Ảnh minh họa.
Theo đó, Nghị định 103/2022/NĐ-CP này đã có sửa đổi, bổ sung thêm về nhiệm vụ và quyền hạn của trường đào tạo, bồi dưỡng so với quy định hiện hành tại Nghị định 125/2011/NĐ-CP.
Cụ thể, tại Điều 4, Nghị định 125/2011/NĐ-CP, trường đào tạo, bồi dưỡng có nhiệm vụ và quyền hạn sau:
- Tổ chức giảng dạy, học tập và các hoạt động khác theo mục tiêu, chương trình đào tạo, bồi dưỡng do cấp có thẩm quyền giao; cấp văn bằng, chứng chỉ theo quy định;
- Tổ chức nghiên cứu khoa học; tổng kết thực tiễn, nghiên cứu, phát triển lý luận làm cơ sở khoa học phục vụ công tác hoạch định đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước; tham gia giải quyết những vấn đề về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của địa phương và đất nước;
- Thực hiện quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật;
- Các nhiệm vụ và quyền hạn khác do người đứng đầu cơ quan cấp trên trực tiếp hoặc Thủ trưởng cơ quan chủ quản (đối với lực lượng vũ trang) của trường quy định theo quy định của pháp luật.
Người đứng đầu cơ quan cấp trên trực tiếp hoặc Thủ trưởng cơ quan chủ quản (đối với lực lượng vũ trang) trường đào tạo, bồi dưỡng quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn của trường đào tạo, bồi dưỡng.
Tuy nhiên, Điều 3, Nghị định 103/2022/NĐ-CP đã sửa đổi, bổ sung về nhiệm vụ và quyền hạn của trường đào tạo, bồi dưỡng như sau:
Trường đào tạo, bồi dưỡng thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Đảng và quy định của pháp luật đối với đơn vị sự nghiệp công lập, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân về quản lý tổ chức bộ máy, biên chế, tài chính, tài sản và các nhiệm vụ, quyền hạn quy định từ khoản 2 đến khoản 8 của Điều này trong phạm vi chức năng được giao. Nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của trường đào tạo, bồi dưỡng được quy định trong quy chế tổ chức và hoạt động của trường do cơ quan quản lý trực tiếp phê duyệt, ban hành.
Về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức
- Trường đào tạo, bồi dưỡng của cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội thực hiện nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng theo quy định của Đảng và quy định của pháp luật về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức;
- Trường đào tạo, bồi dưỡng của lực lượng vũ trang nhân dân có nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp và công nhân quốc phòng; bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý về nhiệm vụ và kiến thức quốc phòng, an ninh.
Về đào tạo các trình độ của giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp, giáo dục ở cấp học khác:
- Trường đào tạo, bồi dưỡng được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép hoạt động đào tạo các trình độ của giáo dục đại học thì thực hiện hoạt động đào tạo và bảo đảm chất lượng giáo dục đại học theo quy định như đối với cơ sở giáo dục đại học và quy định tại Nghị định này;
- Trường đào tạo, bồi dưỡng được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép hoạt động giáo dục nghề nghiệp thì thực hiện hoạt động đào tạo và bảo đảm chất lượng giáo dục nghề nghiệp theo quy định như đối với cơ sở giáo dục nghề nghiệp và quy định tại Nghị định này;
- Trường đào tạo, bồi dưỡng được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép hoạt động giáo dục ở mỗi cấp học thì thực hiện hoạt động giáo dục và bảo đảm chất lượng theo quy định như đối với các cơ sở giáo dục của cấp học đó và quy định tại Nghị định này;
- Việc đào tạo các trình độ của giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp phải phục vụ nhu cầu phát triển nhân lực của ngành, lĩnh vực phù hợp chủ trương của Đảng, khả năng đầu tư của Nhà nước và khả năng huy động nguồn lực của xã hội.
Về hoạt động khoa học và công nghệ:
- Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn liên quan tới hoạt động khoa học và công nghệ theo quy định của pháp luật về khoa học và công nghệ;
- Trường đào tạo, bồi dưỡng có đào tạo các trình độ của giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp thì thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn liên quan tới hoạt động khoa học và công nghệ theo quy định của pháp luật đối với cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Về các điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục:
- Tuyển dụng, quản lý, sử dụng, xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu về số lượng, cơ cấu và tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật đối với từng hoạt động giáo dục;
- Huy động và quản lý, sử dụng các nguồn lực; xây dựng và tăng cường cơ sở vật chất, đầu tư trang thiết bị, thư viện, công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu đào tạo, bồi dưỡng.
Về quản lý và hỗ trợ người học:
- Quản lý người học, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người học; bảo đảm môi trường sư phạm cho hoạt động giáo dục;
- Thực hiện chính sách xã hội đối với đối tượng được hưởng chính sách xã hội, đối tượng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Về thông tin, báo cáo và trách nhiệm giải trình:
- Thực hiện chế độ báo cáo, công khai thông tin, kết nối và cập nhật dữ liệu ngành theo quy định đối với mỗi hoạt động giáo dục;
- Thực hiện tự đánh giá chất lượng và kiểm định theo quy định đối với chương trình đào tạo của giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp;
- Chịu sự kiểm tra, thanh tra của cơ quan quản lý Nhà nước về lĩnh vực giáo dục, các bộ, ngành có liên quan và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi trường đào tạo, bồi dưỡng đặt trụ sở hoặc có tổ chức hoạt động đào tạo, bồi dưỡng theo quy định.
Thực hiện các nhiệm vụ khác được cấp có thẩm quyền giao, theo quy định của Đảng và pháp luật có liên quan.
Ngoài ra, Nghị định 103/2022/NĐ-CP này cũng quy định rõ về vị trí pháp lý của trường đào tạo, bồi dưỡng. Tại Điều 2, Nghị định 103/2022/NĐ-CP quy định, trường đào tạo, bồi dưỡng là cơ sở giáo dục của hệ thống giáo dục quốc dân được tổ chức, hoạt động theo quy định của Đảng và quy định của pháp luật, cụ thể:
- Trường của cơ quan Nhà nước là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước.
- Trường của tổ chức chính trị là cơ quan, đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Ban Chấp hành Trung ương Đảng; tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc trung ương; huyện ủy, quận ủy, thị ủy, thành ủy trực thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
- Trường của tổ chức chính trị - xã hội là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc cơ quan Tung ương của tổ chức chính trị - xã hội.
- Trường của lực lượng vũ trang nhân dân là đơn vị trực thuộc các cấp quản lý của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an nằm trong tổ chức, biên chế của Quân đội nhân dân Việt Nam, Công an nhân dân Việt Nam.
Nghị định 103/2022/NĐ-CP này có hiệu lực từ ngày 01/02/2023 và thay thế Nghị định 125/2011/NĐ-CP.
VŨ TRẦN
Ban hành Pháp lệnh về thủ tục áp dụng biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án trong tháng 12/2022