Ngày 25/6/2015, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân (Luật Bầu cử 2015). Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/09/2015 cho đến nay. Luật gồm 10 chương, 98 điều, quy định về: nguyên tắc bầu cử; tuổi bầu cử; tuổi ứng cử; tiêu chuẩn của người ứng cử; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong công tác bầu cử; dự kiến cơ cấu, thành phần và phân bố đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND; đơn vị bầu cử và khu vực bỏ phiếu; Hội đồng bầu cử quốc gia và các tổ chức phụ trách bầu cử địa phương; danh sách cử tri; ứng cử và hiệp thương, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND; danh sách người ứng cử; tuyên truyền, vận động bầu cử; nguyên tắc, trình tự bỏ phiếu; việc kiểm phiếu, kết quả bầu cử ở đơn vị bầu cử, bầu cử thêm, bầu cử lại, bầu bổ sung, tổng kết bầu cử; xử lý vi phạm về bầu cử…
Xuất phát từ những quy định trong Hiến pháp và tính chất đặc biệt của cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND, Luật Bầu cử 2015 đã luật định 4 nguyên tắc bầu cử: Phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín. Bốn nguyên tắc này được hầu hết các quốc gia trên thế giới áp dụng và được coi là phương thức bầu cử tiến bộ nhất hiện nay.
Bầu cử lần này, về trình tự thủ tục trong quy trình bầu cử không có sự thay đổi nhiều vì áp dụng Luật Bầu cử 2015 và hướng dẫn đã có trước đây, song cũng có những điểm mới mà người thực hiện công tác bầu cử và cử tri cần phải biết. Trong những năm qua, Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức chính quyền địa phương và Bộ luật Lao động có sửa đổi, bổ sung nên cũng có tác động đến công tác bầu cử. Do đó, các văn bản hướng dẫn của các cơ quan Đảng, Nhà nước cũng có nhiều điểm mới để phù hợp với quy định của các luật mới sửa đổi, là cơ sở để các cơ quan, tổ chức triển khai áp dụng thực hiện.
Thứ nhất, về điều kiện quốc tịch khi tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND
Khi thực hiện Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi, bổ sung 2020); Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi, bổ sung 2019) thì người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND phải bảo đảm tiêu chuẩn chỉ có 01 quốc tịch Việt Nam.
Thứ hai, về số lượng, cơ cấu đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND
Thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương XII về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và Luật Tổ chức Quốc hội; Luật Tổ chức chính quyền địa phương thì số lượng, cơ cấu đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021- 2026 có sự thay đổi so với các nhiệm kỳ trước.
- Về số lượng đại biểu HĐND giảm đều ở từng cấp tùy thuộc vào số dân và loại hình đơn vị hành chính là đồng bằng, miền núi, vùng cao, hải đảo. Số lượng đại biểu HĐND cấp xã giảm 4 đến 6 đại biểu; Số lượng đại biểu HĐND giảm 5 đại biểu; Số lượng đại biểu HĐND cấp tỉnh giảm 10 đại biểu. Số lượng đại biểu HĐND thành phố Hà Nội và Hồ Chí Minh giảm 10 đại biểu (từ 105 xuống còn 95 đại biểu).
- Về cơ cấu của đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND, số lượng đại biểu Quốc hội được bầu được ấn định là 500 đại biểu (bằng số đại biểu Quốc hội khóa XIV), nhưng cơ cấu đại biểu chuyên trách sẽ tăng 5% so với nhiệm kỳ trước.
- Cơ cấu của Thường trực HĐND, số lượng đại biểu HĐND chuyên trách có sự thay đổi ở tất cả các cấp theo hướng giảm số lượng đại biểu trong cơ cấu.
Thứ ba, việc xác định độ tuổi theo Bộ luật Lao động năm 2019
Bộ luật Lao động năm 2019 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021. Trong đó có quy định về tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035. Do đó, việc chuẩn bị nhân sự đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND cũng có thay đổi để phù hợp với quy định của Bộ luật Lao động.
