Như một sự gặp gỡ của chí hướng cách mạng và lòng yêu nước, ngay từ buổi đầu xuất dương tìm đường cứu nước, chàng thanh niên trẻ trung, nhiệt huyết Nguyễn Tất Thành đã tham gia vào nhóm của Luật sư Phan Trường, Tiến sĩ luật học đầu tiên của Việt Nam. Trong tác phẩm “Bản án chế độ thực dân Pháp” thể hiện sự lập luận chặt chẽ, lời lẽ đanh thép, luận cứ chắc chắn, cơ sở pháp lý vững chắc, rõ ràng là văn phong của một luật sư luận tội, hẳn nhà cách mạng trẻ tuổi Nguyễn Ái Quốc đã học hỏi được từ người Luật sư nổi tiếng Phan Văn Trường rất nhiều điều, trong đó có các kiến thức pháp lý sâu sắc và làm tiền đề tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng một nhà nước pháp quyền XHCN sau này.
Trong sự nghiệp hoạt động cách mạng lẫy lừng của Chủ tịch Hồ Chí Minh in đậm dấu ấn của một Luật sư đã trở thành ân nhân của cả dân tộc Việt Nam - Luật sư Lô-dơ-bi (Losebi, và chính ông đề nghị đọc tên ông cho đúng là Lô-dơ-bi chứ không phải là Lô-dơ-bai trong lần đón ông tại sân bay Gia Lâm vào năm 1960) đã 9 lần ra tòa vào năm 1931 để bảo vệ cho thân chủ Tống Văn Sơ (Nguyễn Ái Quốc), buộc nhà cầm quyền Anh tại Hương Cảng phải trả tự do cho nhà hoạt động Quốc tế cộng sản lỗi lạc Nguyễn Ái Quốc. Cách đối đãi ân tình của Bác Hồ với gia đình Luật sư Lô-dơ-bi sau này khiến chúng ta xúc động mãi mãi về tình người cao cả và một phong cách Hồ Chí Minh ấm áp, chân tình, trọng thị.
Người được Chủ tịch Hồ Chí Minh mời tham gia nội các đầu tiên của Chính phủ Cách mạng lâm thời Việt Nam và cử giữ chức Bộ trưởng Bộ Tư pháp là Luật sư Vũ Trọng Khánh. Một người còn rất trẻ, mới 33 tuổi và là Đốc lý (Thị trưởng) Hải Phòng của Chính phủ Trần Trọng Kim. Một loạt những văn bản pháp lý quan trọng được ban hành trong ngày đầu của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa non trẻ có dấu ấn của vị Luật sư này, trong đó có Sắc lệnh 46, ra ngày 10/10/1945 quy định về tổ chức và hành nghề luật sư tại Việt Nam. Ngày này đã trở thành Ngày Truyền thống của luật sư Việt Nam. Ông Vũ Trọng Khánh được tháp tùng Chủ tịch Hồ Chí Minh khi đó được mời với tư cách là thượng khách của Chính phủ Pháp, ông đóng vai trò như một thư ký pháp lý của Bác Hồ, đủ thấy sự trọng thị của Người đối với một luật sư là như thế nào.
Người thứ hai giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ Tư pháp cũng là một luật sư và cũng rất trẻ, mới 35 tuổi. Đó là Luật sư - Nhà báo Vũ Đình Hòe, người đã giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ Tư pháp trong suốt 15 năm, từng là 1 trong số 29 thành viên Ban sửa đổi Hiếp pháp do Chủ tịch Hồ Chí Minh làm Trưởng ban (Dự thảo ra Hiến pháp năm 1959). Ân tình của Bác dành cho ông và gia đình được ông ghi lại một cách hết sức xúc động trong những trang hồi ký về đời hoạt động của mình với những cảm nhận sâu sắc về pháp quyền nhân nghĩa Hồ Chí Minh. Tương tự, đối với gia đình của Luật sư Vũ Trọng Khánh cũng vậy, những bức thư tay do Bác tự viết hoặc đánh máy bàn về công việc mà chứa chan tình cảm, gọi họ là “cô chú”, quan tâm hỏi han đến đời sống, sức khỏe,... được các gia đình hai ông giữ gìn như báu vật, trở thành hiện vật vô giá trong các bảo tàng sau này.
