Trong vụ án “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”, những người tố giác hành vi của bị can đều được xác định là người bị hại. Tuy nhiên, theo quyết định đưa vụ án ra xét xử của 1 vụ án, những người này lại được xác định là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án.
Như vậy, một vấn đề pháp lý được đặt ra là việc xác định tư cách là “người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đến vụ án” đối với những người bị xúc phạm danh dự, nhân phẩm theo Điều 331 Bộ luật Hình sự (BLHS) 2015 có phù hợp?
Xét dưới góc độ khoa học hình sự, với mỗi cá nhân, danh dự, nhân phẩm và trên hết là tính mạng, sức khỏe được nhà nước bảo hộ từ Hiến pháp cho đến BLHS và các đạo luật khác. Trong BLHS có một chế định chung về “Các tội xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự của con người” được quy định tại Chương XIV. Trong chương này, quy định về các tội như tội “Giết người” (Điều 123), tội “Cố ý gây thương tích” (Điều 134), tội “Làm nhục” (Điều 155), tội “Vu khống” (Điều 156)… Như vậy, hành vi lợi dụng quyền tự do, dân chủ xâm phạm quyền lợi ích hợp pháp của cá nhân, trong một chừng mực nào đó cũng là biểu hiện của việc làm nhục, vu khống.
Thế nhưng hành vi này được giải quyết bởi Điều 331 quy định về tội “Lợi dụng các quyền tự do, dân chủ xâm phạm đến lợi ích của nhà nước (chủ thể thứ nhất), của tổ chức (chủ thể thứ hai), của cá nhân (chủ thể thứ ba)”. Ba chủ thể này là rất khác biệt nhưng lại được đưa chung vào cùng một tội danh, một dạng “tội danh kép”, về bản chất là nhiều hành vi khác biệt được ghép lại với nhau một cách khiên cưỡng, giống như tội “Tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy” quy định tại Điều 194 BLHS 1999 trước đây.
Hiện nay, tội “Lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” quy định tại Điều 331 Chương XXII BLHS thuộc chế định về “Các tội phạm xâm phạm trật tự quản lý hành chính”. Trong đó, xâm phạm trật tự quản lý hành chính được hiểu là hành vi nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm đến nhóm các quan hệ xã hội cùng tính chất là trật tự quản lý hành chính, xâm phạm đến hoạt động đúng đắn và bình thường của cơ quan, tổ chức, nhà nước, làm giảm hiệu lực quản lý nhà nước. Mà quản lý hành chính là chức năng cơ bản, quan trọng nhất trong quản lý xã hội, quản lý nhà nước và biện pháp hình sự được xây dựng trên cơ sở kết hợp chặt chẽ giữa giáo dục, thuyết phục, cưỡng chế để đảm bảo trật tự, kỷ cương phép nước.
Như vậy, các tội danh thuộc Chương XXII BLHS, trong đó có Điều 331 nghiễm nhiên được xác định là xâm phạm đến trật tự quản lý hành chính. Tuy nhiên, việc xác định như vậy vẫn chưa hoàn toàn khoa học. Ví dụ, nếu hành vi xâm phạm đến quyền, lợi ích của nhà nước thì xử lý về tội “Lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” là đúng. Thế nhưng, xâm phạm đến lợi ích của tổ chức, thậm chí là của cá nhân, mà đưa vào trật tự quản lý hành chính, thì chưa đảm bảo tính logic, tính khoa học. Bởi vì, khi một người xúc phạm danh dự, nhân phẩm của một người khác mà phổ biến hiện nay là trên mạng xã hội, thì hành vi này không xâm phạm đến trật tự quản lý hành chính mà xâm phạm trực tiếp đến danh dự, nhân phẩm của người bị xúc phạm.
