/ Pháp luật - Đời sống
/ Những khó khăn, vướng mắc trong công tác thi hành án hành chính và kiến nghị, đề xuất

Những khó khăn, vướng mắc trong công tác thi hành án hành chính và kiến nghị, đề xuất

30/04/2024 06:01 |

(LSVN) - Thi hành án hành chính (THAHC) là giai đoạn xuất hiện sau khi bản án, quyết định giải quyết vụ án hành chính của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, là tổng thể các hoạt động nhằm mục đích là làm cho bản án, quyết định của Tòa án được thực hiện nghiêm chỉnh trong thực tế.

Ảnh minh họa.

THAHC có ý nghĩa vô cùng quan trọng, bản án, quyết định của Tòa án chỉ thực sự có giá trị khi được thi hành trên thực tế nhằm bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân và Nhà nước, góp phần giữ vững ổn định chính trị - xã hội, tăng cường hiệu lực, hiệu quả của bộ máy Nhà nước. Bên cạnh đó, THAHC còn có tác dụng quan trọng trong việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho người dân, nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, tạo niềm tin của của người dân vào tính nghiêm minh của pháp luật, củng cố quyền lực Nhà nước.

Thời gian qua, cấp ủy, chính quyền các cấp ở nhiều địa phương đã quan tâm, chỉ đạo quyết liệt đối với công tác THAHC trên địa bàn với việc ban hành các văn bản chỉ đạo, quán triệt, triển khai thực hiện; công tác kiểm tra, đôn đốc việc chấp hành pháp luật tố tụng hành chính (TTHC), THAHC được triển khai thực hiện thường xuyên, có trọng tâm, trọng điểm; công tác thống kê, báo cáo về kết quả THAHC, công tác theo dõi THAHC của Hệ thống THADS đã được triển khai, từng bước đi vào nền nếp. Chủ tịch UBND các cấp trên địa bàn tỉnh thườg xuyên đôn đốc, chỉ đạo, kiểm tra đối với các bản án hành chính trên địa bàn chưa thi hành xong. Kết quả THAHC theo đó đã có những chuyển biến tích cực, qua đó góp phần bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của tô chức, cá nhân, công dân, bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật và tăng cường kỷ luật, kỷ cương công vụ trong bộ máy hành chính Nhà nước.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được thì vẫn còn những tồn tại, hạn chế, cụ thể như sau:

Thứ nhất, một số bản án, quyết định của Tòa án tuyên hủy một phần diện tích đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tuy nhiên, hiện nay quy định của pháp luật về đất đai không có quy định, hướng dẫn việc hủy một phần Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp dẫn đến khó khăn trong việc thực hiện. Mặt khác, người sử dụng đất có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất bị tuyên hủy không phối hợp giao nộp và lập thủ tục cấp lại đối với phần diện tích còn lại dẫn đến cơ quan chuyên môn không có cơ sở để hoàn thiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo đúng quy định.

Thứ hai, điểm d khoản 2 Điều 106 Luật Đất đai 2013 quy định: “d) Giấy chứng nhận đã cấp không đúng thẩm quyền, không đúng đối tượng sử dụng đất, không đúng diện tích đất, không đủ điều kiện được cấp, không đúng mục đích sử dụng đất hoặc thời hạn sử dụng đất hoặc nguồn gốc sử dụng đất theo quy định của pháp luật đất đai, trừ trường hợp người được cấp Giấy chứng nhận đó đã thực hiện chuyển quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất theo quy định của pháp luật đất đai”. Như vậy, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp không đúng quy định nhưng người sử dụng đất đã thực hiện chuyển quyền theo quy định thì Nhà nước không thu hồi. Tuy nhiên, tại các bản án, Tòa án vẫn tuyên hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp dù Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã được chuyển quyền cho chủ thể mới và đã được giải quyết theo quy định là chưa phù hợp, dẫn đễn phát sinh khiếu kiện kéo dài, ảnh hưởng đến quyền lợi của người nhận chuyển quyền vì không liên quan đến sự việc.

Thứ ba, việc Sở Tài nguyên và Môi trường, Văn phòng Đăng ký đất đai cấp đổi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên cơ sở Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do Ủy ban nhân dân cấp huyện đã cấp lần đầu, không làm thay đổi hình thể, diện tích, vị trí thửa đất và được thực hiện đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, khi phát sinh khiếu kiện có liên quan đến việc tranh chấp đất đai thì Sở Tài nguyên và Môi trường, Văn phòng Đăng ký đất đai được xác định là người bị kiện và phải chịu trách nhiệm nộp các khoản án phí và chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ là không phù hợp, làm ảnh hưởng đến tâm lý của viên chức, người lao động trong thực hiện nhiệm vụ được giao.

