/ Luật sư - Bạn đọc
/ Nhiều người 'nhận nhầm' gói hỗ trợ Covid-19: Cần rà soát lại trình tự, thủ tục tiếp nhận tránh tồn tại các kẽ hở để kẻ xấu lợi dụng

Nhiều người 'nhận nhầm' gói hỗ trợ Covid-19: Cần rà soát lại trình tự, thủ tục tiếp nhận tránh tồn tại các kẽ hở để kẻ xấu lợi dụng

01/01/0001 00:00 |

(LSVN) - Sự việc này chính quyền cần rút kinh nghiệm một cách nghiêm khắc, người dân cũng cần nâng cao ý thức, trách nhiệm, sự trung thực trong việc kê khai nhận Gói hỗ trợ Covid-19 đợt 3, bởi đây cũng là một biện pháp hỗ trợ chính quyền thực hiện tốt vai trò của mình, tố cáo các hành vi kê khai gian dối để trục lợi tiền hỗ trợ. Ngoài ra, phía chính quyền, các đơn vị chức năng làm nhiệm vụ rà soát đối tượng, chi tiền hỗ trợ Covid-19 cũng cần phải rà soát lại trình tự, thủ tục tiếp nhận và giải quyết quyền lợi cho người dân tránh tồn tại các kẽ hở bị kẻ xấu lợi dụng trục lợi.

Hàng nghìn người TP. Hồ Chí Minh “nhận nhầm” Gói hỗ trợ đợt 3 đang được dư luận hết mực quan tâm.

Vừa qua, vụ việc hàng nghìn người TP. Hồ Chí Minh “nhận nhầm” Gói hỗ trợ đợt 3 đang được dư luận hết mực quan tâm.

Cụ thể, vào hồi cuối tháng 9, TP. Hồ Chí Minh đã thông qua Gói hỗ trợ đợt 3 với kinh phí là 7.300 tỉ đồng nhằm giúp đỡ 7,3 triệu người khó khăn do Covid-19, bị mất việc làm, không còn nguồn thu nhập nào khác.

Khác với những đợt trước, lần hỗ trợ này không tính theo hộ mà theo nhân khẩu. Mỗi người nhận một triệu đồng không phân biệt thường trú, tạm trú hay lưu trú.

Tuy nhiên, trái với dự định, thực tế lại cho thấy tình trạng có các trường hợp được cho khai không trung thực; lợi dụng trẻ dưới 14 tuổi chưa có CCCD để khai nhiều lần; ghi sai số CMND để phần mềm không phát hiện. Nhiều người hưởng lương, đóng bảo hiểm xã hội vẫn nhận hỗ trợ.

Thậm chí, có người đã lập gia đình và nhận hỗ trợ ở địa chỉ nhà chồng. Tuy nhiên, sau 30/9, thành phố cho đi lại, thì tiếp tục cùng các con về nhà mẹ đẻ khai báo vào danh sách bổ sung. Có trường hợp dùng cả CCCD và CMND để đăng ký tại hai địa chỉ, nhận hai nơi.

Xử lý thế nào?

Luật sư Hà Thị Khuyên, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, hành vi kê khai gian dối để trục lợi tiền hỗ trợ Covid-19 tùy tính chất, mức độ và hậu quả của hành vi mà đối tượng vi phạm có thể sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, ngoài ra còn buộc phải trả lại số tiền đã trục lợi và bồi thường thiệt hại nếu hành vi kê khai gian dối đó gây thiệt hại cho Nhà nước.

Cụ thể, nếu số tiền trục lợi thông qua hành vi kê khai gian dối đó dưới 02 triệu đồng thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính quy định tại Điều 15, Nghị định 167/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự:

Điều 15 Nghị định 167/2013/NĐ-CP về hành vi vi phạm quy định về gây thiệt hại đến tài sản của người khác như sau:

“1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Trộm cắp tài sản;

b) Công nhiên chiếm đoạt tài sản của người khác;

c) Dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản của người khác;

d) Sử dụng trái phép tài sản của người khác.

2. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác;

b) Gây mất mát, hư hỏng hoặc làm thiệt hại tài sản của Nhà nước được giao trực tiếp quản lý;

c) Dùng thủ đoạn hoặc tạo ra hoàn cảnh để buộc người khác đưa tiền, tài sản;

d) Gian lận hoặc lừa đảo trong việc môi giới, hướng dẫn giới thiệu dịch vụ mua, bán nhà, đất hoặc các tài sản khác;

đ) Mua, bán, cất giữ hoặc sử dụng tài sản của người khác mà biết rõ tài sản đó do vi phạm phápluật mà có;

e) Chiếm giữ trái phép tài sản của người khác.

3. Hình thức xử phạt bổ sung:

Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi quy định tại Điểm a, b, c Khoản 1; Điểm c, đ, e Khoản 2 Điều này.

4. Người nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều này, thì tùy theo mức độ vi phạm có thể bị áp dụng hình thức xử phạt trục xuất khỏi nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.

Còn nếu người sử dụng lao động kê khai khống thông tin người lao động tại doanh nghiệp hoặc cơ sở kinh doanh để trục lợi thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính tại Điều 39, Nghị định số 28/2020 của Chính phủ về xử phạt hành chính lĩnh vực lao động, BHXH, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, Cụ thể như sau:

Điều 39. Vi phạm quy định về lập hồ sơ để hưởng chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp

 1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với người lao động có một trong các hành vi vi phạm sau đây:

 a) Kê khai không đúng sự thật hoặc sửa chữa, tẩy xóa làm sai sự thật những nội dung có liên quan đến việc hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự;

 b) Không thông báo với Trung tâm dịch vụ việc làm theo quy định khi người lao động có việc làm trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp;

 c) Người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp không thông báo theo quy định với Trung tâm dịch vụ việc làm khi thuộc một trong các trường hợp sau đây: có việc làm; thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an; hưởng lương hưu hằng tháng; đi học tập có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên.

