Kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa XV.
Cụ thể, Quốc hội đã xem xét, biểu quyết thông qua 02 nghị quyết quy phạm pháp luật và 07 luật bao gồm: Luật Căn cước; Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; Luật Nhà ở (sửa đổi); Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; Luật Tài nguyên nước (sửa đổi); Luật Viễn thông (sửa đổi).
Quốc hội đã tiếp tục cho phép thí điểm một số chính sách đặc thù để đẩy nhanh tiến độ, tạo thuận lợi tối đa trong tổ chức đầu tư 21 dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm đường bộ kết nối vùng và liên tỉnh.
Việc áp dụng các quy định về thuế tối thiểu toàn cầu từ năm 2024 theo hướng dẫn của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) có tính cấp thiết để vừa chủ động giành được quyền đánh thuế bổ sung, vừa tạo môi trường đầu tư thuận lợi để giữ chân và tiếp tục thu hút mạnh mẽ dòng vốn đầu tư nước ngoài.
Đồng thời, tại Nghị quyết chung của Kỳ họp, Quốc hội đồng ý cho phép Chính phủ xây dựng dự thảo Nghị định quy định về việc thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ hỗ trợ đầu tư từ nguồn thu thuế tối thiểu toàn cầu và các nguồn hợp pháp khác, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến trước khi ban hành trong năm 2024 để ổn định môi trường đầu tư, khuyến khích thu hút các nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn đa quốc gia và hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước trong một số lĩnh vực cần khuyến khích đầu tư theo tinh thần Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030 và Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 10/10/2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới.
Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ rà soát tổng thể để hoàn thiện chính sách, pháp luật về khuyến khích đầu tư trong thời gian tới.
Quốc hội đã cho ý kiến lần đầu đối với 08 dự án luật gồm: (1) Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi); (2) Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; (3) Luật Đường bộ; (4) Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; (5) Luật Lưu trữ (sửa đổi); (6) Luật Thủ đô (sửa đổi); (7) Luật Tổ chức tòa án nhân dân (sửa đổi); (8) Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản.
Đây là các đạo luật có ý nghĩa chính trị - xã hội quan trọng nhằm thể chế hóa kịp thời chủ trương, yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra trong các nghị quyết của Trung ương, của Bộ Chính trị, cụ thể hóa quy định của Hiến pháp và giải quyết những vấn đề thực tiễn cấp bách. Các đại biểu Quốc hội đã phân tích, thảo luận kỹ lưỡng các vấn đề lớn, quan trọng, nhất là các chính sách mới được đề xuất, đóng góp nhiều ý kiến sâu sắc để các cơ quan nghiên cứu tiếp thu, bảo đảm thể chế hóa đầy đủ, kịp thời các nghị quyết của Trung ương; quán triệt nguyên tắc: những vấn đề thực tiễn đòi hỏi, đã rõ, đã được thực tiễn chứng minh là đúng, có sự thống nhất cao thì kiên quyết thực hiện; những vấn đề chưa rõ, còn có nhiều ý kiến khác nhau thì tiếp tục nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, thực hiện thí điểm khi cơ quan có thẩm quyền cho phép.
Đối với dự án Luật Đất đai (sửa đổi) và dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi): do tính chất đặc biệt quan trọng và phức tạp của 02 dự án Luật này, Quốc hội đã thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến rất xác đáng, đồng thời đã cân nhắc thận trọng nhiều mặt và quyết định xem xét, thông qua tại Kỳ họp gần nhất để có thêm thời gian nghiên cứu, tiếp thu, làm rõ những vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau, bảo đảm chất lượng và tính khả thi của các luật này sau khi được ban hành.
HỒNG HẠNH (t/h)