Những bất cập trong trong việc tham gia BHYT của nhóm đối tượng học sinh, sinh viên

08/10/2024 21:13 | 19 giờ trước

(LSVN) - Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) số 25/2008/QH12, đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XII, Kỳ họp thứ 4 thông qua ngày 14/11/2008, có hiệu lực từ ngày 01/01/2009. Sau đó, được sửa đổi, bổ sung một số điều tại Luật BHYT số 46/2014/QH13. Luật đã đánh dấu một bước tiến quan trọng trong hệ thống pháp luật về BHYT, là cơ sở pháp lý cao nhất để thực hiện mục tiêu BHYT toàn dân.

Ảnh minh họa.

Sau hơn 15 năm triển khai thực hiện, Luật BHYT đã thực sự đi vào cuộc sống, khẳng định tính đúng đắn, tính phù hợp và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Công tác quản lý Nhà nước và tổ chức thực hiện chính sách BHYT ngày càng được tăng cường, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về BHYT được chú trọng và đã huy động được sự tham gia của cả hệ thống chính trị.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, Luật BHYT đã phát sinh những vướng mắc, bất cập, hạn chế cần được điều chỉnh.

Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT sẽ được trình Quốc tại Kỳ họp thứ 8 (vào tháng 10/2024 này), tiếp tục Chương trình Phiên họp thứ 36, Ủy ban Thường vụ Quốc hội biểu quyết tán thành bổ sung dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024.

Theo đó, sáng ngày 04/9/2024, tại trụ sở Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan chủ trì họp ban soạn thảo xây dựng Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT để tiếp tục hoàn thiện trước khi trình lên Quốc hội.

Tại cuộc họp này, có bảy vấn đề được đưa ra bàn luận và xin ý kiến: 

Thứ nhất, bổ sung đối tượng “Nhân viên y tế thôn, bản, cô đỡ thôn bản, cộng tác viên dân số vào nhóm được NSNN hỗ trợ đóng BHYT với mức hỗ trợ 50% mức đóng theo lương cơ sở.

Thứ hai, tách đối  tượng “Sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp quân đội nhân dân, sỹ quan Công an nhân dân, người làm công tác cơ yếu đang hưởng lương hưu” từ nhóm hưu trí để nâng mức hưởng từ 95% lên 100% theo đề nghị của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an.

Thứ ba, quy định rõ để tăng mức hưởng cho học viên quân đội nhân dân, học viên Công an nhân dân người nước ngoài, học viên cơ yếu hưởng sinh hoạt phí người nước ngoài để tăng mức hưởng từ 80% lên 100% như học viên người Việt Nam theo đề nghị của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an.

Thứ tư, sửa đổi, bổ sung khoản 7 của Điều 23 về các trường hợp không được hưởng BHYT, trong đó nâng độ tuổi được loại ra khỏi phạm vi điều này việc điều trị lác, tật khúc xạ của mắt từ 06 tuổi lên 18 tuổi để phù hợp với chỉ định chuyên môn.

Thứ năm, sửa đổi, bổ sung một số quy định về mức hưởng, và quyền lợi khi đi khám bệnh, chữa bệnh không đúng nơi đăng ký KCB BHYT ban đầu và chuyển cơ sở KCB BHYT khi phiên từ tuyến chuyên môn kỹ thuật sau cấp chuyên môn kỹ thuật của Luật KCB.

Thứ sáu, BHXH Việt Nam đề nghị bổ sung quy định về lập, giao dự toán chi KCB BHYT cho BHXH các tỉnh và cho cơ sở KCB tại Điều 35 Luật BHYT.

Thứ bảy, đề nghị Quốc hội đưa vào Nghị quyết kỳ họp giao Chính phủ thí điểm thực hiện về BHYT bổ sung và quy định cụ thể phạm vi được hưởng BHYT đối với dịch vụ khám, chẩn đoán đánh giá nguy cơ và điều trị ngăn ngừa sự tiến triển của một số bệnh có tỉ lệ mắc cao, gánh nặng bệnh tật lớn và đạt hiệu quả khi điều trị can thiệp sớm, điều trị một số bệnh nặng, hiểm nghèo có chỉ định sử dụng dinh dưỡng điều trị đặc thù theo hướng dẫn chuyên môn về chẩn đoán, điều trị khi có bằng chứng khoa học về hiệu quả điều trị và đánh giá tác động đầy đủ, bảo đảm cân đối quỹ.

Rất tiếc là, mặc dù có nhiều ý kiến từ các địa phương nhưng vấn đề xác định mức đóng BHYT của nhóm học sinh, sinh viên chưa được quan tâm đưa vào nghị trình.

