/ Luật sư trực ban
/ Nhóm đối tượng cướp 2 tỉ đồng tại TP. HCM đối diện với mức án nào?

Nhóm đối tượng cướp 2 tỉ đồng tại TP. HCM đối diện với mức án nào?

20/04/2022 10:27 |

(LSVN) - Theo Luật sư, với số tiền cướp được trên 2 tỉ đồng và hành vi có thể được xác định là có tổ chức nên các đối tượng này sẽ phải đối mặt với khung hình phạt cao nhất của tội "Cướp tài sản". Trước đây tội danh này có hình phạt cao nhất là tử hình, tuy nhiên sau khi sửa đổi Bộ luật Hình sự, đến nay hình phạt tử hình đã không còn áp dụng trong tội danh này mà hình phạt cao nhất là tù chung thân.

7 đối tượng trong vụ cướp tại cơ quan điều tra.

Nhóm cướp hơn 2 tỉ đồng trong căn biệt thự ở TP. HCM

Vừa qua, Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP. HCM phối hợp với Công an quận 5 lấy lời khai 7 đối tượng trong vụ cướp tài sản táo tợn trong ngôi biệt thự trên đường Trần Bình Trọng (quận 5) tối 09/4, hoàn tất xử lý về hành vi cướp tài sản.

4 đối tượng chủ chốt gồm: Nguyễn Quốc Thái (SN 1994), Lê Hồng Khanh (SN 1980), Lê Thị Dư (SN 1950) và Lê Thị Hồng (SN 1987). Các đối tượng còn lại là Trần Minh Trung (SN 1985), Đào Thị Phụng (SN 1972, cả 2 cùng quê Ninh Thuận) và Bùi Thị Thảo (SN 1996, vợ Khanh). Trong các đối tượng này có Dư và Hồng là người giúp việc trong ngôi biệt thự, làm “tay trong” của các đối tượng.

Theo thông tin ban đầu, tối 09/4, tại căn biệt thự có cháu S. (14 tuổi) cùng 2 người giúp việc ở nhà. Thời điểm này, một đối tượng tiếp cận căn biệt thự bấm chuông yêu cầu người nhà ra nhận hàng.

Vừa mở cửa, một nữ giúp việc bị tên cướp đẩy vào bên trong, đồng thời nghi phạm khác xông vào và khóa cửa. Nhóm cướp sau đó dùng dao, búa khống chế, trói tay các nạn nhân, uy hiếp S. mở khóa cửa phòng khách để lục tủ lấy tiền.

Gia đình nạn nhân trình báo tài sản bị mất gồm 1,8 tỉ đồng cùng 10.000 USD.

Thời điểm xảy ra vụ án, 2 người giúp việc là Dư và Hồng cùng bị nhóm cướp trói lại. Tuy nhiên, hình ảnh camera an ninh quay lại cho thấy 2 người phụ nữ không tỏ ra hoảng sợ. Qua điều tra, Dư và Hồng thừa nhận hành vi phạm tội. 

Hiện, vụ việc đang được tiếp tục điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật. 

Đối mặt với khung hình phạt cao nhất là tù chung thân

Dưới góc độ pháp lý, Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính pháp đánh giá, đây là vụ án hình sự đặc biệt nghiêm trọng với nhiều đối tượng tham gia, số tiền cướp được đặc biệt lớn lên đến hơn 2 tỉ đồng tiền mặt và ngoại tệ. Đặc biệt, hành vi phạm tội của các bị can có sự giúp sức đắc lực của hai người giúp việc trong gia đình nạn nhân. Hành vi của nhóm đối tượng này là rất manh động, táo tợn, coi thường pháp luật và xâm phạm nghiêm trọng đến quyền sở hữu tài sản của công dân. Lợi dụng thông tin từ phía hai người giúp việc mà nhóm đối tượng này đã sử dụng vũ khí để đe dọa, uy hiếp tinh thần nạn nhân, chiếm đoạt lượng tài sản rất lớn. Hành vi này thỏa mãn các dấu hiệu cấu thành tội "Cướp tài sản" theo quy định tại Điều 168 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.