 2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có hành vi làm giả, làm sai lệch nội dung hồ sơ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp để trục lợi chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự đối với mỗi hồ sơ hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp làm giả, làm sai lệch nội dung.

 3. Biện pháp khắc phục hậu quả

 Buộc nộp lại cho tổ chức bảo hiểm xã hội số tiền bảo hiểm xã hội, trợ cấp thất nghiệp đã nhận do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại các khoản 1, 2 Điều này.

Về xử lý trách nhiệm hình sự, Luật sư cho biết, trong trường hợp số tiền trục lợi từ 02 triệu đồng trở lên thông qua hành vi kê khai gian dối để chiếm đoạt tài sản của nhà nước thì đối tượng sẽ bị truy cứu trách nhiệm Hình sự về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 174, Bộ luật hình sự 2015”.

Còn nếu đối tượng nào có hành vi sử dụng giấy tờ giả, làm giả giấy tờ, tài liệu của cơ quan, tổ chức để phục vụ cho hành vi kê khai gian dối nhằm chiếm đoạt tài sản thì sẽ bị xử lý thêm về tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”; tội “Sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức” theo quy định tại Điều 341, Bộ luật Hình sự 2015.

Cần rà soát lại trình tự, thủ tục tiếp nhận tránh tồn tại các kẽ hở để kẻ xấu lợi dụng

Trước đó, qua rà soát, đối chiếu trên hệ thống dữ liệu riêng, UBND TP. Hồ Chí Minh cho biết, huyện Hóc Môn đã phát hiện 713 trường hợp kê khai không chính xác khi nhận tiền hỗ trợ đợt 3. Đến sáng ngày 23/10, hơn 700 người dân đã liên hệ chính quyền trả lại tiền. Tại quận 11, đã phát hiện gần 6.000 trường hợp không đúng tiêu chí 05 nhóm được hỗ trợ theo Nghị quyết 97 của HĐND TP. Hồ Chí Minh. Theo đó, quận này cũng đang triển khai việc kiểm tra, rà soát danh sách nhận hỗ trợ, nếu phát hiện chi sai sẽ đề nghị phường thu hồi….

Theo Luật sư, hiện tại có nhiều người dân nhận thức được hành vi kê khai thông tin thiếu trung thực của bản thân nên đã trả lại tiền hỗ trợ nhầm. Tuy nhiên, cũng còn khá nhiều người vẫn kiên quyết không chịu trả lại số tiền hỗ trợ nhầm. Việc này rất cần cơ quan chức năng nhanh chóng vào cuộc xử lý nghiêm các trường hợp cố ý kê khai gian dối để trục lợi tiền hỗ trợ.

Luật sư cho biết, đây là sự việc rất hi hữu nhưng lại xảy ra trên diện rộng, điều đáng nói là phía chính quyền thì không đánh giá được thực tiễn triển khai gói hỗ trợ, người dân thì lợi dụng kẽ hở để trục lợi, sau sự việc này chính quyền cần rút kinh nghiệm một cách nghiêm khắc. Bên cạnh đó, người dân cũng cần nâng cao ý thức, trách nhiệm, sự trung thực trong việc kê khai nhận Gói hỗ trợ Covid-19 đợt 3 này, bởi đây cũng là một biện pháp hỗ trợ chính quyền thực hiện tốt vai trò của mình, tố cáo các hành vi kê khai gian dối để trục lợi tiền hỗ trợ.

Ngoài ra, phía chính quyền, các đơn vị chức năng làm nhiệm vụ rà soát đối tượng, chi tiền hỗ trợ Covid-19 cũng cần phải rà soát lại trình tự, thủ tục tiếp nhận và giải quyết quyền lợi cho người dân tránh tồn tại các kẽ hở bị kẻ xấu lợi dụng trục lợi.

Liên quan tới vụ việc trên, UBND TP. Hồ Chí Minh cho biết sẽ tổ chức 03 đoàn kiểm tra việc thực hiện chính sách hỗ trợ trên địa bàn. 

Ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP. Hồ Chí Minh cho hay, theo Nghị quyết của HĐND thành phố, việc chi trả các gói hỗ trợ phải đúng đối tượng, nghiêm cấm việc trục lợi chính sách.

Theo ông Lâm, UBND TP. Hồ Chí Minh đã có kế hoạch tổ chức 03 đoàn kiểm tra việc thực hiện chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19 tại 21 quận huyện và TP. Thủ Đức.

Cụ thể, từ ngày 1/11 đến 15/11 sẽ triển khai kiểm tra ở 21 quận huyện và TP. Thủ Đức. Từ ngày 16/11 đến 20/11, các đoàn sẽ tổng hợp báo cáo cho UBND TP. Đến ngày 23/11, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ tham mưu dự thảo báo cáo và tờ trình cho UBND TP để trình HĐND TP. Hồ Chí Minh.

VŨ MINH

Nghi vấn Viện trưởng sử dụng bằng giả: Cần sớm hoàn thiện các quy định pháp luật để ngăn chặn triệt để

Admin