(LSVN) - Đặc điểm chung trong các vụ án hành chính đó là người bị khởi kiện đều là các cơ quan Nhà nước, người có chức vụ quyền hạn trong Bộ máy Nhà nước. Luật sư khi tham gia các vụ án hành chính thường là người đứng ra bảo vệ quyền lợi cho khách hàng là người đi khởi kiện – người có quyền và lợi ích đối lập với các cơ quan Nhà nước (người bị kiện).
Theo quy định của Luật Tố tụng hành chính thì những khiếu kiện hành chính sau đây thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án:
- Khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước từ cấp huyện trở xuống trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Tòa án hoặc của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước đó, trừ quyết định hành chính, hành vi hành chính của Ủy ban nhân dân cấp huyện, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện.
- Khiếu kiện quyết định kỷ luật buộc thôi việc của người đứng đầu cơ quan, tổ chức từ cấp huyện trở xuống trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Tòa án đối với công chức thuộc thẩm quyền quản lý của cơ quan, tổ chức đó.
- Khiếu kiện danh sách cử tri của cơ quan lập danh sách cử tri trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Tòa án.
- Khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Quốc hội, Kiểm toán nhà nước, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và quyết định hành chính, hành vi hành chính của người có thẩm quyền trong cơ quan đó mà người khởi kiện có nơi cư trú, nơi làm việc hoặc trụ sở trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Tòa án; trường hợp người khởi kiện không có nơi cư trú, nơi làm việc hoặc trụ sở trên lãnh thổ Việt Nam thì thẩm quyền giải quyết thuộc Tòa án nơi cơ quan, người có thẩm quyền ra quyết định hành chính, có hành vi hành chính.
- Khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan thuộc một trong các cơ quan nhà nước quy định tại khoản 1 Điều này và quyết định hành chính, hành vi hành chính của người có thẩm quyền trong cơ quan đó mà người khởi kiện có nơi cư trú, nơi làm việc hoặc trụ sở trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Tòa án; trường hợp người khởi kiện không có nơi cư trú, nơi làm việc hoặc trụ sở trên lãnh thổ Việt Nam thì thẩm quyền giải quyết thuộc Tòa án nơi cơ quan, người có thẩm quyền ra quyết định hành chính, có hành vi hành chính.
- Khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan nhà nước cấp tỉnh trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Tòa án và của người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước đó.
- Khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của Ủy ban nhân dân cấp huyện, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Tòa án.
- Khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan đại diện của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài hoặc của người có thẩm quyền trong cơ quan đó mà người khởi kiện có nơi cư trú trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Tòa án; trường hợp người khởi kiện không có nơi cư trú tại Việt Nam thì Tòa án có thẩm quyền là Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội hoặc Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh.
- Khiếu kiện quyết định kỷ luật buộc thôi việc của người đứng đầu cơ quan, tổ chức cấp tỉnh, bộ, ngành trung ương mà người khởi kiện có nơi làm việc khi bị kỷ luật trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Tòa án.
- Khiếu kiện quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh mà người khởi kiện có nơi cư trú, nơi làm việc hoặc trụ sở trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Tòa án.
Trường hợp cần thiết, Tòa án cấp tỉnh có thể lấy lên giải quyết vụ án hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án cấp huyện theo quy định tại Điều 31 của Luật này.
Trong thực tế hành nghề cho thấy, các vụ án hành chính được đưa ra Toà án giải quyết chủ yếu liên quan đến các yêu cầu Toà án tuyên huỷ quyết định cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của Cơ quan hành chính Nhà nước cấp huyện và cấp tỉnh (Uỷ ban nhân dân).
Nguyên nhân và căn cứ khởi kiện yêu cầu huỷ các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) nêu trên chủ yếu là do quá trình, quy trình cấp sổ đỏ không đúng trình tự thủ tục pháp luật quy định. Nguyên nhân có thể là do tại thời điểm kê khai xin cấp sổ đỏ tại xã phường, người dân kê khai không trung thực, không đúng diện tích, nguồn gốc thửa đất; hoặc do quá trình thực hiện thủ tục chuyển nhượng sang tên không đúng quy định của pháp luật (không có hợp đồng chuyển nhượng, hợp đồng chuyển nhượng không được công chứng/chứng thực hợp pháp…).
Đặc điểm chung trong các vụ án hành chính đó là người bị khởi kiện đều là các cơ quan Nhà nước, người có chức vụ quyền hạn trong Bộ máy Nhà nước. Luật sư khi tham gia các vụ án hành chính thường là người đứng ra bảo vệ quyền lợi cho khách hàng là người đi khởi kiện – người có quyền và lợi ích đối lập với các cơ quan Nhà nước (người bị kiện).
Trong khi đó, Tòa án giải quyết vụ án thường chính là Toà đặt trụ sở tại đại phương đó, đồng thời chịu sự quản lý hành chính của chính quyền địa phương, nên khi giải quyết các vụ án hành chính thì ít nhiều cũng chịu sự tác động của chính quyền sở tại, vai trò tranh tụng của Luật sư trong các vụ án này cũng ít nhiều bị ảnh hưởng, đặc biệt là các Luật sư, tổ chức hành nghề Luật sư có trụ sở hoạt động tại địa phương nơi mà các cơ quan hành chính ở địa phương đó đang bị kiện trong vụ án hành chính mà Luật sư/tổ chức hành nghề Luật sư đó tham gia.
Vì vậy, có thể dễ dàng nhận thấy, đa phần các vụ án hành chính ở các tỉnh, người dân đều tìm đến các Luật sư ở Hà Nội hoặc các tỉnh khác để tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình.
Luật sư LÊ HỒNG HIỂN Hãng Luật Lê Hồng Hiển và Cộng sự |