/ Luật sư trực ban
/ Nhiều điểm mới đáng chú ý tại Luật Cán bộ, công chức 2025

Nhiều điểm mới đáng chú ý tại Luật Cán bộ, công chức 2025

01/07/2025 17:19 |7 ngày trước

(LSVN) - Ngày 25/6, Quốc hội thông qua Luật Cán bộ, công chức của Quốc hội, số 80/2025/QH15 và chính thức có hiệu lực từ 01/7. Trong đó, những chính sách như: Thay đổi về khái niệm công chức trong tổ chức cơ yếu; Chính sách ưu đãi đối với người tài năng vào khu vực công; Cán bộ, công chức không nghỉ hết ngày phép vì nhiệm vụ sẽ được thanh toán thêm tiền... là những điểm mới đáng chú ý của Luật này.

Thay đổi về khái niệm công chức trong tổ chức cơ yếu

Trước đây, Luật Cán bộ, công chức 2008 không đề cập đến “tổ chức cơ yếu” trong định nghĩa công chức (Điều 4). Tuy nhiên, tại Luật Cán bộ, công chức 2025 lần này bổ sung rõ: “Công chức trong tổ chức cơ yếu mà không phải là người làm công tác cơ yếu” (khoản 2 Điều 1).

Bên cạnh đó, Luật Cán bộ, công chức 2025 lần này cũng loại bỏ khái niệm công chức trong đơn vị sự nghiệp công lập. Cụ thể, theo quy định cũ tại khoản 2 Điều 4 Luật Cán bộ, công chức 2008 thì công chức có thể làm việc trong bộ máy lãnh đạo đơn vị sự nghiệp công lập. Tuy nhiên, Luật Cán bộ, công chức 2025 đã bỏ nội dung này. Như vậy, từ 01/7/2025, cán bộ lãnh đạo trong đơn vị sự nghiệp công lập không còn là “công chức”.

Ngoài ra, Luật Cán bộ, công chức 2025 cũng gộp định nghĩa cán bộ, công chức cấp xã thành một nhóm chung. Theo đó, Luật Cán bộ, công chức 2008 tách riêng thành khoản 3 Điều 4. Trong khi Luật Cán bộ, công chức 2025 thì gộp lại thành nội dung chung, không phân biệt riêng (Điều 1).

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Chính sách đối với người tài năng vào khu vực công

Từ ngày 01/7/2025, Luật Cán bộ, công chức 2025 chính thức có hiệu lực, lần đầu tiên đưa vào luật quy định cụ thể về cơ chế trọng dụng và thu hút nhân tài trong khu vực công. Đây là điểm mới nổi bật, phản ánh đúng tinh thần đổi mới về nhân sự khu vực Nhà nước.

Theo đó, Điều 4 Luật Cán bộ, công chức 2025 quy định về cơ chế thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao và chính sách đối với người có tài năng trong hoạt động công vụ nêu rõ:

- Nhà nước có cơ chế đặc biệt để thu hút chuyên gia, nhà khoa học, luật gia, luật sư giỏi, doanh nhân tiêu biểu, xuất sắc, sinh viên tốt nghiệp xuất sắc và nguồn nhân lực chất lượng cao khác vào làm việc trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội; chính sách trọng dụng, đãi ngộ xứng đáng đối với người có tài năng trong hoạt động công vụ phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

- Người có tài năng trong hoạt động công vụ là cán bộ, công chức: Có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, có khát vọng cống hiến, phụng sự Tổ quốc và Nhân dân; có năng lực chuyên môn, kỹ năng vượt trội thể hiện qua giải quyết công việc;Có tư duy đổi mới, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung;Đạt được những thành tích nổi bật trong hoạt động công vụ thể hiện bằng kết quả, sản phẩm cụ thể, mang lại giá trị, hiệu quả cao cho tổ chức, ngành, lĩnh vực trong phạm vi cả nước hoặc địa phương.

Trước đây, Luật số 22/2008/QH12 và Luật sửa đổi 52/2019/QH14 không có điều khoản riêng về cơ chế trọng dụng người tài mà chỉ đề cập rất chung về “chính sách ưu đãi trong tuyển dụng”.

Cán bộ, công chức không nghỉ hết ngày phép vì nhiệm vụ sẽ được thanh toán thêm tiền

Theo khoản 1 Điều 11 Luật Cán bộ, công chức 2025 quy định: Cán bộ, công chức được nghỉ hàng năm, nghỉ lễ, tết, nghỉ việc riêng, nghỉ không hưởng lương theo quy định của pháp luật về lao động.

Trường hợp do yêu cầu nhiệm vụ, cán bộ, công chức không sử dụng hoặc sử dụng không hết số ngày nghỉ hàng năm thì ngoài tiền lương còn được thanh toán thêm một khoản tiền bằng tiền lương cho những ngày không nghỉ.

Trước đó, tại khoản 3 Điều 74 Luật Cán bộ, công chức 2008 cũng có quy định trường hợp do yêu cầu nhiệm vụ mà không nghỉ hằng năm thì được thanh toán tiền lương đối với những ngày chưa nghỉ. Tuy nhiên, Luật cũ chưa nêu rõ hình thức thanh toán “bằng khoản tiền ngoài tiền lương” như luật mới.