Chủ tịch Hồ Chí Minh quan niệm: “Công tác tư pháp suy cho cùng là ở đời và làm người”, cho nên Người hết sức quan tâm đến việc rèn luyện và tu dưỡng phẩm chất đạo đức của cán bộ tư pháp và trong đó có luật sư. Liên tục và nhất quán, trong những lần gặp gỡ cán bộ tư pháp hoặc trong các bức thư gửi Hội nghị Tư pháp toàn quốc, Bác Hồ thường nhấn mạnh đến phẩm chất đạo đức “chí công vô tư” mà thực hành phương châm “đạo đức là gốc, pháp lý là chuẩn” trong lĩnh vực hoạt động tư pháp. Đạo đức nghề nghiệp của luật sư đặt ra những đòi hỏi rất cao, coi đạo đức của người luật sư là phẩm chất phải có, điều này thể hiện rất rõ ở Sắc lệnh 46 do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký, trong tiêu chuẩn làm luật phải có “hạnh kiểm tốt” và “Được bằng chứng rằng đã hết hạn tập sự và đủ tư cách làm luật sư thực thụ”, đồng thời nêu rõ: “Bằng chứng ấy sẽ do Hội đồng kỷ luật luật sư cấp cho sau khi đã xét tài năng và đức hạnh của vị luật sư tập sự ấy”. Rất minh bạch và thuyết phục với đòi hỏi mà nghề luật sư phải đáp ứng đó là “tài năng và đức hạnh” song hành. Qua đây, thấy rõ Bác của chúng ta coi trọng phẩm chất đạo đức của người luật sư đến thế nào!
Chủ tịch Hồ Chí Minh dụng người tài một cách kỳ tài, tạo ra một sức hút khó cưỡng đối với những trí thức, nhân sỹ của chế độ cũ để lại, trong đó có những luật sư mà chúng ta vừa đề cập. Chẳng những thế, Người còn hết sức sáng suốt trong việc duy trì cách thức tổ chức hoặc các chế định của chế độ cũ mà Người cho là thích ứng với điều kiện của một nhà nước dân chủ nhân dân vừa được thành lập. Chẳng những sử dụng những người làm nghề xét xử hoặc bào chữa trong chế độ cũ vào làm việc ở các cơ quan tố tụng, mà cách thức tổ chức cũng được kế thừa. Thấy rõ nhất là tại Sắc lệnh số 46 ngay tại Điều 1 đã quy định: “Các tổ chức các đoàn thể luật sư trong nước Việt nam Dân chủ cộng hòa vẫn tạm giữ như cũ”. Đó chính là tổ chức luật sư mà người Pháp thiết lập tại Việt Nam từ năm 1864. Kế thừa có chọn lọc, kể cả dùng người và cách thức tổ chức bộ máy, tư tưởng “Trăm điều phải có thần linh pháp quyền” của Bác tỏa ánh sáng xuống từng lĩnh vực pháp luật, trong đó có quyền bào chữa của công dân mà giới luật sư đảm trách như một sứ mệnh nghề nghiệp, tất cả nói lên phẩm cách của một con người vĩ đại - đó là minh triết Hồ Chí Minh.
Trong bài phát biểu tại Lễ kỷ niệm sinh nhật lần thứ 80 của Hồ Chủ tịch năm 1970, ông Vũ Đình Hòe xúc động: “Nghĩ lại, đối với bao ân tình của Bác, sâu sắc, thấm thía như vậy, đối với lượng bao dung như trời biển của Bác như vậy, tôi chưa đền đáp được chút gì, mà lại còn có lúc phạm sai lầm làm cho Bác phải tận tâm, thậm chí bực mình. Nay Bác đã yên giấc ngàn thu, mỗi lần nghĩ lại, tôi cảm thấy dội lên trong lòng một sự hối hận không sao nguôi được!”.
Vâng, chúng ta đồng cảm với ông, nghiêng mình kính cẩn trước vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc, cũng như mỗi lần nhắc đến Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, trong lòng chúng ta lại vang vọng lời thơ Tố Hữu: “Nhớ Bác lòng ta trong sáng hơn” để rồi suy nghĩ và hành động, “ở đời và làm người”!
BÌNH SƠN