân huyện; lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân huyện.

Phê chuẩn kết quả bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã; điều động, đình chỉ công tác, cách chức Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã; giao quyền Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã trong trường hợp khuyết Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã giữa hai kỳ họp Hội đồng nhân dân cấp xã; bổ nhiệm, miễn nhiệm, điều động, cách chức, khen thưởng, kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức thuộc phạm vi quản lý theo quy định của pháp luật.

Lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện các nhiệm vụ thi hành Hiến pháp, pháp luật, các văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên, của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân huyện; bảo đảm quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội; bảo vệ tài sản của cơ quan, tổ chức, bảo hộ tính mạng, tự do, danh dự, nhân phẩm, tài sản, các quyền và lợi ích hợp pháp khác của công dân; thực hiện các biện pháp quản lý dân cư trên địa bàn huyện.

Lãnh đạo và chịu trách nhiệm về hoạt động của hệ thống hành chính nhà nước từ huyện đến cơ sở, bảo đảm tính thống nhất, thông suốt của nền hành chính; chỉ đạo công tác cải cách hành chính và cải cách công vụ, công chức trong hệ thống hành chính nhà nước ở địa phương.

Đình chỉ việc thi hành hoặc bãi bỏ văn bản trái pháp luật của cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân huyện và văn bản trái pháp luật của Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã. Đình chỉ việc thi hành văn bản trái pháp luật của Hội đồng nhân dân cấp xã, báo cáo Ủy ban nhân dân huyện để đề nghị Hội đồng nhân dân huyện bãi bỏ.

Chỉ đạo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã; ủy quyền cho Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện hoặc người đứng đầu cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân huyện thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn trong phạm vi thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện.

Quản lý và tổ chức sử dụng có hiệu quả công sở, tài sản, phương tiện làm việc và ngân sách nhà nước được giao trên địa bàn huyện theo quy định của pháp luật.

Tổ chức việc thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm pháp luật, tiếp công dân theo quy định của pháp luật.

Chỉ đạo thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường, phòng, chống cháy, nổ; chỉ đạo và áp dụng các biện pháp để giải quyết các công việc đột xuất, khẩn cấp trong phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn huyện theo quy định của pháp luật.

Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn do cơ quan nhà nước cấp trên phân cấp, ủy quyền.

Bộ Chính trị yêu cầu nghiên cứu bỏ cấp huyện, sáp nhập một số đơn vị hành chính cấp tỉnh

Trước đó, thay mặt Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Cẩm Tú đã ký Kết luận số 126-KL/TW ngày 14/2/2025 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về một số nội dung, nhiệm vụ tiếp tục sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị năm 2025. Trong đó, có yêu cầu nghiên cứu định hướng tiếp tục sắp xếp bỏ cấp hành chính trung gian (cấp huyện); định hướng sáp nhập một số đơn vị hành chính cấp tỉnh;…

Theo đó, về tiếp tục thực hiện sắp xếp, hoàn thiện tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị trong năm 2025 và nhiệm kỳ 2025 – 2030, Kết luận số 126-KL/TW nêu rõ, giao Đảng ủy Quốc hội, Đảng ủy Chính phủ, Đảng ủy Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể Trung ương, các ban đảng Trung ương, cấp ủy, tổ chức đảng các cấp tiếp tục khẩn trương nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, cơ chế, chính sách liên quan để có cơ sở pháp lý triển khai hoàn thiện mô hình tổng thể của hệ thống chính trị trong thời gian tới, bảo đảm đồng bộ trong quá trình thực hiện tinh gọn tổ chức bộ máy.

Giao Đảng ủy Chính phủ chỉ đạo Đảng ủy Thanh tra Chính phủ và các cơ quan, đơn vị liên quan khẩn trương hoàn thiện Đề án tổ chức lại hệ thống thanh tra.

Lãnh đạo, chỉ đạo rà soát, đánh giá, tổ chức lại hoạt động của các tổ chức đảng trong các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng thương mại nhà nước theo hướng chuyển các đảng bộ cơ sở (doanh nghiệp) thuộc đảng bộ các tập đoàn, tổng công ty về trực thuộc cấp ủy địa phương theo địa bàn hoạt động sản xuất kinh doanh (báo cáo Ban Bí thư vào cuối quý II/2025).

Bên cạnh đó, chủ trì, phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương, Đảng ủy Quốc hội, các cấp ủy, tổ chức đảng có liên quan nghiên cứu định hướng tiếp tục sắp xếp bỏ cấp hành chính trung gian (cấp huyện).

Xây dựng phương án tiếp tục sắp xếp cấp xã phù hợp với mô hình tổ chức mới, đề xuất tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của cấp xã.

Định hướng sáp nhập một số đơn vị hành chính cấp tỉnh.

Đề xuất chủ trương sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật, quy định của Đảng có liên quan, báo cáo Bộ Chính trị trong quý III/2025.

Giao Đảng ủy Công an Trung ương chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan và các tỉnh ủy, thành ủy lãnh đạo, chỉ đạo triển khai Đề án tổ chức Công an 3 cấp, không tổ chức Công an cấp huyện, bảo đảm đúng mục tiêu, yêu cầu, tiến độ đề ra.

TRẦN VIÊN

Các tin khác