Trong công ty cổ phần, hội đồng quản trị là cơ quan quản lý công ty. Để thực hiện chức năng này Hội đồng quản trị có toàn quyền nhân danh công ty để quyết định và thực hiện các quyền và nghĩa vụ của công ty, trừ những vấn đề thuộc thẩm quyền của đại hội đồng của cổ đông. Các vấn đề pháp lý liên quan đến Hội đồng quản trị được ghi nhận và quy định cụ thể trong Luật Doanh nghiệp 2014. Tuy nhiên, trải qua gần 05 năm đi vào thực tiễn áp dụng, các quy định này dần bộc lộ một số hạn chế, bất cập nhất định. Điều này đã không chỉ ảnh hưởng đến vai trò, hiệu quả hoạt động của Hội đồng quản trị mà còn tác động đến cơ cấu quản trị của Công ty Cổ phần. Luật Doanh nghiệp 2020 đã đưa ra nhiều quy định mới và tiến bộ điều chỉnh vấn đề này trên cơ sở khắc phục những hạn chế, bất cập còn tồn tại trong Luật Doanh nghiệp 2014. Tuy nhiên, để các quy định này phát huy được giá trị và bảo đảm áp dụng hiệu quả trên thực tế thì đòi hỏi việc xác định và hiểu được các quy định này là điều rất quan trọng.
Một số điểm mới của Luật Doanh nghiệp 2020 về Hội đồng quản trị trong Công ty Cổ phần
Về yêu cầu đình chỉ thực hiện hoặc hủy bỏ Nghị quyết, Quyết định của Hội động Quản trị
Theo quy định tại khoản 4 Điều 149 Luật Doanh nghiệp 2014, trong trường hợp Nghị quyết do Hội đồng quản trị thông qua trái với quy định của pháp luật hoặc điều lệ công ty gây thiệt hại cho công ty thì cổ đông sở hữu cổ phần của công ty liên tục trong thời hạn ít nhất 01 năm có quyền yêu cầu Hội đồng quản trị đình chỉ thực hiện Nghị quyết nói trên. Theo quy định này thì chỉ có cổ đông sở hữu cổ phần của công ty liên tục trong thời hạn ít nhất 01 năm mới có quyền yêu cầu Hội đồng quản trị đình chỉ thực hiện Nghị quyết. Đây là một quy định được đánh giá là chưa phù hợp, hạn chế quyền của cổ đông, đặc biệt là các cổ đông nhỏ lẻ trong việc kịp thời bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ cũng như của công ty.
Trên thực tế, các cổ đông nhỏ bị chèn ép dưới nhiều hình thức và thường không được các cổ đông lớn lắng nghe, tiếp thu các kiến nghị, đề xuất cho dù điều đó có khả năng mang lại lợi ích chung cho doanh nghiệp; nhiều trường hợp cổ đông lớn, lãnh đạo doanh nghiệp thường qua mặt cổ đông nhỏ trong các quyết định quan trọng của công ty… Để khắc phục vấn đề này, Luật Doanh nghiệp 2020 đã có sự điều chỉnh, theo đó, khoản 4 Điều 153 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định trong trường hợp Nghị quyết, Quyết định do Hội đồng quản trị thông qua trái với quy định của pháp luật, Nghị quyết đại hội đồng cổ đông, điều lệ công ty gây thiệt hại cho công ty thì cổ đông của công ty có quyền yêu cầu tòa án đình chỉ thực hiện hoặc hủy bỏ Nghị quyết, Quyết định nói trên.
Như vậy, khác với Luật Doanh nghiệp 2014, Luật Doanh nghiệp 2020 đã cho phép bất cứ cổ đông nào cũng có quyền khởi kiện yêu cầu tòa án đình chỉ thực hiện hoặc hủy bỏ Nghị quyết, Quyết định của Hội động quản trị nếu Nghị quyết, Quyết định đó trái với quy định pháp luật, trái với Nghị quyết đại hội đồng cổ đông, điều lệ công ty gây thiệt hại cho công ty. Đây là một quy định phù hợp, cần thiết và tiến bộ, bởi điều này giúp bảo vệ kịp thời quyền và lợi ích chính đáng của các cổ đông, đặc biệt là các cổ đông nhỏ lẻ trước các nguy cơ rủi ro phát sinh từ quyết định của Hội đồng quản trị tại các Công ty Cổ phần.
Về nhiệm kỳ thành viên độc lập hội đồng quản trị
Thành viên Hội đồng quản trị độc lập đóng vai trò như người giám sát, làm giảm nguy cơ lạm dụng quyền hạn của những người quản lý, điều hành, góp phần bảo vệ lợi ích chính đáng của cổ đông, đặc biệt là các cổ đông nhỏ.
