Các bị cáo nghe HĐXX TAND tỉnh Đắk Lắk tuyên án.
Nắm được chủ trương thu hồi đất để làm khu tái định cư, 3 cán bộ địa chính xã Cư Elang đã mua đất rồi nhờ những người dân địa phương đứng tên để nhận đền bù. Hành vi này đã làm thất thoát của Nhà nước 3,4 tỉ đồng, ngoài ra còn chứng nhận sai cho 1 người dân nhận đền bù gây thiệt hại 1,1 tỉ đồng. Tổng cộng 4,5 tỉ đồng đã bị các cán bộ địa chính và sự vừa "thiếu trách nhiệm", vừa "lợi dụng chức vụ" của ông chủ tịch xã làm "rơi rụng".
Điều đáng quan tâm là những người bị cán bộ biến chất lôi vào vòng lao lý là 3 cặp vợ chồng người dân tộc thiểu số, ít am hiểu pháp luật, thậm chí có người còn bị thiểu năng trí tuệ. Họ hoàn toàn là nạn nhân đáng thương bị dụ dỗ, lôi kéo, không nhận biết được hành vi vi phạm pháp luật mà dẫn đến phạm tội. Những cặp vợ chồng - bị cáo này đều nhận án 3 năm tù giam, riêng một người được hưởng án treo.
Thực sự, việc cáo buộc họ phạm tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" không được thuyết phục cho lắm. Thiết nghĩ, giới Luật sư, đặc biệt là các Luật sư tham gia bào chữa trong vụ án này nên có một hội thảo hoặc mở một diễn đàn công luận bàn về việc buộc tội những người không hề có chức vụ, quyền hạn tội danh này và làm sáng tỏ những quy định pháp luật ở tội danh nói trên.
Tương tự, những bị cáo - nạn nhân mà chúng ta thường gặp ở các vụ án kinh tế là các "giám đốc" công ty thực tế chỉ là người lái xe hoặc bà nội trợ. Họ chỉ đứng tên do một sự sắp đặt mờ ám mà không hề biết mình ký cái gì, phạm tội ra sao. Không hẳn là họ vụ lợi bởi tiền lương giám đốc đâu được nhận, chẳng qua là một chút tiền "lót tay", vì cả nể hoặc tin tưởng ông chủ mà họ vô tình phạm tội mà không biết.
Trái ngược lại, cùng hành vi đó nhưng ở các trường hợp khác bị cáo hoàn toàn không phải nạn nhân. Đó là họ hiểu rõ việc mình làm và có tính chất vụ lợi rõ ràng. Chẳng hạn, việc thông đồng với cán bộ để khai man diện tích đất, nhà ở, công trình xây dựng, cây trồng và hoa lợi để nhận tiền đền bù trong các dự án giải phóng mặt bằng thu hồi đất. Đó là hành vi cấu kết để cùng nhau phạm tội, họ chỉ là nạn nhân ở khía cạnh bị lôi kéo, dụ dỗ và hám lợi mà thôi.
Những vụ án như thế này cần được tuyên truyền một cách sâu rộng để mọi người dân đều biết, tránh được "vết xe đổ" trong các dự án đền bù đất đai và không còn tình trạng các bị cáo đồng thời là nạn nhân, cũng như các dân thường không bị buộc tội về chức vụ.
NHỊ NGỌC
Giải quyết vụ án tranh chấp ly hôn khi người bị kiện cố tình giấu địa chỉ