/ Trao đổi - Ý kiến
/ Những điểm cần lưu ý khi soạn thảo Hợp đồng trong hoạt động kinh doanh

Những điểm cần lưu ý khi soạn thảo Hợp đồng trong hoạt động kinh doanh

13/03/2021 04:07 |

(LSVN) - Ngày nay, cùng với sự phát triển của nền kinh tế thị trường thì các giao dịch cũng ngày càng đa dạng và phức tạp hơn, tiềm ẩn rất nhiều rủi ro cho các bên tham gia. Chính vì vậy, việc hạn chế các rủi ro ngay từ khi soạn thảo Hợp đồng là hết sức quan trọng, nhất là trong hoạt động kinh doanh.

Ảnh minh họa. 

Mục đích của pháp luật về Hợp đồng là nhằm bảo vệ quyền tự do ý chí của các bên. Quyền tự do ý chí này chỉ bị hạn chế bởi một số ngoại lệ nhằm bảo vệ trật tự công hoặc nhằm bảo đảm quyền lợi hợp pháp của bên thứ ba.

Pháp luật về Hợp đồng của Việt Nam hiện nay được quy định trong nhiều văn bản pháp luật khác nhau như Bộ luật Dân sự, Luật Thương mại, Luật Kinh doanh bảo hiểm…, tuy nhiên, Bộ luật Dân sự được coi là luật gốc quy định các vấn đề chung về Hợp đồng, là nền tảng cho pháp luật về Hợp đồng, điều chỉnh các quan hệ Hợp đồng được xác lập trên nguyên tắc bình đẳng, tự nguyện, tự thoả thuận và tự chịu trách nhiệm. Các quy định về Hợp đồng trong Bộ luật Dân sự được áp dụng chung cho tất cả các loại Hợp đồng, không phân biệt Hợp đồng dân sự hay Hợp đồng kinh tế, Hợp đồng có mục đích kinh doanh hay Hợp đồng nhằm đáp ứng các nhu cầu sinh hoạt hàng ngày. Trên cơ sở các quy định chung về Hợp đồng của Bộ luật Dân sự, tuỳ vào tính chất đặc thù của các mối quan hệ hoặc các giao dịch, các luật chuyên ngành có thể có những quy định riêng về Hợp đồng để điều chỉnh các mối quan hệ trong lĩnh vực đó.

Sau đây là những điểm cần lưu ý khi soạn thảo Hợp đồng trong hoạt động kinh doanh

Về hình thức Hợp đồng

Một Hợp đồng phải được sắp xếp theo trật tự logic thường bao gồm 03 nhóm:

Nhóm 1: Các điều khoản đặc trưng của quan hệ thương mại

Nhóm 2: Các điều khoản còn lại

Nhóm 3: Điều khoản chung, xuất hiện ở mọi Hợp đồng với nội dung tương tự nhau.

Tuy nhiên, hiện nay không có quy định bắt buộc nhưng về mặt tư duy các tổ chức, doanh nghiệp vẫn thường soạn thảo Hợp đồng theo trật tự như thế. Việc soạn thảo Hợp đồng theo trật tự tạo điều kiện cho các bên theo dõi các điều khoản Hợp đồng một cách dễ dàng hơn và chính xác hơn.

Hình thức Hợp đồng khác gồm điện báo, telex, fax, thông điệp dữ liệu và các hình thức khác theo quy định của pháp luật. Những loại Hợp đồng phải lập bằng văn bản hoặc bằng hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương được quy định cụ thể tại Bộ Luật Dân sự 2015 và các Luật chuyên ngành. Một số loại Hợp đồng thông dụng có thể kể đến như: Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế; Hợp đồng xây dựng; Hợp đồng lao động, trừ các Hợp đồng lao động với công việc tạm thời có thời hạn dưới 03 tháng và một số Hợp đồng khác…

Về nguyên tắc, các bên có quyền tự do quyết định hình thức của Hợp đồng. Hình thức Hợp đồng có thể được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể, trừ một số trường hợp pháp luật yêu cầu Hợp đồng phải được thể hiện bằng hình thức nhất định nhằm đảm bảo trật tự công, ví dụ như Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất phải được thể hiện bằng văn bản và phải công chứng. Một trong các điều kiện có hiệu lực của Hợp đồng là Hợp đồng phải được công chưng, chứng thực trong trường hợp pháp luật có yêu cầu. Khoản 2 Điều 17 Luật Kinh doanh bất động sản quy định: “Hợp đồng kinh doanh bất động sản phải được lập thành văn bản. Việc công chứng, chứng thực Hợp đồng do các bên thỏa thuận, trừ Hợp đồng mua bán, thuê mua nhà, công trình xây dựng, Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất mà các bên là hộ gia đình, cá nhân quy định tại khoản 2 Điều 10 của Luật này thì phải công chứng hoặc chứng thực”.