Sự hiện diện của thành viên độc lập trong Hội đồng quản trị được kỳ vọng sẽ làm cho Hội đồng quản trị có thể đưa ra những quyết định không thiên vị, gây xung đột về lợi ích giữa các cổ đông công ty, bảo vệ được cổ đông nhỏ, tạo ra đối trọng để hài hòa lợi ích giữa các nhóm cổ đông, đồng thời quan tâm tới cả những chủ thể khác, bảo vệ được uy tín của công ty, giữ được lòng tin của khách hàng, “giữ chân” được người lao động…hạn chế được những thiệt hại cho công ty.
Hơn thế nữa, sự tồn tại của các thành viên độc lập Hội đồng quản trị cũng thể hiện sự công khai, minh bạch trong hoạt động của công ty, làm các cổ đông yên tâm hơn và thu hút được nhiều nhà đầu tư. Muốn vậy, các thành viên độc lập Hội đồng quản trị phải có sự độc lập nhất định đối với công ty, không liên quan về tài sản với công ty để tạo ra sự khách quan, vô tư trong quá trình hoạt động. Tuy nhiên, với cách quy định như Luật Doanh nghiệp 2014 về nhiệm kỳ của thành viên độc lập Hội đồng quản trị là chưa thật sự phù hợp và đáp ứng được yều cầu bảo đảm tính độc lập của thành viên này.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 150 Luật Doanh nghiệp 2014, nhiệm kỳ của thành viên độc lập Hội đồng quản trị không quá 05 năm và có thể được bầu lại với số nhiệm kỳ không hạn chế. Với việc quy định không hạn chế nhiệm kỳ theo như Luật Doanh nghiệp 2014 đã vô tình làm cho vị thế của thành viên độc lập Hội đồng quản trị không còn bảo đảm tính độc lập, bởi việc kéo dài nhiệm kỳ liên tiếp sẽ dẫn đến tình trạng cùng với thời gian làm việc trong công ty, mối quan hệ giữa thành viên độc lập Hội đồng quản trị và các thành viên quản lý, điều hành khác ngày càng sâu sắc, bản thân các thành viên độc lập Hội đồng quản trị cũng tham gia ngày càng sâu hơn vào các hoạt động của công ty.
Đó là chưa kể đến việc các thành viên này được công ty chi trả một khoản “thù lao” lớn nên họ có xu hướng muốn làm hài lòng các thành viên Hội đồng quản trị khác và ban điều hành cũng như chỉ quan tâm tới quyền lợi cá nhân, thay vì bảo vệ quyền lợi các cổ đông. Như vậy, điều này đã đi ngược lại với sự mong đợi ban đầu về vai trò của thành viên độc lập Hội đồng quản trị trong vấn đề cân bằng lợi ích của các bên liên quan tại công ty. Để khắc phục vấn đề này, Luật Doanh nghiệp 2020 đã có sự điều chỉnh lại về nhiệm kỳ của thành viên độc lập Hội đồng quản trị.
Theo đó, một cá nhân chỉ được bầu làm thành viên độc lập Hội đồng quản trị của một công ty không quá 02 nhiệm kỳ liên tục . Bên cạnh đó, Luật Doanh nghiệp 2020 cũng đã bãi bỏ quy định các giấy tờ, giao dịch của công ty phải ghi rõ “thành viên độc lập” trước họ, tên của thành viên Hội đồng quản trị tương ứng như khoản 4 Điều 150 Luật Doanh nghiệp 2014. Việc bỏ đi quy định phải ghi “thành viên độc lập” trước họ, tên thành viên Hội đồng quản trị là phù hợp và cần thiết bởi quy định này vừa làm rối rắm về mặt ngữ nghĩa vừa không phân biệt được một cách rõ ràng thế nào là thành viên điều hành và thành viên độc lập vì bản chất của điều hành hay độc lập không nằm ở chức danh người đó mà ở công việc người đó thực hiện trong công ty. Bản thân thành viên độc lập Hội đồng quản trị không can dự vào công việc điều hành mà chỉ tham gia biểu quyết các quyết định của Hội đồng quản trị và giám sát việc thực thi các quyết định đó. Do đó, không nhất thiết phải ghi trong các văn bản của công ty ai là thành viên điều hành, ai là thành viên độc lập mà ngay từ điều kiện đề cử ban đầu cho đến các công việc thực hiện sau này cũng đã đủ thể hiện được sự độc lập.
