Một số ý kiến đóng góp đối với dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản

19/10/2023 23:12 | 7 tháng trước

(LSVN) - Theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản (viết tắt là dự thảo Luật) sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến vào tháng 10/2023 tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV. Hiện nay, dự thảo Luật đang được lấy ý kiến tham gia của các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Sau khi nghiên cứu dự thảo Luật, tác giả xin đưa ra một số ý kiến đóng góp nhằm hoàn thiện pháp luật.

Ảnh minh họa.

Cụ thể như sau:

Thứ nhất, điểm a, khoản 1 Điều 39 Luật Đấu giá tài sản được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 13 Điều 1 dự thảo Luật quy định: “Người tham gia đấu giá phải nộp tiền đặt trước. Tiền đặt trước do tổ chức hành nghề đấu giá tài sản và người có tài sản đấu giá thỏa thuận, nhưng tối thiểu là năm phần trăm và tối đa là hai mươi phần trăm giá khởi điểm của tài sản đấu giá, trừ trường hợp quy định tại khoản 1a Điều này. Tiền đặt trước được gửi vào một tài khoản thanh toán riêng của tổ chức hành nghề đấu giá tài sản mở tại ngân hàng thương mại hoặc chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam. Người tham gia đấu giá và tổ chức hành nghề đấu giá tài sản có thể thỏa thuận thay thế tiền đặt trước bằng bảo lãnh ngân hàng.".

Như vậy, khi tiền đặt trước được gửi vào một tài khoản thanh toán riêng của tổ chức hành nghề đấu giá tài sản mở tại ngân hàng thương mại hoặc chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam có thể sẽ phát sinh số tiền lãi của khoản tiền đặt trước.

Tuy nhiên, đoạn 5, khoản 2 Điều 39 Luật Đấu giá tài sản được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 13 Điều 1 dự thảo Luật quy định: "Tổ chức hành nghề đấu giá tài sản có trách nhiệm trả lại cho người tham gia đấu giá khoản tiền đặt trước mà người tham gia đấu giá đã nộp nhưng không đủ điều kiện tham gia đấu giá theo thông báo của tổ chức hành nghề đấu giá tài sản trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày thông báo hoặc thời hạn khác do các bên thỏa thuận.".

Nội dung này lại không quy định số tiền lãi có thể phát sinh trong trường hợp số tiền đặt trước được gửi vào một tài khoản thanh toán riêng của tổ chức hành nghề đấu giá tài sản mở tại ngân hàng thương mại hoặc chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam.

Do đó, tác giả cho rằng cần biên tập đoạn 5, khoản 2 Điều 39 được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 13 Điều 1 dự thảo Luật như sau: "Tổ chức hành nghề đấu giá tài sản có trách nhiệm trả lại cho người tham gia đấu giá khoản tiền đặt trước và số tiền lãi (nếu có) mà người tham gia đấu giá đã nộp nhưng không đủ điều kiện tham gia đấu giá theo thông báo của tổ chức hành nghề đấu giá tài sản trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày thông báo hoặc thời hạn khác do các bên thỏa thuận." nhằm bảo vệ quyền lợi của người tham gia đấu giá.

Thứ hai, khoản 1 Điều 57 Luật Đấu giá tài sản được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 19 Điều 1 dự thảo Luật quy định: "Ngoài quy định về niêm yết việc đấu giá tài sản quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 35 của Luật này, đối với tài sản là động sản có giá khởi điểm từ năm mươi triệu đồng trở lên và bất động sản thì tổ chức hành nghề đấu giá tài sản phải thông báo công khai ít nhất một lần trên báo in hoặc báo hình của Trung ương hoặc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi có tài sản đấu giá và hai lần trên Cổng Đấu giá tài sản quốc gia, trừ trường hợp thay đổi địa điểm tổ chức cuộc đấu giá sau khi đã hết hạn tiếp nhận hồ sơ và nộp tiền đặt trước quy định tại khoản 2 Điều 37 của Luật này.".

Việc lựa chọn thông báo công khai ít nhất một lần trên báo in hoặc báo hình của Trung ương hoặc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi có tài sản đấu giá sẽ không thu hút và mở rộng số người đăng ký tham gia đấu giá. Lý do là nếu thông báo công khai ít nhất một lần trên báo in hoặc báo hình của Trung ương, thì những người đăng ký tham gia đấu giá ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi có tài sản đấu giá có thể sẽ không thể tiếp cận thông tin về việc đấu giá tài sản. 