Cán bộ, công chức được thuê nhà công vụ và tham gia hoạt động xã hội

Điều 9 Luật Cán bộ, công chức 2025 quy định quyền của cán bộ, công chức về bảo đảm điều kiện thi hành công vụ bao gồm:

- Được giao quyền tương xứng với nhiệm vụ được giao.

- Được bảo đảm trang thiết bị làm việc, phương tiện đi lại để thi hành công vụ và các điều kiện làm việc khác theo quy định của pháp luật và của cấp có thẩm quyền.

- Được bố trí hoặc được thuê nhà ở công vụ theo quy định của pháp luật và của cấp có thẩm quyền.

- Được cung cấp thông tin, dữ liệu liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn được giao.

- Được tham gia đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ.

- Được pháp luật bảo vệ khi thi hành công vụ.

- Được xem xét loại trừ, miễn, giảm trách nhiệm theo quy định của pháp luật và của cấp có thẩm quyền.

Xếp loại chất lượng công chức theo 04 mức, có thể cho thôi việc nếu không hoàn thành nhiệm vụ

Theo khoản 1 Điều 26 Luật Cán bộ, công chức 2025 quy định, công chức được xếp loại chất lượng hằng năm theo 04 mức:

- Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ;

- Hoàn thành tốt nhiệm vụ;

- Hoàn thành nhiệm vụ;

- Không hoàn thành nhiệm vụ.

Ngoài ra, khoản 3 Điều 26 Luật Cán bộ, công chức 2025 cũng quy định, công chức 02 năm liên tiếp không hoàn thành nhiệm vụ hoặc 01 năm không hoàn thành nhưng vi phạm nghiêm trọng sẽ bị xử lý theo quy định, bao gồm cả hình thức buộc thôi việc.

Trước đó, Điều 56 Luật Cán bộ, công chức 2008 chỉ quy định về việc đánh giá hằng năm theo các tiêu chí, chưa phân nhóm rõ 04 mức độ và quy định xử lý như tại Luật Cán bộ, công chức 2025.

Thời hạn bổ nhiệm công chức lãnh đạo là 05 năm

Khoản 2 Điều 31 Luật Cán bộ, công chức 2025 quy định rõ, thời hạn bổ nhiệm công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý là 05 năm. Thời hạn bổ nhiệm dưới 05 năm áp dụng đối với một số chức danh đặc thù theo quy định của pháp luật có liên quan hoặc quy định của cấp có thẩm quyền.

Còn theo Luật Cán bộ, công chức 2008 thì không quy định thời hạn giữ chức vụ trong luật và phụ thuộc vào văn bản hướng dẫn.

Vị trí việc làm của công chức gồm 03 loại

Nội dung này được quy định tại khoản 3 Điều 23 Luật Cán bộ, công chức 2025. Theo đó, vị trí việc làm của công chức gồm:

- Vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý (điểm a khoản 3 Điều 23);

- Vị trí việc làm chuyên môn, nghiệp vụ (điểm b khoản 3 Điều 23);

- Vị trí việc làm hỗ trợ, phục vụ (điểm c khoản 3 Điều 23).

Còn tại Luật Cán bộ, công chức 2008 chỉ đề cập vị trí việc làm một cách chung chung tại khoản 1 Điều 39b (bổ sung tại Luật Cán bộ, công chức 2019), nhưng không có quy định phân loại cụ thể thành 03 nhóm như Luật Cán bộ, công chức 2025.

Cán bộ công chức có thể bị xóa tư cách chức vụ sau khi nghỉ hưu nếu vi phạm khi còn công tác

Theo điểm c khoản 3 Điều 43 Luật Cán bộ, công chức 2025 quy định, cán bộ, công chức sau khi nghỉ việc hoặc nghỉ hưu mới phát hiện có hành vi vi phạm trong thời gian công tác thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm phải chịu một trong những hình thức kỷ luật khiển trách, cảnh cáo, xóa tư cách chức vụ đã đảm nhiệm gắn với hệ quả pháp lý tương ứng với hình thức xử lý kỷ luật.

Còn tại Luật Cán bộ, công chức 2008 thì chưa quy định rõ hệ quả pháp lý sau khi nghỉ hưu.

Chậm nhất đến 01/7/2027, phải hoàn thành xếp ngạch theo vị trí việc làm cho công chức cũ

Điều 43 Luật Cán bộ, công chức 2025 quy định chậm nhất đến ngày 01/7/2027, cơ quan có thẩm quyền phải thực hiện xong việc xếp ngạch công chức theo vị trí việc làm.

Cán bộ công chức cấp xã cũ sẽ được chuyển đổi sang chế độ mới nếu đủ điều kiện

Theo Điều 44 Luật Cán bộ, công chức 2025 thì cán bộ, công chức cấp xã được giữ nguyên chế độ, chính sách hiện hành và được xem xét chuyển xếp theo quy định mới nếu đủ điều kiện.

Từ 01/01/2026, chính thức áp dụng quy định đánh giá công chức theo luật mới

Đây là nội dung được quy định tại Điều 45 Luật Cán bộ, công chức 2025. Cụ thể, Luật có hiệu lực từ ngày 01/7/2025. Còn các quy định về đánh giá, xếp loại chất lượng, bố trí theo vị trí việc làm sẽ có hiệu lực từ ngày 01/01/2026.

Luật sư NGUYỄN ĐỨC HÙNG

Đoàn Luật sư TP. Hà Nội

Các tin khác