Một số Hợp đồng phải công chứng chứng thực như sau: Hợp đồng mua bán nhà ở, trừ trường hợp mua, bán cho thuê mua nhà ở thuộc sở hữu nhà nước; mua, bán, cho thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở phục vụ tái định cư (Điều 122 Luật Nhà ở 2014); Hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, trừ trường hợp Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất mà một bên hoặc các bên tham gia giao dịch là tổ chức sự kiện hoạt động kinh doanh bất động sản (Điều 167 Luật Đất đai 2013);Hợp đồng góp vốn bằng nhà ở, trừ trường hợp một bên trong Hợp đồng là tổ chức (Điều 122 Luật Nhà ở 2014); và một số Hợp đồng khác.

Mặc dù pháp luật có quy định Hợp đồng không tuân thủ quy định về mặt hình thức thì sẽ bị vô hiệu, tuy nhiên cũng có ngoại lệ như sau: Trong trường hợp Hợp đồng không được xác lập bằng văn bản hay không được công chứng, chứng thực trong trường hợp pháp luật có yêu cầu thì căn cứ vào yêu cầu của một bên hoặc các bên, Tòa án sẽ ra quyết định công nhận hiệu lực của Hợp đồng trong trường hợp các bên đã thực hiện được ít nhất hai phần ba nghĩa vụ trong Hợp đồng (Điều 129 Bộ luật Dân sự 2015). Mặc dù vậy, rủi ro vẫn tồn tại ở chỗ hiện chưa có văn bản hướng dẫn như thế nào là thực hiện được ít nhất hai phần ba nghĩa vụ. Do đó, tốt nhất, nên đảm bảo tuân thủ quy định về mặt hình thức của Hợp đồng ngay khi ký kết Hợp đồng để tránh những rủi ro vừa nêu.

Về nội dung Hợp đồng

Khi giao kết Hợp đồng mà một bên biết hoặc phải biết về việc Hợp đồng có đối tượng không thể thực hiện được nhưng không thông báo cho bên kia biết nên bên kia đã giao kết Hợp đồng thì phải bồi thường thiệt hại cho bên kia, trừ trường hợp bên kia biết hoặc phải biết về việc Hợp đồng có đối tượng không thể thực hiện được.

Nếu toàn bộ đối tượng của Hợp đồng đều không thể thực hiện ngay từ khi giao kết thì Hợp đồng vô hiệu toàn bộ. Trường hợp một phần đối tượng không thể thực hiện được mà không ảnh hưởng đến các phần khác thì Hợp đồng vô hiệu một phần. Trường hợp vô hiệu một phần hay toàn bộ thì trách nhiệm bồi thường trong trường hợp trên vẫn được áp dụng khi có thiệt hại xảy ra.

Về nguyên tắc, nội dung của Hợp đồng có các bên tự thoả thuận theo nguyên tắc tự do ý chí, bình đẳng và thiện chí với nhau. Tuy nhiên, Pháp luật cũng yêu cầu nội dung của Hợp đồng không được vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội.

Điều cấm của pháp luật là những quy định của pháp luật không cho phép chủ thể thực hiện những hành vi nhất định.

Đạo đức xã hội là những chuẩn mực ứng xử chung giữa người với người trong đời sống xã hội, được cộng đồng thừa nhận và tôn trọng.

Do đó, cần đảm bảo đối tượng của Hợp đồng là những hàng hoá mà pháp luật không cấm, không trái đạo đức xã hội; đảm bảo người tham gia giao dịch phải hoàn toàn tự nguyện; đảm bảo người tham gia Hợp đồng có năng lực hành vi dân sự.