Bên cạnh đó, hiện nay báo in, báo hình ở Trung ương là rất nhiều, tuy nhiên, không phải thể loại báo in hoặc báo hình nào ở Trung ương cũng có uy tín hoặc thu hút đông đảo người xem. Do đó, nếu tổ chức hành nghề đấu giá cố tình lựa chọn thông báo công khai trên báo in hoặc báo hình ở Trung ương nhưng lại chọn loại báo in hoặc báo hình ở Trung ương ít được mọi người biết đến (với mục đích thực hiện đầy đủ thủ tục bán đấu giá, giảm chi phí đăng thông báo và hạn chế số người đăng ký tham gia đấu giá) thì rất khó để người có nhu cầu đăng ký tham gia đấu giá tài sản. Hoặc ngược lại, tổ chức hành nghề đấu giá chọn thông báo công khai trên báo in hoặc báo hình của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi có tài sản thì sẽ không thu hút được người đăng ký tham gia đấu giá ở ngoài tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Ngoài ra, chỉ cho phép một số báo in hoặc báo hình ở Trung ương được phép đăng thông báo bán đấu giá tài sản. Nhất là những đơn vị báo in, báo hình ở Trung ương có uy tín, có chất lượng và có số lượng người xem cao. Việc này sẽ thu hút đông đảo cá nhân, tổ chức có nhu cầu tìm hiểu, tiếp cận thông tin tài sản đấu giá và đăng ký tham gia đấu giá. Mặt khác, tổ chức hành nghề đấu giá phải thông báo công khai ít nhất hai lần trên báo in hoặc báo hình của Trung ương hoặc của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi có tài sản đấu giá nhằm tạo điều kiện để cá nhân, tổ chức nắm bắt thông tin về tài sản đấu giá. Khi thu hút đông đảo cá nhân, tổ chức đăng ký tham gia đấu giá thì tài sản sẽ được đấu giá lên cao, tăng nguồn thu cho người có tài sản bán đấu giá và sẽ khắc phục được tình trạng thông đồng, dìm giá, tiêu cực trong hoạt động bán đấu giá sản

Từ những nội dung đề cập nêu trên, theo tác giả cần xem xét, sửa đổi, bổ sung nội dung này như sau: "Ngoài quy định về niêm yết việc đấu giá tài sản quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 35 của Luật này, đối với tài sản là động sản có giá khởi điểm từ năm mươi triệu đồng trở lên và bất động sản thì tổ chức hành nghề đấu giá tài sản phải thông báo công khai ít nhất hai lần trên báo in hoặc báo hình của Trung ương được phép đăng thông báo bán đấu giá và tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi có tài sản đấu giá và hai lần trên Cổng Đấu giá tài sản quốc gia, trừ trường hợp thay đổi địa điểm tổ chức cuộc đấu giá sau khi đã hết hạn tiếp nhận hồ sơ và nộp tiền đặt trước quy định tại khoản 2 Điều 37 của Luật này.".

Thứ ba, khoản 2 Điều 73 được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 25 Điều 1 dự thảo Luật quy định: "Trường hợp kết quả đấu giá tài sản thi hành án bị hủy mà hợp đồng mua bán tài sản đấu giá đã được công chứng thì các bên có quyền yêu cầu Tòa án hủy bỏ hợp đồng, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.”.

Theo quy định, kết quả đấu giá tài sản thi hành án bị hủy thì đương nhiên hợp đồng mua bán tài sản đấu giá sẽ bị hủy bỏ. Trong trường hợp, hợp đồng mua bán tài sản đấu giá đã được công chứng thì việc hủy bỏ trước hết là phải tôn trọng sự thỏa thuận của các bên tham gia hợp đồng về việc hủy bỏ hợp đồng. Trong trường hợp, các bên không thỏa thuận được việc hủy bỏ hợp đồng thì các bên có quyền yêu cầu Tòa án hủy bỏ hợp đồng.

Tuy nhiên, có thể phát sinh trường hợp, các bên không tự thỏa thuận việc hủy bỏ hợp đồng và các bên cũng không yêu cầu Tòa án hủy bỏ hợp đồng thì lúc này cần phải bổ sung người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và cơ quan nhà nước có thẩm quyền có quyền yêu cầu Tòa án hủy bỏ hợp đồng.

Vì vậy, tác giả kiến nghị cần biên tập lại nội dung này như sau: "Trường hợp kết quả đấu giá tài sản thi hành án bị hủy mà hợp đồng mua bán tài sản đấu giá đã được công chứng thì các bên tự thỏa thuận, cam kết việc hủy bỏ hợp đồng và phải công chứng việc hủy bỏ hợp đồng theo quy định. Trong trường hợp không thỏa thuận được việc hủy bỏ hợp đồng thì các bên tham gia hợp đồng, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và cơ quan nhà nước có thẩm quyền có quyền yêu cầu Tòa án hủy bỏ hợp đồng.".

Luật gia ĐỖ VĂN NHÂN

Sở Tư pháp tỉnh Kon Tum

Đấu giá biển số xe ô tô: Xử lý thế nào khi người trúng không nộp đủ tiền trong thời gian quy định