Với số tiền cướp được trên 2 tỉ đồng và hành vi có thể được xác định là có tổ chức nên các đối tượng này sẽ phải đối mặt với khung hình phạt cao nhất của tội "Cướp tài sản" là phạt tù từ 18 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân. Trước đây, tội danh này có hình phạt cao nhất là tử hình, tuy nhiên sau khi sửa đổi Bộ luật Hình sự, đến nay hình phạt tử hình đã không còn áp dụng trong tội danh này mà hình phạt cao nhất là tù chung thân.

Cụ thể Bộ luật Hình sự quy định như sau:

Điều 168. Tội cướp tài sản

1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30%;

d) Sử dụng vũ khí, phương tiện hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác;

đ) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

e) Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ;

g) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

h) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;

c) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 18 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 31% trở lên;

c) Làm chết người;

d) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.

5. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

6. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt quản chế, cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Luật sư Cường phân tích rõ, trong vụ án này, bước đầu cơ quan điều tra xác định có 7 đối tượng cùng ý chí thực hiện hành vi cướp tài sản với các vai trò khác nhau. Vì vậy cơ quan điều tra sẽ xác định các bị can trong vụ án này là đồng phạm. Trong trường hợp kết quả điều tra thể hiện các đối tượng đã có sự cấu kết chặt chẽ với nhau, có sự bàn bạc phân công tỉ mỉ thì có thể được xác định là phạm tội có tổ chức, đây là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự nên các đối tượng sẽ phải chịu mức hình phạt nghiêm khắc.

Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính pháp.

Đối với những vụ án có đồng phạm thì việc quyết định hình phạt cũng thể hiện cá biệt hóa vai trò đồng phạm, với đối tượng chủ mưu, thực hành tích cực trong vụ án này thì có thể sẽ phải đối mặt với khung hình phạt cao nhất là 20 năm tù hoặc tù chung thân, còn các đối tượng giúp sức, vai trò thứ yếu thì có thể hình phạt sẽ thấp hơn. 

Ngoài hình phạt mà các đối tượng này sẽ phải gánh chịu là phạt tù có thời hạn hoặc tù chung thân thì các đối tượng này phải có trách nhiệm bồi thường toàn bộ thiệt hại đã gây ra đối với gia đình nạn nhân, nếu số tiền đã chi tiêu, hao hụt thì các đối tượng này phải bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả. Ngoài ra, tội "Cướp tài sản" còn có hình phạt bổ sung là phạt tiền và tịch thu tài sản. Quá trình giải quyết vụ án cơ quan tố tụng sẽ làm rõ các yếu tố có liên quan, làm cơ sở cho Tòa án quyết định hình phạt theo quy định pháp luật.

Điều đáng chú ý là trong vụ cướp này có sự giúp sức đắc lực của hai người giúp việc trong gia đình nạn nhân. Một đối tượng đạt giúp việc 30 năm, đối tượng còn lại giúp việc tại gia đình nạn nhân 10 năm. Với thời gian ăn ở, sinh sống tại nhà nạn nhân lâu như vậy, đáng lẽ các đối tượng này phải có trách nhiệm giúp đỡ, bảo vệ tài sản của gia chủ nhưng lại cấu kết với các đối tượng khác để chiếm đoạt tài sản bằng hành vi cướp tài sản rất manh động, liều lĩnh, có sử dụng hung khí. Hành vi cướp tài sản không chỉ xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản, đe dọa đến tính mạng sức khỏe của nạn nhân mà còn gây mất an ninh trật tự, an toàn xã hội. Hành vi của hai đối tượng giúp việc còn thể hiện sự đê hèn, ích kỷ vì lòng tham và coi thường pháp luật. 

Theo Luật sư Cường, ngoài việc xử lý nghiêm minh với các đối tượng vi phạm thì vụ án này cũng sẽ là những bài học cho các gia đình có sử dụng người giúp việc. Nếu không lựa chọn tốt, gặp phải người giúp việc có lòng tham, tâm địa hẹp hòi thì có thể rước họa vào thân. Chủ nhà cũng cần phải thận trọng trong việc cất giữ tài sản, những thông tin cơ mật về làm ăn, tài chính của gia đình. Đồng thời, cần phải có những quy định rõ ràng trong mối quan hệ với người giúp việc, thường xuyên nhắc nhở, giáo dục họ tôn trọng quyền riêng tư, tôn trọng quyền sở hữu tài sản của chủ nhà.

TIẾN HƯNG

Điểm mới về đăng ký, cấp biển số ô tô, xe máy từ 21/5

Lê Minh Hoàng