/ Pháp luật - Đời sống
/ Những bài học kinh nghiệm trong công tác kháng nghị các vụ án hành chính, kinh doanh, thương mại, lao động

Những bài học kinh nghiệm trong công tác kháng nghị các vụ án hành chính, kinh doanh, thương mại, lao động

27/11/2023 19:59 |

(LSVN) - Qua theo dõi công tác kháng nghị, Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) Tối cao nhận thấy, một số vi phạm của Tòa án chưa được Viện Kiểm sát phát hiện kịp thời để thực hiện quyền kháng nghị, số lượng kháng nghị có xu hướng giảm, chất lượng kháng nghị của một số Viện Kiểm sát chưa đạt yêu cầu,...


Ảnh minh họa.

Tại báo cáo chuyên đề “Rút kinh nghiệm về công tác kháng nghị các vụ án hành chính, vụ việc kinh doanh, thương mại, lao động” của  Vụ 10, VKSND Tối cao đã nêu về tình hình công tác kháng nghị, kết quả công tác kháng nghị phúc  thẩm, giám đốc thẩn và tái thẩm  đã nêu rõ những bài học kinh nghiệm trong công tác kháng nghị kháng nghị các vụ án hành chính, vụ việc kinh doanh, thương mại, lao động” trong ngành Kiểm sát nhân dân.

Thứ nhất, Kiểm sát viên cần nghiên cứu kỹ hồ sơ để nắm chắc nội dung vụ việc; đánh giá đầy đủ, khách quan, toàn diện các vấn đề phải giải quyết, kiểm sát chặt chẽ quá trình giải quyết, thực hiện các hoạt động tố tụng của Tòa án kể từ khi thụ lý và trong suốt quá trình giải quyết vụ việc; phân tích, tổng hợp chứng cứ, áp dụng chính xác quy định của pháp luật tố tụng và các văn bản pháp luật nội dung có liên quan.

Thứ hai, khi tham gia phiên tòa Kiểm sát viên phải lắng nghe, ghi chép, theo dõi sát diễn biến phiên tòa. Tập trung ghi chép những lời khai mới, xem xét, đánh giá các chứng cứ đương sự mới xuất trình tại phiên tòa, chủ động tham gia hỏi tại phiên tòa. Khi quan điểm của Viện kiểm sát không được Hội đồng xét xử chấp nhận,

Tại VKSND Tối cao (Vụ 10) 9 tháng đầu năm số đơn đề nghị xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm tăng 90% so với cùng kỳ năm 2022. Kiểm sát viên phải chủ động xin ý kiến của Lãnh đạo Viện; trường hợp xác định rõ ràng quan điểm của Viện Kiểm sát là có căn cứ thì xây dựng dự thảo quyết định kháng nghị. Theo dõi, đôn đốc Tòa án ban hành bản án, quyết định và gửi cho Viện Kiểm sát đúng thời hạn luật định để kịp thời nghiên cứu, đề xuất kháng nghị.

Thứ ba, khi nhận được bản án, quyết định của Tòa án, Kiểm sát viên cần nghiên cứu kỹ nội dung của bản án, quyết định; xem xét, đánh giá lại một cách khách quan, toàn diện toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn, bị đơn và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và những tài liệu, chứng cứ Tòa án thu thập, đương sự cung cấp, nội dung các văn bản trả lời của các cơ quan chức năng để xác định sự thật khách quan của vụ việc...

Nghiên cứu nội dung kháng cáo, đơn đề nghị của đương sự và các tài liệu, chứng cứ gửi kèm. Đối với những vụ việc phức tạp có phản ánh của báo chí, phương tiện truyền thông, các vụ việc có nhiều quan điểm khác nhau, lãnh đạo đơn vị cần trực tiếp nghiên cứu hồ sơ và đưa ra thảo luận tại đơn vị để thống nhất đường lối giải quyết. Khi phát hiện vi phạm, Kiểm sát viên cần phải xác định rõ tính chất, mức độ vi phạm để tham mưu Lãnh đạo Viện có biện pháp giải quyết phù hợp. Đối với những vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng hoặc về nội dung, làm ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án, không bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các bên đương sự thì báo cáo Viện trưởng ban hành kháng nghị. Trường hợp cần xin ý kiến của Viện Kiểm sát cấp trên trực tiếp để được hướng dẫn, chỉ đạo nhằm củng cố quan điểm trước khi kháng nghị thì phải báo cáo Lãnh đạo Viện xin ý kiến chỉ đạo. Về vấn đề này, VKSND  Tối cao đề nghị tham khảo cách làm mới  của VKSND Cấp cao 2 tại Văn bản số 760/VC2-VP ngày 20/7/2022 của Viện trưởng VKSND Cấp cao 2 về việc phối hợp trao đổi, nghiên cứu cho ý kiến dự thảo kháng nghị phúc thẩm của VKSND cấp tỉnh.

Quyết định kháng nghị của Viện kiểm sát phải thực hiện theo đúng mẫu quy định của ngành, lập luận phải vững chắc, thuyết phục, viện dẫn căn cứ pháp luật chính xác, phải phân tích, đánh giá làm rõ căn cứ kháng nghị, những vi phạm nghiêm trọng về pháp luật tố tụng, nội dung thuộc điều khoản nào của luật, nêu rõ quan điểm giải quyết của Viện Kiểm sát đối với vụ án theo hướng sửa hay hủy bản án, quyết định của Tòa án.

Trường hợp Tòa án không chấp nhận kháng nghị của Viện Kiểm sát, nếu nhận thấy kháng nghị có căn cứ thì Kiểm sát viên nghiên cứu xây dựng Thông báo phát hiện vi phạm pháp luật trong bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật đến Viện Kiểm sát có thẩm quyền kháng nghị để giải quyết. Thông báo phải nêu rõ nội dung vụ án, vi phạm của Tòa án, quan điểm của Viện Kiểm sát đã tham gia phiên tòa phúc thẩm, gửi kèm các tài liệu liên quan đến vi phạm của Tòa án, tài liệu chứng minh kháng nghị của Viện kiểm sát có căn cứ.

Thứ tư, ở giai đoạn giám đốc thẩm, tái thẩm, cần lưu ý các căn cứ kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm phải đúng pháp luật quy định, phân biệt với căn cứ kháng nghị phúc thẩm; đồng thời phải xác định việc kháng nghị có thực sự cần thiết hay không. Trường hợp tại phiên tòa giám đốc thẩm, tái thẩm phát sinh việc cần xác minh, thu thập bổ sung chứng cứ để củng cố quan điểm bảo vệ kháng nghị thì Kiểm sát viên đề nghị Hội đồng xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm hoãn phiên tòa để báo cáo lãnh đạo đơn vị xem xét, quyết định.

Ngoài ra, tăng cường công tác trao đổi để thống nhất quan điểm trong trường hợp tại phiên tòa giám đốc thẩm, tái thẩm có sự khác nhau về quan điểm giải quyết vụ án giữa Hội đồng xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm và đại diện VKSND Tối cao theo Nghị quyết liên tịch số 01- NQLT/BCSĐ ngày 11/5/2023 về việc tăng cường công tác phối hợp lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chức năng, nhiệm vụ giữa Ban cán sự Đảng VKSND Tối cao và TAND Tối cao.

ĐẠI HƯNG

Một số ý kiến đóng góp đối với dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản

Bùi Thị Thanh Loan