Về tiêu chuẩn và điều kiện của thành viên độc lập hội đồng quản trị
Trong công ty cổ phần luôn tồn tại nguy cơ xung đột về lợi ích giữa các cổ đông công ty với tư cách là người sở hữu vốn với bên kia là những người quản lý điều hành công ty với tư cách là người trực tiếp sử dụng vốn. Trên thực tế, những người quản lý, điều hành có thể không phải là những cổ đông nắm giữ đa số cổ phần của công ty nhưng có quyền quản lý điều hành công ty, trực tiếp sử dụng vốn. Như vậy, hoàn toàn có thể xảy ra nguy cơ những người này sẽ ưu tiên quyền lợi của cá nhân hoặc lợi ích của nhóm mình mà bỏ qua lợi ích của cổ đông nói chung. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến việc đặt ra các quy định về thành viên độc lập Hội đồng quản trị trong pháp luật về quản trị doanh nghiệp của các nước nói chung và Việt Nam nói riêng. Thành viên Hội đồng quản trị độc lập sẽ đóng vai trò như người giám sát, làm giảm nguy cơ lạm dụng quyền hạn của những người quản lý, điều hành, góp phần bảo vệ lợi ích chính đáng của cổ đông, đặc biệt là các cổ đông nhỏ. Muốn vậy, các thành viên Hội đồng quản trị độc lập phải có sự độc lập nhất định đối với công ty, không liên quan về tài sản với công ty để tạo ra sự khách quan, vô tư trong quá trình hoạt động.
Do đó, Luật Doanh nghiệp 2014 đã quy định thành viên Hội đồng quản trị độc lập phải đáp ứng được các điều kiện được quy định tại khoản 2 Điều 151. Tuy nhiên, trong Luật Doanh nghiệp 2020 đã có quy định bổ sung thêm về điều kiện đối với thành viên độc lập Hội đồng quản trị. Theo đó, ngoài những điều kiện được quy định tại khoản 2 Điều 151 Luật Doanh nghiệp 2014 thì thành viên độc lập Hội đồng quản trị không được là người đang làm việc cho công ty mẹ hoặc đã làm việc cho công ty mẹ trong ba năm gần nhất. Quy định này là cần thiết bởi nếu để thành viên độc lập Hội đồng quản trị vừa là người đang làm việc cho công ty mẹ hoặc đã làm việc cho công ty mẹ trong vòng 03 năm sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro bởi sẽ không bảo đảm được sự độc lập trong quá trình thực hiện công việc do phải chịu sự chi phối hoặc tác động từ công ty mẹ hoặc các mối quan hệ quen biết trước đó, từ đó dẫn đến vai trò và hiệu quả công việc của thành viên độc lập Hội đồng quản trị không đạt được yêu cầu như mục tiêu đặt ra.
Về Chủ tịch Hội đồng quản trị
Chủ tịch Hội đồng quản trị do Hội đồng quản trị bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm trong số các thành viên Hội đồng quản trị. Chủ tịch Hội đồng quản trị sẽ thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình theo quy định pháp luật. Theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2020, Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty đại chúng không được kiêm Giám đốc hoặc Tổng giám đốc công ty. Đây là một quy định mới được bổ sung so với quy định của Luật Doanh nghiệp 2014. Việc Luật Doanh nghiệp 2020 bổ sung quy định này là cần thiết bởi chủ tịch Hội đồng quản trị đóng vai trò định hướng chiến lược, chỉ đạo còn Tổng giám đốc/Giám đốc là người quản lý vận hành. Do đó, hai vị trí đòi hỏi năng lực rất khác nhau, việc tách bạch giúp cho Chủ tịch và Tổng giám đốc/Giám đốc thể hiện được vai trò của mình. Hơn nữa, việc tách bạch sẽ giúp tăng cường yếu tố kiểm soát vì Hội đồng quản trị sẽ kiểm soát ban điều hành, nếu để Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc/Giám đốc sẽ dẫn đến tình trạng "vừa đá bóng vừa thổi còi".
Bên cạnh đó, Luật Doanh nghiệp 2020 còn bổ sung thêm quy định trong trường hợp Chủ tịch Hội đồng quản trị chết, mất tích, bị tạm giam, đang chấp hành hình phạt tù, đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính tại cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc, trốn khỏi nơi cư trú, bị hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự, có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, bị tòa án cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định thì các thành viên còn lại bầu một người trong số các thành viên giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị theo nguyên tắc đa số thành viên còn lại tán thành cho đến khi có quyết định mới của hội đồng quản trị.