Một trong những bất cập dễ thấy nhất là, mức đóng BHYT của nhóm học sinh, sinh viên (HSSV) hiện còn cao hơn mức đóng cho các thành viên hộ gia đình khi cùng tham gia. Dù HSSV được xác định thuộc nhóm đối tượng xã hội được hỗ trợ tiền đóng BHYT.

Đó là, tại Điều 4. Luật BHYT Hợp nhất 2014, chính sách của Nhà nước về BHYT quy định ngay tại khoản 1, Nhà nước đóng hoặc hỗ trợ tiền đóng BHYT cho người có công với cách mạng và một số nhóm đối tượng xã hội.

Và, tại điểm b, khoản 4, Điều 12, Luật BHYT quy định “Đối tượng tham gia BHYT” là: "Nhóm được ngân sách Nhà nước hỗ trợ mức đóng, bao gồm: Học sinh, sinh viên…".

Cụ thể, nếu HSSV tham gia BHYT theo “Nhóm được ngân sách Nhà nước hỗ trợ mức đóng” – thì mỗi em thay vì phải đóng BHYT  1.263.600 đ/ 1 năm – thì HSSV (được giảm 30%) - nên chỉ còn phải đóng 884.520 đồng/ 01 năm.

Thoạt nhìn, tưởng là được giảm 379.080 đ. Tuy nhiên, trên thực tế nếu đóng BHYT theo hộ gia đình thì HSSV sẽ được tính (ít nhất) từ người thứ ba trở đi (sau bố và mẹ). Với mức đóng thấp hơn mức đóng BHYT của nhóm học sinh, sinh viên.

Xem bảng so sánh:

So sánh quy định tại điểm i, khoản 1, Điều 13. Luật BHYT thì mức đóng hàng tháng của đối tượng quy định tại khoản 4 Điều 12 của Luật này (tức HSSV) tối đa bằng 6% mức lương cơ sở do đối tượng tự đóng và được ngân sách Nhà nước hỗ trợ một phần mức đóng. Trong khi quy định mức đóng hàng tháng của người thứ nhất trong hộ gia đình cũng đóng bằng 6% mức lương cơ sở.

Điều đó cho thấy, ngay từ những quy định cơ bản nhất của Luật BHYT thì đối tượng HSSV phải đóng BHYT bằng mức cao nhất trong hộ gia đình! Như vậy thì, khi đi học HSSV bị đánh đồng với người lao động có thu nhập. Thậm chí, dù có là người thứ mấy trong hộ gia đình, thì vẫn phải đóng BHYT bằng mức đóng của người cao nhất trong hộ, làm thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của HSSV.

Điều này mâu thuẫn ngay trong Luật BHYT, bởi vì theo khoản 4, Điều 11 quy định về các hành vi bị nghiêm cấm nêu rõ: "Các hành vi bị nghiêm cấm, bao gồm: "Cản trở, gây khó khăn hoặc làm thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người tham gia BHYT và của các bên liên quan đến BHYT".

Và dù cho, đã được giảm 30% mức đóng – HSSV chỉ còn phải đóng    884.520 đồng/01 năm. Nhưng khi so sánh với những người trong hộ gia đình thì mức đóng của HSSV vẫn cao hơn, nếu đặt HSSV vào vị trí trong gia đình. Theo Bảng so sánh trên thì, HSSV sẽ bị thiệt từ 126.360 đến 379.080. Và, nếu một gia đình có từ 02 đến người đi học thì mức độ thiệt hại này quả là con số không nhỏ, nhất là đối với những hộ nghèo hoặc cận nghèo.

Hay nói khác đi, chính sách hỗ trợ đối tượng HSSV mất đi giá trị nhân văn vốn có ban đầu mà lại thuộc một trong các hành vi bị nghiêm cấm (theo luật định), như đã nói ở trên.

Trong khi đó, mức chi cho BHYT ở hộ gia đình (qua theo dõi của người viết bài này) thường cao hơn mức chi cho HSSV, nhất là nếu so sánh với HSSV các bậc học phổ thông. Ở gia đình, các thành viên hoặc là người già, hoặc là người lao động nên mức độ bệnh tật cần điều trị là nhiều hơn HSSV. HSSV khi hoạt động ở trường học phần lớn do chạy nhảy, đùa giỡn nên chỉ bị trầy sướt tay chân. Mà thương tích loại này đã có bảo hiểm thân thể học sinh (được đóng riêng vào đầu năm học).