- Việc tính tuổi được áp dụng đối với đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND là cán bộ, công chức, viên chức. Cán bộ, công chức, viên chức lần đầu tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND phải đủ tuổi tham gia 02 khóa Quốc hội, HĐND trở lên hoặc ít nhất trọn một khóa (nam sinh từ tháng 02/1966, nữ sinh từ tháng 01/1971 trở lại đây). Đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND tái cử phải còn đủ tuổi công tác ít nhất là 1/2 nhiệm kỳ trở lên tính đến tháng 5/2021 (nam sinh từ tháng 8/1963, nữ sinh từ tháng 7/1968 trở lại đây).
- Những người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND trong lực lượng vũ trang thực hiện theo độ tuổi quy định tại Luật sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam và Luật Công an nhân dân.
- Đối với trường hợp tuổi ứng cử cao hơn, như ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo các hội theo Kết luận số 58-KL/TW ngày 12/9/2019 của Ban Bí thư do cấp có thẩm quyền quản lý cán bộ xem xét, quyết định.
Thứ tư, về hoạt động triển khai công tác bầu cử
Do tình hình dịch bệnh Covid-19, nên ngay từ giữa năm 2019, chúng ta đã có Đề án phương hướng bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Đề án này đã được Hội nghị 12, BCHTW thông qua. Đây là cơ sở để Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 45-CT/TW ngày 20/6/2020 và Thông báo 174-TB/TW ngày 08/6/2020 của Bộ Chính trị về phương hướng bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV đã ban hành Nghị quyết thành lập Hội đồng bầu cử quốc gia và nhân sự Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Ủy viên Hội đồng bầu cử Quốc gia. Từ đây, các công tác tham mưu, chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND sớm hơn so với các kỳ bầu cử trước. Đồng thời các tiểu ban chuyên môn, bộ máy tham mưu của đã được kiện toàn. Các hoạt động này đã tạo sự chủ động trong việc lãnh đạo, chỉ đạo và bảo đảm các điều kiện cở vật chất cho cuộc bầu cử năm 2021.
Để thực hiện quyền dân chủ của nhân dân, ngoài Luật Bầu cử hiện hành, chúng ta còn có 25 văn bản hướng dẫn bầu cử của: BCH Trung ương; Quốc hội; Bộ Thông tin và Truyền thông; Bộ Tài chính; Ủy ban kiểm tra Trung ương; Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Bộ Nội vụ; Thủ tướng Chính phủ; Nghị quyết liên tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội - Chính phủ - Mặt trận tổ quốc Việt Nam; Hội đồng bầu cử Quốc hội; Hội đồng bầu cử Quốc gia; Ban Tổ chức Trung ương; Ủy ban Trung ương, Mặt trận tổ quốc Việt Nam; Ban Tuyên giáo TW... hướng dẫn thực hiện. Như vậy, mọi quy định của pháp luật về bầu cử đã tạo ra những cơ chế rộng rãi nhất, thuận lợi nhất, dân chủ nhất để người dân phát huy tối đa quyền làm chủ của mình.
Theo thông báo của Hội đồng Bầu cử quốc gia với giới truyền thông về danh sách chính thức 868 người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV ở 184 đơn vị bầu cử để bầu ra 500 đại biểu Quốc hội. Trong đó có 393 ứng viên nữ (chiếm 45,28%, tăng 6,31%) so với khóa XIV. Về trình độ chuyên môn, có 564 người trên đại học (gần 65%); trình độ đại học 294 người (gần 34%). Trong quá trình hiệp thương, các cơ cấu kết hợp đã được cân nhắc kỹ để bảo đảm tính đa dạng, đại diện cho mọi vùng miền, mọi tầng lớp, thành phần xã hội.