Quy định này góp phần khắc phục được sự hạn chế trong Luật Doanh nghiệp 2014 bởi cách quy định trong Luật Doanh nghiệp 2014 còn rất chung chung vì không xác định rõ được trường hợp nào phải bầu lại chức vụ chủ tịch hội đồng quản trị tạm thời mà chỉ xác định trường hợp không có người được ủy quyền thì các thành viên còn lại bầu một người trong số các thành viên tạm thời giữ chức chủ tịch hội đồng quản trị theo nguyên tắc đa số .
Về biên bản họp hội đồng quản trị
Biên bản họp Hội đồng quản trị là tài liệu pháp lý quan trọng, ghi nhận nội dung và phiếu biểu quyết tại các cuộc họp Hội đồng quản trị trong Công ty Cổ phần. Từ kết quả ghi nhận tại biên bản họp Hội đồng quản trị, công ty sẽ ban hành các Nghị quyết, Quyết định về các vấn đề liên quan đến tổ chức, hoạt động của công ty. Trong Luật Doanh nghiệp 2014, biên bản họp Hội đồng quản trị được quy định tại Điều 154 và vấn đề này tiếp tục được ghi nhận và điều chỉnh tại Điều 158 của Luật Doanh nghiệp 2020.
Tuy nhiên, khác với Luật Doanh nghiệp 2014, Luật Doanh nghiệp 2020 đã quy định bổ sung: Trường hợp chủ tọa, người ghi biên bản từ chối ký biên bản họp nhưng nếu được tất cả thành viên khác của Hội đồng quản trị tham dự họp ký và có đầy đủ nội dung theo quy định tại các điểm a, b, c, d, đ, e, g và h khoản 1 Điều này thì biên bản này có hiệu lực. Việc bổ sung thêm quy định như trên là cần thiết và hợp lý, điều này sẽ giúp hạn chế được tình trạng một số trường hợp người ghi biên bản hoặc chủ tọa cố tình từ chối ký vào biên bản họp Hội đồng quản trị để nhằm mục đích trục lợi, bảo vệ quyền lợi cá nhân, gây cản trở quyền của các thành viên khác cũng như gây ảnh hưởng đến hoạt động của công ty. Có thể thấy rằng, khi một biên bản họp Hội đồng quản trị thể hiện đầy đủ các nội dung theo quy định và được tất cả thành viên của Hội đồng quản trị tham dự họp ký nhưng lại không thể có hiệu lực do không có chữ ký của chủ tọa hoặc người viết biên bản là điều không công bằng và hợp lý. Ở đây khi tất cả các thành viên dự họp đồng ý, điều này đã thể hiện rõ ý chí của số đông, của tập thể vì vậy không thể vì không có chữ ký của chủ tọa hoặc người ghi biên bản mà biên bản cuộc họp trở nên không có hiệu lực.
Do đó, việc Luật Doanh nghiệp 2020 quy định trong trường chủ tọa, người ghi biên bản từ chối ký thì biên bản họp Hội đồng quản trị vẫn có hiệu lực nếu biên bản này thể hiện đầy đủ được các nội dung theo quy định và được tất cả các thành viên khác dự họp ký tên là điều phù hợp, cần thiết. Đây là một điểm mới và tiến bộ của Luật Doanh nghiệp 2020 trong vấn đề bảo đảm quyền lợi cho số đông và tính hiệu lực của biên bản họp Hội đồng quản trị, từ đó bảo đảm cho các hoạt động của công ty được thông suốt cũng như giúp hạn chế được tình trạng lạm quyền xảy ra trong quá trình quản lý, điều hành, kiểm soát công ty .
Kết luận
Từ những phân tích, đánh giá nêu trên có thể thấy rằng, hiện nay Luật Doanh nghiệp 2020 đã sửa đổi, bổ sung và đưa ra được nhiều quy định mới như đã phân tích để điều chỉnh các vấn đề pháp lý liên quan đến Hội đồng quản trị trong Công ty Cổ phần. Các quy định này được đánh giá là tiến bộ, cần thiết và phù hợp với xu thế chung, cũng như khắc phục được những vấn đề bất cập còn tồn tại trong Luật Doanh nghiệp 2014. Tuy nhiên, để các quy định mới này được áp dụng hiệu quả thì đòi hỏi các cơ quan quản lý nhà nước phải nhanh chóng nghiên cứu, rà soát, xây dựng và sớm ban hành các văn bản hướng dẫn cụ thể về các quy định này để bảo đảm tính khả thi trong quá trình áp dụng vào thực tiễn.
Thạc sĩ TRẦN LINH HUÂN
Khoa Luật Thương mại, Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh
Thông tin cá nhân và tài khoản ngân hàng là bí mật được pháp luật bảo vệ