Bất cập là đã rõ, nhưng bất cập ở đâu, theo một Công văn trả lời của một cơ quan BHXH cấp tỉnh (kèm bản chụp): “Trường hợp một người đồng thời thuộc nhiều đối tượng tham gia BHYT khác nhau quy định tại Điều 12 của Luật này thì đóng BHYT theo đối tượng đầu tiên mà người đó được xác định theo thứ tự của các đối tượng quy định tại Điều 12 của Luật này… Vì vậy, HSSV đang học tại các trường thuộc nhóm được ngân sách Nhà nước hỗ trợ mức đóng, nhóm này đứng trước nhóm tham gia BHYT hộ gia đình nên các em không thuộc đối tượng tham gia BHYT hộ gia đình”.

Điều này không sai so với quy định của Luật BHYT hiện hành. Tuy nhiên, luật do con người lập ra. Mà cụ thể ở đây là Quốc Hội, trên cơ sở dự thảo của ngành Y tế.

Do đó, chúng tôi đề nghị, sửa đổi khoản 2 Điều 13 Luật BHYT 2008 sửa đổi bổ sung năm 2014 như sau:

Trường hợp một người đồng thời thuộc nhiều đối tượng tham gia BHYT khác nhau… được quyền lựa chọn tham gia đối tượng có lợi nhất cho mình… 

- Riêng đối tượng HSSV, nếu tham gia BHYT theo hộ gia đình, có giấy xác nhận từ một cơ sở thuộc hệ thống giáo dục quốc dân sẽ được giảm thêm …. % số tiền mà người ở vị trí tương đương trong hộ phải đóng.

Về ý nghĩa:

- Trong danh sách hộ gia đình, sau bố và mẹ, các em HSSV là những người không có thu nhập đáng được xem xét áp dụng chế độ giảm mức đóng;

- HSSV dù học ở đâu, cấp nào, ngành gì… đều gắn với hộ gia đình, và nhờ vào chu cấp của bố mẹ (hay ông bà, người thân) cần được quan tâm và khuyến khích;

- Trong cuộc vận động “Học tập suốt đời”, thì có thể cả người thứ nhất và người thứ 2 trong hộ cũng là người đang theo học Trung cấp, Cao đẳng, Đại học, sau đại học hay học chuyên môn dài hạn (trên 1 năm)… thì, để khuyến khích cũng đáng được xem xét áp dụng chế độ giảm mức đóng BHYT;

- Nếu được phép tham gia BHYT theo hộ gia đình, mà HSSV sẽ không được hưởng ưu đãi giảm 30% như quy định hiện hành. Thành ra chính sách miễn giảm đầy tính nhân văn này không còn ý nghĩa trong thực tế;

- Còn “Cấm HSSV không được tham gia BHYT theo hộ gia đình”… thì về nguyên tắc cơ bản là vi phạm Hiến pháp và pháp luật về quyền công dân…

Đề nghị bãi bỏ khoản 2, Điều 7b Luật BHYT 2008 (sửa đổi bổ sung năm 2014) 

Điều 7b. Trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo

2. Thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quy định của pháp luật về trách nhiệm tham gia BHYT của các đối tượng do Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý quy định tại điểm n khoản 3 và điểm b khoản 4 Điều 12 của Luật này.

- Trong nhiều trường hợp, ở nhiều địa phương và trường học… nội dung thu BHYT là một trong các chỉ tiêu thi đua của ngành Giáo dục hàng năm. Nên chăng cần được bãi bỏ, tránh áp lực không đáng có cho thầy cô giáo, HSSV và gia đình.

Về việc đề nghị bổ sung khoản 1, Điều 26 thì bổ sung thêm trường hợp người tham gia BHYT không ở gần nơi đăng ký khám bệnh, chữa bệnh BHYT ban đầu, có thể đến khám chữa bệnh tại một cơ sở tương đương theo quy định của Bộ Y tế.

Về ý nghĩa thì điều này bảo đảm quyền tự do đi lại của công dân và xóa bỏ “ngăn sông cấm chợ” trong lĩnh vực BHYT… Theo hướng Bộ Y tế cấp mã số cho các cơ sở khám chữa bệnh, để người dân có thể đến khám chữa bệnh ở những cơ sở có cùng mã số tương đương với cơ sở mà mình đã đăng ký trên toàn quốc.

Luật sư PHAN VĂN VĨNH

Đoàn Luật sư tỉnh Tây Ninh

Chủ thể rút yêu cầu khởi kiện trong vụ án dân sự: Bất cập và kiến nghị