Những hạn chế trong giải quyết vụ án hành chính

12/05/2021 16:18 | 2 năm trước

(LSVN) - Thực tế giải quyết án hành chính đặc biệt là các vụ án hành chính về quản lý đất đai cho thấy, người bị kiện là Chủ tịch UBND không tham gia tố tụng nhưng không ủy quyền hoặc ủy quyền chậm. Người bị kiện thường không cung cấp chứng cứ đầy đủ, tài liệu chứng cứ có liên quan đến vụ án theo đúng thời hạn quy định pháp luật. Do đó, Tòa án không đảm bảo về thời hạn giải quyết, chất lượng xét xử vụ án không đảm bảo yêu cầu đề cao tính dân chủ, tranh tụng theo tinh thần cải cách tư pháp.

Luật sư Nguyễn Hồng Hà tại một phiên tòa xét xử một vụ án hành chính.

Năm 2020, toàn tỉnh Khánh Hòa đã giải quyết 78/111 vụ án hành chính, đạt 70,27% (so với cùng kỳ năm trước số vụ án phải giải quyết tăng 01 vụ, tỷ lệ giải quyết vụ án tăng 0,27%). Trong đó, TAND tỉnh Khánh Hòa giải quyết giảm 01 vụ, tỷ lệ giải quyết vụ án tăng 0,66%; các Tòa án cấp huyện giải quyết 6/7 vụ đạt 85,7% (so với cung kỳ năm trước số án phải giải quyết tăng 02 vụ, tỷ lệ giải quyết vụ án giảm 14,3%); còn lại 33 vụ Tòa án hai cấp đang tiếp tục giải quyết. 

Những hạn chế khi tiến hành tố tụng các vụ án hành chính dẫn đến khó khăn kéo dài, cụ thể: Người bị kiện là Chủ tịch UBND không tham gia tố tụng nhưng không ủy quyền hoặc ủy quyền chậm; người bị kiện thường không cung cấp chứng cứ đầy đủ tài liệu chứng cứ có liên quan đến vụ án theo đúng thời hạn quy định pháp luật hoặc có đương sự không cung cấp tài liệu ở giai đoạn xét xử sơ thẩm, mà đợi tới khi xét xử phúc thẩm mới cung cấp, vì vậy bản án sơ thẩm bị hủy, bị sửa do có yếu tố khách quan (trích nội dung đánh giá kết quả án hành chính  của TAND tỉnh Khánh Hòa báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2020 tại Kỳ họp thứ 13 Hội đồng nhân dân tỉnh Khóa VI). Báo cáo  của TAND tỉnh Khánh Hòa đã được thẩm tra tại báo cáo số 40/BC-HĐND ngày 09/4/2021 của Ban pháp chế HĐND tỉnh Khánh Hòa.

Tại khoản 3, Điều 60 Luật Tố tụng hành chính năm 2015 quy định: “Trường hợp người bị kiện là cơ quan, tổ chức hoặc người đứng đầu cơ quan, tổ chức thì người bị kiện chỉ được ủy quyền cho cấp phó của mình đại diện”.

Ngày 31/8/2016, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có Văn bản số 18/UBTVQH14-TP hướng dẫn thực hiện Điều 60 Luật Tố tụng hành chính năm 2015, trong đó có nội dung: “Kể từ ngày 01/7/2016 là ngày Luật Tố tụng hành chính có hiệu lực, thì việc cử người đại diện trong tố tụng hành chính trước Tòa án nhân dân phải theo đúng quy định tại Điều 60 của Luật này”.

Như vậy theo luật, Chủ tịch Ủy ban nhân dân phải thực hiện đúng Luật Tố tụng hành chính, chỉ được ủy quyền cho Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tham gia tố tụng. 

Việc Chủ tịch UBND, UBND các cấp không ủy quyền hoặc người đại diện của người bị kiện không tham gia các phiên đối thoại, các phiên tòa, là vi phạm Điều 55, 57 và khoản 3 Điều 93 Luật Tố tụng hành chính năm 2015, ảnh hưởng lớn đến việc tranh tụng khi xét xử, một nguyên tắc đã được Hiến pháp và luật định. 

Hầu hết các vụ án hành chính, Chủ tịch UBND các cấp vắng mặt, không ủy quyền cho Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân; hoặc nếu có Phó Chủ tịch đươc ủy quyền lại có đơn đề nghị xét xử vắng mặt. Có vụ Chủ tịch UBND tỉnh còn ban công văn hành chính chỉ đạo các bộ các sở ngành đến tham dự phiên họp đối thoại, cung cấp chứng cứ không đúng quy định tại Điều 60 Luật Tố tụng hành chính dẫn đến các phiên họp theo tố tụng hành chính không tiến hành được, gây bức xúc cho người khởi kiện và những người tham gia tố tụng khác.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 158 Luật Tố tụng hành chính năm 2015, thì Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân có quyền làm đơn đề nghị Tòa án xét xử vắng mặt họ. Tuy nhiên, sự vắng mặt của người đại diện của Ủy ban nhân dân Chủ tịch Ủy ban nhân dân  gây bức xúc đối với người khởi kiện, và gây ra những khó khăn, ảnh hưởng đến chất lượng xét xử vụ án không đảm bảo yêu cầu đề cao tính dân chủ, tranh tụng theo tinh thần cải cách tư pháp. Đây là vi phạm phổ biến kéo dài trong quá trình giải quyết án hành chính đến nay vẫn chưa được khắc phục.

Trong khi Luật Tố tụng hành chính 2015 chưa được sửa đổi bổ sung, tôi đề nghị các cơ quan có thẩm quyền kiến nghị Chủ tịch UBND các cấp nghiêm chỉnh chấp hành việc tham gia tố tụng các vụ án hành chính; chỉ đạo các Phó Chủ tịch UBND tỉnh khi được ủy quyền phải tham gia tham gia các phiên đối thoại, các phiên tòa tuân theo Luật Tố tụng hành chính. Có như vậy mới thể hiện sự thượng tôn pháp luật, tôn trọng Tòa án, đảm bảo sự bình đẳng trong tố tụng hành chính.

Luật sư NGUYỄN HỒNG HÀ 
Đoàn Luật sư tỉnh Khánh Hòa

Bảo đảm thực hiện nghĩa vụ bằng tài sản trí tuệ theo Nghị định 21/2021/NĐ-CP