Về chủ thể trong Hợp đồng

Thứ nhất, năng lực hành vi dân sự của cá nhân

Căn cứ vào các Điều 17, 18 và 19 của Bộ luật Dân sự thì người từ đủ 18 tuổi trở lên là người thành niên và người thanh niên là người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ. Như vậy, theo quy định này thì chỉ có người nào có đủ từ 18 tuổi trở lên mới bằng chính hành vi của mình xác lập, thực hiện quyền và nghĩa vụ dân sự. Còn những trường hợp khác chưa đủ 18 tuổi thì khi giao kết, xác lập, thực hiện một giao dịch dân sự nào đó phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý. Quy định này nhằm bảo vệ các giao dịch khi được xác lập phải được xác lập bởi những người có đủ khả năng để tự nhân danh mình quyết định mọi hành vi của mình, đảm bảo không gây thiệt hại cho người khác.

Trong trường hợp người đã đủ 18 tuổi nhưng lại mắc bệnh như bệnh tâm thần hoặc mắc các bệnh khác gây ra tình trạng mất năng lực hành vi thì cũng không được tự mình giao kết Hợp đồng mà phải có đại diện pháp luật.

Tương tự như vậy, đối với những người từ 6 tuổi đến duới 18 tuổi khi giao kết Hợp đồng cũng phải có người đại diện theo pháp luật đồng ý.

Thứ hai, năng lực hành vi dân sự của pháp nhân

Về nguyên tắc, thời điểm tổ chức, doanh nghiệp hay pháp nhân được coi là có năng lực hành vi dân sự đầy đủ phải căn cứ vào quy định của pháp luật. Pháp luật doanh nghiệp được coi là nguồn pháp lý chủ yếu điều chỉnh/quy định năng lực hành vi dân sự của tổ chức. Bên cạnh đó, tổ chức đó hoạt động trong lĩnh vực nào thì sẽ chịu thêm sự điều chỉnh của văn bản pháp luật của lĩnh vực đó, ví dụ pháp luật về doanh nghiệp, thương mại, đầu tư, ngân hàng tín dụng, bảo hiểm…

Thông thường năng lực hành vi của pháp nhân hay tổ chức được tính kể từ thời điểm doanh nghiệp đó được thừa nhận sự tồn tại về mặt pháp lý, ví dụ như kể từ ngày được cấp giấy phép kinh doanh, cấp giấy phép thành lập hoặc ngày mà pháp luật quy định phải khai trương hoặc phải đăng ký thì mới được coi là đã thành lập. Và chỉ khi các doanh nghiệp, tổ chức hoặc pháp nhân được coi là có năng lực hành vi dân sự đầy đủ. Theo quy định của Bộ luật Dân sự thì năng lực dân sự của pháp nhân phát sinh từ thời điểm pháp nhân được thành lập và chấm dứt từ thời điểm chấm dứt pháp nhân. Quy định này có nghĩa rằng sự hình thành pháp luật và được pháp luật công nhận thì pháp nhân đó có năng lực dân sự đầy đủ, có các quyền, nghĩa vụ dân sự phù hợp với mục đích hoạt động của mình.

Thứ ba, đại diện cho tổ chức/ pháp nhân theo pháp luật và theo uỷ quyền

Đây là một trong những nội dung quan trọng liên quan đến vị trí pháp lý của các bên cũng như đến hiệu lực của Hợp đồng. Theo quy định tại khoản 5 Điều 139 Bộ luật Dân sự 2015 thì người đại diện phải là người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ. Đại diện cho tổ chức/pháp nhân thông thường được quy định trong điều lệ của pháp nhân hoặc trong quyết định thành lập của pháp nhân. Trong thực tiễn, việc uỷ quyền cũng được ghi nhận trong một loạt các tài liệu có giá trị chứng cứ khác như quy chế hoạt động của tổ chức đó, quyết định quy định trách nhiệm, nhiệm vụ, quyền hạn của từng lãnh đạo và thành viên của doanh nghiệp và kể cả trong thông báo chào hàng… Và những giấy tờ này, về nguyên tắc có giá trị hợp lệ để chứng minh cho việc phân công của lãnh đạo doanh nghiệp/tổ chức đối với các lãnh đạo và thành viên khác của tổ chức/doanh nghiệp đó.