Thứ tư, Sở Tài nguyên và Môi trường là cơ quan tham mưu quản lý Nhà nước, Văn phòng Đăng ký đất đai là đơn vị sự nghiệp công lập được Nhà nước đảm bảo một phần chi thường xuyên nên việc sử dụng các nguồn kinh phí được thực hiện theo quy định của pháp luật về tài chính. Qua nghiên cứu, không có quy định hướng dẫn sử dụng kinh phí để thực hiện việc nộp án phí và chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ, do đó Sở Tài nguyên và Môi trường, Văn phòng Đăng ký đất đai khó khăn trong việc xác định nguồn kinh phí để thực hiện việc nộp án phí và chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ để đảm bảo việc thi hành án.

Từ những khó khăn, vướng mắc nêu trên, trong thời gian tới, cần thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các nội dung sau:

Một là, tiếp tục chỉ đạo việc phổ biến, quán triệt và triển khai thực hiện hiệu quả Luật TTHC năm 2015; Nghị định số 71/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ quy định thời hạn, trình tự, thủ tục thi hành án hành chính và xử lý trách nhiệm đối với người không thi hành bản án, quyết định của Tòa án và Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 15/11/2019 của Thủ tướng Chính phủ nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan hành chính Nhà nước, các cơ quan, tổ chức khác ở địa phương trong việc ban hành quyết định hành chính và thực hiện hành vi hành chính, hạn chế đến mức thấp nhất các vụ việc hành chính có thể bị khởi kiện ra Tòa án.

Hai là, thường xuyên hướng dẫn công tác phối hợp giữa cơ quan Thi hành án dân sự với các cấp, các ngành trong công tác THAHC như phối hợp chuyển giao kịp thời, đầy đủ bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính để theo dõi; thực hiện nghiêm túc chế độ thông tin, báo cáo về công tác thi hành án hành chính định kỳ, đột xuất theo yêu cầu.

Ba là, tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc việc chấp hành bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính; đồng thời, kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của cá nhân, tổ chức có vi phạm trong công tác THAHC (nếu có). Thường xuyên hướng dẫn nghiệp vụ và tổ chức tập huấn, bồi dưỡng chuyên sâu kỹ năng, nghiệp vụ về công tác THAHC.

Bốn là, đề nghị Tòa án nhân nhân dân tối cao chỉ đạo Tòa án nhân dân các cấp khi ban hành bản án, quyết định về vụ án hành chính có văn bản gửi về Sở Tư pháp để kịp thời báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh để chỉ đạo theo dõi, kiểm tra, đôn đốc cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc chấp hành bản án, quyết định của Tòa án về THAHC.

Năm là, kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền quy định, hướng dẫn cụ thể đối với trường hợp Tòa án tuyên hủy một phần Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp; việc cấp lại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khi người sử dụng đất có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất bị tuyên hủy không phối hợp giao nộp và lập các thủ tục về đất đai theo quy định. Đối với các vụ án hành chính về hủy quyết định hành chính là Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì cần xem xét lại việc xác định cơ quan, đơn vị để xảy ra sai sót từ đó xác định chính xác đối tượng bị khởi kiện và phải chịu án phí, chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ. Không để tình trạng cơ quan trước cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sai, cơ quan sau cấp đổi lại đúng theo thẩm quyền, theo quy định nhưng phải chịu trách nhiệm, còn cơ quan thực tế cấp sai lại không phải chịu trách nhiệm là không phù hợp.

Sáu là, đề nghị cơ quan có thẩm quyền quy định nguồn kinh phí được sử dụng để nộp án phí và chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ đối với cơ quan quản lý Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập; làm rõ cơ sở pháp lý để Tòa án xác định chi phí thẩm định tại chỗ mà người thua kiện phải nộp; xem xét lại việc Tòa án tuyên hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp khi người sử dụng đất đã thực hiện chuyển quyền và đã được cơ quan Nhà nước giải quyết theo quy định cho phù hợp, thống nhất với quy định tại Điều 106 Luật Đất đai năm 2013.

Luật gia ĐỖ VĂN NHÂN

Sở Tư pháp tỉnh Kon Tum

Các điều kiện đối với cá nhân kinh doanh bất động sản quy mô nhỏ theo quy định của Luật Kinh doanh bất động sản năm 2023

Nguyễn Hoàng Lâm