Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà phát biểu tại phiên thảo luận Quốc hội về Luật Quy hoạch
Đề xuất giải pháp chống ngập cho TP. Hồ Chí Minh, nữ đại biểu HĐND thành phố, Phó Giáo sư – Tiến sĩ cho rằng cần trang bị cho mỗi gia đình những cái lu chứa nước mưa. Đề xuất này đã gây ra một trận cười trong dư luận xã hội vì giả sử có đem ra thực hiện một cách triệt để, quyết liệt thì nó cũng chẳng góp phần tí ti nào trong việc thoát ngập úng của thành phố.
Lịch sử nhân loại tiến theo vòng trôn ốc, sự kiện lặp lại nhưng ở mức cao hơn. Điều này thể hiện ở chỗ vài năm sau khi đưa ra giải pháp cho trận ngập lịch sử tại Hà Nội ngày 29/5 vừa qua, Bộ trưởng Bộ TN&MT đề xuất Hà Nội nên thiết kế đô thị thông minh, chống chịu thời tiết cực đoan, xây bể ngầm chứa nước chống ngập. Giải pháp trước mắt, theo ông, có thể dùng máy bơm thoát nước, lâu dài thì xây bể ngầm, tận dụng cánh đồng, sân vận động làm nơi chứa nước. Thế là, từ cái lu nhỏ bé, đơn sơ ở tầm vi mô đã tiến lên ở mức vĩ mô to lớn là bể ngầm, cánh đồng và sân vận động, sự lặp lại của lịch sử giải pháp và đề xuất đã ở mức cao hơn rất nhiều.
Tuy nhiên, giải pháp của ông Bộ trưởng đưa ra cũng ngay lập tức vấp phải sự phản ứng gay gắt của dư luận bởi sự bất khả thi của nó. Trước hết, như một lời bào chữa cho chính quyền đô thị, ông cho rằng trận mưa lớn như thế thì chẳng có thành phố nào trên thế giới mà không bị ngập cả (nhiệm vụ bất khả thi) mà tránh đi cái căn nguyên cơ bản là do quy hoạch lộn xộn, bấp chấp quy luật thời tiết, địa hình, địa thế và sự phát triển đô thị, là do lấp sông hồ, dòng chảy, không có hệ thống thoát nước đồng bộ,… gây ra.
Còn xây bể chứa ư? Cái này không mới, Nhật Bản đã làm “từ năm Bảo Đại” rồi và phát huy hiệu quả. Cái khác là họ làm bể chứa khi quy hoạch, trước khi xây dựng nhà cửa, nằm dưới lòng thành phố, còn Hà Nội bây giờ muốn xây bể chứa thì xây ở đâu, có lẽ cần giải tỏa mặt bằng, phá dỡ cao ốc xây bể chứa rồi lại làm nhà, đường phố lên bên trên chăng? Sân vận động, cánh đồng hay sân trường có công năng riêng, dứt khoát không thể thành nơi chứa nước mà muốn chứa cũng không chứa được.
Hà Nội đã bỏ ra 20.000 tỉ cho việc chống ngập nhưng ngày càng ngập thêm. Có những trạm bơm nghìn tỉ “đắp chiếu” vì chưa có đường dẫn nước do gặp khó trong giải tỏa mặt bằng. Điều này cho thấy những giải pháp, đề xuất, sáng kiến chỉ làm rối rắm thêm mà không mang lại bất kỳ hiệu quả nào.
Có thể chống ngập được, kể cả trong điều kiện có những diễn biến bất thường của thời tiết, khí hậu nhưng không thể chống được khi quy hoạch “liều lĩnh, bất chấp” (từ dùng của một kiến trúc sư khi trả lời báo chí) của chính con người gây ra!
NHỊ NGỌC