Khi tham gia soạn thảo, ký kết Hợp đồng, các bên trong Hợp đồng phải hết sức lưu ý đến địa vị pháp lý của người được đại diện uỷ quyền, phạm vi được uỷ quyền nhằm tránh tình trạng có tranh chấp sau này do việc ký kết Hợp đồng không đúng thẩm quyền hoặc vượt quá thẩm quyền hoặc vượt quá phạm vi đại diện uỷ quyền. Thông thường đối với doanh nghiệp thì người có thẩm quyền ký kết Hợp đồng là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp, được xác định rõ trong Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, hoặc người được người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp ủy quyền. Người đại diện theo ủy quyền chỉ được thực hiện trong phạm vi được uỷ quyền khi ký kết Hợp đồng. Việc không đảm bảo điều kiện về mặt chủ thể khi ký kết Hợp đồng có thể dẫn đến Hợp đồng vô hiệu.

Bộ luật Dân sự xác định thời điểm có hiệu lực của Hợp đồng trên cơ sở công nhận hiệu lực của cam kết, thoả thuận của các bên, không phụ thuộc vào hình thức của Hợp đồng. Do đó, về mặt nguyên tắc, Hợp đồng được giao kết vào thời điểm bên đề nghị nhận được trả lời chấp nhận giao kết của bên được đề nghị. Hợp đồng cũng xem như được giao kết khi hết thời hạn trả lời mà bên nhận đề nghị vẫn im lặng, nếu các bên có thoả thuận im lặng là sự trả lời chấp nhận giao kết. Trên cơ sở hình thức của Hợp đồng, pháp luật cũng quy định cụ thể đối với từng trường hợp, ví dụ, đối với Hợp đồng được giao kết bằng lời nói thì thời điểm giao kết Hợp đồng là thời điểm các bên đã thoả thuận về nội dung của Hợp đồng; đối với Hợp đồng được giao kết bằng văn bản thì thời điểm giao kết Hợp đồng là thời điểm bên sau cùng ký vào văn bản.

Về mặt nguyên tắc, thời điểm có hiệu lực của Hợp đồng được tính từ thời điểm giao kết, tuy nhiên doanh nghiệp cần biết rằng vẫn có các ngoại lệ đó là khi các bên có thoả thuận khác, ví dụ Hợp đồng được các bên ký vào ngày 01/01/2009 nhưng các bên thoả thuận là Hợp đồng được coi là ký kết vào ngày 01/02/2009 hoặc khi pháp luật có quy định khác, ví dụ theo pháp luật về đất đai thì thời điểm có hiệu lực của Hợp đồng thế chấp là thời điểm đăng ký chứ không phải là thời điểm các bên ký Hợp đồng và công chứng xác nhận. Trên thực tế nhiều doanh nghiệp không biết rõ quy định này và vì một lý do nào đó mà không đăng ký nên rủi ro pháp lý là rất lơn.

Vấn đề uỷ quyền ký kết Hợp đồng không được Bộ luật Dân sự quy định cụ thể, tuy nhiên, vì Hợp đồng là một dạng của giao dịch dân sự cho nên có thể áp dụng các quy định về việc uỷ quyền xác lập, thực hiện giao dịch dân sự. Theo đó cá nhân, người đại diện theo pháp luật của pháp nhân có thể uỷ quyền cho người khác xác lập, thực hiện Hợp đồng theo chế định người đại diện.

Về luật điều chỉnh

Về nguồn pháp luật điều chỉnh và có liên quan đến nội dung của Hợp đồng: Ví dụ, nếu là Hợp đồng mua bán hàng hoá, thì pháp luật có liên quan là những văn bản pháp luật về thương mại, dân sự, cụ thể là Bộ Luật Dân sự, Luật Thương mại, Luật Đầu tư, Luât doanh nghiệp… các văn bản pháp luật hướng dẫn các Luật nêu trên. Nếu là Hợp đồng mua bán hàng hoá quốc tế thì kiến thức về thói quen thương mại, thông lệ, tập quán quốc tế, điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, các cam kết Quốc tế song phương, đa phương, và cam kết trong khu vực của Việt Nam, pháp luật liên quan đến địa vị pháp lý của các bên cũng là những kiến thức và thông tin rất quan trọng liên quan trực tiếp đến nội dung cũng như tính hợp pháp, hợp lệ của Hợp đồng. Bên cạnh đó, những người liên quan trực tiếp đến quá trình soạn thảo, đàm phán Hợp đồng còn phải rà soát, lưu ý đến toàn bộ những văn bản pháp luật có liên quan đến nội dung, lĩnh vực của Hợp đồng.

NGỌC ANH 

Giá trị của chứng chỉ bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp giáo viên

Lê Minh Hoàng