/ Trợ giúp pháp lý
/ Những điểm mới đối với trường hợp văn bằng bảo hộ bị hủy bỏ

Những điểm mới đối với trường hợp văn bằng bảo hộ bị hủy bỏ

01/07/2022 17:15 |

(LSVN) - Văn bằng bảo hộ được dùng nhằm bảo vệ tác phẩm. Tuy nhiên, khi thuộc trường hợp quy định pháp luật văn bằng bảo hộ có thể bị hủy bỏ. Dưới đây là các trường hợp văn bằng bảo hộ bị hủy bỏ toàn bộ hiệu lực.

Ảnh minh họa.

Trường hợp văn bằng bảo hộ bị hủy bỏ

Theo Điều 96, Luật Sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi bởi Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022 quy định về "Hủy bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ" như sau:

- Trường hợp bị hủy bỏ toàn bộ hiệu lực:

+ Người nộp đơn đăng ký nhãn hiệu với dụng ý xấu; (Điểm mới)

+ Đơn đăng ký sáng chế được nộp trái với quy định về kiểm soát an ninh đối với sáng chế quy định tại Điều 89a Luật Sở hữu trí tuệ; (Điểm mới)

+ Đơn đăng ký sáng chế đối với sáng chế được trực tiếp tạo ra dựa trên nguồn gen hoặc tri thức truyền thống về nguồn gen nhưng không bộc lộ hoặc bộc lộ không chính xác về nguồn gốc của nguồn gen hoặc tri thức truyền thống về nguồn gen có trong đơn đó. (Điểm mới)

- Trường hợp bị hủy bỏ toàn bộ hoặc một phần hiệu lực:

Văn bằng bảo hộ bị hủy bỏ toàn bộ hoặc một phần hiệu lực nếu toàn bộ hoặc một phần văn bằng bảo hộ đó không đáp ứng quy định Luật Sở hữu trí tuệ về quyền đăng ký, điều kiện bảo hộ, sửa đổi, bổ sung đơn, bộc lộ sáng chế, nguyên tắc nộp đơn đầu tiên trong các trường hợp sau đây:

+ Người nộp đơn đăng ký không có quyền đăng ký và không được người có quyền đăng ký chuyển nhượng quyền đăng ký đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, nhãn hiệu;

Đối chiếu với quy định hiện hành tại Luật Sở hữu trí tuệ 2005, thì Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022 đã thêm quy định trường hợp nêu trên có thể bị hủy bỏ một phần hiệu lực

+ Đối tượng sở hữu công nghiệp không đáp ứng các điều kiện bảo hộ quy định tại Điều 8 và Chương VII Luật Sở hữu trí tuệ;

So với hiện hành thì Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022 đã thêm quy định trường hợp nêu trên có thể bị hủy bỏ một phần hiệu lực.

+ Việc sửa đổi, bổ sung đơn đăng ký sở hữu công nghiệp làm mở rộng phạm vi đối tượng đã bộc lộ hoặc nêu trong đơn hoặc làm thay đổi bản chất của đối tượng yêu cầu đăng ký nêu trong đơn; (Điểm mới)

+ Sáng chế không được bộc lộ đầy đủ và rõ ràng đến mức căn cứ vào đó người có hiểu biết trung bình về lĩnh vực kỹ thuật tương ứng có thể thực hiện được sáng chế đó; (Điểm mới)

+ Sáng chế được cấp văn bằng bảo hộ vượt quá phạm vi bộc lộ trong bản mô tả ban đầu của đơn đăng ký sáng chế; (Điểm mới)

+ Sáng chế không đáp ứng nguyên tắc nộp đơn đầu tiên quy định tại Điều 90 Luật Sở hữu trí tuệ. (Điểm mới)

Hệ quả của việc hủy bỏ văn bằng bảo hộ

Văn bằng bảo hộ bị hủy bỏ toàn bộ hoặc một phần hiệu lực theo quy định nêu trên thì toàn bộ hoặc một phần bị hủy bỏ của văn bằng bảo hộ đó không phát sinh hiệu lực kể từ thời điểm cấp văn bằng.

Quyền yêu cầu hủy bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ

Tổ chức, cá nhân có quyền yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp hủy bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ trong các trường hợp quy định nêu trên với điều kiện phải nộp phí, lệ phí. 

Căn cứ kết quả xem xét đơn yêu cầu hủy bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ và ý kiến của các bên liên quan, cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp quyết định hủy bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ hoặc thông báo từ chối hủy bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ.

Thời hiệu yêu cầu hủy bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ

Thời hiệu thực hiện quyền yêu cầu hủy bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ là suốt thời hạn bảo hộ.

Trừ trường hợp yêu cầu hủy bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ đối với nhãn hiệu vì lý do quy định tại khoản 2 Điều 96 Luật Sở hữu trí tuệ thì thời hiệu là năm năm kể từ ngày cấp văn bằng bảo hộ hoặc từ ngày đăng ký quốc tế nhãn hiệu có hiệu lực tại Việt Nam.

Lưu ý, quy định nêu trên cũng được áp dụng đối với việc hủy bỏ hiệu lực đăng ký quốc tế đối với nhãn hiệu và kiểu dáng công nghiệp.

VŨ TRẦN

Các mức độ cung cấp dịch vụ công trực tuyến

Admin