Mặt khác, nếu xác định cá nhân là một trong những đối tượng bị tác động bởi hành vi lợi dụng quyền tự do dân chủ để xâm phạm tại Điều 331, thì mặc dù cá nhân là người bị xâm phạm quyền lợi nhưng lại không được xác định là người bị hại, họ chỉ được tham gia phiên toà với tư cách là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan với địa vị pháp lý, quyền và nghĩa vụ rất hạn chế [1]. Ngược lại, nếu xác định cá nhân là bị hại thì vẫn vướng, vì khách thể bị xâm phạm tại Điều 331 là trật tự quản lý hành chính, xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của cơ quan quản lý nhà nước, mà không phải quyền được bảo hộ danh dự, nhân phẩm của cá nhân.
Với nội dung quy định tại Điều 331 và cách sắp xếp điều luật này vào Chương XXII BLHS là chưa thực sự đảm bảo tính khoa học, phần nào thiếu tính logic. Bởi lẽ, nếu xác định họ tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thì sẽ phù hợp về mặt hình thức theo quy định của BLHS hiện hành, nhưng về bản chất thì những người này thoả mãn tất cả các điều kiện của một bị hại trong vụ án theo định nghĩa quy định tại Khoản 1 Điều 62 Bộ luật Tố tụng Hình sự [2]. Đây là nguyên nhân làm cho Cơ quan tiến hành tố tụng, cũng như những chuyên gia pháp lý bị lấn cấn trong việc xác định tư cách tham gia tố tụng của những người bị xúc phạm danh dự, nhân phẩm theo quy định của Điều 331.
Với những bất cập tại Điều 331 BLHS hiện hành, tác giả cho rằng tội danh này chỉ nên dừng lại ở việc xử lý đối với hành vi xâm phạm đến lợi ích của nhà nước. Bên cạnh đó, nhằm đảm bảo tính logic và khoa học, xét về lâu dài, nhà làm luật nên tách hành vi lợi dụng quyền tự do, dân chủ xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân ra khỏi Điều 331. Đồng thời, việc xử lý đối với hành vi này nên quy định tại chế định “Các tội xâm phạm tính mạng, sức khoẻ nhân phẩm, danh dự” tại Chương XIV BLHS.
Trong khi những bất cập của Điều 331 như đã chỉ ra chưa có điều kiện để sửa đổi. Tác giả cho rằng khi không có sự thống nhất giữa hình thức và bản chất trong việc xác định tư cách tham gia tố tụng của những người bị xâm phạm danh dự, nhân phẩm, thì cơ quan tiến hành tố tụng nên ưu tiên xác định tư cách tham gia tố tụng của những người này là bị hại trong vụ án. Nhằm đảm bảo đầy đủ, trọn vẹn quyền lợi ích hợp pháp của họ theo quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự hiện hành.
[1] Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 Điều 65. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án 2. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án hoặc người đại diện của họ có quyền: a) Được thông báo, giải thích quyền và nghĩa vụ quy định tại Điều này; b) Đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, yêu cầu; c) Yêu cầu giám định, định giá tài sản theo quy định của pháp luật; d) Tham gia phiên tòa; phát biểu ý kiến, đề nghị chủ tọa phiên tòa hỏi những người tham gia phiên tòa; tranh luận tại phiên tòa để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình; xem biên bản phiên tòa; đ) Tự bảo vệ, nhờ người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình; e) Trình bày ý kiến về chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan và yêu cầu người có thẩm quyền tiến hành tố tụng kiểm tra, đánh giá; g) Kháng cáo bản án, quyết định của Tòa án về những vấn đề trực tiếp liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của mình; h) Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng; i) Các quyền khác theo quy định của pháp luật. [2] Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 Điều 62. Bị hại 1. Bị hại là cá nhân trực tiếp bị thiệt hại về thể chất, tinh thần, tài sản hoặc là cơ quan, tổ chức bị thiệt hại về tài sản, uy tín do tội phạm gây ra hoặc đe dọa gây ra. |
Luật sư ĐẶNG XUÂN CƯỜNG
Công ty Luật TNHH Trương Anh Tú
Một số vướng mắc khi áp dụng pháp luật về tội “Làm nhục đồng đội” tại Điều 397 Bộ luật Hình sự 2015