/ Kinh tế - Pháp luật
/ Những doanh nghiệp đầu mối nào chưa gửi thông tin về chi phí nhập xăng dầu?

Những doanh nghiệp đầu mối nào chưa gửi thông tin về chi phí nhập xăng dầu?

01/01/0001 00:00 |

(LSVN) - Theo Bộ Tài chính, đến ngày 02/11 vẫn chưa nhận được báo cáo của các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu về việc báo cáo chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam.

Ảnh minh họa.

Bộ Tài chính nêu rõ, căn cứ quy định tại Nghị định số 95/2021/NĐ-CP ngày 01/11/2021 sửa đổi Nghị định 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu và Thông tư số 104/2021/TT-BTC ngày 18/11/2021 xác định yếu tố cấu thành trong công thức giá cơ sở xăng dầu trên cơ sở đề nghị của Bộ Công Thương tại công văn số 6436/BCT-TTTN, Bộ Tài chính đã có Văn bản số 10856/BTC-QLG ngày 21/10/2022 gửi các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu về việc báo cáo chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam; premium trong nước, chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy lọc dầu về đến cảng và chi phí kinh doanh xăng dầu.

Tuy nhiên cho đến nay, Bộ Tài chính chưa nhận được báo cáo của nhiều đơn vị. Bộ Tài chính cho biết các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu chưa gửi báo cáo chi phí gồm:

- Công ty cổ phần dầu khí Đông Phương;

- Công ty TNHH sản xuất thương mại Hưng Phát;

- Tổng công ty thương mại Sài Gòn - TNHH MTV;

- Công ty cổ phần tập đoàn Thiên Minh Đức;

- Công ty TNHH xăng dầu Tây Nam S.W.P;

- Công ty cổ phần nhiên liệu Phúc Lâm, Công ty TNHH Xăng dầu Giang Nam;

- Công ty TNHH Trung Linh Phát;

- Công ty cổ phần Phúc Lộc Ninh;

- Công ty TNHH Xăng dầu Vĩnh Long Petro.

Để kịp thời tổng hợp, rà soát và đánh giá, Bộ Tài chính đề nghị các đơn vị trên khẩn trương báo cáo các nội dung theo yêu cầu tại Công văn số 10856/BTC-QLG về Bộ Tài chính chậm nhất trong ngày 03/11. 

Bộ Tài chính cũng nhấn mạnh, các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu chịu trách nhiệm về tính chính xác của số liệu báo cáo và chứng từ kèm theo.

Cũng trong ngày 02/11, Bộ Tài chính đã có công văn gửi Bộ Công thương về việc phối hợp cung cấp thông tin. Theo đó, trên cơ sở đề nghị của Bộ Công thương về tiếp tục rà soát và điều chỉnh các khoản chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam, chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức, Bộ Tài chính đã có văn bản gửi Bộ Công thương đề nghị phối hợp cung cấp thêm các thông tin số liệu cụ thể và đánh giá làm rõ mức độ biến động tăng bất thường của các khoản chi phí.

Bộ Tài chính đề nghị Bộ Công thương phối hợp có công văn gửi Bộ Tài chính trước ngày 05/11 để có đủ cơ sở tổng hợp, đánh giá mức độ biến động, có phương án điều chỉnh theo quy định. 

DUY ANH

Luật sư với công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật

Lê Minh Hoàng