Để giảm thiểu các ảnh hưởng, tác động từ nguy cơ dịch bệnh trong trường hợp có lây lan, bùng phát, Hội đồng Bầu cử quốc gia đã có các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo bầu cử trong bối cảnh dịch Covid-19 như: Văn bản số 660/HĐBCQG-VP ngày 06/5/2021 về việc tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo công tác bầu cử; Văn bản số 234/HĐBCQG -TBVBPLTTTT của Hội đồng Bầu cử quốc gia hướng dẫn việc lập danh sách cử tri, phương án thực hiện bỏ phiếu đối với các trường hợp đang cách ly y tế phòng, chống dịch Covid-19 tại các địa phương có dịch bệnh phát sinh; Văn bản số 214/VPHĐBCQG-TT ngày 8/5/2021 về việc rà soát, cập nhật danh sách cử tri, phát thẻ cử tri trong điều kiện phòng, chống dịch Covid-19. Ủy ban Trung ương MTTQ quốc Việt Nam đã ban hành Văn bản số 61/HD-MTTW-BTT ngày 4/5/2021 để hướng dẫn về tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri để vận động bầu cử phù hợp với yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19...
Hiện nay, để bảo đảm phòng, chống dịch bệnh, các tỉnh, thành phố đã thực hiện tạm dừng các hoạt động, loại hình dịch vụ không thiết yếu; các trường đại học, cao đẳng đã chuyển sang học tập theo hình thức trực tuyến, Hội đồng Bầu cử quốc gia đã có hướng dẫn cụ thể để các địa phương thực hiện quyền bầu cử của cử tri đối với người lao động sinh viên, học viên đã trở về địa phương do dịch bệnh. Công tác chuẩn bị các điều kiện, cơ sở vật chất và chuẩn bị các phương án bầu cử trong các tình huống khẩn cấp đã được dự phòng, tạo điều kiện thuận lợi, bảo đảm tất cả cử tri đều có thể thực hiện quyền bầu cử.
Ở các địa phương đã công khai danh sách cử tri, tuyên truyền công tác bầu cử trên nền tảng mạng xã hội zalo; lập sổ phản ánh để người dân có thể ghi kiến nghị đính chính, sửa đổi, bổ sung thông tin trong việc lập và niêm yết danh sách cử tri; tổ chức tiếp xúc cử tri vận động bầu cử đảm bảo dân chủ và điều chỉnh linh hoạt. Trong lúc dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đã tổ chức các hoạt động bằng hình thức trực tuyến và thông qua các phương tiện thông tin đại chúng...
Có thể khẳng định, đến nay cả hệ thống chính trị đã vào cuộc, công tác chuẩn bị đã được hoàn tất, chúng ta quyết tâm tổ chức bảo đảm tiến hành một cách thật sự dân chủ, bình đẳng, đúng pháp luật, an toàn, tiết kiệm để cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 thành công trong mọi hoàn cảnh.
Đối với cử tri, tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND là quyền cơ bản của công dân trong việc xây dựng chính quyền của dân, do dân, vì dân. Thông qua việc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND, người dân thực hiện quyền dân chủ bằng cách lựa chọn những đại biểu xứng đáng vào Quốc hội, HĐND. Vì vậy, việc lựa chọn những người bảo đảm tiêu chuẩn, xứng đáng đại diện cho mình tham gia vào các cơ quan quyền lực nhà nước là yêu cầu và trách nhiệm của mỗi người. Cử tri phải trực tiếp thực hiện quyền và trách nhiệm công dân, không bầu hộ, bầu thay, cần có lựa chọn một cách sáng suốt những chính khách đại diện cho mình.
Sinh thời Bác Hồ đã nói: “Lá phiếu cử tri có một giá trị rất cao quý; nó là một dấu hiệu xác nhận rằng Nhân dân thật sự làm chủ nước nhà”. Hiến pháp năm 2013 cũng đã nêu rõ: “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân,… Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Nhân dân làm chủ, tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về Nhân dân”. Chính vì vậy, đi bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND là dịp để người dân thể hiện quyền làm chủ của mình thông qua lá phiếu bầu, góp phần xây dựng và bảo vệ đất nước.
Đây là sự kiện chính trị quan trọng diễn ra sau thành công của Đại hội XIII của Đảng và cũng ngày hội lớn của toàn dân. Thêm một lần nữa khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại, niềm tin của nhân dân đối với Đảng, để hoàn thành công cuộc đổi mới đem lại ấm no hạnh phúc cho nhân dân, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam.
Luật sư TRẦN VĂN CHƯƠNG