Đấu giá biển số xe ô tô: Xử lý thế nào khi người trúng không nộp đủ tiền trong thời gian quy định

18/09/2023 18:14 | 1 năm trước

(LSVN) - Theo Luật sư, trong vòng 15 ngày kể từ ngày thông báo kết quả trúng đấu giá, người trúng đấu giá phải nộp đầy đủ số tiền nộp trúng đấu giá sau khi đã trừ đi số tiền đã đặt trước. Trường hợp người trúng đấu giá không hoàn thành nghĩa vụ tài chính thì kết quả trúng đấu giá bị hủy theo quy định.

Biển số 51K-888.88 của TP. Hồ Chí Minh được đấu giá thành công với mức tiền lên tới hơn 32 tỉ đồng.

Ngày 15/9 vừa qua, Công ty Đấu giá hợp danh Việt Nam đã tổ chức thành công phiên đấu giá biển số xe ô tô đầu tiên, với 11 biển số của 10 tỉnh, thành phố; dự kiến thu về cho ngân sách tổng cộng hơn 82 tỉ đồng.

Trong số này, nhiều biển số được chốt mức giá "không tưởng" như: 51K-888.88 của TP. Hồ Chí Minh hơn 32 tỉ đồng; 30K-555.55 và 30K-567.89 của Hà Nội lần lượt hơn 14 tỉ đồng và hơn 13 tỉ đồng; 36A-999.99 của Thanh Hóa gần 7,5 tỉ đồng…

Các biển số đẹp hiện nay được đấu giá thành công ở mức rất cao, đặc biệt có biển số lên tới hơn 32 tỉ đồng. Tuy nhiên, dư luận cũng đặt câu hỏi nếu người trúng đấu giá không nộp đủ tiền trong thời gian quy định thì biển số này sẽ được xử lý thế nào? Người trúng đấu giá bỏ cọc liệu sẽ phải chịu chế tài thế nào? 

Theo Luật sư Nguyễn Văn Đồng, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, ngày 26/6/2023, Chính phủ ban hành Nghị định 39/2023/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Nghị quyết 73/2022/QH15 về thí điểm đấu giá biển số xe ô tô. Đối tượng tham gia đấu giá theo quy định tại khoản 1, Điều 3, Nghị định 39/2023/NĐ-CP và nộp tiền đặt trước cho tổ chức đấu giá tài sản theo quy định tại khoản 2, Điều 3, Nghị quyết 73/2022/QH15. Tổ chức, cá nhân đăng ký tham gia đấu giá tự chịu trách nhiệm về tính chính xác, tính trung thực việc kê khai thông tin để đăng ký tham gia đấu giá.

Tiền đặt trước được gửi vào một tài khoản thanh toán riêng của tổ chức đấu giá tài sản mở tại ngân hàng kể từ khi đăng ký tham gia cho đến trước thời điểm tổ chức đấu giá 03 ngày. Trường hợp trúng đấu giá, tiền đặt trước được chuyển vào tài khoản chuyên thu của Bộ Công an để nộp vào ngân sách nhà nước theo quy định. Việc xử lý tiền đặt trước trong các trường hợp cụ thể được thực hiện theo quy định tại Điều 39, Luật Đấu giá tài sản 2016. Cụ thể, tại điểm đ, khoản 6, Điều 39, Luật Đấu giá tài sản 2016 quy định người tham gia đấu giá sẽ không được nhận lại tiền đặt cọc nếu từ chối kết quả trúng đấu giá.

Cũng theo Điều 16, Nghị định 39/2023/NĐ-CP thì trong vòng 15 ngày kể từ ngày thông báo kết quả trúng đấu giá, người trúng đấu giá phải nộp đầy đủ số tiền nộp trúng đấu giá sau khi đã trừ đi số tiền đã đặt trước. Trường hợp người trúng đấu giá không hoàn thành nghĩa vụ tài chính thì kết quả trúng đấu giá bị hủy theo quy định tại điểm a, khoản 3, Điều 19, Nghị định 39/2023/NĐ-CP do “Người trúng đấu giá không nộp đủ tiền trúng đấu giá trong thời hạn quy định tại Điều 16, Nghị định này”. 

Luật sư cũng cho hay, đây cũng có thể được xem là trường hợp từ chối kết quả đấu giá theo quy định điểm đ, khoản 6, Điều 39, Luật Đấu giá năm 2016 khi ấy họ sẽ không được nhận lại số tiền đặt cọc đấu giá trước đó đã nộp, số tiền đặt cọc sẽ được nộp vào ngân sách nhà nước theo quy định tại khoản 4, Điều 19, Nghị định 39/2023/NĐ-CP: “Biển số xe ô tô trúng đấu giá được đưa ra đấu giá lại; số tiền đặt trước, số tiền trúng đấu giá mà người trúng đấu giá đã nộp không được hoàn trả lại và được nộp vào ngân sách nhà nước trong các trường hợp quy định tại khoản 1, 2, 3 Điều này”.

Đối với việc người trúng đấu giá nếu muốn bán lại biển số thì cần điều kiện gì, Luật sư cho biết, căn cứ quy định tại Thông tư 24/2023/TT-BCA, tổ chức, cá nhân chỉ được chuyển nhượng biển số xe ô tô trúng đấu giá kèm theo chuyển quyền sở hữu xe đã đăng ký biển số xe trúng đấu giá đó. Người sở hữu biển số xe trúng đấu giá sẽ không thể chuyển nhượng biển số một cách độc lập. Thay vào đó, biển số chuyển nhượng phải đi kèm với chiếc xe đã được đăng ký biển số đó. Nếu muốn chuyển nhượng biển số, người mua sẽ phải mua luôn chiếc xe đang gắn biển đó.

Tuy nhiên, không thể chuyển nhượng riêng biển số đấu giá nhưng quy định này cũng đã có phần dễ hơn so với biển số định danh, vốn là loại biển số không thể chuyển nhượng.

Đối với thủ tục đăng ký xe đối với trường hợp chuyển quyền sở hữu xe kèm theo biển số xe trúng đấu giá, Luật sư cho hay, chủ xe nộp hồ sơ và làm thủ tục thu hồi theo quy định tại khoản 1, Điều 14; khoản 1, Điều 15, Thông tư 24/2023/TT-BCA, chủ xe không phải nộp lại biển số xe trúng đấu giá nhưng phải nộp bản sao chứng từ chuyển quyền sở hữu xe và xuất trình bản chính để đối chiếu (chứng từ chuyển quyền sở hữu phải thể hiện rõ nội dung chuyển quyền sở hữu xe kèm theo biển số trúng đấu giá).

Ngoài ra, tổ chức, cá nhân nhận chuyển quyền sở hữu xe nộp hồ sơ và làm thủ tục đăng ký sang tên xe theo quy định tại khoản 2, Điều 14; khoản 2, Điều 15, Thông tư 24/2023/TT-BCA và được đăng ký, giữ nguyên biển số xe trúng đấu giá (chứng từ chuyển quyền sở hữu phải thể hiện rõ nội dung chuyển quyền sở hữu xe kèm theo biển số trúng đấu giá).

TRẦN MINH

Ai là người bị hại theo Điều 331 Bộ luật Hình sự?